Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Không có cửa cho Kiev cõng rắn cắn gà nhà!
Cập nhật lúc 09:33                  
(Quan hệ quốc tế) - Chính phủ tạm quyền Ukraine càng vùng vẫy, càng lún sâu vào bế tắc. EU muốn thoái lui, cục diện Ukraine giờ chỉ còn cuộc chơi Nga – Mỹ
Kiev gồng mình trong tuyệt vọng
Sau khi mất Crimea vào tay Nga, chính phủ tạm quyền Kiev hiểu rằng họ đang đứng trước ngưỡng cửa của việc không còn gì để mất khi miền đông ngày càng tiến sát đến việc tự trị. Và hơn bao giờ hết, Kiev vùng vẫy bằng mọi giá thoát khỏi vũng bùn đang ngày càng lún sâu.
Kiev hiểu rằng nếu xử rắn với phong trào biểu tình miền đông, rất có thể ép Moscow đến nước phải động binh. Trong bối cảnh Ukraine chưa trở thành thành viên của NATO, sẽ không có bất kỳ sự trợ giúp nào cho họ và thất bại là điều chắc chắn. Nước cờ hữu dụng nhất của Kiev lúc này chỉ còn trông chờ vào ngoại viện.
Bằng những nỗ lực tuyệt vọng, Kiev đã buộc EU và Mỹ phải móc hầu bao cho mình. Liên minh châu Âu (EU) ngày 14/4 đã chính thức thông qua gói hỗ trợ trị giá 1 tỷ euro (1,4 tỷ USD) để giúp giới chức tạm quyền của Ukraine khắc phục các khó khăn tài chính nghiêm trọng hiện nay. Cùng ngày, Mỹ cũng thông qua khoản vay 1 tỷ USD cho Kiev. Như vậy, ngân khố của Ukraine có vẻ tạm tăng thêm hơn 2 tỷ USD.
Số tiền này, nếu có, cũng chỉ như muối bỏ bể so với những hóa đơn mà Ukraine cần thanh toán để giảm tải sức ép của việc đòi nợ từ phía Nga. Ít nhất, dù Nga có khóa van dầu khí, Ukraine vẫn có một khoản tiền nhỏ để duy trì sự sống cho mình.

Cảnh sát bảo vệ tại văn phòng công tố Ukraine ở thành phố Donetsk do lo sợ bị chiếm đóng ngày 12/4. 
Cảnh sát bảo vệ tại văn phòng công tố Ukraine ở thành phố Donetsk do lo sợ bị chiếm đóng ngày 12/4.
Tuy nhiên, đồng tiền của các nước tư bản không bao giờ dùng để làm từ thiện. Một động thái rất đáng chú ý trong những ngày vừa qua, giám đốc CIA đã đến Ukraine. Và CIA không phải một tổ chức thánh thiện như Chữ Thập Đỏ.
Ngay sau khi thông tin này được truyền thông Nga bóc mẽ, giới phân tích thế giới đã nhận định rằng, nếu có sự hiện diện của CIA, đồng nghĩa với việc Mỹ đã thừa nhận đứng sau chính phủ đương thời của Ukraine. Và khi được Mỹ chống lưng, Ukraine có thể tự tin làm điều họ muốn: “dẹp loạn” ở miền đông.
Phương Tây đã mang đến cho Ukraine tiền và cả súng. Khi mọi nỗ lực đàm phán của Kiev với lực lượng đòi ly khai tại miền đông không mang lại hiệu quả, một điều dễ hiểu, Kiev buộc phải dùng đến vũ lực. Và hãy xem những lực lượng nào đang chuẩn bị đàn áp người biểu tình.
Đã có thông tin lính đánh thuê của Mỹ đã đến Ukraine. Lực lượng cảnh vệ được điều động từ miền tây sang miền đông chờ chiến. Kiev phái tới phía đông có cả lực lượng Tự vệ Madai và một nhóm nhỏ của tổ chức cấp tiến “Khu vực cánh hữu” (Pravyi sector).
Và đã có máu đổ tại miền đông Ukraine. Những vết máu đầu tiên này khẳng định không có gì đảm bảo cho việc sẽ không có bạo lực, đàn áp tại miền đông Ukraine.
 Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton:
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton: "Cần tình đến khả năng trưng cầu dân ý về thể chế cho Ukraine"
EU xem xét vấn đề trưng cầu dân ý
Dường như người biểu tình cũng đã hiểu điều này, và họ liên tiếp phát đi những tín hiệu cầu cứu nước Nga, cầu cứu Putin.
"Chúng tôi đang nhận được rất nhiều đề nghị từ các khu vực ở miền đông Ukraine, gửi trực tiếp đến cá nhân ông Putin, với đề nghị giúp đỡ, can thiệp ở hình thức nào đó," các hãng thông tấn của Nga dẫn lời người phát ngôn của ông Putin là Dmitry Peskov.
"Tổng thống Nga đang theo dõi diễn biến tình hình tại các khu vực này với sự quan ngại sâu sắc," người phát ngôn nói.
Crimea đã trở thành một tấm gương để những tỉnh miền đông Ukraine noi theo. Phương Tây hoàn toàn có thể quy kết rằng chính Nga đã tạo ra tiền lệ xấu này và châm ngòi cho sự bất ổn định tại Ukraine. Nhưng không có lửa làm sao có khói. Nếu Kiev hiện tại là một chính phủ cấp tiến, dân chủ, thì tại sao những người ở miền đông phải chủ động đứng lên học theo Crimea đòi quyền tự quyết?
Một chính phủ được dựng lên từ vỉa hè, bạo lực, bom xăng, một chính phủ ẩn chứa hơi hướng của chủ nghĩa phát xít, khát máu, thì không có quyền được đòi hỏi sự tin tưởng từ phía nhân dân.
Sự mất lòng tin vào chính phủ tạm quyền Kiev không chỉ thể hiện ở phía nhân dân, mà còn từ chính những người nhào nặn lên nó. Hôm 1/4/2014, tại Paris, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov yêu cầu cần thay đổi hiến pháp của Ukraine, chấp nhận thể chế liên bang trên đất nước này, và cho rằng đây là giải pháp tốt nhất.
 Vẻ mặt kỳ lạ của một người thuộc lực lượng tự vệ Maidan
Vẻ mặt kỳ lạ của một người thuộc lực lượng tự vệ Maidan trong cuộc tấn công quảng trường tự do Kiev
EU kịch liệt phản đối và cho rằng Nga đang mưu toan bất chính.
Nhưng đến ngày 14/4/2014, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton cho biết Hội đồng châu Âu (EC) sẽ xem xét khả năng ủng hộ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề thể chế nhà nước của Ukraine.
Phương Tây đã nhào nặn lên một chính phủ bù nhìn, thiếu sức mạnh, thiếu quyết đoán và không có tinh thần dân tộc. Nguy hiểm hơn, sự yếu kém của chính phủ này là tiền đề, là cơ hội để thai nghén ra những tổ chức mang tư tưởng của quỷ, như Pravyi sector. Còn bây giờ, bỏ thì thương, vương thì tội, EU đã nghĩ đến việc trông chờ vào một thể chế mới, nhưng vẫn phải “tiếp máu” cho chính quyền này.
Quốc gia nào sẽ bị lôi kéo vào cuộc chơi Nga - Mỹ?
Sự xuất hiện của giám đốc CIA hứa hẹn Mỹ sẽ tham gia sâu hơn vào vấn đề Ukraine. Và quốc gia Đông Âu này một lần nữa trở thành sàn diễn của hai cường quốc.
Một ví dụ điển hình, ở miền đông đang hiện diện những tay súng bí ẩn, tự xưng là tự vệ Donetsk, được trang bị đầy đủ, có kỹ năng chiến đấu, và tất cả đều đeo mặt nạ. Còn phía bên kia chiến tuyến, lực lượng của Ukraine được sự hậu thuẫn của Mỹ. Hai thế lực này đang đặt Ukraine đứng trước nguy cơ nội chiến rõ như ban ngày.
Nga, Mỹ đã quá hiểu nhau. Họ đối đầu nhau từ Trung Đông, đến Đông Âu. Trên khắp thế giới chỉ còn châu Á – Thái Bình Dương, hai cường quốc này chưa có dịp chạm mặt. Nhưng Nga hiểu rằng khu vực “bình yên” này lại là lợi ích cốt lõi của nước Mỹ. Và việc hợp tác với Trung Quốc từ quân sự, cho đến kinh tế, năng lượng cũng là một cách để Nga cân bằng thế cục với Mỹ tại Đông Âu.
 Mỹ đang tạo ấn tượng tốt với Narendra Modi, ứng cử viên số một cho chức vụ Thủ tướng Ấn Độ
Mỹ đang tạo ấn tượng tốt với Narendra Modi, ứng cử viên số một cho chức vụ Thủ tướng Ấn Độ
Và như vậy, Ukraine là sàn diễn, và Nga, Mỹ hai nhân vật chính này phải đi tìm những vai phụ cho mình. Và trong trường hợp tranh giành đồng minh, ảnh hưởng lẫn nhau, thế giới còn một cường quốc vẫn im hơi lặng tiếng từ đầu đến giờ, đó là Ấn Độ.
Cường quốc châu Á này luôn giữ quan điểm trung lập với vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, đây lại là một thế lực tại châu Á, đủ sức là nỗi lo của Trung Quốc. Đồng thời, Trung - Ấn luôn trong mối quan hệ cơm không lành canh chẳng ngọt.
Rất có thể, trong những diễn biến tiếp theo, Ấn Độ sẽ trở thành mục tiêu lôi kéo mãnh liệt nhất giữa hai cường quốc này. Bởi hiện tại, ngay khi Ấn Độ đang trong cuộc bầu cử để tìm kiếm nhà lãnh đạo mới, Washington đã cấp ngay thị thực hạng A-1 (visa ngoại giao) cho ông Narendra Modi với vị trí người đứng đầu chính phủ, nếu ông này trúng cử Thủ tướng. Được biết, Narendra Modi đang là ứng cử viên số một cho chức vụ này.
Trong khi trước đó, Thủ tướng chuẩn bị hết nhiệm kỳ, ông Manmohan Singh hồi đầu tháng 4/2014 đã lên tiếng phản đối việc EU trừng phạt Nga. Động tác lấy lòng này của Mỹ đã thể hiện sự rào đón với một chính phủ mới tại quốc gia châu Á này.
Chắc chắn, cuộc săn đón, tranh giành ảnh hưởng lên Ấn Độ của hai cường quốc Nga, Mỹ sẽ còn rất nhiều thú vị.
(Theo Đất Việt) Đỗ Minh Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét