Chuyện "giật mình" trong vụ giữ 559 tấn vàng
Cập nhật lúc 09:15
Sự kiện "tiệm vàng Hoàng Mai"
gây chấn động xã hội bởi cách tiếp cận và xử lý vấn đề công vụ khiến người ta
giật mình.
Một tiệm vàng không có giấy phép kinh doanh ngoại tệ mua
của khách vãng lai 100 USD. Giao dịch bị cơ quan công an phát hiện, dẫn tới
việc khám xét và niêm phong một số vàng và ngoại tệ có giá trị gấp mấy ngàn
lần so với tờ đô la mua bán trái phép. Nhưng rồi vài ngày sau, việc niêm
phong được dỡ bỏ và các tài sản liên quan được trả lại cho chủ sở hữu, vì
theo cơ quan chức năng, chủ tiệm vàng đã chứng minh được rằng đó là tài sản có
được một cách hợp pháp.
Sự việc gây chấn động xã hội, không chỉ vì số tài sản liên
quan có giá trị lớn, mà vì cách tiếp cận và xử lý vấn đề của những người thực
hiện phận sự công trong vụ này khiến người ta phải giật mình.
Tất nhiên, ai mua bán trái phép, nói chung làm điều trái
pháp luật thì phải bị xử phạt. Vấn đề đối với người được giao chức năng chế
tài, trấn áp nhân danh quyền lực công, là xác định cho đúng tính chất, mức độ
sai phạm của hành vi được cho là trái pháp luật, để có quyết định xử lý đúng mực,
làm cho người vi phạm phải tâm phục khẩu phục và dư luận đồng tình.
Bởi sống trong xã hội thượng tôn luật pháp, người dân được
tự do và, trên nguyên tắc, được suy đoán là làm đúng luật. Ai muốn nói một
người nào đó là đã có hành vi không tuân thủ luật pháp thì phải chứng minh,
đặc biệt là phải chỉ rõ người ta đã làm trái luật nào, ở điểm nào cụ thể.
Người lái xe đi ngược chiều vi phạm quy định về đi đúng chiều; nhưng ngoài vi
phạm đó ra, phải bị xử lý, người này vẫn được coi là công dân tốt trong suốt
phần còn lại của lịch sử đời mình. Không thể nhân dịp xử phạt một người do
hành vi chạy xe ngược chiều, buộc người này phải chứng minh rằng mình đã sử
dụng phương tiện đi lại một cách hợp pháp; nếu không chứng minh được, thì
người này sẽ rơi vào tình trạng sử dụng phương tiện bất hợp lệ và phương tiện
bị tịch thu như một tang vật.
Về bản chất, vụ khám xét hành chính gây ồn ào vừa qua là
việc các đại diện công lực đột ngột ùa vào nơi chốn riêng tư để lục soát, dẫn
đến việc phơi bày một phần gia tài tư nhân to lớn bị cho là của cải bất chính.
Cách hành xử ấy dễ khiến người dân cảm thấy đang sống trong một không gian xã
hội vận hành theo một logic ngược. Thay vì được thừa nhận trên nguyên tắc là
thành viên lương hảo của xã hội, sống cuộc sống bình thường và được nhà chức
trách bảo hộ, người dân mặc nhiên bị suy đoán không tuân thủ luật pháp, làm
ăn trái phép và phải luôn trong tư thế sẵn sàng để chứng minh sự lương thiện
của mình, khi được yêu cầu.
Có một điều phải nói: việc mua bán ngoại tệ, vàng miếng
trái phép tại các tiệm vàng là có thật. Người ta nghe nói nhiều và có thể cảm
nhận được sự tồn tại của cả một thị trường ngầm sôi động. Tuy nhiên, không
phải tự dưng mà thị trường này xuất hiện. Cho đến nay, người hoạch định chính
sách đến nay vẫn đang loay hoay với bài toán dung hoà giữa bảo đảm trật tự
trong lưu thông vàng, ngoại tệ với đáp ứng các nhu cầu chính đáng của người
dân về nắm giữ, sử dụng các loại tài sản này; trong khi đó, nhu cầu ấy cứ
xuất hiện hàng ngày và cần được đáp ứng. Chợ đen vàng, ngoại tệ chỉ là đứa
con tự nhiên của luật cung cầu.
Suy cho cùng, biện pháp tốt nhất để đẩy lùi tình trạng giao
dịch ngầm là cạnh tranh bằng cách xây dựng mạng lưới giao dịch chính thức
thân thiện, tiện lợi và với giá cả hợp lý.
Còn chế tài, xử phạt chỉ là đối sách, để giải quyết vấn đề
theo tình huống, không nên lạm dụng.
(Theo TuanVietNamnet)
Nguyễn Ngọc Điện
|
Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét