Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng: Đại sứ Nhật nói gì với Bộ GTVT?

Cập nhật lúc 08:50


Nguồn vốn đầu tư phát triển ngành đường sắt có bị bẻ gi chảy vào túi cá nhân? Ảnh: Như Ý
                  
TP - Liên quan nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng, chiều 24/3, Đại sứ quán Nhật Bản chủ động sang trụ sở Bộ GTVT trao đổi vụ việc. Trước đó, chính Bộ GTVT cũng dự kiến sang làm việc trực tiếp tại Đại sứ quán Nhật Bản.
Hết ngày 31/3 này, những cá nhân liên quan sẽ phải nộp đầy đủ bản giải trình.
“Vụ việc nghiêm trọng, cần xử lý gấp”
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông là quan chức đại diện Bộ GTVT được giao làm việc về vấn đề này. Sau buổi làm việc, Thứ trưởng Đông đã có cuộc trao đổi với Tiền Phong. Khi được hỏi về việc phía Nhật Bản đã biết đích danh quan chức nào nhận tiền, ông Đông cho biết: Họ chỉ chia sẻ thông tin với Bộ GTVT về những việc mình đã làm, như giải ngân vốn. 
“Phía Nhật Bản chưa thông tin về danh tính người nhận hối lộ. Họ chỉ nói sẽ cung cấp kịp thời cho Việt Nam khi có thông tin. Hai bên cùng thống nhất sẽ hợp tác trao đổi thông tin với nhau”.
Được biết, khuôn khổ buổi làm việc chỉ kéo dài khoảng 30 phút. Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản cũng đánh giá cao sự vào cuộc nhanh chóng của Bộ GTVT Việt Nam khi nghe được tin này. “Và họ cũng xác định, nếu thông tin này là đúng thì đây là vụ việc nghiêm trọng và cần xử lý gấp. 
Tuy nhiên, họ cũng nói luôn là chưa nhận được gì hơn, ngoài thông tin báo chí nêu”, ông Đông nói.
Thứ trưởng Đông thuật lại quan điểm trong buổi làm việc: “Là người đại diện cho Bộ GTVT, tôi chia sẻ về quan điểm đúng như tinh thần Bộ trưởng Đinh La Thăng thông báo với báo chí. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng có một số hành động như tạm ngừng giải ngân, dừng đấu thầu dự án, dừng đàm phán về dự án. 
Bộ GTVT đang rà soát tất cả các dự án, tổ chức thanh tra các dự án có vốn ODA, trước mắt là các dự án của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA). Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng và công bố thông tin với báo chí...”.
Ngoài thông tin về buổi tiếp kiến Đại sứ quán Nhật Bản, ông Đông cũng cho biết thêm: Những người liên quan đến vụ việc ở các cơ quan khác nhau (từ tổng công ty đến BQLDA cho tới vụ, cục của Bộ GTVT) dù đã chuyển công tác hay về hưu đều được chỉ đạo bên cạnh công việc hàng ngày thì phải tập trung tường trình sự việc trong vòng 1 tuần. 
Theo đó, hiện nay, Bộ GTVT đã nhận được giải trình của 3 cá nhân từng đứng đầu RPMU (Ban Quản lý các Dự án Đường Sắt) ở 3 thời kỳ: Phó Tổng GĐ Tổng Cty Đường sắt Trần Quốc Đông, nguyên GĐ RPMU Trần Văn Lục (nay phụ trách một dự án đường sắt thuộc Cục Đường sắt) và GĐ RPMU hiện tại (vừa tạm đình chỉ công việc để giải trình) Nguyễn Văn Hiếu.
Theo thời hạn đặt ra, hết ngày 25/3 sẽ có tất cả danh sách những người liên quan ở các cơ quan khác nhau và hết ngày 31/3 sẽ phải có tường trình của mọi người.
Nguyên Bộ trưởng GTVT: “Cũng thấy bất ngờ”
Chiều cùng ngày, nguyên Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng (hiện là Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam) có cuộc trao đổi với PV Tiền Phong (xin trích nguyên văn).
Đường sắt Việt Nam đã lạc hậu, giờ quan chức ngành lại dính nghi án nhận hối lội 16 tỷ đồng. ảnh: như ý
Khi ông còn làm bộ trưởng có từng nghe gì về nghi án “bôi trơn” liên quan tới ngành đường sắt không?

Tôi cũng mới chỉ nghe qua. Cụ thể thế nào phải hỏi Bộ GTVT. Hồi ấy, dự án cũng nhiều, lại đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa vào dự án. Bây giờ tôi cũng không nhớ chắc chắn lắm. Cũng do triển khai lâu rồi. Bây giờ trả lời chi tiết cũng chưa dám nói.
Vậy ông có nhớ người trực tiếp điều hành dự án ấy?
Hồi đấy là giao cho Tổng Cty Đường sắt Việt Nam.
Người ấy có phải là ông Trần Quốc Đông (nay là Phó Tổng GĐ Tổng Cty Đường sắt Việt Nam-người vừa bị tạm dừng công việc để giải trình) không?
Cái đấy hỏi lại Vụ hợp tác Quốc tế (Bộ GTVT) sẽ nắm rõ hơn. Bởi vì nó cũng thay đổi nhiều.
Khi nghe thông tin này, ông có thấy giật mình không?
Cũng thấy bất ngờ, vì đối với dự án Nhật Bản họ làm khá chặt chẽ. Nói chung là bất ngờ.
Vậy hồi đó Bộ GTVT kiểm soát những dự án kiểu này ra sao, thưa ông?
Nói chung kiểm soát các thủ tục theo đúng quy định... kiểm soát qua thủ tục quản lý thôi. Còn con người cụ thể, vụ việc cụ thể thì đôi khi cũng… hơi bất ngờ trong việc này. Có gì hỏi thêm Bộ GTVT, tôi cũng phải tìm hiểu qua bộ.
Ngày ấy, lãnh đạo RPMU (thuộc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam) có thường dẫn người Nhật tới gặp ông không?
Cái đấy chủ yếu của Ban quản lý dự án của Tổng Cty đường sắt Việt Nam, chứ không thuộc bộ.
Nhưng hồi đấy RPMU có hay qua lại chỗ ông không?
Không, không có.
Đây thực ra mới chỉ là thông tin một chiều từ phía báo chí Nhật Bản…
Tuy chỉ mới một chiều, nhưng cũng bất ngờ về việc này. Cụ thể thế nào, cơ quan điều tra sẽ làm rõ.
Bộ GTVT và Tổng Cty Đường sắt Việt Nam nghe tin này đã có liên hệ gì với nguyên Bộ trưởng GTVT là ông hay chưa?
Chưa có gì, chưa liên hệ gì.

“Tôi không trả lời”
Sau nhiều nỗ lực, PV Tiền Phong mới có cuộc trao đổi ngắn qua điện thoại với nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Tổng Cty Đường sắt Nguyễn Hữu Bằng.
Ông Bằng nói: “Không trả lời gì cả, có gì gặp anh Tổng GĐ đương nhiệm Nguyễn Đạt Tường ấy. Anh ấy đang kiểm tra sự việc. Tôi đã biết thông tin hết rồi, chính thông tin là đầu mối anh Tường”.
Người ta nghi ngờ thời đó ông điều hành?
“Không, tôi không trả lời gì được cả. Giờ anh Tường đang đi kiểm tra nên không thể làm được gì hết. Cứ xem bài báo Nhật trên mạng là biết thôi”.
(Theo Tiền phong) Đình Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét