Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Vinalines xin xóa 5 tàu để lẩn trách trách nhiệm!
Cập nhật lúc 07:43 
                
 (Doanh nghiệp) - Đó là khẳng định của GS.TS Đặng Đình Đào, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội.
Không thể loại bỏ
PV: - Trong cuộc họp mới đây về cổ phần hóa, Vinalines kiến nghị loại 5 con tàu (gồm Vinalines Global, Vinalines Ocean, Vinalines Sky, Vinalines Trader và Vinalines Ruby) khỏi danh mục tài sản xác định giá trị doanh nghiệp. Ngoài ra, Vinalines cũng xin loại chi phí xây dựng cơ bản dở dang của 4 tàu đang đóng gồm một tàu 1.800 TEU và các tàu Liberty, Victory và Mercy. Liệu ông có thể phân tích rõ, mục đích của đề xuất loại tài sản khỏi danh mục xác định giá trị doanh nghiệp này của Vinalines? Vinalines sẽ được hưởng lợi gì nếu đề xuất này được chấp thuận?
GS Đặng Đình Đào: - Trước tiên chúng ta phải xác định rõ vốn đầu tư không phải của Vinalines mà vốn của nhà nước.
Vinalines bây giờ muốn đổ cho ai, mà muốn loại bỏ khỏi vốn cổ phần hóa của mình?
Thứ nhất, tàu đang đóng, thứ hai những tàu mua về mà không sử dụng được, thì phải có phương án xử lý trước khi cổ phần hóa, chứ không thể loại bỏ như vậy.
Số tài sản ấy phải xác định được ai là người chịu trách nhiệm. Rõ ràng bài toán này phải xử lý trước khi tiến hành cổ phần hóa, và định giá lại.
Giả sử bây giờ anh mua 1 tàu mấy trăm tỷ, nhưng khi bán lại chỉ được vài tỷ thì rõ ràng là do trách nhiệm của DN, bây giờ bảo cho ra ngoài thì làm sao định giá được giá trị của DN?
Như vậy, thì rõ ràng bản thân Vinalines sẽ được hưởng lợi, vì nó không thuộc trách nhiệm của Vinalines nữa. Bây giờ mua về, không sử dụng được làm thất thoát vốn của DN, vốn vay ngân hàng rồi bây giờ bỏ đi 1 cách nhẹ nhàng như vậy sao được? Quá vô lý!
Nó không khác gì một gia đình, đấu giá tài sản chia cho con cái thì phải tính tổng tài sản được bao nhiêu rồi mới phân bố, xử lý những cái gì tồn đọng đã, rồi mới phân chia.
Có nghĩa, nếu để các con tàu này lại thì họ có thể phải chịu tránh thêm gánh nặng về vốn, về chi phí, nhưng bây giờ bán những con tàu này thì ai mua? CP hóa ai mua? Không ai mua cả! Rõ ràng phải xử lý rồi mới định giá được nó, ai cho phép họ đẩy cái khó ra mà chỉ làm cái dễ?
PV: - Thưa ông, giả định trường hợp đề xuất của Vinalines được chấp thuận, tài sản gồm 5 con tàu, và chi phí xây dựng cơ bản của 4 tàu đang đóng dở sẽ nằm ở đâu và thuộc về ai? Điều đó có đồng nghĩa với việc tiền ngân sách của Nhà nước đã chi ra cho nó vì thế mà “mất tích” không và tại sao?
GS Đặng Đình Đào: - Cái đó rõ ràng có một Hội đồng đánh giá tài sản của ngành, của Bộ GTVT, của Vinalines đứng ra xử lý, tìm hiểu rõ xuất xứ, tiền đó ở đâu, ai chịu trực tiếp quyết định đầu tư, xây dựng, mua sắm các con tàu đó.
Bây giờ cái nguyên do là như vậy, 5 con tàu đó mua thời điểm nào, tại sao mua về không sử dụng được, tổng tiền bỏ ra vào thời điểm đó là bao nhiêu, bây giờ là bao nhiêu, nếu tính lãi suất thì như thế nào tính đến thời điểm này. Trong cơ cấu vốn thì nó chiếm bao nhiêu %, có khi nó còn là một số tiền khổng lồ.
Ngân sách nhà nước được đổ vào nhưng không ai chịu trách nhiệm. Cho nên, giờ phải tính cả vào tiền của Vinalines rồi sau đó mới tính, lấy từ vốn để xử lý, giải quyết những cái đó. Anh mua cái tàu hàng trăm tỷ nhưng không dùng được, giờ lại lấy tiền ngân sách, quá vô lý!


Vinalines xin xóa sổ những tàu cũ và tàu đang đóng dở để gỡ bỏ trách nhiệm

Đáng lẽ phải giải quyết cẩn thận, thỏa đáng cho hợp lý mới đúng chứ không thể bảo không có giá trị nên để ra ngoài danh mục giá trị. Gọi nó là cái nợ xấu khó đòi thì không chấp nhận được.
Phải xác định được 5 con tàu đó, và công trình xây dựng cơ bản tại sao lại bỏ dở dang, tiếp tục có lợi hay không có lợi, mới đi đến quyết định, có Hội đồng xem xét, đánh giá quy trình rồi tìm nguyên nhân quy trách nhiệm rõ ràng.
Không nên để cho cả một khối tài sản lãng phí nằm đó, không sử dụng, trong khi, hiện nay, các ngành, các địa phương, các DN không tiếp cận được đồng vốn để kinh doanh, nơi thì thừa, hoang phí, nơi lại không có.
Ngay trường Đại học Kinh tế quốc dân, cái trung tâm đào tạo, khởi động từ năm 2001, xong nghiệm thu rồi, bây giờ chỉ cần 600-700 tỷ để hoàn thiện mà không lấy đâu ra tiền. Từ 2001 đến giờ, không có hoàn thiện đưa vào hoạt động để không thì rất lãng phí, trong khi nhà trường phải đi thuê phòng chỗ khác.
PV: - Trong bối cảnh còn nhiều nghi ngại về việc bán tài sản dưới giá vốn, đồng tình với đề xuất trên của Vinalines liệu có tạo một tiền lệ xấu trong việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước hay không? Nếu được tư vấn cho Chính phủ về đề xuất này, ông sẽ tư vấn Chính phủ đưa ra quyết định thế nào?
GS Đặng Đình Đào: - Thực sự có đôi lúc phải chấp nhận việc bán tài sản dưới giá vốn, cái lỗ đó để phát triển lại, chứ cứ để vậy cũng không được, cần có phương án giải quyết.
Không thể mình mua 100 tỷ rồi bán đi vẫn được 100 tỷ, phải chấp nhận giá 90 tỷ hoặc 80 tỷ cũng được.
Nhưng ở đây chớ đầu tư ồ ạt, không tính toán, đầu tư các dự án mua sắm không cập nhật, kiểm tra, nên mới mua những con tàu như vậy, trong khi bờ biển VN hơn 3000km, đáng lẽ phải phát triển vận tải đường biển, trong khi đó lại phát triển đường bộ, thậm chí quá tải, một hiện tượng quá khập khiễng.
Đó là bài toán phải mua tàu như thế nào để phục vụ cho việc vận chuyển dọc bờ biển VN, mua thì phải dùng được, chính vì vậy mới không thể hiểu được kiểu làm ăn của Vinalines.
Chính vì vậy, trước đề nghị loại bỏ tàu, cần cân nhắc và xem Vinalines giải thích ra sao, nguyên nhân vì sao muốn loại bỏ, trả lời thế nào, đó là do khách quan hoàn toàn, đâu do vấn đề rủi ro về thiên tai, hay do sai lầm trong quyết sách hoạt động kinh doanh. Nên phải được xem xét, rồi các chuyên gia đánh giá, nhìn lại, không thể muốn là được.
Đầu tư nóng vội, thất bại Vinalines được báo trước từ lâu
PV: - Trong khi Vinalines xin cho 4 con tàu thuộc quyền quản lý của mình được nằm ngoài vốn khi định giá tài sản thì Vinashin lại xin xẻ các con tàu ma như New Energy, New Phoenix, Hoa Sen... ra để bán sắt vụn giá rẻ vì không thể làm gì với các con tàu này được nữa. Theo ông, từ xin để ngoài vốn đến chỗ xin phá ra bán sắt vụn có phải là một lộ trình đã được biết trước? Xét về quản lý vốn, tài sản, ông có nhận xét gì về cách làm như vậy? Cần phải có quy định nào để hạn chế thất thoát vốn, tài sản của nhà nước, thưa ông?
GS Đặng Đình Đào: - Thực ra mà nói việc đầu tư ồ ạt của Vinalines, Vinashin cách đây 10 năm, đã là 1 bức tranh có thể nhìn thấy trước.
Một GS người nước ngoài cũng đã nhận định về ngành đóng tàu biển VN mình đầu tư ồ ạt, tham vọng thế thì ắt phải trả giá. Đúng như vậy, sau 10 năm họ đã phải trả giá, các chuyên gia đã phải vào cuộc cảnh báo.
Có nghĩa, chúng ta đã phát triển quá nóng vội, quá ồ ạt, nên rõ ràng phải bị trả giá, mà thực tế nhiều tàu không thể đưa vào khai thác khi khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra. Bức tranh của Vinalines như hiện nay là tất yếu.
Đại diện cho ngành kinh tế biển, mà Vinashin, Vinalines không đổi mới cơ cấu để hoạt động thì rõ ràng không thể đồng tình được. Vì kinh tế biển VN cần những đơn vị có đội tàu mạnh để làm ăn, VN đang khó chỗ đó.
Nhưng rõ ràng nó liên quan vấn đề chủ sở hữu về vốn, quản lý, trách nhiệm có vấn đề. Nó xuất phát từ khâu quản lý mà ra cả, cả quản lý nhà nước và quản lý ngành, cả quản lý về kinh doanh của một công ty DN nhà nước. Đó là một lỗ hổng lớn về quản lý tài chính, đồng vốn cần xem lại, không có chuyện mua cả một ụ nổi rồi để không.
Hiện nay, nhà nước cũng đang có nhiều biện pháp, chờ triển khai nghiên cứu chặt chẽ, hiệu quả hơn, ngay trong Luật sửa đổi cũng sắp có quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn về DN nhà nước. Nhưng mà ở đâu cũng vậy hệ thống DN nhà nước hoạt động tương đối hiệu quả, thế nên phải tính, không thể tràn lan.
Kinh nghiệm của các nước, kinh tế nhà nước bao giờ cũng kém hiệu quả hơn khu kinh tế ngoài nhà nước, nên phạm vi của nó vô cùng hẹp, không giống như VN.
Hiện nay, các bộ phận bên quản lý DN đang có những nghiên cứu, để có những chính sách quản lý, tái cấu trúc lại DN nhà nước.
Vấn đề quan trọng ở đây, chịu trách nhiệm trong các phương án sản xuất kinh doanh của DN nhà nước, giống như DN nhà nước vay thoải mái rồi làm ăn không hiệu quả rồi xoa tay như không biết ai chịu trách nhiệm.
PV: - Thưa ông, nhiều người nhận định, đang có một xu hướng xin ưu đãi để… tái cơ cấu. Điều này có chứng tỏ thêm nghi ngờ của dư luận về nhóm lợi ích trong các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước không thưa ông? Để xóa bỏ điều này, việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước cần phải thực hiện thế nào?
GS Đặng Đình Đào: - Chắc chắn chuyện lợi ích nhóm không thể tránh khỏi, nhất định sẽ có.
Nó sẽ ảnh hưởng cả quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Giả sử anh nào chiếm lợi ích riêng cho mình, không tính các hệ thống, thì sẽ rất nguy hiểm. Vì sao mà chi phí tăng, mỗi anh một kiểu, cửa khẩu 1 kiểu, hải quan 1 kiểu, CSGT 1 kiểu, rất nhiều cái kiểu như vậy sẽ đẩy chi phí tăng lên.
Nếu không có sự phối hợp, kết hợp, hợp tác chặt chẽ để hình thành nền kinh tế chung, như đi 1 tour du lịch sang Singapore có thể thấy, cả 1 chuỗi chia sẻ lợi ích, hài hòa giữa các khâu. Từ ăn uống, vận tải, lưu cữu, ăn chơi, chia sẻ lợi ích, hài hòa.
Rõ ràng là chúng ta phải đánh giá lại hệ thống DN nhà nước 1 cách thật đầy đủ, rõ ràng, minh bạch để xem sự hòa đồng của DN nhà nước đến mức nào, ngành nào, cần những gì, duy trì hệ thống DN, còn lại không được để tràn lan, dẫn đến kém hiệu quả.
Phải đánh giá khách quan, đầy đủ hệ thống DN nhà nước, tập đoàn hiện nay, Bộ KH-ĐT , Cục DN đang có nhiều dự án, đánh giá 10 năm CP hóa, 10 năm phát triển lại hệ thống DN. Nhưng thực ra đánh giá chưa sâu sắc lắm, nhìn nhận hệ thống DN nhà nước chưa đầy đủ, còn nhiều tồn tại cần giải quyết.
Mặt khác, tái cơ cấu DN nhà nước là một quá trình lâu dài, cần có thời gian. Muốn tái cơ cấu cũng như các nước thì quản lý nhà nước, Bộ chủ quản cần xem xét lại, dĩ nhiên DN nhà nước phải trực thuộc các Bộ.
Mà hiện nay, Bộ quản lý không được khách quan cho lắm, như ngành xăng dầu thuộc Bộ công thương. Nhưng Bộ công thương, Bộ tài chính có quyết sách điều chỉnh giá, tăng hoặc giảm rõ ràng chưa thuyết phục người tiêu dùng.
Cho nên tái cơ cấu các DN nhà nước phải thay đổi căn bản không thể duy trì như hiện nay và các DN nhà nước cũng như các loại DN khác hoạt động theo Luật, truy cứu trách nhiệm, mặc dù vốn nhà nước quản lý trong đó, như công nghiệp thì trực thuộc Bộ công thương, y tế thuộc bộ y tế, nông nghiệp thuộc Bộ NN.
Nó gần như các lọai hình DN khác, hoạt động theo Luật, cơ chế chủ quản như bây giờ thì khó thoát ra khỏi tình trạng hiện nay.
Xin cảm ơn những chia sẻ của GS!
(Theo Đất Việt) Thanh Huyền thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét