Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

 Về việc công khai của Petrolimex và EVN:
Minh bạch thực hay chỉ là hình thức? 

Cập nhật lúc 20:00

Đúng như khẳng định của lãnh đạo Bộ Công Thương về việc, trong tháng 4 sẽ ban hành văn bản quy định công khai giá thành điện, xăng dầu, mới đây Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã ra chỉ thị yêu cầu Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sớm công khai giá thành điện, xăng dầu cũng như lương, thưởng của lãnh đạo và nhân viên trong ngành.


Bộ Công thương yêu cầu EVN phải công khai biến động 
thông số đầu vào các yếu tố cấu thành giá điện bình quân cơ sở. Ảnh: Hoàng Long

Công khai giá thành điện, xăng dầu

Đối với kinh doanh điện, tại chỉ thị số 11 ngày 22-4, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng yêu cầu Cục Điều tiết điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện công bố giá điện theo cơ chế giá thị trường, công khai minh bạch các yếu tố cấu thành giá bán điện và phương án điều chỉnh giá bán điện. Cụ thể, các đơn vị này phải công khai biến động các thông số đầu vào các yếu tố cấu thành giá điện bình quân cơ sở, các khoản chi phí sản xuất, kinh doanh điện chưa tính vào giá bán điện hiện hành được phép thu hồi, mức giá bán điện bình quân cơ sở, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (nếu có), cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành, biểu giá bán lẻ điện và nguyên tắc xây dựng biểu giá bán lẻ điện, tính toán tác động của việc điều chỉnh giá bán điện đến các thành phần sử dụng điện. Đặc biệt, EVN sẽ phải công khai báo cáo kiểm toán, kết quả sản xuất kinh doanh…Bộ trưởng cũng giao Cục Điều tiết điện lực thường xuyên công bố các văn bản liên quan đến cơ chế chính sách giá điện; công bố biểu giá bán lẻ điện; định kỳ hàng tháng thực hiện công bố các thông tin về giá điện theo cơ chế thị trường.

Đối với kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước, Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) và các đơn vị liên quan sớm công khai giá xăng dầu, các yếu tố hình thành giá, việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu.

Ngoài việc phải công bố thông tin về thông tin thị trường xăng dầu, các doanh nghiệp xăng dầu phải công khai, minh bạch giá cơ sở, kết cấu hình thành giá cơ sở, mức trích lập, số dư và quản lý sử dụng Quỹ bình ổn, công khai báo cáo kinh doanh, báo cáo kiểm toán… Petrolimex và EVN cũng phải công khai tình hình tài chính, hiệu quả sử dụng và bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các khoản thu nhập bình quân của người lao động, tiền lương, thù lao tiền thưởng của lãnh đạo doanh nghiệp…

Bộ trưởng cũng yêu cầu công khai các thông tin về giá, cơ chế điều hành và sản xuất kinh doanh xăng dầu tại các buổi họp thường kỳ của Bộ Công Thương hoặc tại các buổi họp báo đột xuất về phương án điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu.

Đặc biệt, phải công khai tình hình quản trị công ty như: tình hình tiền lương, thù lao, tiền thưởng và thu nhập bình quân hàng tháng của năm trước liền kề đối với từng viên chức quản lý DN.
Như vậy, cuối cùng nhà quản lý hai DN lớn của Nhà nước (Petrolimex và EVN) cũng đã có một văn bản đáp ứng mong mỏi lâu nay của dư luận: Đó là sự minh bạch, công khai các vấn đề liên quan đến giá điện, giá xăng dầu. 


Xăng dầu, điện thường xuyên lên giá, nhưng doanh nghiệp vẫn kêu lỗ

Có thực sự minh bạch?

Lâu nay đã tồn tại việc DN điện, xăng dầu cứ kêu khó là y như rằng được điều chỉnh tăng giá. Đã thành tiền lệ, cứ khi nào EVN hay Petrolimex "đánh tiếng” rằng "đang lỗ” là chỉ một thời gian ngắn sau đó giá điện, giá xăng dầu lại được đội lên.

Thậm chí, ngay cả khi các DN đang có lãi, giá xăng vẫn được điều chỉnh tăng. Chính bởi vậy mà từ đầu năm đến nay, giá xăng đã được điều chỉnh tăng tới 3 lần. Và trong tất cả các lần điều chỉnh giá, tuyệt nhiên dư luận không hề biết được một thông tin gì về lý do tăng giá hay những yếu tố liên quan đến cơ cấu hình thành giá một cách minh bạch công khai. Và người tiêu dùng thường xuyên ở thế bị động, vì không còn lựa chọn nào khác nên vẫn phải chấp nhận chuyện tăng giá thất thường của các đơn vị này.

Đối với ngành điện cũng vậy. Điện là sản phẩm đầu vào của hầu hết mọi lĩnh vực sản xuất, bởi vậy, giá điện sẽ tác động không nhỏ đến lợi nhuận của các DN cũng như đời sống sinh hoạt của người dân. Thế nhưng, cũng như xăng dầu, giá điện khi được điều chỉnh tăng cũng thường xuyên ở tình thế… bất ngờ, gây những cú sốc trong dư luận. Song, điều đáng nói ở đây là, ngành điện cũng chưa bao giờ công khai minh bạch các yếu tố cấu thành giá điện cũng như các hoạt động của ngành này. Chỉ đến khi, hàng loạt các sự vụ "nổi đình nổi đám” nổ ra như việc EVN  tính chi phí xây biệt thự, sân tennis, bể bơi... vào giá điện (mà Thanh tra Chính phủ đã từng nêu lên – PV), dư luận mới "té ngửa” vì phương thức làm ăn thiếu rõ ràng của Tập đoàn này.

Nói như vậy để thấy, lâu nay, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN nói trên, hầu như không tồn tại các khái niệm "minh bạch, công khai”. Chính bởi vậy, chưa khi nào, giá điện, giá xăng được điều chỉnh tăng lại nhận được sự đồng thuận của dư luận.

Việc ra một chỉ thị yêu cầu đảm bảo tính công khai, minh bạch của các đơn vị nói trên thực sự là một thay đổi lớn trong cách điều hành của cơ quan chủ quản, đáp ứng mong mỏi lâu nay của người dân. Tuy nhiên, dư luận vẫn băn khoăn về việc, liệu chỉ thị nói trên có được thực hiện một cách nghiêm túc hay không, hay vẫn chỉ là một kiểu "minh bạch mang tính hình thức”?

Câu trả lời tất nhiên sẽ vẫn cần phải chờ thời gian. Tuy nhiên, Chỉ thị số 11 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ra đời ngay sau khi xăng vừa được điều chỉnh tăng giá (lên 200 đồng/lít) cũng đã thấy sự bất cập về tính thời điểm, nếu không muốn nói là, sự chậm trễ … có chủ đích (?)

(Theo Đại đoàn kết)  Duy Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét