Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

Xin đừng “lãng mạn hóa”

Cập nhật lúc 14:19                
(PetroTimes) - Dự thảo Đề án về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) vừa trình trước cuộc họp Thường vụ Quốc hội lại một lần nữa gây xôn xao dư luận.
Những ý tưởng đổi mới này đã từng bị dư luận phản đối từ lâu. Bộ GD&ĐT đã có những chỉnh sửa để chính thức đưa ra trình Quốc hội, dự kiến thông qua trong kỳ họp tháng 5 tới. Nhưng với những ý tưởng “trên trời” như vậy thì đề án này khó được chấp nhận để trở thành hiện thực.
Ngay sau khi nghe Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển trình bày dự thảo, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra những nhận xét rằng: “Toàn khẩu hiệu”, “thiếu khả thi”, “không giúp nhận diện được hình hài nền giáo dục Việt Nam 10 năm tới”... Tại sao lại như vậy? Bởi mấy chục năm qua, dân ta đã nghe và nhìn thấy rất rõ thực trạng bi đát của nền giáo dục. Với rất nhiều lần đổi mới, cải tiến mà cứ sau mỗi lần như vậy thì giáo dục lại lún sâu vào thất bại thêm một bước. Vì thế, đến nay mọi người đều dị ứng với cái cụm từ “đổi mới” của giáo dục. Và mọi người còn thấy sốc hơn nữa khi nghe thấy đề án đổi mới này phải ngốn hết gần 34.000 tỉ đồng.
Đất nước còn nghèo nhưng vẫn ưu tiên hàng đầu cho giáo dục, đào tạo. Nhưng càng rót tiền cho giáo dục thì tình hình càng trở nên rối rắm. Đến nay, kinh tế đang suy thoái, nợ công ngày một tăng cao, vốn vay ODA ngày càng khó khăn; tham ô, tham nhũng hoành hành mà ngành nào cũng đưa ra những đề án hàng chục nghìn tỉ đồng thì hỏi rằng, nợ công và lạm phát kinh tế đất nước sẽ đi đến đâu? Mấy đời con cháu mới trả hết nợ?
Đổi mới giáo dục là việc cấp bách, cần thiết; ưu tiên đầu tư cho giáo dục là đúng hướng bởi đó là lĩnh vực đầu tư chiều sâu cho phát triển đất nước. Nhưng vấn đề là ở chỗ, kinh phí ngân sách rót cho ngành giáo dục phải mang tính khả thi, phải đem lại hiệu quả thiết thực chứ không phải để các chuyên gia giáo dục thử nghiệm những ý tưởng trên trời!
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nghe xong cũng đặt ra hàng loạt các câu hỏi: “Ai tổ chức thực hiện? Điều kiện nào để đảm bảo thực hiện? Chúng ta đã đổi mới, bổ sung sửa đổi suốt 10 năm thì phải thấy được cái gì hay, cái gì dở. Người ta cảm thấy dự thảo chỉ ban hành mà chưa có nội dung, vì chỉ sao chép lại Nghị quyết của Đảng do cứ lẫn lộn thực hiện thế nào và đổi mới thế nào. Cứ đưa như thế này ra Quốc hội là không được”.
Lý do để đổi mới giáo dục, theo ông Nguyễn Vinh Hiển là trong những yếu kém, bất cập của chương trình, sách giáo khoa hiện nay có “một số nội dung của các môn học chưa đảm bảo tính hiện đại, cơ bản và thiết thực; chưa cân đối giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng và thời lượng dạy học, nặng “dạy chữ”, nhẹ “dạy người”. Một số chủ đề còn nặng, khó, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số và học sinh vùng khó khăn; nội dung chương trình, sách giáo khoa bị “cắt khúc”, không thật đảm bảo tính liên thông, có trùng lặp một số nội dung giữa các lớp học, cấp học và giữa các môn học…”.
Đã qua hàng chục lần biên soạn, chỉnh lý, tốn kém rất nhiều kinh phí mà bây giờ còn lắm sự “yếu kém, bất cập” thế? Chương trình giáo dục và sách giáo khoa không được thẩm định và kiểm duyệt hay sao mà để tồn tại những bất cập ấy? Mấy năm nay cũng còn nhiều ý kiến tranh luận là để cấp học phổ thông 12 năm hay trở lại 10 năm như ngày xưa; sách giáo khoa nên đưa ra những nội dung gì, những ai tham gia soạn thảo…
Nói về biên soạn sách giáo khoa, PGS Văn Như cương đã có ý kiến rất xác đáng: “Nếu tôi được giao chủ biên viết sách giáo khoa một môn học, giả dụ môn Toán của một lớp, tôi chi trả cho người biên soạn 1 triệu đồng/tiết thì số tiền chi trả cho cả cuốn sách khoảng 100 triệu đồng. Một lớp có khoảng 13 môn học (như hiện nay) thì số tiền chi trả cho biên soạn sách giáo khoa tất cả các môn của một lớp khoảng 1,3 tỉ đồng. Cứ cho là hiện nay có những yếu tố cần nâng kinh phí lên, vậy tôi cứ tạm tính kinh phí chi cho một bộ sách giáo khoa là 2,5-3 tỉ đồng, 12 bộ cần khoảng 34-36 tỉ đồng. Như vậy số tiền chi cho biên soạn sách giáo khoa của bậc phổ thông chỉ tốn một phần nghìn số tiền mà lãnh đạo Bộ GD&ĐT công bố”.
GS Hoàng Tụy, nhà giáo dục lão thành cũng phải thốt lên rằng: “Tôi thật sự sốc khi nghe tin Bộ GD&ĐT báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần đến số tiền 34.000 tỉ đồng để thực hiện việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa mới sau năm 2015. Tôi hy vọng nghe nhầm con số, chứ 34.000 tỉ đồng là trên 1,5 tỉ USD, một số tiền khổng lồ, vượt quá nghìn lần con số tôi có thể nghĩ tới”.
Dĩ nhiên, theo giải trình của Bộ GD&ĐT thì số tiền đó không chỉ để biên soạn sách giáo khoa mà bao gồm: thực hiện công việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và gồm cả kinh phí tuyên truyền về đổi mới chương trình và sách giáo khoa, đó là chưa kể tiền xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị ở những trường còn thiếu. Đồng thời, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố, trong đó có bộ phận thường trực; các ban xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa quốc gia và các hội đồng thẩm định chương trình, sách giáo khoa quốc gia.
Lại phải lưu ý một điều, chỉ còn 2 năm nữa là đề án được triển khai nếu được Quốc hội thông qua trong năm nay. Nhưng đổi mới giáo dục không thể một sớm một chiều có thể thực hiện được theo kế hoạch đó. Với một nền giáo dục đang rối như mớ bòng bong, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới như hiện nay thì 2 năm nữa làm sao ngành giáo dục bước vào đổi mới được. Nếu cố bảo đảm lộ trình như đã vạch ra thì e rằng lại rơi vào tình trạng chắp vá, mà cái gì cũng thế, “dục tốc bất đạt”. Bởi Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng đã xác định: “Trước mắt, ổn định hệ thống giáo dục phổ thông như hiện nay”.
Còn một sáng kiến nữa trong đề án biên soạn sách giáo khoa mà lần này Bộ GD&ĐT đưa ra là sẽ có nhiều bộ sách giáo viên được tự chủ sáng tạo nội dung; một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa. Nghĩa là xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất, bao gồm phần bắt buộc đối với học sinh toàn quốc và phần bổ sung do địa phương và cơ sở giáo dục lựa chọn, đồng thời dành thời lượng hợp lý cho giáo dục lịch sử, văn hóa của mỗi địa phương, vùng miền. Các cụ xưa có câu: “Lắm thầy nhiều ma, lắm cha con khó lấy chồng”. Thêm nhiều đối tượng được tham gia biên soạn chương trình và sách giáo khoa thì cũng phát sinh nhiều nội dung và chương trình được đưa vào, khó tránh khỏi thiên hướng cá nhân, đưa sở thích chủ quan vào nội dung dạy và học ở từng vùng miền khác nhau thì còn phức tạp nữa.
Nói tóm lại, cả một núi công việc khi đổi mới giáo dục nhưng gỡ rối từ khâu nào và phải làm ra sao thì Bộ GD&ĐT cần cân nhắc kỹ; không thể cùng lúc làm cả mọi việc với số kinh phí khổng lồ, chưa có cơ sở khoa học và thiếu tính khả thi như vậy. Đó là “lãng mạn hóa” nền giáo dục để gây sốc cho mọi người!
(Theo Năng lượng mới) Bùi Đức

Mong Bộ GD ĐT hãy cứ lấy SGK đã làm những năm qua, nên gọt dũa chương trình cho gọn, chuẩn và nâng cao trách nhiệm, phẩm chất đội ngũ làm giáo dục thì khác có chất lượng giáo dục. Không nên vẽ ra để... kiếm chác giữa lúc người dân đang khốn khó này.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét