Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

 Than, Khí, Điện: Ba ông chụm lại thành “hòn”… giá cao!
Cập nhật lúc 08:48                  
(Thị trường) - Giá than tăng đội chi phí sản xuất điện, thời điểm mùa khô các nhà máy nhiệt điện phải chạy hết công suất, buộc phải tăng lượng than mua từ TKV.
Là thông tin được đại diện nhiều nhà máy nhiệt điện dùng than làm nhiên liệu cho biết trên tờ TBKTSG.
Cụ thể, ông Hà Quang Giới, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng cho biết, giá than chiếm khoảng 50% chi phí sản xuất điện của nhà máy. Hiện nhiệt điện Hải Phòng có 4 tổ máy phải chạy hết công suất 1.200 MW do các nhà máy thủy điện thiếu nước.
Theo tính toán của ông Giới, với lượng điện sản xuất mỗi ngày khoảng 22 triệu kWh, nhà máy nhiệt điện Hải Phòng tiêu thụ gần 10.000 tấn than mỗi ngày.
“Theo nguyên tắc, than chiếm tỷ lệ rất lớn trong giá thành sản xuất điện nên khi than tăng giá thì sẽ tác động đến giá điện. Giá điện do nhà nước quản lý, tuy nhiên chắc chắn sắp tới giá điện sẽ phải tăng, nhưng sẽ tăng theo lộ trình”, ông Giới nhận định.
 Giá than tăng tạo sức ép tăng giá điện thời gian tới
Giá than tăng tạo sức ép tăng giá điện thời gian tới.
Ông Đỗ Hữu Hải, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh cho biết Nhiệt điện Quảng Ninh có 4 tổ máy đang hoạt động hết tổng công suất 1.200 MW và có lượng than tiêu thụ khoảng 3 triệu tấn mỗi năm.
Mặc dù chưa hạch toán số liệu 3 tháng đầu năm nhưng ông Hải cho biết với giá than tăng thì nhiệt điện Quảng Ninh sẽ giảm lãi, và quý 1-2014 có khả năng hoà vốn.   
Còn theo ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), giá than bán cho ngành điện trong thời điểm hiện nay đã đủ bù chi phí sản xuất, TKV không phải bù lỗ nữa sau lần điều chỉnh theo giá thị trường từ ngày 1-1-2014 với mức tăng từ 4 - 10% tùy loại than.
Tuy nhiên, ông Biên cho biết mức giá than đủ bù chi phí sản xuất là trong điều kiện hiện tại, và sau này khi khai thác than ở các tầng sâu hơn thì chi phí sản xuất than sẽ tăng cao hơn. Trước đó, trong các năm 2012 và 2013, TKV liên tục kiến nghị được tăng giá than bán cho ngành điện để bù đắp giá thành.
Hồi tháng 1/2014, ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN, đã khẳng định giá điện phụ thuộc nhiều vào giá than. Ví dụ giá than năm 2014 được tính theo giá thị trường, nên giá điện cũng phải căn cứ vào đó để mà tính, tuy nhiên nếu trút một lần vào giá điện thì người dân sẽ không chịu được.
Bằng chứng trước đó, giá điện cũng nhiều lần được điều chỉnh với lý do giá than cao.
Cụ thể như lần điều chỉnh giá vào tháng 8/2013, khi giá điện được điều chỉnh lên mức 1.508,85 đồng/kWh, tăng 71,85 đồng/kWh (5%), ông Đặng Huy Cường - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, áp lực từ việc tăng các chi phí đầu vào trong sản xuất điện của EVN là rất lớn.
Ông Đặng Huy Cường chỉ rõ, từ ngày 20/4/2013, giá than bán cho điện đã tăng từ 37 – 40% và tiếp tục áp lực tăng giá than bán cho điện trong quý III/2013 sẽ làm tăng chi phí mà EVN mua điện từ các nhà máy điện chạy than khoảng 4.000 tỷ đồng trong quý III/2013.
Lý do thứ 2 vì EVN đang nợ Tổng công ty Khí quốc gia (PV Gas) trên 3.000 tỷ đồng do chưa thu xếp được nguồn tiền khí phải trả vượt trên bao tiêu giai đoạn 2009 - 2012.
Thực tế cho thấy, việc tăng giá điện là hệ quả của việc 3 ông lớn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) ký thỏa thuận hợp tác chiến lược giai đoạn 2013-2018 (kỳ ngày 26/2/2013).
Trong cơ cấu nguồn điện, nhiệt điện nói chung đã được tính toán là chiếm tới gần 60% tổng công suất nguồn toàn hệ thống, chỉ cần nguồn này tăng giá, thì giá bán lẻ điện sẽ phải tăng.
Trong khi theo quy định hiện hành, giá điện chịu tác động bởi ba yếu tố chính là cơ cấu nguồn điện, giá nhiên liệu đầu vào và tỷ giá. Trong 3 yếu tố này, chỉ có tỷ giá nằm ngoài tầm với của ba tập đoàn nói trên.
Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác chiến lược đã ký, nếu EVN muốn tăng giá bán lẻ điện, chỉ cần “nháy mắt” với hai Tập đoàn còn lại, để PVN tăng giá khí, Vinacomin tăng giá than, như vậy là 2 trong 3 yếu tố chính cấu thành giá điện (cơ cấu nguồn điện và giá nhiên liệu đầu vào) đều đã tăng.
(Theo Đất Việt) Hà Anh
Tựa đề của Kinh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét