Ông Nguyễn
Bá Thanh lại "truy" lãnh đạo ở Đà Nẵng
Cập nhật lúc 13:53
(PetroTimes) - Tại buổi tiếp xúc cử trị quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) sáng nay,
sau khi nghe ý kiến phản ánh của cử tri, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội
chính Trung ương, ĐB Quốc hội đơn vị Đà Nẵng đã “truy đến cùng” việc lãnh đạo
quận Liên Chiểu vì không nắm rõ vấn đề để giải quyết thấu đáo nguyện vọng
chính đáng của người dân.
Ông Nguyễn Bá Thanh
tiếp xúc cử tri tại Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Bá Thanh nói: “Trước đây, tôi về đây tiếp xúc
cử tri trên cương vị là Trưởng đoàn ĐB Quốc hội, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch
HĐND thành phố Đà Nẵng. Còn bây giờ, tôi tiếp xúc cử tri trên cương vị là ĐB Quốc
hội nên những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh, tôi sẽ kiến nghị các cơ
quan Trung ương xem xét, giải quyết. Những vấn đề nhỏ lẻ ở địa phương thì
chúng tôi sẽ ghi nhận và yêu cầu lãnh đạo địa phương giải quyết, chứ tôi
không thể trực tiếp giải quyết như trước được. Tuy nhiên, là ĐB của dân,
chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ”.
Dân cần… nhưng “quan” chưa vội!
Cử tri Bùi Thị Bích (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) đã
làm “nóng” hội trường bằng một chi tiết không lạ nhưng rất đáng suy ngẫm:
“Các đồng chí cứ ra quán cà phê ngồi xem dân ở đây bức xúc đến mức nào. Môi trường
thì ô nhiễm, sinh viên ra trường không có việc làm rồi dẫn đến đua xe, xài ma
túy. Trong khi đó, cán bộ thì nhiều nhưng khi cần chẳng thấy đâu”.
Bà Bích nói tiếp, ở Đà Nẵng có đến hơn 6.000 cán bộ tổ dân
phố, chưa kể cán bộ phường, xã nữa thì ngót nghét cả triệu cán bộ. Tính trung
bình ra mỗi một mét vuông đất có đến 4 cán bộ. Điều bà Bích lo ngại là có nhiều
cán bộ ở tổ dân phố đã trên 80 tuổi, không còn minh mẫn để giải quyết công
việc cho dân.
Đồng tình với quan điểm trên, cử tri Bạch Ngọc Ích (phường
Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) đưa ra dẫn chứng để chứng minh vẫn còn tình
trạng “dân cần nhưng quan chưa vội”, đó là: “Có lần cả xóm bức xúc bởi một quán
cà phê mở nhạc to quá mức cho phép, thậm chí tụ tập thanh niên choai choai
đánh lộn. Tôi gọi điện lên số điện thoại đường dây nóng của đoàn ĐB Quốc hội
và HĐND thành phố, họ hỏi tên, địa chỉ cụ thể của quán cà phê ấy. Tôi chỉ rõ
ràng nhưng có thấy mấy ông đó xử lý đâu”.
Nhiều cử tri khác cũng phàn nàn cán bộ cấp phường xã hiện
nay như những “ông trời con”, không sâu sát phục vụ nhân dân mà chỉ “săm soi”
xem có ai sai phạm không để xử lý?
Chủ tịch quận bị “truy” vì chưa sâu sát
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Lê Thị Hay (trú phường Hòa Khánh
Bắc) bức xúc trình bày: "Gia đình tôi nghèo khó. Khi dự án Làng Vân mở
rộng triển khai thì gia đình tôi rơi vô diện giải tỏa. Tôi lên đoạn đường lên
Suối Lương mở cái quán tạm để buôn bán, kiếm sống qua ngày. Dù đã cam kết sẽ tháo
dỡ khi thành phố yêu cầu và cam kết không nhận tiền đền bù nhưng quận cũng
không cho. Trong khi đó, cũng ở khu vực đó, có một ông cán bộ cấp to, nghe
nói là to lắm ở Quảng Nam ấy, lại xây cái nhà to đùng đến 3 tầng mà chẳng
thấy quận, phường xử lý chi hết”.
Cử tri Thái Thanh Hùng cũng bức xúc cho hay, trên cùng địa
bàn quận nhưng ở phường này thì người dân có diện tích đất 50 mét vuông được chính
quyền cấp sổ đỏ, còn ở phường khác thì không và phải có diện tích 100 mét
vuông trở lên mới được cấp sổ đỏ.
“Tôi thấy dân kêu ca vụ này lâu lắm rồi nhưng không biết
quận áp dụng cái luật mô mà vô lý thế”, ông Hùng đặt câu hỏi với đoàn ĐB Quốc
hội.
Cử tri phản ánh
nhiều vấn đề bức xúc đến đoàn đại biểu Quốc hội.
Nghe bà Hay nói vậy, ông Thanh liền lên tiếng: "Anh
Thị (tức Dương Thành Thị - Chủ tịch quận Liêu Chiểu), nói nghe coi vụ ni là
thế nào?"
Ông Thị đứng lên ấp úng: "Dạ, thưa anh. Cái vị trí bà
Hay xin dựng quán tạm nằm trong vùng dự án Làng Vân mở rộng. Quận đã gửi văn
bản xin ý kiến nhưng Sở Xây dựng không đồng ý”.
Nghe ông Thị nói vậy, Phó Chủ tịch Đà Nẵng Phùng Tấn Viết
liền cắt ngang: "Anh (tức chỉ ông Thị) nói thế là không đúng. Quan điểm
của thành phố từ trước đến nay, từ thời anh Thanh (tức ông Nguyễn Bá Thanh)
còn làm Bí thư Thành ủy là tạo điều kiện cho người dân xây dựng nhà tạm, ổn định
cuộc sống với điều kiện phải có đơn cam kết không được lấn chiếm, không được
nhận tiền đền bù và phải tự động tháo dỡ khi dự án triển khai. Nếu Sở Xây
dựng không đồng ý thì anh phải có văn bản trình lên UBND thành phố để Chủ
tịch xem xét giải quyết chứ. Sao lại để cho dân bức xúc kêu ca vậy”.
Lập tức, ông Thanh “truy” lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu:
"Anh nói miếng đất mà bà Hay xin làm quán tạm nằm trong dự án Làng Vân
là sai bét. Đó là nằm ở gần tuyến đường lên Suối Lương. Dự án Làng Vân mở
rộng đâu có kéo lên đến mãi trên chỗ đó. 5 năm, 10 năm nữa dự án này cũng
không mở rộng lên đến đó đâu".
“Anh đâu có nắm rõ được vụ ni. Làm việc như thế, dân kêu
ca là phải. Xem xét giải quyết chọ họ làm tạm cái quán để buôn bán ngay đi”,
ông Thanh nói nhưng cũng lưu ý các cử tri: "Mà tôi cũng nói trước, xin
làm quán tạm thì được chứ đừng có khi thành phố lấy lại đất lại nói đó là đất
của nhà mình rồi bắt thành phố đền bù nghe. Nhiều ông, khóc lóc xin xây cái
nhà, cái quán tạm trên đất của nhà nước, lãnh đạo thấy thương nên giải quyết.
Nhưng sau đó lại cãi cố, cãi cùn là đất đó của cha ông để lại”.
Liên quan đến vấn đề mà ông Thái Thanh Hùng nêu, ông Thanh
yêu cầu lãnh đạo thành phố và quận xem lại để chấm dứt ngay: “Quận tự đề ra
cái Luật nớ à?”.
Ông Thanh nhìn xuống bàn của lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu
hỏi rồi nói tiếp: “Người ra có 50 hay 85 mét thì cũng phải làm sổ đỏ cho họ
chứ. Sao lại có cái quy định lạ lùng như vậy? Thành phố chỉ có quy định là
không cấp sổ đỏ cho những hộ tách thửa nhưng diện tích nhỏ. Vì tách như thế là
xé lẻ để mong kiếm lời từ việc đền bù."
“Không ai bỏ sót người tài đâu…”
Một vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều cử tri đó là tình
trạng sinh viên ra trường không có việc làm. Cử tri Nguyễn Xê nêu ra thực
trạng mà theo ông ở đâu cũng có, đó là tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Mốt
“sính” bằng cấp là nguyên nhân khiến các trường đua nhau nâng cấp để đào tạo
đại học.
“Hậu quả nhãn tiền là hàng triệu sinh viên ra trường với
tấm bằng ĐH đỏ chót những vẫn không xin được việc làm. Trong khi đó, hiện xã
hội đang thiếu công nhân có tay nghề trầm trọng”, ông Xê nói.
Đồng tình với nhận định trên, cử tri Văn Thị Lam dẫn chứng
cụ thể để chứng minh: “Con gái tôi học trường ĐH Y tế II, bằng giỏi nhưng ra trường
đã 3 năm vẫn chưa xin được việc làm. Cháu phải xin vô làm không lương tại
Bệnh viện Đa Khoa. Hôm rồi nộp hồ sơ vô Bệnh viện Ung thư để xin việc nhưng
lãnh đạo bệnh viện nói cứ làm việc không lương đi, lúc mô có chỉ tiêu sẽ xem
xét”.
Cũng theo bà Lam, cùng học với con bà nhưng có những
trường hợp bằng trung bình nhưng vì là con “quan” nên ngay lập tức được nhận
vào làm ngay. Còn con bà và hàng vạn con em của dân nghèo khác thì đang bơ
vơ, thất nghiệp.
Ông Thanh ghi nhận những ý kiến phản ánh của cư tri và
thẳng thắn thừa nhận, vấn đề việc làm cho sinh viên ra trường đang nhức nhối
trong toàn xã hội. Theo ông Thanh, vấn đề này cũng đã và đang được các cơ
quan Trung ương tìm cách tháo gỡ.
“Còn vấn đề bà Lam nêu, đưa cho tôi bộ hồ sơ để tôi gửi
cho giám đốc Bệnh viện Ung thư xem sao. Nhưng cũng khó, vì quy mô hiện nay
của bệnh viện mới 400 giường bệnh nên đã tuyển đủ nhân sự. Mãi đến năm 2015,
bệnh viện mới phát triển lên 500, rồi 600 giường bệnh. Khi đó, bệnh viện sẽ tuyển,
nếu làm tốt thì họ sẽ tuyển dụng thôi. Bây giờ cứ làm tạm đó đi, cố gắng rèn
luyện chuyên môn, đạo đức rồi chờ cơ hội. Không ai bỏ sót người tài đâu”.
(Theo
Năng lượng mới) Đoàn Nguyên
|
Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét