Cập nhật lúc 11:04
Ukraine đang rất cần tiền. Ngân sách đã cạn kiệt trong khi năm 2014 nước này cần khoảng 6 tỷ USD để trả nợ. Kiev đã cầu cứu IMF với một khoản vay trị giá 15 tỷ USD nhưng triển vọng của khoản vay này cũng khá mờ mịt.

 

Theo tờ “Global News”, Kiev hy vọng sẽ nhận được khoản vay này trong tháng Tư. Tuy nhiên, cho đến nay, các cuộc đàm phán với IMF đều chưa được khởi động do Kiev đang chìm trong bất ổn. Theo kế hoạch, một nhóm chuyên gia IMF đã dự kiến đến Ukraine vào đầu tháng Ba, song cho đến nay vẫn không có bất kỳ thông tin gì về hoạt động này.
Gia nhập IMF năm 1992, hạn ngạch của Ukraine trong IMF là 1,37 tỷ SDR (Quyền rút vốn đặc biệt, tài sản dự trữ ngoại hối bổ sung được IMF xác định và duy trì). Năm 1994, Ukraine tham gia chương trình STF (Tín dụng tài chính bổ sung) và EFF (Tín dụng điều chỉnh mở rộng) để giải quyết các vấn đề cân bằng thanh toán và thương mại. Điều quan trọng là những chương trình trên của IMF cũng được sử dụng để tích lũy dự trữ ngoại tệ. 
Xét về tổng thể, Ukraine đã nhận được khoản vay trị giá 12.3 tỷ SDR từ IMF, tương đương với khoảng 12,3 tỷ USD trong 20 năm gần đây. Tính đến ngày 1/3/2014, 1 SDR tương đương 1,5414 USD. Theo tỷ giá này, Ukraine đã nhận tổng cộng 18,9 tỷ USD.
Trong 9 năm (từ 2002-2007 và 2011-2013) của lịch sử 20 năm hợp tác với IMF, Ukraine không nhận được khoản vay nào cả. Hơn 3/4 các khoản vay đã được chuyển giao trong ba năm 2008-2010 (9,25 tỷ SDR) cho Chính phủ Ukraine thời điểm đó do Yulia Timoshenko và Nikolay Azarov lãnh đạo. 
Ba năm tiếp theo (2011-2013), Ukraine phải trả nợ 5,89 tỷ SDR hay 63,7% khoản vay nhận được. Khoản nợ nổi bật được trả cho khoản vay năm 2008-2010 là 3,36 tỷ SDR vào tháng 12/2013. 
Tỷ lệ lãi suất đã nâng con số trên lên đến 4,73 tỷ SDR hay theo tỷ giá hiện nay là vào khoảng 7,29 tỷ USD, tính vào thời điểm tháng 12/2013.
Trong 20 năm hợp tác với IMF, Ukraine đã phải trả 2,29 tỷ USD (theo tỷ giá hiện hành) lãi suất thanh toán. Tỷ lệ lãi suất lên đến 12,1% trên tổng khoản tín dụng được vay. Con số trên vượt quá mức lãi suất thông thường mà các ngân hàng tư nhân đưa ra. Điều này khiến cho IMF giống như một con cá mập cho vay nặng lãi. 
Chính vì thế mà rất nhiều quốc gia nghi ngờ về việc các khoản vay của IMF là “có lợi cho nền kinh tế”, chưa nói về những điều kiện chính trị ngặt nghèo kèm theo, khi so sánh với các nguồn cho vay tiềm năng khác.
Gánh nặng nợ nần
Tình hình Ukraine hiện nay rất phức tạp. Đất nước này đang bị các khoản nợ trong và ngoài nước chi phối. Bên cạnh các khoản nợ từ việc đi vay còn có các khoản nợ bắt nguồn từ việc không thanh toán nhập khẩu. Ví dụ, truyền thông cho biết nợ công của Ukraine lên tới 60,05 tỷ USD theo số liệu cập nhật ngày 31/12/2013. 
Khoản nợ này bao gồm nợ trong nước (32,15 tỷ USD) và nợ nước ngoài (27,9 tỷ USD), mà không bao gồm các thỏa thuận tín dụng và khoản vay các tổ chức khác của Ukraine. Nếu bổ sung thêm các khoản nợ quốc gia thì tổng nợ công của Ukraine là 73,08 tỷ USD. 
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, các tổ chức tài chính quốc tế và ngân hàng thương mại quốc tế chiếm đến 1/5 tổng nợ công của Ukraine. Chủ nợ chính của các khoản nợ công là các cơ quan nhà nước và các thể chế của Ukraine (chiếm 47%). Một phần chính trong khoản nợ công của Ukraine là do các công ty và tổ chức của Nga - đối tác thương mại quan trọng của Ukraine, nắm giữ.
Năm 2014, Ukraine phải trả nợ 2,42 tỷ SDR (tương đương 3,7 tỷ USD) cho IMF và 977 triệu SDR (khoảng 1,5 tỷ USD) cho năm 2015. Ở thời điểm này, các khoản thanh toán hoàn toàn chấm dứt. Nếu mọi việc suôn sẻ, đến tháng 9/2014, nợ của Ukraine với IMF sẽ giảm xuống đến hạn ngạch của IMF dành cho nước này. 
Báo cáo thường niên 2013 của IMF cho biết, nợ của Ukraine đến cuối năm 2013 là 345% hạn nghạch và hiện nay khoản nợ của Ukraine đã giảm xuống 200% hạn ngạch vào tháng 2/2014 và xuống dưới 100% đến tháng 9/2014.

 

IMF đã đánh giá tình hình tài chính và kinh tế của Ukraine để có một cái nhìn toàn cảnh rõ ràng về nghĩa vụ tài chính mà nền kinh tế và chính quyền nước này phải đối mặt trong năm 2014 cũng như trong tương lai. Có cảm tưởng rằng các chuyên gia IMF đang đến Kiev không phải vì mục đích đưa ra điều kiện chính xác cho khoản vay mới, mà là để xem xét liệu IMF có khả năng lấy lại khoản tiền Ukraine nợ trong năm nay và làm thế nào để nhanh chóng thu hồi lại được khoản nợ này. 
Ukraine đang bên bờ vực vỡ nợ?
Nhưng tình hình là rất nghiêm trọng với bất kể thông số nào được sử dụng để đánh giá. Nền kinh tế Ukraine chìm ngập trong gánh nặng nợ trong nước và nước ngoài. Giống như bất kỳ quốc gia lạc hậu nào khác, nợ trong nước là “tỷ lệ thứ yếu”, chỉ được hoàn trả sau khi tất cả các khoản nợ nước ngoài đã được thanh toán. 
Giờ đây, không ai biết chính xác bao nhiêu doanh nghiệp tư nhân của nước này nợ lương người lao động. Còn với các khoản nợ nước ngoài thì chỉ tính riêng trong năm ngoái đã tăng trên 20,2%. Tính đến ngày 31/12/2013, tổng nợ nước ngoài của Ukraine là 140 tỷ USD, chiếm khoảng 80% GDP. Điều nguy hiểm hơn là khoảng 65% nợ nước ngoài là ngắn hạn. 
Để dễ hình dung, người ta thường so sánh khoản nợ này với dự trữ vàng của Ukraine, vốn đã giảm xuống 15 tỷ USD trong tháng 1/2014. Đó là khoản nợ ngắn hạn vượt mức 4,5 khoản dự trữ vàng. Đây là vấn đề lớn đáng phải quan tâm.
Khoảng 40 tỷ trong tổng số 140 tỷ USD rơi vào tổng nợ công nước ngoài (tín dụng, khoản vay…cộng với nợ chính phủ). Trên 100 tỷ USD nợ rơi vào các lĩnh vực kinh tế ngoài nhà nước (ngân hàng, các công ty phi tài chính). Kinh tế ngoài khu vực nhà nước của Ukraine có thể vỡ nợ bất kỳ lúc nào. Lý do chính của mối lo ngại này là sự sụp đổ của tỷ giá hối đoái tiền tệ quốc gia. 
Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã công bố kế hoạch dần chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng, dẫn đến việc nhiều đồng tiền tệ trên thế giới đã bị tụt giá. Tiền tệ của Ukraine càng bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi cuộc khủng hoảng địa chính trị hiện tại và kèm theo đó là sự rút đi của dòng vốn ra khỏi nước này. 
 

Dự đoán sẽ có nhiều ngân hàng và công ty của Ukraine bị phá sản bởi không đủ khả năng trả nợ nước ngoài. Nó sẽ kéo theo một hiệu ứng mang tính dây chuyền: kho bạc nhà nước thu nhập ít hơn từ thuế; nhà nước không đủ khả năng thanh toán nợ và lãi suất, từ đó tất yếu dẫn đến vỡ nợ nhà nước.
Giả sử nền kinh tế Ukraine vẫn thoi thóp tồn tại được trong năm nay thì đó cũng là vấn đề đau đầu cho IMF. Có rất nhiều loại chủ nợ khác nhau đang đòi phân chia Ukraine. Ít nhất 10% tổng số nợ nước ngoài nằm trong tay IMF nhưng các chủ nợ khác cũng không muốn bị ảnh hưởng nên có rất ít khả năng họ sẽ kéo dài các khoản tín dụng cho Ukraine
Nhà nước, ngân hàng, các tổ chức phi tài chính của Ukraine sẽ cần dự trữ ngoại tệ trong năm nay hơn bao giờ hết. Các chuyên gia và lãnh đạo IMF hiểu rõ điều này. Đó là lý do tại sao rất khó để tin IMF sẽ cho Ukraine vay một khoản tín dụng mới để giúp nước này trong tình thế túng quẫn hiện nay.
(Theo Infonet) Lê Trí