Liên quan đến thực hiện Nghị quyết Trung ương IV, Khóa XI:
Trước khi nghỉ hưu,
ông Trần Văn Truyền kí bổ nhiệm hàng loạt cán bộ ở Thanh tra Chính phủ
Cập
nhật lúc 09:00
Tổ chức, nhiệm vụ của TTCP và…
Trong lịch sử 68 năm (23/11/1945 – 23/11/2013) ngành Thanh
tra Chính phủ có lẽ ông Tổng TTCP Trần Văn Truyền (nhiệm kì 2007 – 2011) là
vị “Tư lệnh ngành” chiếm kỉ lục, giành ngôi “quán quân” về làm công tác cán
bộ trước khi về hưu. Chỉ trong một thời gian ngắn ông kí ồ ạt quyết định bổ
nhiệm gần 60 cán bộ cấp Vụ (và tương tương), nhiều người không có quy hoạch…
- 7 vụ chức năng: Trong đó 4 vụ thanh tra giải quyết khiếu
nại tố cáo (KNTC) gồm: Vụ I (Vụ Kinh tế ngành), Vụ II (Kinh tế Tổng hợp, Tài
chính – Ngân hàng), Vụ III (Vụ Văn xã), Vụ IV (Vụ Giám sát Thẩm định sau
thanh tra), Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Pháp chế và Vụ Tổ chức Cán bộ.
- 4 cục: 3 Cục Thanh tra và giải quyết KNTC khu vực gồm
miền Bắc (Cục I), miền Trung (Cục II), miền Nam (Cục III) và Cục Chống tham
nhũng (Cục IV).
- Các đơn vị hành chính và sự nghiệp công lập: Văn phòng,
Trường Cán bộ, Viện Khoa học, Trung tâm Thông tin, Báo, Tạp chí, v.v…
Tổng số cán bộ, công chức (hưởng lương ngân sách) ước
khoảng 550 – 600 người. Bộ máy lãnh đạo có Tổng Thanh tra, các Phó Tổng Thanh
tra, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Cơ quan, Công đoàn viên chức cơ quan, Đoàn TNCS
Hồ Chí Minh cơ quan; hầu hết cán bộ, công chức là đảng viên.
Thanh tra Chính phủ là cơ quan quản lí nhà nước cao nhất
về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và chống tham nhũng, công
cụ sắc bén của Đảng, có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng Nhà
nước pháp quyền, xây dựng thể chế bảo đảm cho bộ máy quản lí Nhà nước trong
sạch, minh bạch, là tổ chức “thượng phương bảo kiếm” mà mỗi cán bộ, công chức
làm nhiệm vụ chuyên ngành phải là một “Bao Thanh Thiên” của chế độ xã hội chủ
nghĩa.
Nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi trong thực hiện nhiệm
vụ là yếu tố con người. Ở TTCP, nhiều cán bộ tốt, có bản lĩnh, giữ được nhân
cách, thanh đức (đạo đức thanh tra), trung thực, tinh thông nghề nghiệp, song
do chính sách tuyển dụng, sử dụng còn tồn tại khuynh hướng lệch lạc, dễ dãi
của người đứng đầu, quản lí cán bộ lỏng lẻo, xem xét đánh giá đơn giản, một
số cán bộ, công chức kém tu dưỡng, rèn luyện nên cũng xuất hiện “một bộ phận
không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo,
quản lí, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống… chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham
nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…” như Nghị quyết Trung ương 4 Khóa
XI chỉ ra. Điển hình nhất gần đây là Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh kí bổ nhiệm
chức danh Vụ trưởng Vụ I đối với ông Lê Sỹ Bảy để lại quá nhiều tai tiếng.
Trước hết ông Lê Sỹ Bảy tín nhiệm thấp, lại là người đang có nhiều đơn thư tố
cáo vạch rõ những sai phạm nghiêm trọng trong tác nghiệp ở một số cuộc thanh
tra. Quá trình thăng tiến ông Bảy bộc lộ nhiều bất cập về bằng cấp, niên hạn
bổ nhiệm các chức danh, ngạch công chức. Đặc biệt, cách làm độc đoán, chuyên
quyền, mất dân chủ, áp đặt của 2 ông Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh và ông Phó
Tổng TTCP Ngô Văn Khánh gây bất bình trong nội bộ, nhiều đơn thư
phản ánh, tố cáo gửi tới lãnh đạo cấp cao và cơ quan báo chí.
Cách làm đó là sự lặp lại, nối tiếp “kiểu bổ nhiệm” cán bộ
thiếu quy hoạch, không khoa học, tùy tiện mà người tiền nhiệm của ông Huỳnh
Phong Tranh là ông Trần Văn Truyền phạm sai lầm mang tính “lịch sử”.
Sai lầm của “ông Tổng”
Làm Tổng TTCP nhiệm kì trước, một hai năm đầu ông Trần Văn
Truyền nổi bật là một vị “Tư lệnh ngành” có bản lĩnh, quyết liệt trong công
việc, xử lí hậu quả dư âm về vụ thanh tra dầu khí, vụ án tai tiếng trước đó.
Tuy nhiên, càng về sau ông Truyền càng bộc lộ sự chao đảo có phần khó hiểu
qua xử lí không ít vụ việc thanh tra ở nhiều doanh nghiệp nhà nước, ngân
hàng, đất đai ở một số địa phương (ngâm lâu rồi mới chỉ đạo kí). Trong nội bộ
cơ quan TTCP, ông phạm không ít sai lầm về công tác cán bộ, đặc biệt là trước
khi nghỉ hưu (năm 2011) ông kí ồ ạt bổ nhiệm hàng loạt cán bộ, rất nhiều
người không có quy hoạch, hoặc non kém về năng lực phẩm chất.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ông Trần Văn Truyền
không còn được tái ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương, biết mình sau kì họp
thứ I Quốc hội Khóa XII sẽ rời khỏi “Phủ Khai Phong” ở đất Thăng Long, ông
chỉ đạo Vụ Tổ chức Cán bộ (do ông Ngô Văn Cao là Vụ trưởng) cấp tập, dồn dập
làm nhân sự một cách ồ ạt. Từ tháng 3/2011 đến ngày 3/8/2011 ông Trần Văn
Truyền kí quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ (và tương đương) tại cơ
quan TTCP, chỉ trong 2 ngày (1/8 và 3/8) kí bổ nhiệm 26 người, riêng ngày
3/8/2011 kí bổ nhiệm 22 người.
Chấm dứt quyền vẫn “cố” kí bổ nhiệm
Theo lịch của Quốc hội tại kì họp thứ I Quốc hội Khóa XII,
ngày 3/8/2011 chương trình Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng
Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và thành viên
khác của Chính phủ. Đúng 9 giờ hôm đó, Chính phủ mới (Khóa XIII) đã ra mắt,
ông Huỳnh Phong Tranh được bầu làm Tổng TTCP, vậy mà chiều và tối hôm đó ông
Trần Văn Truyền còn “cố đấm ăn xôi” kí bổ nhiệm cho một loạt người mà trước
đó ông đưa vào tầm ngắm, ông chờ đợi “niềm tin và hi vọng” của số người này
khá lâu. Vậy là cuối chầu, ông Truyền “ưu ái” cho hàng loạt người từ chuyên
viên bỗng trở thành cán bộ cấp vụ. Chỉ trong ngày 3/8 “lịch sử” ấy, ông
kí bổ nhiệm 3 hàm Vụ trưởng ở Văn phòng, 3 hàm Phó Vụ trưởng ở Trường Cán bộ Thanh
tra, 3 hàm Cục phó ở Cục III, 2 hàm Phó Vụ trưởng, hàm Vụ phó ở Cục I, 2 hàm
Vụ trưởng, hàm Vụ phó ở Tạp chí, nhiều Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng, hàm Vụ
trưởng, hàm Phó Vụ trưởng ở các cục, vụ, đơn vị trực thuộc. Các cục, vụ, đơn
vị có đủ cấp trưởng, cấp phó rồi thì ông đưa chuyên viên lên cấp “hàm” mà cấp
này chưa thấy quy định điều khoảng nào trong Luật Cán bộ, công chức.
Việc bổ nhiệm tràn lan trước khi ông Trần Văn Truyền nghỉ
hưu tạo ra không khí “cởi mở”, một trào lưu “chạy” cuống quýt ở rất nhiều
người, Vụ Tổ chức Cán bộ bò ra làm ngày làm đêm. Hậu quả là bộ máy phình to,
quỹ lương tăng đột biến. Hiện tượng tranh quyền (làm Trưởng, Phó đoàn Thanh
tra), đố kị, kèn cựa nhau không hiếm. Đáng chú ý là sau khi ông Truyền kí bổ
nhiệm nhiều người không có trong quy hoạch, ông thấy “giật mình” liền kí
Quyết định số 2100/QĐ-TTCP ngày 3/8/2011 về bổ sung quy hoạch nhằm hợp thức hóa
việc làm trái với quy trình, quy chế về công tác cán bộ của chính TTCP. Việc
làm trên của ông Truyền là chống lại Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày
3/12/2007. Tại Điều 15 Nghị định này quy định cấp cục, vụ, đơn vị thuộc bộ
cấp phó không được vượt quá 3 người. Trong khi đó, sau đợt ông Truyền bổ
nhiệm năm 2011, nhiều cục, vụ, đơn vị ở TTCP có từ 4 – 6 cấp phó. Cục I có 7
cấp phó và 1 hàm cấp phó. Có một sự thật là, một số cán bộ ngay sau khi được ông
Truyền quyết định bổ nhiệm đã mắc sai lầm, khuyết điểm, bị kỉ luật thậm chí
bị đi tù như ở Cục I, Trung tâm Thông tin hay ở Vụ III, v.v…
Dư luận xôn xao rằng, những người được ông Truyền để mắt
tới đều biết mình phải làm gì, “chạy” như thế nào để tới đích, điều mà ai
cũng thấy “cực kì khó nói ra”. Đó là một sự thật.
Ở nước ta, thường vào cuối nhiệm kì, lãnh đạo các bộ,
chính quyền các địa phương thường diễn ra xu hướng chạy đua, khi người đứng
đầu còn có quyền ngày nào, tranh thủ cất nhắc, bổ nhiệm cũng là cách tranh
thủ “thu hoạch”, điển hình cho khuynh hướng đó là ông Trần Văn Truyền ở TTCP
trước đây.
Nhóm PVĐT Báo Người cao tuổi
|
Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét