Nhà công vụ và Nhà của Chủ tịch Nước!Cập nhật lúc 08:37
(Dân
trí) - Ngay cái tên Nhà công vụ nó đã rất rõ nghĩa, đó là nhà của công, dành
cho cán bộ công chức làm việc công. Vậy thì khi không còn là công chức hoặc
do yêu cầu của công việc không cần hoặc không còn làm việc công nữa thì trả
lại. Có thế thôi.
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 01/2014/TT – BXD qui định về việc thu
hồi nhà công vụ, theo đó các trường hợp sau phải trả lại: “Người thuê
nhà nghỉ hưu hoặc hết tiêu chuẩn được thuê nhà ở công vụ; Người thuê nhà
chuyển công tác đến địa phương khác; Người thuê nhà có nhu cầu trả lại; Người
đang thuê nhà ở công vụ bị chết; Người thuê nhà sử dụng nhà ở công vụ sai mục
đích hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người thuê nhà…”.
Thông tư 01 là để nhằm cụ thể hóa Điều 61, luật Nhà ở
2005: “Nhà ở công vụ phải được sử dụng đúng mục đích và đúng đối tượng. Khi
hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ hoặc chuyển đến nơi khác hoặc nghỉ công tác
thì người thuê nhà ở công vụ có trách nhiệm trả lại nhà ở công vụ”.
Thế nhưng xem ra việc thực hiện Thông tư này ngay từ lúc
đầu đã có những phản ứng khác nhau.
Trên báo Đời sống & Pháp luật ngày 27/3, ông Đặng Hùng
Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN- MT bày tỏ: “Cán bộ về hưu vẫn giữ
nhà công vụ là trái luật, nếu không thu hồi được có thể dùng đến biện pháp
cưỡng chế. Vì chúng ta có thể cưỡng chế đối với người dân, không có lý do gì
lại không cưỡng chế với những cán bộ về hưu cố tình làm trái luật”.
Còn trên báo Tiền phong ngày 21/3, bài “Nhà công vụ không
phải là “lộc” để chia”, GS. Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn
hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và NĐ của QH) nói: “Nhà
công vụ không phải “lộc” để chia cho con cháu. Có thể nói đây là hành vi
chiếm dụng tài sản nhà nước”.
Ông Cục trưởng Cục Quản lý
nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng Nguyễn Mạnh Hà thì nói
thẳng tưng: “Hết hạn là trả, không phân biệt cấp cao hay
thấp”.
Đúng thế, chuyện
chả có gì đáng tranh cãi cả bởi “Nhà công vụ” theo Wikipedia, đó là “nhà được
phân cho người đang làm việc công (thường là người có chức quyền hoặc cán bộ
công nhân viên chức hoặc người có nhiệm vụ đặc thù), dùng để ở, tiếp khách
hoặc các chức năng khác nhằm mục đích phục vụ việc công…”.
Mà ngay cái tên Nhà công vụ nó đã rất rõ nghĩa, đó là nhà
của công, dành cho cán bộ công chức làm việc công. Vậy thì khi không còn là
công chức hoặc do yêu cầu của công việc không cần hoặc không còn làm việc công
nữa thì trả lại. Có thế thôi.
Nhưng vấn đề, trăm sự là ở cái sự… không muốn trả.
Cũng trên báo Tiền Phong, bài “Không
trả nhà công vụ, quan chức nói gì?”, một vị nguyên Thứ trưởng đang ở Nhà công vụ đặt câu hỏi rất…
hồn nhiên: “Theo quy định thì phải trả lại nhà, nhưng trả rồi mình biết ở
đâu?” khiến TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh
tế TW phải đặt câu hỏi lại: “Bảo trả nhà không biết ở
đâu, vậy trước kia anh ở đâu? Trước khi được phân nhà công vụ, chả nhẽ anh ở
ngoài đường sao?”.
Có lần mình chứng kiến một người bán hàng trả nhầm tiền
người mua hàng vì tưởng tờ 20 ngàn là 500 ngàn, cô bán hàng cám ơn rối rít
khiến người “được” trả nhầm… phát cáu: “Ơn huệ gì. Có phải của tôi đâu mà tôi
lấy”.
Cái chân lý giản dị, cái gì không phải của mình thì mình
không nhận là lẽ bình thường ở đời mà xem ra ở đây có vẻ khó thực hiện.
Chợt nhớ cách đây hơn một năm (cuối tháng 10/2012), khi tiếp xúc với cử tri TP HCM, Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang đã nói rất giản dị rằng khi nghỉ ông sẽ về quê, trả lại nhà cho Đảng. “Nhà tôi nhỏ thôi,
51m2, khi về hưu dứt khoát tôi không lấy một mét vuông đất nào.
Bữa nay tôi nói dứt khoát như vậy”.
Một vị đứng đầu Nhà nước của một
quốc gia ở một căn nhà có 51 mét vuông, khi về hưu vẫn trả lại nhà là một tấm
gương sáng để cán bộ công chức cả nước phải học tập.
Nên mong rằng đừng có ai để đến
mức phải “cưỡng chế” bởi thế thì… xấu hổ lắm lắm!
(Theo Dân trí) Bùi Hoàng Tám
Các vị quan chức cố giữ nhà công vụ không muốn trả có
nghĩ dân tình sẽ đặt câu hỏi: Làm đến chức vụ cao như vậy mà không tự lo được
cho bản thân cái nhà thì có đáng không? Và họ còn lo được cho dân cho nước
cái nỗi gì?
Thương
Giang
|
Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét