Sự sụp đổ tất yếu của một chế độ bù
nhìn, thất bại tất yếu của một đội quân đánh thuê
Cập nhật lúc 08:37
Tháng 4-1975, bằng tất cả ý chí và quyết tâm, sau mấy chục
năm chiến đấu hy sinh gian khổ dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, dân
tộc Việt Nam đã đi tới thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng miền nam,
thống nhất đất nước. Thế nhưng mấy chục năm qua, vẫn có một số người không
dám nhìn thẳng vào sự thật, vẫn đưa ra một số luận điệu nhằm bao biện cho
thất bại.
Giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã
diễn ra nhiều sự kiện phức tạp trên mặt trận quân sự, kéo theo sự phức tạp trên
chính trường thế giới. Nhưng dù phức tạp như thế nào thì không ai có thể bác
bỏ một sự thật rõ ràng, hiển nhiên là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam và sự sụp
đổ tất yếu của chính quyền Sài Gòn. Vậy mà sau gần 40 năm, vẫn có người đặt
câu hỏi "Có phải chính quyền Sài Gòn sụp đổ vì bị Mỹ "bỏ
rơi"?" để bao biện cho thất bại. Câu hỏi này dựa vào ý kiến của một
số người từng một thời giữ vai trò quan trọng trong chính phủ Mỹ cho rằng họ
đã thắng trong chiến tranh (!). Như cựu tổng thống R. Nixon coi việc chính
quyền Sài Gòn sụp đổ là do Quốc hội Mỹ không cho G. Ford quyền sử dụng lực
lượng quân sự để bảo vệ nam Việt Nam như Nixon đã hứa với Nguyễn Văn Thiệu
trước đó, không những thế, Quốc hội Mỹ còn bác đề nghị chi 722 triệu USD cứu
nam Việt Nam (!). Còn H. Kissinger thì cho rằng thảm kịch của Mỹ là do tình
hình nội bộ của Mỹ (ý nói vụ Watergate), nếu không có sự kiện này, R. Nixon
đã có thể hạ lệnh ném bom quân bắc Việt ngay từ tháng 4-1973! Tuy nhiên,
chính H. Kissinger cũng phải thừa nhận đã đánh giá sai về sự sẵn sàng của
nhân dân Mỹ trong việc ủng hộ sự can thiệp của Mỹ. Trong cuốn Không hòa bình,
chẳng danh dự, Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam GS L. Berman dẫn
lời R. Nixon, H. Kissinger rằng, họ có thể nhìn thấy nam Việt Nam thất bại
nhưng lại muốn thất bại đó không diễn ra trong nhiệm kỳ của mình; R. Nixon
muốn một tình trạng bế tắc vô hạn định bằng cách sử dụng B.52 bảo vệ nam Việt
Nam đến hết nhiệm kỳ tổng thống; Hiệp định Paris có thể sẽ tạo cớ cho Mỹ can
thiệp vào nam Việt Nam, tuy nhiên vụ Watergate đã làm hỏng những toan tính
đó,...!
Những người đặt câu hỏi: "Có phải chính quyền Sài Gòn
sụp đổ vì bị Mỹ "bỏ rơi"?" đã không quan tâm tới ý kiến của
rất nhiều học giả và nhà nghiên cứu khẳng định thất bại của chính quyền Sài
Gòn là không tránh khỏi. Như F. Snepp viết trong cuốn Một khoảng thời gian
thích đáng thì Hiệp định Paris
chỉ là hình thức bỏ chạy của Mỹ, các vấn đề còn lại của chiến tranh không
được giải quyết. Sau ngày chiến tranh kết thúc, xuất hiện tiếng nói giận dữ
và oán hận từ phía Nguyễn Văn Thiệu và phụ tá thân cận của ông ta cho rằng họ
thua trận vì bị Mỹ phản bội và bỏ rơi, thậm chí cho rằng nam Việt Nam thua
trận vì vừa phải đối phó với bắc Việt, lại vừa phải đối phó với đồng minh của
mình! Trong cuốn Hồ sơ mật dinh Ðộc Lập, Nguyễn Tiến Hưng - Tổng trưởng Kế
hoạch và Phát triển của chính quyền Sài Gòn, người được Nguyễn Văn Thiệu phái
đi cầu viện lần cuối cùng, đã công bố một số bức thư R. Nixon gửi Thiệu.
Trong một bức thư ngày 14-11-1972, R. Nixon nhấn mạnh: "Tôi tuyệt đối
cam đoan với ngài rằng, nếu Hà Nội không tuân theo những điều kiện của Hiệp
định này thì tôi cương quyết sẽ có hành động trả đũa mau lẹ và ác liệt",
và Thiệu đã coi những lời lẽ này như "lời hứa danh dự" và đó chính
là một lý do để ông ta lên án Mỹ nặng nề trong diễn văn từ chức ngày 22-4-1975.
Nhà báo, sử gia người Ðức - Tiến sĩ Winfried Scharlau (1934 - 2004), phóng
viên chiến trường, một trong những nhà báo phương Tây cuối cùng rời Việt Nam
trong tháng 4-1975 ghi lại: "Vào buổi tối, ông (Nguyễn Văn Thiệu) đã thổ
lộ niềm cay đắng của mình về nước Mỹ trong một bài diễn văn trên truyền hình.
Thiệu lên án Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ H. Kissinger đã không nhận ra, rằng
Hiệp định do ông ta thương lượng trong tháng giêng 1973 đã dẫn miền nam đi
tới chỗ chết, "Ai cũng nhận ra điều đó, nhưng Kissinger thì không. Các
cường quốc có lợi ích chung. Chúng tôi không có gì để hy sinh ngoài đất nước
nhỏ bé này"!
Trong tình thế phải "xuống thang" rút quân viễn
chinh về nước, nhưng vẫn muốn gây sức ép để đạt được kết quả có lợi trên bàn
hội nghị, Mỹ tiếp tục cố gắng kéo dài chiến tranh, thậm chí mở rộng chiến
tranh ra ngoài biên giới miền nam Việt Nam. B.52 và cuộc tấn công tàn bạo
trút bom xuống Thủ đô Hà Nội vào dịp Giáng sinh năm 1972 của R. Nixon đã không
lật ngược được thế cờ. Mỹ phải chấp nhận Hiệp định Paris, và cũng gấp rút thực hiện các biện
pháp đối phó. Ngay sau khi thống nhất khái niệm "ba vùng kiểm soát"
trong dự thảo Hiệp định Paris, H. Kissinger lập tức điện cho E. Bunker - Ðại
sứ Mỹ ở Sài Gòn, "yêu cầu Thiệu cố gắng hết sức để lấn chiếm được càng
nhiều càng tốt vùng do Chính phủ cách mạng lâm thời kiểm soát". Và Thiệu
đã gấp gáp xúc tiến kế hoạch "tràn ngập lãnh thổ", lấn chiếm, bình
định trong thời gian cố tình trì hoãn việc ký Hiệp định. Trước khi ký Hiệp định
Paris, Mỹ gấp
rút thực hiện hai kế hoạch Enhance (Tăng cường) và Enhance Plus (Tăng cường
thêm nữa) để củng cố sức mạnh cho quân đội Sài Gòn với hy vọng đội quân này đủ
sức đứng vững sau khi quân Mỹ rút đi. Trong thời gian từ cuối năm 1972 đến
đầu năm 1973, qua cầu hàng không, Mỹ đã cung cấp cho chính quyền Nguyễn Văn
Thiệu 700 máy bay, 500 pháo các loại, 400 xe tăng và xe bọc thép, bổ sung hai
triệu tấn dự trữ vật tư chiến tranh...
Vượt qua mọi toan tính của Mỹ, sự nghiệp giải phóng miền
nam, thống nhất đất nước của quân và dân Việt Nam đã liên tục giành những thắng
lợi to lớn, đi đến thắng lợi cuối cùng. Về mặt quân sự, sau khi lính Mỹ đã
rút đi, nguồn viện trợ quân sự từ Mỹ bị sụt giảm đáng kể, quân đội Sài Gòn
không thể làm nổi những gì mà hơn hai triệu lượt quân viễn chinh Mỹ và gần 10
triệu tấn bom đạn không làm được trong những năm trước đó. Về mặt chính trị,
Mỹ chọn giữ lại Nguyễn Văn Thiệu như một bảo đảm về cơ hội để có thể tiếp tục
can thiệp, bảo đảm vai trò của Mỹ ở khu vực,... Nhưng họ đã "đặt
cược" sai. Vì cũng như các chính quyền trước đó ở Sài Gòn, chính quyền
Nguyễn Văn Thiệu là do Mỹ dựng lên, nuôi dưỡng. Chính quyền đó chỉ có thể tồn
tại nhờ chiến tranh, nguồn sống của nó chỉ là viện trợ Mỹ, cho nên nó không
thể giải quyết hàng loạt vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội phức tạp nảy
sinh sau khi quân Mỹ rút, viện trợ Mỹ chỉ còn nhỏ giọt. Vì là chính quyền bù
nhìn, cho nên khi Nguyễn Văn Thiệu cố dây dưa không ký Hiệp định Paris, trong
thư gửi Nguyễn Văn Thiệu ngày 16-1-1973 R. Nixon mới có thể viết: "Tôi
đã quyết định dứt khoát sẽ ký tắt hiệp định vào ngày 23-1-1973 tại Paris. Nếu
cần tôi sẽ làm đúng như nói trên một mình. Trong trường hợp đó tôi phải giải
thích công khai rằng chính phủ của ông cản trở hòa bình. Kết quả sẽ là sự
chấm dứt không tránh khỏi, lập tức viện trợ kinh tế, quân sự của Hoa Kỳ và một
sự thay đổi nhân sự trong chính phủ của ông khó mà nói trước". Cách đây
dăm năm, sau khi nội dung các cuốn băng ghi âm R. Nixon cho ghi tại Nhà trắng
trong thời kỳ ông còn đương nhiệm được công bố, dư luận còn biết thêm nhiều
điều. Trong những ngày bày mưu tính kế để rút quân Mỹ khỏi nam Việt Nam, ép
chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phải ký Hiệp định Paris, trao đổi với H.
Kissinger, R. Nixon từng đưa ra ý kiến: "Nói một cách khác, tôi không
biết sự đe dọa của chúng ta có đi quá xa hay không, nhưng tôi sẽ làm bất cứ
điều gì kể cả những điều không hay ho gì như cắt cái đầu Thiệu" (!). R.
Nixon còn nói thẳng với cố vấn đặc biệt của Nguyễn Văn Thiệu: "Các ông
hãy nhớ thật kỹ rằng: nếu không có viện trợ Mỹ thì Sài Gòn không thể tồn
tại... không có ngân quỹ Mỹ thì Sài Gòn coi như chấm dứt". Ðó là ngôn
ngữ của người biết mình có tư thế "ông chủ", ngôn ngữ của người chi
tiền. Chính vì nhận ra số phận bù nhìn của mình, Nguyễn Văn Thiệu mới phải
công khai thú nhận: "Mỹ còn viện trợ thì chúng ta còn chống cộng",
"Nếu Hoa Kỳ không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày,
một tháng hay một năm mà chỉ sau ba giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi dinh Ðộc Lập"!
Ý chí độc lập tự do, thống nhất đất nước của nhân dân Việt
Nam
được hun đúc từ lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc. Cho nên dù thế lực ngoại xâm
có sức mạnh vật chất to lớn đến đâu, dù thế lực ngoại xâm tàn bạo đến như thế
nào cũng không thể làm suy giảm niềm tin, ý chí đấu tranh vì độc lập dân tộc.
Vì thế, âm mưu và cố gắng tuyệt vọng của Mỹ và chính quyền Sài Gòn từ khi
Hiệp định Paris
được ký kết đến ngày 30-4-1975 càng làm cháy bỏng thêm ngọn lửa của tinh thần
đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu đi đến đích cuối cùng. Thắng lợi của nhân dân
Việt Nam trước hết bắt nguồn từ cuộc đấu tranh chính nghĩa và sự lãnh đạo tài
tình, sáng suốt của Ðảng Cộng sản Việt Nam, sự chiến đấu dũng cảm, hy sinh
quên mình của quân đội và nhân dân Việt Nam sau mấy chục năm đấu tranh gian
khổ. Còn sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn tháng 4-1975, trước hết do tính
chất bù nhìn và mục đích phản dân tộc của nó. Ðó là một trong các nguyên nhân
đưa tới quyết định sai lầm về sách lược chính trị, chiến thuật quân sự của
Nguyễn Văn Thiệu. Thất bại ở Buôn Ma Thuột vào tháng 3-1975 nhanh chóng làm
đảo lộn thế trận của chính quyền bù nhìn này trên toàn miền nam. Một đội quân
có hơn một triệu người, ở thời điểm năm 1975 được đánh giá đứng thứ tư trên
thế giới về lục quân, không quân, đứng thứ chín về hải quân,... gấp đối
phương hai lần về quân số, bốn lần về xe tăng, hơn tuyệt đối về không quân và
hải quân, đã nhanh chóng tan rã và thất bại trong chưa đầy hai tháng. Vì tính
chất phi nghĩa của sự tồn tại mà đội quân ấy đã thất bại. Nói như GS N. Chomsky
thì đó là "đội quân thiếu sự ủng hộ của nhân dân (nhất là ở nông
thôn)", hay theo cách nói của W. Colby - người từng đứng đầu phái bộ CIA
tại miền nam Việt Nam - đó là đội quân được Mỹ cho mọi thứ cần thiết,
"trừ sự dũng cảm"!
(Theo Nhân dân) THIÊN PHƯƠNG
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét