Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

 Hàng triệu kiều bào có thể mất quốc tịch

 Cập nhật lúc 12:03             

Hiện chỉ có 6.000 trong tổng số 4 triệu kiều bào đăng ký lại quốc tịch. Nếu không đăng ký, đến ngày 1-7-2014, kiều bào sẽ mất quốc tịch Việt Nam

Ngày 1-4, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân, cho biết theo Nghị định số 78 hướng dẫn thi hành một số điều Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 thì kể từ ngày 1-7 tới, kiều bào định cư ở nước ngoài quá 5 năm (từ 1.7.2009-1.7.2014) nếu không đăng ký lại quốc tịch sẽ không được công nhận.
Đề nghị sửa luật
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện chỉ có 6.000 trong tổng số 4 triệu kiều bào đăng ký lại quốc tịch. Nếu vẫn giữ quy định này, hàng triệu người có nguy cơ mất quốc tịch Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ cần sớm trình Quốc hội sửa luật để tháo gỡ cho bà con ở nước ngoài.
Trong cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Trần Văn Hằng, cũng đã kiến nghị sửa quy định của Luật Quốc tịch. Theo ông Hằng, Luật Quốc tịch năm 2008 và các văn bản hướng dẫn quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị và chưa mất quốc tịch Việt Nam trước ngày luật có hiệu lực (1-7-2009) thì phải đăng ký giữ quốc tịch tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong thời hạn 5 năm (1.7.2009-1.7.2014). Trong 5 năm này, kiều bào phải đến đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở quốc gia nơi mình định cư để giữ quốc tịch Việt Nam, nếu không đăng ký thì sẽ mất quốc tịch sau ngày 1-7-2014.
 Kiều bào về Việt Nam đón Tết 2014 Ảnh: TẤN THẠNH
Kiều bào về Việt Nam đón Tết 2014 Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Trần Văn Hằng kiến nghị xem xét lại quy định của luật, có thể điều chỉnh hạn định đăng ký quốc tịch. Đồng tình với kiến nghị này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cần làm việc với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp để xem xét tháo gỡ cho bà con kiều bào.
Chưa rõ con số cụ thể
Một vấn đề rất nan giải là theo chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII, Luật Quốc tịch không nằm trong danh sách luật phải sửa đổi, bổ sung. Về việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng các cơ quan của Quốc hội có thể làm việc với các bộ - ngành liên quan để xem xét, qua đó có thể điều chỉnh chương trình.
Giải thích thêm về điều này, ông Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cho biết luật pháp về vấn đề này từ năm 1945 đến nay vẫn giữ nguyên tắc “công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”. Tuy nhiên, vì luật pháp hiện hành chỉ cho phép kiều bào có một quốc tịch nên không thể nói kiều bào đang mang quốc tịch các nước Pháp, Mỹ, Úc, Singapore… (quy định cũng chỉ có một quốc tịch) có mong muốn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam để bỏ quốc tịch nước họ đang sinh sống. “Về pháp lý thì Bộ Tư pháp cùng Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng chưa có con số Việt kiều cụ thể. Kể cả nếu sửa luật, mở rộng thêm 5 năm (tới năm 2019) thì việc tính toán có bao nhiêu người đăng ký cũng không cụ thể được. Vì thế, Bộ Tư pháp chưa có cơ sở để đề nghị sửa luật”- ông Cường phân trần.
Theo ông Hà Hùng Cường, việc trình Quốc hội sửa một điều của luật là không đơn giản. Ông Cường dẫn việc Chính phủ trình Quốc hội sửa nghị quyết cho phép thí điểm người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam nhưng Quốc hội thấy chưa đủ cơ sở đề nghị lồng vào dự án Luật Nhà ở.
Trước tình hình này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao sớm báo cáo con số đầy đủ bà con kiều bào cần đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam để có hướng giải quyết vì thời điểm 1-7 đã gần đến.
Đăng ký giữ quốc tịch rất đơn giản
Quy định đăng ký giữ quốc tịch nhằm làm rõ tình trạng quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về quốc tịch và bảo hộ công dân. Để đăng ký giữ quốc tịch, kiều bào phải nộp tờ khai, giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam là được cấp giấy xác nhận đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Trường hợp không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, vẫn được cấp giấy xác nhận này nhưng cần khai lý lịch làm cơ sở cho các cơ quan chức năng trong nước xác minh quốc tịch và ghi vào sổ đăng ký.
(Theo Người Lao động) Thế Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét