Liệu cuộc chiến
chống tham nhũng có đi quá đà
Cập nhật lúc 13:37
Thông báo ngày
25/7/2014 của Tổng Cục trưởng chống tham ô hối lộ Viện kiểm sát
nhân dân tối cao Trung Quốc Từ Tiến Huy cho thấy cuộc chiến chống
tham nhũng ở Trung Quốc đang đi vào giai đoạn quyết liệt, thậm chí
có dư luận cho rằng ông Tập Cận Bình đang đi quá đà.
Ngày 25/7/2014, Thông báo về tình
hình chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2014, Ông Từ Tiến Huy, Tổng
cục trưởng chống tham ô hối lội Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung
Quốc cho biết, cơ quan Viện kiển sát các cấp đã lập án đối với
19.081 vụ liên quan tới 25.240 cán bộ, công chức, trong đó có
1.676 cán bộ từ cấp huyện, cấp phòng trở lên, có 182 cán bộ Giám
đốc Sở tỉnh thành. Trong số các vụ án trên có 15.999 vụ tham ô,
lạm dụng công quỹ từ 50.000 Nhân dân tệ trở lên, đã lập án xét xử
và xử lý tới 83,8%, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong số trên 25.000 cán bộ, công
chức có 6.343 cán bộ lãnh đạo thuộc cơ quan nhà nước liên quan tới
vụ án lớn, án nghiêm trọng tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài
các vụ án tham nhũng trên, cơ quan Viện kiểm sát các cấp cũng lập
353 vụ án với 503 cán bộ lãnh đạo, nhân viên về tội lơ là chức
trách, gây tổn thất cho nhà nước. Truy nã và bắt 320 can phạm sau
khi gây án tẩu thoát ra nước ngoài và trốn chạy ẩn nấp ở trong
nước.
Từ Tiến Huy cũng cho biết Viện
kiểm sát sẽ thành lập Tổ chỉ đạo phối hợp công tác truy nã những
cán bộ gây án chạy ra nước ngoài và tịch thu toàn bộ tài sản của
họ gửi, tàng trữ ở nước ngoài.
Mạng tin của Viện kiểm sát ngày
25/7/2014 dẫn phát biểu của ông Tập Cận Bình nói: “Tham nhũng gây
nguy hại tới sự sống còn của Đảng và Nhà nước, chúng ta phải
quyết tâm triệt bỏ, phải vừa đập lũ ruồi nhặng vừa đánh cả con
hổ lớn tham nhũng”. Ông Vương Kỳ Sơn, người trực tiếp chỉ huy chiến
dịch này nói “Không để sót một người nào có vấn đề, không để cho
kẻ tham nhũng có đất nương thân”.
Mạng tin cho biết Đợt 1 thanh tra,
kiểm tra, rà soát đối với một nửa trong tổng số 31 tỉnh, thành và
đã kết thúc vào tháng 9/2013. Ngày 16/7/2014, Ủy ban kiểm tra kỉ
luật Trung ương quyết định tiếp tục tiến hành đợt 2 thanh tra, kiểm
tra, rà soát đối với 10 tỉnh mà trọng điểm trong các lĩnh
vực như tài nguyên môi trường, vấn đề đất đai, nhà cửa, công trình
xây dựng, các loại Qũy không chính đáng.
Mạng tin cho biết tính tới ngày
26/7/2014 có 521 cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh của 31 tỉnh thành, Khu
tự trị bị lập án điều tra, trong đó có 2 cán bộ cấp nhà nước và
37 cán bộ cấp Bộ và cấp lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Tứ Xuyên
đứng đầu bảng trong số 31 tỉnh thành có nhiều quan chức lãnh đạo
dính líu tới tham nhũng, tiếp đó là Quảng Đông 41 người, Hồ Bắc
36, Phúc Kiến 32, Hồ Nam 27, Hải Nam 25.
Các doanh nghiệp quốc doanh có 23
cán bộ lãnh đạo chủ chốt bị bắt, riêng ngành dầu khí có 5
cán bộ chủ chốt sa lưới, trong ngành kiểm sát, công an cũng không
ít cán bộ tha hóa, tham nhũng như Viện kiểm sát có tới 3 cán bộ,
Bộ Công An có Thứ trưởng Lý Đông Sinh.
Dư luận Trung Quốc và nước ngoài
cho rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng do ông Tập Cận Bình phát
động thực sự dám đụng vào “những con hổ lớn”. Nhà nghiên cứu Trung
Quốc Andrew Wedeman của Mỹ nhận xét: Tham nhũng thực sự trở thành
vấn đề bắt đầu từ Thập kỷ 80 Thế kỷ 20 khi Trung Quốc tiến
hành cải cách mở cửa, thực hiện hai cơ chế giá cả trong điều kiện
luật pháp, cơ chế mới chưa hoàn thiện. Cơ chế bao cấp và cơ chế
thị trường song song tồn tại, chính cơ chế này đã tạo ra những kẽ
hở và tham nhũng từ đó sản sinh và thịnh hành.
Các thế hệ lãnh đạo trước đã
tiến hành đấu tranh chống tham nhũng, nhưng chỉ nửa vời, thời kỳ
Chu Dung Cơ làm Thủ tướng đã hạ quyết tâm cao, nhưng ông không nhận
được sự ủng hộ của lãnh đạo cấp cao, nên thất bại và phải than
phiền “Tình trạng tham nhũng ở Trung Quốc đã nghiêm trọng tới mức
mà ngay Thủ tướng Chu Dung Cơ tôi cũng phải bó tay”.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng lần
này thực sự đi vào chiều sâu, đã đụng tới những con hổ lớn như
Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Tô Vinh, Tưởng Khiết Mẫn…,
hiện nay có tin Nguyên Phó Chủ tịch thứ nhất Quân ủy trung ương
Thượng tướng Quách Bá Hùng cũng nằm trong diện bị điều tra.
Báo chí Hồng Công vừa qua cho rằng
qua cuộc đấu tranh chống tham nhũng lần này, ĐCS Trung Quốc đang
“vạch áo cho người xem lưng”, phanh phui những bê bối, xấu xa trong
hàng ngũ lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng trước bàn dân thiên hạ
trong và ngoài nước. Điều này liệu có đi quá đà hay không? Bởi vì,
nó đã đụng chạm tới uy tín và tính pháp lý nắm quyền của Đảng
và ông Tập Cận Bình đang đứng trước những nguy cơ. Giống như Bao
Thanh Thiên trước đây dù có nghiêm minh tới mấy rồi cũng bị các quan
tham trong triều hạ bệ. Liệu điều này có xảy ra với ông Tập Cận
Bình khi dư luận cho rằng ông đã đi quá đà? Tham nhũng nghiêm trọng
sẽ mất đảng mất nước, nhưng chống tham nhũng quá đà cũng mất đảng
mất nước.
Báo chí trong nước và ở Hồng Công
vừa qua cũng đưa lại nhiều tin đồn đại ngay khi công bố khai trừ
Đảng tịch của Từ Tài Hậu là có tiếng súng nổ ở ngoại thành Bắc
Kinh mà có thể quân đội nổi dậy chống lại. Tiếp đó, một số báo
chí Trung Quốc dẫn tư liệu lịch sử năm Gia Khánh Triều Nhà Thanh
cũng tiến chống tham nhũng quá đà đã làm mất ổn định đất nước.
Rồi các “sấm trạng” chống tham nhũng từ thời nhà Chu làm xã hội
mất ổn định để kẻ khác thừa cơ nhảy lên cướp ngôi.
Trước những lời đồn đại này, tờ
“Đại Công báo” Hồng Công cho biết ngày 14/1/2014, phát biểu trong Hội
nghị toàn thể Trung ương 3 Khóa 18, Tập Cận Bình nói: “Các đ/c trong
trong Đảng có cho rằng liệu chống tham nhũng của chúng ta đã bị
sốc do uống thuốc quá liều? Chúng ta phải có quyết tâm dù đau đớn,
như Quan Công từng để thầy thuốc cạo xương chữa độc”.
Báo chí Hồng Công cũng cho biết
ngày 26/6/2014 trong Hội nghị Bộ chính trị, ông Tập Cận Bình nhấn
mạnh 3 điểm chống tham nhũng hiện nay:
-“ Một là, có người cho rằng từ ĐH
18 tới nay bắt hơn 30 cán bộ lãnh đạo cấp Bộ, cấp tỉnh là đủ
rồi, chúng ta nên dừng lại. Đây là một quan điểm sai lầm, bởi vì
đấu tranh chống tham nhũng không đưa ra chỉ tiêu bắt bao nhiều mà có
bao nhiêu bắt bấy nhiêu.
- Hai là, có người đe dọa cho rằng:
Hãy chờ xem làm như hiện nay đúng hai sai. Tôi cần nói với họ rằng
hiện nay Ai sợ Ai! Trước đây Thủ tướng Chu Dung Cơ khi phát động cuộc
đấu tranh chống tham nhũng từng nói ông đã chuẩn bị 100 chiếc quan
tài, 99 chiếc dành cho kẻ tham nhũng và 1 chiếc dành cho bản thân
ông. Giờ đây chúng ta cũng phải có dũng khí như Chu Dung
- Ba là, hiện nay có dư luận cho
rằng trong chống tham nhũng, Trung ương ưu ái đối với những địa
phương mà lãnh đạo cao nhất từng công tác qua. Tôi xin nhắc lại rằng
Trung ương nhất thị đồng nhân, công bằng đối với mọi địa phương chứ
không phân biệt đối xử. Tôi từng làm việc ở Chiết Giang, Phúc Kiến,
Thượng Hải, nhưng không có ưu ái nào dành cho họ”.
Liệu cuộc đấu tranh chống tham
nhũng có quá đà? Dư luận trong và ngoài Trung Quốc cho rằng chưa có
dấu hiệu ông Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay
“chùn tay” dừng lại đối với các con hổ lớn tham nhũng trong Đảng./.
(Theo
Tamnhin) Kiều Tỉnh
|
Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét