Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Thêm một vụ oan sai

 Cập nhật lúc 08:10                

Các cơ quan tố tụng của tỉnh Sóc Trăng mắc sai sót khiến cho 7 nam, nữ thanh niên suýt vướng vào vòng lao lý sau nhiều tháng bị tạm giam

Từ tin báo của bạn đọc, chúng tôi về huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng tìm hiểu thông tin những bị can trong vụ án giết tài xế xe ôm đã được trở về đoàn tụ gia đình sau khi VKSND tỉnh ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam vào hôm 25-2.
Hung thủ bất ngờ xuất hiện
Đại Ân 2 là một trong những xã nghèo của huyện Trần Đề. Hơn nửa năm trước, tại đây bất ngờ xảy ra vụ giết người khiến dư luận giật mình. Theo hồ sơ vụ án: Khoảng 4 giờ ngày 6-7-2013, những người đi làm đồng phát hiện thi thể ông Lý Văn Dũng (42 tuổi, ngụ tại địa phương, chạy xe ôm) gục chết trên con lộ thuộc ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2. Chiếc xe máy của nạn nhân nằm ven lộ cách hiện trường không xa. Khám nghiệm tử thi, các ngành chức năng xác định nạn nhân bị đâm 7 nhát dao, trong đó có 1 vết dao đâm thẳng vào ngực và 1 vết từ trên đỉnh đầu đâm xuống. Bóp tiền và điện thoại di động của nạn nhân vẫn còn nguyên.
Các ngành chức năng xác định nguyên nhân của vụ án có thể xuất phát từ hiềm khích cá nhân. Lập tức, Trần Hol (SN 1986), người từng liên quan đến vụ cố ý gây thương tích trước đó, được mời lên làm việc. Sau đó, 5 thanh niên khác là bạn bè của Hol cũng lần lượt bị công an mời lên làm việc rồi cùng bị tạm giam, khởi tố về tội “Giết người”, gồm: Trần Cua, Thái Văn Đợi, Thạch Sô Phách, Thạch Mươl và Khâu Sóc. Riêng đối tượng nữ duy nhất trong vụ này là Nguyễn Thị Bé Diễm (quê quán Hậu Giang, làm nghề phục vụ quán nhậu tại thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề) bị khởi tố về tội “Không tố giác tội phạm”.
 Anh Thạch Sô Phách và những người thân
Anh Thạch Sô Phách và những người thân
Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam của VKSND tỉnh Sóc Trăng 
Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam của VKSND tỉnh Sóc Trăng
Vụ án tưởng chừng như đã xong, thậm chí ban chuyên án chuẩn bị nhận thưởng “nóng” thì bất ngờ vào giữa tháng 12-2013, Lê Thị Mỹ Duyên (ngụ TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đến Công an phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM, đầu thú, thừa nhận chính cô và Nguyễn Kim Xuyến (ngụ thị trấn Trần Đề) đã giết ông Lý Văn Dũng với ý định cướp tài sản nhưng cướp không thành. Duyên khai cô và Xuyến có mối quan hệ đồng tính. Sau khi bỏ trốn lên TP HCM, do Xuyến có tình cảm với người khác nên Duyên đâm ra ghen tuông. Để trả thù, Duyên đi đầu thú với mong muốn cả hai cùng bị bắt giữ và cùng được ở bên nhau mãi mãi (!). Những lời khai của 2 đối tượng này tương đối phù hợp với hiện trường của vụ án. Cả Duyên và Xuyến đều bị tạm giam để phục vụ điều tra.
Mong được trả lại công bằng
Do sống nhờ bên vợ vì không có đất canh tác nên Trần Hol phải đi làm thuê để nuôi vợ, con. Lúc anh bị bắt giam, vợ anh đang cận kề ngày sinh con thứ hai. Do không chịu đựng nổi sự dị nghị của hàng xóm về việc chồng mình là kẻ giết người, vợ anh đã bồng con lên TP HCM để tìm kế sinh nhai. Hay tin anh trở về, vợ anh tức tốc xin chủ cho nghỉ việc để đưa 2 con về đoàn tụ. Suốt buổi sáng 1-3, anh cứ nôn nao để được gặp lại vợ con.
Còn anh Trần Văn Đỡ cho biết Nguyễn Thị Bé Diễm là bạn gái của anh. Sau nhiều tháng bị tạm giam, ngày trở về anh cũng không dám gặp mặt người yêu. Mấy ngày qua, suốt ngày anh Đỡ ra đồng bẫy chuột bán để kiếm tiền lo thuốc men cho mẹ già. Bà Trần Thị Bỏ (mẹ của anh Đỡ) cứ khóc suốt: “Hay tin con tôi bị kết tội giết người, tôi cứ như người mất hồn. Đến khi con về, đáng ra phải cười nhưng tôi lại khóc vì quá vui sướng”.
Riêng trường hợp của Thạch Sô Phách là bi thương nhất. Hằng ngày, anh đi biển thuê để kiếm tiền nuôi vợ con. Cách nay hơn một năm, vợ anh lên TP HCM làm công. Hay tin anh bị bắt vì gây trọng tội, vợ anh đã bỏ lại đứa con trai 6 tuổi cho bên nội nuôi để lấy chồng khác. Do cháu vừa bị tai nạn gãy tay nên không thể tiếp tục đến trường. Trong căn nhà lá rách nát, anh Phách nói như khóc: “Tôi bị oan đã đau nhưng không đau bằng vừa trở về nhà thì hay tin vợ mình đã theo người ta”.
Cũng như anh Hol và anh Đỡ, anh Phách bức xúc: “Chúng tôi mong vụ án mau chóng được làm sáng tỏ để trả lại công bằng cho chúng tôi”. 
Bị ép cung, dùng nhục hình?
Sau hơn 7 tháng bị tạm giam, ngày 26-2, Trần Hol, Trần Cua, Thái Văn Đợi, Thạch Sô Phách, Thạch Mươl và Khâu Sóc được cho trở về nhà từ quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam. Riêng bị can Nguyễn Thị Bé Diễm được cho về trước Tết Giáp Ngọ.
Trưa 1-3, Trần Hol kể ngay từ lúc bị công an mời lên làm việc, Hol đã chỉ ra nhiều chứng cứ ngoại phạm đối với bản thân anh trong đêm xảy ra vụ án. Tuy nhiên, các điều tra viên của Công an huyện Trần Đề vẫn một mực cho rằng Hol là hung thủ, thậm chí đánh anh. “Chuyển lên Công an tỉnh Sóc Trăng, tôi cũng bị đánh đến bất tỉnh... Do chịu không nổi, tôi khai nhận mình đã giết anh Dũng” - Trần Hol kể thêm. Tương tự, Thạch Sô Phách cũng kể: Lúc bị tạm giữ ở Công an huyện Trần Đề, anh bị 3 cán bộ công an thay nhau hỏi cung và đánh đập. Khi áp giải lên công an tỉnh, anh lại bị 4 cán bộ điều tra đánh tiếp. Do không chịu được nhục hình, anh cũng đã nhận tội. Anh Trần Văn Đỡ cũng bị như vậy.
Chiều cùng ngày, trao đổi qua điện thoại với chúng tôi về việc có hay không chuyện dùng nhục hình để ép cung các bị can, ông Thái Văn Đợi, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, cho biết vụ việc đã được báo cáo lên Tổng cục Cảnh sát nên chưa thể cung cấp gì thêm cho báo chí.
(Theo Người Lao động) PHẠM CÔNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét