Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Tham nhũng cũng là ăn cắp!
Cập nhật lúc 08:33   
(Tin tức thời sự) - Đó là nhận định của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT trước việc dân Việt đang gặp phải vấn nạn "ăn cắp".
"Con sâu làm rầu nồi canh"
PV: - Vừa qua, có xảy ra sự việc một nữ tiếp viên hàng không của hãng VNA đã bị Cảnh sát Tokyo bắt giữ vì nghi ngờ cô này vận chuyển hàng ăn cắp. Là đại diện hình ảnh cho cả quốc gia với bạn bè thế giới, nhưng hàng không lại để xảy ra sự việc đáng chê trách như vậy. Quan điểm của thầy ra sao trước sự việc này?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: - Đây là 1 việc làm sai trái, làm mất hình ảnh người VN trên mắt bạn bè thế giới, họ sẽ nhìn chúng ta chỉ toàn là những người ăn cắp.
Đương nhiên là "con sâu làm rầu nồi canh", chuyện đó theo tôi hoàn toàn không thể để tồn tại được, nó làm ảnh hưởng đến uy tín của VN.
Đây là việc rất đau xót, thà rằng ăn cắp, hôi của đã làm xấu mặt người Việt đã đành, đây lại còn làm xấu hình ảnh trong con mắt bạn bè thế giới, thì không thể dùng từ ngữ nào diễn tả được.
PV: - Thưa thầy, nhìn lại hiện nay trong xã hội Việt Nam không chỉ có riêng hàng không mới xảy ra sự việc ăn cắp, mà đường bộ, đường thủy, nơi đâu chẳng có hiện tượng này xảy ra, chỉ là mỗi nơi hình thức lại mỗi khác. Việc lên tiếng chê trách VNA, phải chăng chưa đúng và đủ, thậm chí là phiến diện, khi hiện nay tình trạng này đang diễn ra khắp mọi nơi?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ:- Theo tôi, bất cứ 1 hành động nào ăn cắp ở ngành nào đều phải lên án.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GT-ĐT 
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GT-ĐT
Điều đó có nghĩa là hành động ăn cắp của tiếp viên hàng không dù nhỏ cũng phải lên án, nhưng  cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, đây chỉ là 1 hành động nhỏ, trong vô số những hành động ăn cắp chưa bị phát hiện.
Vừa rồi, báo Nhật đã nêu lên vụ tiêu cực liên quan tới lãnh đạo đường sắt, nhận hối lộ từ dự án ODA của Nhật Bản, số tiền được cho là 16 tỷ đồng. Nếu vụ việc được xác minh là đúng, đó mới là những hành động phải lên án. Thử nghĩ xem, vài bộ quần áo buôn lậu từ hàng ăn cắp của cô tiếp viên thì đáng là bao.
Vì sao "ăn cắp"?
PV:- Không chỉ vậy, trên hệ thống tổng kết chỉ số hiệu quả hành chính công cấp các tỉnh có kết luận hiện nay tình trạng tham nhũng diễn ra tại nhiều địa phương, cứ đụng đến thủ tục là người dân phải “lót tay”. Điều này có đáng đau lòng không thưa thầy, khi nó minh chứng cho hiện thực, toàn xã hội người Việt đều "ăn cắp", không lớn thì nhỏ?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ:- Hiện nay hiện tượng đó rất tràn lan, khắp nơi. Nhìn ở cấp dưới, từ công an đứng đường, đến người làm văn phòng UBND cấp xã đến huyện, ở đâu chẳng có phong bì lót tay.
Người ta thường nói "đồng tiền đi trước đồng tiền khôn", cho nên nó tràn lan, túa lụa. Đặc biệt, vào các bệnh viện, nơi đâu chả có hiện tượng đó.
Hay ngay tại nhà trường, giáo viên còn ăn tiền của học sinh, như vậy thì dạy ai, còn ai nói "nghèo cho sạch – rách cho thơm" nữa. Tất cả những cái đó đang xảy ra, khiến người ta phải đặt câu hỏi, hành xử như vậy có xứng đáng tư cách của con người?
PV:- Để nói về nguồn gốc của sự “ăn cắp” này, thì theo thầy nó xuất phát từ đâu?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ:- Thiếu sự nghiêm minh từ cấp trên, hình thức xử lý chưa thích đáng, cho nên ở cấp dưới không nghiêm, từ đó đạo đức suy thoái, cơ chế thị trường ảnh hưởng, nguyên nhân dẫn đến cái hiện tượng "ăn cắp" đó tràn lan.
Sâu xa hơn nữa là đời sống kinh tế, đãi ngộ không thỏa đáng. Thêm nữa, bộ máy cán bộ thì tràn lan. Cả đất nước 90 triệu dân mà lại có hẳn 3 triệu cán bộ, nhân viên. Trong khi nước Mỹ, họ có hơn 300 triệu dân nhưng chỉ có 2 triệu cán bộ.
Vì nhiều cán bộ nên đãi ngộ không tốt, vì thế, họ chưa đủ sống thì phải ăn cắp, phải làm bậy để đủ thôi. 
Bên cạnh đó, do pháp luật không nghiêm minh, rõ ràng, nhiều sơ hở, có nghĩa là tạo cơ hội cho người ta ăn cắp.
Tôi khẳng định không rõ ràng, rành mạch, trong sáng trong cơ chế thì sẽ có tiêu cực.
PV: -Nói như vậy thì có phải hiện nay chúng ta chỉ cần phân biệt ăn cắp và không có cơ hội ăn cắp thôi đúng không, thưa thầy. Vì sao ạ?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ:- Cứ nhìn mà xem, bộ máy cồng kềnh như vậy việc không đủ, thì dĩ nhiên ngồi chơi “nhàn cư vi bất thiện”, chính vì vậy, nhà nước phải nghiêm minh, muốn nghiêm minh thì luật pháp phải rõ ràng, không nên có khe hở, để người ta lợi dụng chuyện đó.
Ngành công an đãi ngộ tốt như vậy, nếu mà còn mắc sai lầm thì sẽ không tha thứ cho ai, vi phạm thì đuổi khỏi ngành.
Bây giờ mấy anh cảnh sát giao thông đi ra đường, tuýt còi 1 cái, đứng lại rồi đưa mấy đồng thế là đi. Ngay bản thân tôi cũng đã từng gặp hoàn cảnh như vậy chứ không phải là nghe kể.
Cũng như câu chuyện mà tôi được chứng kiến, cùng 1 hồ sơ, nhưng khi đi nộp, không lót phong bì đỏ đỏ xanh xanh, chưa xem cán bộ đã nói không đạt yêu cầu. Nhưng cùng 1 hồ sơ đó, mang đến nộp ở cơ quan khác có phong bì, thế là đạt yêu cầu. Từ khâu duyệt nộp hồ sơ đã phải lót tay, hối lộ, chứ nói gì đến những giai đoạn tiếp theo.
Như ngay mới đây, Bộ GD-ĐT mới đưa ra quy định đối với các trường Đại học, ngành nào không có Tiến sĩ, Thạc sĩ, thì bị đóng cửa, và đã ra quyết định đóng cửa 207 ngành. Thế nhưng, sau 1 tháng, Bộ lại cho 62 ngành cho đến 100 ngành lại được tuyển sinh.
Như vậy là sao? Không lẽ 1 tháng đó đã có được giảng viên trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ, hay chạy được bằng rồi hay sao? Dấu hỏi lớn đó ai trả lời?
PV: - Chúng ta phải xử lý ra sao? Nếu không xử lý thì sẽ thế nào, thưa thầy?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ:- Trước hết, suy thoái đạo đức, dẫn đến mất lòng tin đó là việc hết sức nguy hiểm. Vì vậy, ai đã vi phạm thì cần phải trừng trị, bất kể địa vị, quan hệ thế nào. Lúc đó mới chấn chỉnh được.
Nếu không giải quyết thì sâu nhiều, dần dần sẽ tự hủy hoại chính mình.
(Theo Đất Việt) Thanh Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét