Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

10 câu hỏi Nga muốn Mỹ và Ukraine trả lời

Cập nhật lúc 09:25                 
(Petrotimes) Trong cuộc họp báo ngày 21/7 của Bộ Quốc phòng Nga, Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng Tham mưu Nga, Trung tướng Andrei Kartapolov đã công bố các số liệu giám sát quân sự, trong đó cho thấy máy bay phản lực quân sự Su-25 của Kiev đã theo dõi máy bay MH17 ngay trước khi xảy ra tai nạn vào ngày 17-7. Từ đây, Moskva đặt ra một loạt câu hỏi với Ukraine và Mỹ trong thảm kịch giết chết gần 300 sinh mạng này.


Họp báo Bộ Quốc phòng Nga ngày 21/7 về vụ tai nạn máy bay MH17
1 - Tại sao máy bay MH17 trệch khỏi hành lang bay quốc tế?
Cuối tuần trước, tại một cuộc họp báo ở Amsterdam, Phó chủ tịch Malaysia Airlines, ông Kheybat Gorter cho biết, trên khu vực xung đột ở miền Đông Ukraine, máy bay bay ở độ cao thấp hơn so với yêu cầu trong kế hoạch bay. Hơn nữa, điều này được thực hiện theo yêu cầu của kiểm soát không lưu Ukraine.
Theo ông Gorter, máy bay dự kiến bay ở độ cao 10,66km, song phi công đã hạ độ cao theo yêu cầu của kiểm soát không lưu xuống 10,05km.
Tuy nhiên, theo dữ liệu của Bộ Quốc phòng Nga, chiếc Boeing đã ở trong hành lang bay cho đến khi tới không phận Donetsk. Từ đây, máy bay bay trệch hành trình với độ lệch tối đa là 14km về phía Bắc.
2 - Việc MH17 bay trệch hành trình có phải là do tuân theo yêu cầu của kiểm soát không lưu Ukraina tại Dnepropetrovsk?
Độ lệch tối đa so với ranh giới phía bắc của hành lang bay là 14km. Máy bay lúc đó đang cố gắng trở lại hành lang bay nhưng không kịp. Lúc 17 giờ 20 phút, MH17 bắt đầu mất tốc độ và đến 17 giờ 23 phút, chiếc máy bay của Malaysia Airlines đã biến mất khỏi tầm kiểm soát của radar Nga.
3- Tại sao quân đội chính phủ Ukraina lại triển khai một loạt hệ thống phòng không đến khu vực chiến sự trong khi lực lượng ly khai ở đây không có máy bay?
Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng Tham mưu Nga, Trung tướng Andrei Kartapolov khẳng định: “Theo như chúng tôi biết, quân đội Ukraina đã triển khai 3 đến 4 tiểu đoàn phòng không trang bị hệ thống BUK-M1 SAM đến vùng lân cận Donetsk vào ngày xảy ra tai nạn. Hệ thống này có khả năng đánh trúng mục tiêu trong phạm vi bán kính 35km và độ cao lên tới 22km”.


Hình ảnh do Bộ Quốc phòng Nga công bố về vị trí của hệ thống phòng không BUK bên phía quân đội Ukraine bố trí ở Donetsk ngày 14/7...
4- Tại sao Kiev lại triển khai hệ thống tên lửa BUK gần vùng do quân ly khai kiểm soát?
Những bằng chứng hình ảnh của Nga cho thấy tên lửa phòng không BUK của Ukraine đã xuất hiện ở khu vực cách Lugansk (gần vùng do phe ly khai kiểm soát) khoảng 8 km về phía tây bắc vào ngày 14/7. Trong ảnh còn có thể thấy rõ xe tự hành và hai bệ phóng tên lửa. Nhưng đến ngày 17/7, không còn thấy hệ thống này ở đây nữa.


Tuy nhiên, không còn thấy khẩu đội tên lửa BUK ở khu vực trên vào ngày 17/7 nữa
5- Tại sao vào ngày xảy ra vụ tai nạn, Kiev đã đột nhiên tăng tần suất hoạt động của các trạm radar Kupol-M1 9S18 - một phần của hệ thống tên lửa BUK trong khu vực?
Từ ngày 17/7, tần suất hoạt động của các trạm radar Ukraine tăng đến mức tối đa. Trong đó, có 7 trạm radar hoạt động gần vùng hiện trường vào ngày 15/7, rồi 8 trạm hoạt động ngày 16/7 và 9 trạm hoạt động trong ngày xảy ra vụ MH17 bị bắn rơi. Qua ngày 18/7, tần suất hoạt động radar giảm đột biến, chỉ có 4 trạm hoạt động và chỉ còn 2 trạm hoạt động ngày 19/7. Nguyên do của sự bất thường này là gì?
6- Tại sao lại xuất hiện một chiếc máy bay quân sự trên tuyến đường dành cho các chuyến bay dân sự?
Vào hôm 17/7, có 3 máy bay dân sự đang thực hiện các chuyến bay thường xuyên của họ. Một chuyến từ Copenhagen đến Singapore lúc 17 giờ 17 phút, một chuyến bay từ Paris đến Đài Bắc lúc 17 giờ 24 phút và sau đó là chuyến bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur – chuyến bay MH17.


Đồ họa về các chuyến bay bay qua khu vực MH17 gặp nạn ngày 17/7. Máy bay được khoanh tròn màu đen là chiếc MH17
Ngoài ra, hệ thống giám sát của Nga đã phát hiện có một máy bay phản lực của Không quân Ukraina, có thể là chiếc Su-25, đã theo dõi và áp sát chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines.
Chiếc máy bay Su-25 bay cách máy bay của Malaysia khoảng 3-5km. Chiếc chiến đấu cơ này có thể nhanh chóng đạt đến cao độ 10.000m – độ cao mà chiếc MH17 bị bắn rơi, trong khoảng thời gian ngắn. Trang bị vũ khí tiêu chuẩn của Su-25 bao gồm tên lửa đất đối không R60, có khả năng khóa và diệt mục tiêu cách nó từ 5-12km.
7- Tại sao một máy bay quân sự lại bay ở gần và gần như cùng thời gian và cùng độ cao với một máy bay chở khách?
Đằng sau sự trùng hợp này là gì? Và tại sao trước đó, các quan chức Ukraina lại tuyên bố rằng ở khu vực xảy ra tai nạn, không có máy bay quân sự?
8 - Các bệ phóng tên lửa BUK xuất hiện trong các video mà truyền thông phương Tây đăng tải với cáo buộc chúng đã được vận chuyển bất hợp pháp từ Ukraina đến Nga là ở đâu?
Tính tin cậy của video này đáng được đặt dấu hỏi khi nó được thực hiện trên vùng đất thuộc kiểm soát của chính quyền Kiev, ở thị trấn Krasnoarmeisk. Bằng chứng là trong một cảnh quay có nền là biển quảng cáo một đại lý xe hơi tại số 34 đường Dnepropetrovsk.


Ảnh chụp từ video do truyền thông phương Tây đăng tải
9 – Những bệ phóng tên lửa đó bây giờ ở đâu? Tại sao lại thiếu một tên lửa trên bệ phóng? Lần cuối tên lửa được bắn ra từ các bệ phóng này là khi nào?
Ảnh chụp màn hình từ video được đăng trên tài khoản của Bộ Nội vụ Ukraina cho thấy, một hệ thống BUK được cho là đang được di chuyển từ Ukraina đến Nga với 2 trong số 3 tên lửa. Vậy 1 tên lửa nữa ở đâu?
10- Tại sao các quan chức Mỹ không công khai các bằng chứng để xác minh rằng, MH17 đã bị một tên lửa do lực lượng ly khai miền Đông Ukraina bắn rơi?
Các quan chức Mỹ tuyên bố họ có hình ảnh vệ tinh chứng minh chiếc máy bay của Malaysia đã bị lực lượng ly khai bắn rơi bằng tên lửa. Nhưng cho đến nay, chưa có ai được tận mắt nhìn thấy những bức ảnh này.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, một vệ tinh Mỹ đã bay qua phía đông nam Ukraina từ lúc 17 giờ 06 phút đến 17 giờ 21 phút ngày 17/7 (theo giờ Moskva).
“Vệ tinh này là một phần của hệ thống thử nghiệm được thiết kế để theo dõi và giám sát các vụ phóng tên lửa trong các phạm vi khác nhau. Nếu các đồng nhiệp Mỹ của chúng tôi có hình ảnh từ vệ tinh này, họ nên công bố chúng cho cộng đồng quốc tế thấy để kiểm tra nó một cách chi tiết. Đây có thể là một sự trùng hợp, nhưng rõ ràng, vệ tinh Mỹ đã bay qua Ukraine cùng thời điểm chính xác máy bay MH17 bị rơi”, Trung tướng Andrei Kartapolov nhấn mạnh.
(Theo Petrotimes) Linh Phương

Có lẽ thông tin về âm mưu bắn hạ chuyên cơ của tổng thống Nga Putin từ Nam Mỹ dự hội nghị trở về (cùng đường bay với MH17 nhưng lệch gần 1 giờ bay) là có cơ sở. Nếu đúng vậy, trường hợp chuyên cơ Nga bị bắn hạ thì một mũi tên đã trúng 2 đích (ám sát được vị tổng thống mà Mỹ và Ucraine ghét nhất, đổ tội cho quân li khai)?! Rất có thể đây là một vụ bắn nhầm. Liệu Mỹ và Ucraine có trả lời được 10 câu hỏi trên của Nga?
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét