Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Tập đoàn độc quyền điều hành thị trường điện cạnh tranh!

Cập nhật lúc 14:13                  
Nhờ tham gia thị trường điện, các nhà máy điện đã được lời thêm 800 tỷ đồng so với việc mua bán điện truyền thống. Song, nếu tiếp tục giữ mô hình độc quyền ngành dọc như hiện nay thì thị trường điện cạnh tranh khó vận hành hoàn hảo.
Gia tăng lợi nhuận cho các nhà máy điện
Có nhiều lợi ích to lớn khi ngành điện được thị trường hóa thực sự, như hiệu quả sản xuất kinh doanh điện tăng lên, đầu tư vào nguồn và lưới điện được tối ưu hơn, chất lượng các dịch vụ về điện tăng lên rõ rệt… Tuy nhiên, tại Việt Nam, khi thị trường điện mới chỉ hình thành ở cấp độ 1- khâu phát điện  thì lợi ích to lớn nhất vẫn chưa thể thuộc ngay về người tiêu dùng.
Theo thông tin từ ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ hôm 28/3 tại hội thảo về phát triển thị trường năng lượng (do Ban Kinh tế Trung ương và Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức), các nhà máy điện đang được lợi rất nhiều.
Hiện nay, thị trường phát điện cạnh tranh đang có 48 trên tổng số 102 nhà máy điện tham gia chào giá trực tiếp. Năm 2013, tổng sản lượng điện thực phát của các nhà máy này là 52,86 tỷ kWh. Trong đó thủy điện đạt 11,84 tỷ kWh và nhiệt điện điện là 44,03 tỷ kWh, chiếm khoảng 40,3% tổng sản lượng của toàn hệ thống điện.
 thị-trường-điện, EVN, than, lỗ, nợ, giá-điện, thủy-điện, nhiệt-điện
Giá khí thay đổi cũng sẽ gây khó cho các nhà máy điện khí tham gia thị trường
Như vậy, mặc dù các nhà máy điện trực tiếp chào giá chỉ chiếm 37,8% công suất đặt, nhưng lại đóng góp tới hơn 40% sản lượng điện năng cho hệ thống.
Ông Thành cho biết, tổng số tiền thanh toán sau 1 năm vận hành theo cơ chế thị trường điện là gần 54.371 tỷ đồng, cao hơn so với thanh toán theo cơ chế thanh toán bằng giá hợp đồng là 827,4 tỷ đồng.
Theo đó, giá thanh toán trung bình theo cơ chế thị trường điện là 1.028,6 đ/kWh, cao hơn 15,7 đ/kWh so với thanh toán trung bình theo giá hợp đồng.
Điều này cũng có nghĩa, các nhà máy đã  đưa được các chi phí đầu vào trong giá phát điện của mình.
Ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho hay, do tác động của việc tăng giá than, mức giá trần bản chào của các nhà máy nhiệt điện đã phải liên tục điều chỉnh. Nếu như đầu năm 2013, mức giá trần thị trường chỉ là 846,3 đồng/kWh thì đến đầu năm nay, mức giá trần này đã tăng lên mức 1.168 đông/kWh.
Phó Tổng giám đốc Dương Quang Thành nhìn nhận, nếu như trước kia, để gia tăng lợi nhuận, các nhà máy điện chỉ có một cách duy nhất là giảm chi phí sản xuất do giá điện đã được hình thành trong các các hợp đồng dài hạn. Nhưng kể từ khi tham gia thị trường điện, các nhà máy điện có thể tìm kiếm lợi nhuận hơn nữa trong chiến lược chào giá.
Sau hơn 1 năm hoạt động, ông Thành khẳng định, giá chào trên thị trường điện từng giờ đã được công bố công khai trên trang web của thị trường điện, tạo điều kiện cho việc minh bạch hóa chi phí mua điện. Bên cạnh đó, các nhà máy này vẫn đảm bảo tuân thủ các ràng buộc pháp lý khác như đảm bảo nước tưới tiêu cho hạ du đối với các nhà máy thủy điện khi tham gia thị trường.
Độc quyền sẽ cản trở thị trường điện
Gia tăng lợi nhuận là tin vui cho các nhà đầu tư nguồn điện. Song, ở góc độ tổng thể thì những gì mà người dân, doanh nghiệp, hay cả cơ quan quản lý kỳ vọng ở thị trường điện vẫn chưa đạt được.
 thị-trường-điện, EVN, than, lỗ, nợ, giá-điện, thủy-điện, nhiệt-điện
Giá điện cho người dân không giảm
Ông  Dương Quang Thành cho biết, hệ thống truyền tải điện yếu, đặc biệt hiện tượng quá tải và nghẽn mạch diễn ra rất phổ biến trên lưới 500kV, 220kV. Ngay cả trong mùa mưa, dù công suất sẵn sàng của các nhà máy thủy điện miền Bắc tương đối cao nhưng không thể truyền tải hết vào miền Nam. Dù có thị trường thì việc thiếu điện cục bộ ở miền Nam vẫn không khắc phục được.
Vị Phó Tổng giám đốc EVN cũng thừa nhận, chất lượng cung cấp điện cho đến người tiêu thụ cuối cùng chưa cao. Kinh nghiệm các nước cho thấy, họ giải quyết tất cả các vấn đề này trước khi đưa cạnh tranh vào ngành điện.
Thêm nữa, theo ông Thành,  các cơ chế theo quy định của thị trường điện hiện nay vẫn không xử lý tốt các vấn đề đảm bảo an ninh hệ thống, chống lũ và tưới tiêu cho hạ du và đảm bảo vận hành kinh tế hệ thống khi gián đoạn nguồn cung cấp khí.
“Chỉ khi hoàn thành xong các điều kiện tiên quyết về nguồn cung trên thị trường điện thì mới nên để thị trường điện chuyển sang mức độ cạnh tranh hơn”, ông Thành nói.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam chia sẻ, lộ trình hình thành thị trường điện của Việt Nam phải trải qua 3 cấp độ từ năm 2005 đến sau 2023 là quá dài. Ở cấp độ 1, phát điện cạnh tranh yêu cầu bắt đầu thực hiện từ 2005 thì mãi tới 2011 mới vận hành thí điểm. Như vậy phải trên 20 năm thực hiện, đến sau năm 2023 Việt Nam mới có được thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh.
Ông Ngãi cho rằng, cần sớm rút ngắn lộ trình này và nên thực hiện các cấp độ cạnh tranh đan xen nhau, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.
Với ông Đinh Thế Phúc, một yếu tố cần đặc biệt lưu tâm khác sẽ phải giải quyết chính là vị trí độc quyền của EVN.  Đến nay, Tập đoàn này vẫn giữ vai trò chi phối khâu phát điện, với tỷ trọng hơn 60% tổng công suất phát điện toàn hệ thống, 90% khâu phân phối bán lẻ và độc quyền hoàn toàn trong các khâu truyền tải điện.
Trên thị trường, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực đáng lẽ cần độc lập thì hiện nay, cũng vẫn là do EVN điều hành.
Giai đoạn năm 2011-2015, ước tính sơ bộ ngành điện cần khoảng 4 tỉ USD/năm để đầu tư nguồn và lưới. ‘Ðây sẽ là một áp lực rất lớn cho ngành điện nếu giữ nguyên cơ cấu tổ chức theo mô hình độc quyền tích hợp dọc”, ông Phúc nói.
Theo ông, chỉ có thúc đẩy cạnh tranh trong các hoạt động điện lực mới có thể giải quyết được vấn đề khó khăn trên.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã thành công với thị trường điện cạnh tranh như Singapore, Philippines… ,  nhưng tại Việt Nam, để đạt được cấp độ cạnh tranh lý tưởng đến khâu bán lẻ, vẫn là một chặng đường dài.
(Theo Vef.vn) Phạm Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét