Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Từ 2015 lương hưu sẽ giảm mạnh?

Cập nhật lúc 08:22                  
Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), lương hưu của cán bộ, viên chức nhà nước, công chức tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2015 sẽ thay đổi cách tính, thay vì tính bình quân 10 năm trước khi nghỉ hưu như hiện nay sẽ phải tính là bình quân toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội giống như đối với người lao động khu vực ngoài Nhà nước.

Lao động ngoài Nhà nước thiệt thòi
Ông Lê Hoàng Anh làm việc tại một công ty liên doanh ở Hà Nội mới bắt đầu nhận lương hưu vào tháng 2/2014. Trước khi làm việc tại công ty liên doanh, ông Hoàng Anh có 17 năm làm việc trong doanh nghiệp Nhà nước, tính chung lại, tổng số thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của ông là 24 năm. Do kết thúc thời gian làm việc tại công ty liên doanh nên cơ quan bảo hiểm xã hội tính lương hưu cho ông Hoàng Anh bằng 53% tổng mức lương bình quân của cả quá trình 24 năm ông Hoàng Anh tham gia bảo hiểm xã hội. Như vậy lương hưu của ông Hoàng Anh sẽ giảm vì phải chia đều cho cả 24 năm làm việc, trong khi những năm đầu làm việc mức đóng bảo hiểm thường rất thấp.

 bảo-hiểm, xã-hội, lương-lưu, công-chức, viên-chức, thu-nhập, lạm-phát, đời-sống
Với cách tính mới lương hưu có thể sẽ giảm mạnh.

Trong khi đó, nếu tiếp tục làm việc trong khu vực Nhà nước, lương hưu của ông Hoàng Anh sẽ được tính bằng 53% tổng số lương bình quân theo tháng của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Với tốc độ tăng lương tối thiểu nhanh như thời gian vừa qua, theo cách tính này ông Hoàng Anh sẽ được lợi vì không phải bù cho thời gian đóng rất thấp trước đó.
“Với cách tính này, rõ ràng người làm trong khu vực Nhà nước được ưu ái hơn trong chính sách bảo hiểm xã hội. Điều đó, không chỉ làm người lao động tại khu vực ngoài Nhà nước thiệt thòi, mà còn là sức ép cạnh tranh về lao động với các doanh nghiệp tư nhân”, ông Đỗ Minh Thăng - Giám đốc Công ty TNHH VietMod nhận xét.
Sẽ chung công thức tính
Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội do Bộ LĐ,TB&XH đang xây dựng dự kiến sẽ trình Quốc hội và có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, những người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ thời điểm này sẽ có chung cách tính lương hưu theo bình quân tháng của tổng số thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Minh Huân, do quá trình phát triển của Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ thay đổi các cách tính lương khác nhau nên chưa thể áp dụng ngay một công thức chung cho tất cả các đối tượng người lao động. Vì vậy, cơ quan soạn thảo dự luật chọn việc áp dụng cách tính lương hưu đồng nhất sẽ được thực hiện với những người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội kể từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, dự kiến từ ngày 1/1/2015.
Như vậy theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới trên 62,3 triệu lao động hiện đang tham gia BHXH. Cách tính lương hưu vẫn sẽ áp dụng hai cách tính như hiện nay. Các chuyên gia cho rằng, với cách tính hiện tại có phần ưu ái hơn cho những lao động thuộc khu vực Nhà nước. Trong xu hướng lương tối thiểu chung áp dụng cho khu vực Nhà nước đang tăng với mức khoảng 10-15% mỗi năm như hiện nay, người lao động khu vực Nhà nước sẽ vẫn được hưởng lương hưu cao dù đóng BHXH thấp hơn khu vực ngoài Nhà nước.
Theo Giaothongvantai

Có lẽ do lo "thủng" quỹ lương hưu nên Bộ LĐTBXH lại tính đến bài toán dễ nhất là cắt xén lương của đối tượng chính sách. Ai cũng biết đồng tiền của ta mất giá rất nhiều hàng năm do lạm phát. Với cách tính mới này e rằng người ta phải "chia sẻ" thu nhập hiện tại cho 10 năm trước. Thử một ví dụ: chẳng hạn 10 năm trước mức lương 1 người là 3 triệu (đã là khá cao), nay người có mức lương đó đang là 6 triệu (được khoảng 2 năm mức lương này), họ phải cộng vào chia bình quân (8 năm x 3 tr +2 năm x 6 tr) = 36 triệu chia 10=3,6 triệu. Vậy là gần như phải trở lại mức lương cách đây 10 năm! Thật buồn vì "phú quý dật lùi".
Thương Giang  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét