Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

16:41

Cuộc đời vốn ở dưới đất!

 (PetroTimes) - Mấy ngày nay, dư luận lại xôn xao và đàm tiếu về một chủ trương của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, trong đó nhằm bảo vệ người phụ nữ, người ta đã liệt kê ra 77 loại công việc không được sử dụng lao động là nữ giới.
Trong số 77 loại công việc này, có những loại việc dù chẳng cấm thì cũng chưa có ai dám giao cho phụ nữ làm. Ấy là công việc khoan thăm dò dầu khí, lắp đặt giàn khoan, giếng khoan, nghề lặn biển rồi thậm chí cả các nghề phải tiếp xúc với sóng vô tuyến và còn không ít nghề khác nữa.
Chủ trương cấm 77 loại công việc này xem ra thì đầy nhân văn và những người đưa ra chủ trương này thật sự có trách nhiệm, đồng cảm với thân phận người phụ nữ Việt.
Hoan hô những người đề xuất phương án cấm không được sử dụng phụ nữ làm 77 loại công việc này! Và lẽ ra cần phải cấm phụ nữ không được tham gia các môn thể thao cực nặng như đấm bốc, đua xe đạp, chạy việt dã, đua thuyền...
“Mới nghe thì tưởng là hay/ nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”!
Đúng là trong 77 loại công việc này, hiện nay có một số công việc mà phụ nữ vẫn đang phải làm, như bốc vác và một số công việc làm trong môi trường độc hại chẳng hạn.
Nhưng thử hỏi, nếu chị em không làm thì lấy gì mà sống? Lấy gì mà bỏ vào miệng? Lấy gì mà nuôi con cái? Lấy gì mà đóng đủ các thứ phí? Lấy gì mà đóng đủ các loại học thêm? Lấy gì mà bồi dưỡng y tá, bác sĩ khi đi khám, chữa bệnh?.
 
Người ta có câu “Đói thì đầu gối phải bò”. Chẳng có người phụ nữ nào thích chọn cho mình cái nghề nặng nhọc quá sức lực của mình, cũng chẳng có người phụ nữ nào muốn chọn cho mình một môi trường làm việc chắc chắn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nhưng không làm nghề đó thì làm nghề gì? Ai lo cho những người không có kiến thức, không được đào tạo ngành nghề gì, trong khi yêu cầu của xã hội hiện nay là kể cả đi làm tạp vụ cũng còn phải học?
Chính sách này có rất nhiều điều xem ra phi thực tế và hoàn toàn không khả thi. Với những người phụ nữ vì đến bước đường cùng mà phải làm công việc nặng nhọc như vậy, bên cạnh việc cấm các cơ quan, đơn vị kinh tế không được sử dụng lao động nữ giới, cần phải có những chính sách kèm theo để cho người ta sống. Nếu bây giờ thực hiện nghiêm túc thông tư này thì sẽ có bao nhiêu phụ nữ thất nghiệp đây? Cuộc sống tiếp theo của họ sẽ như thế nào?
Trong vài năm trở lại đây, càng ngày càng thấy một số bộ, ngành hay đề ra những chính sách mà ngay khi mới ra đời đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của công luận. Nào là ngực lép không được chạy xe máy, không được bán thịt quá 24 giờ, nào là phạt tiền chuyện vợ chồng cãi nhau... Chắc chắn những người soạn thảo ra những chính sách, những quy định mới này chẳng hiểu gì về thực tế xã hội.
Rồi lại còn có quy định cấm thầy, cô giáo dạy thêm và thậm chí là cử người đi điều tra bí mật, nếu phát hiện ra thầy, cô nào dạy thêm thì xử lý kỷ luật thật nặng. Nhưng những người “đẻ” ra quy định này không biết rằng, các thầy cô đang phải vật lộn với cuộc sống như thế nào, chương trình giáo dục của chúng ta hiện nay đang tham lam nhồi nhét vào đầu con trẻ quá nhiều thứ vô bổ như thế nào.
Gần đây, cứ nghe nói chuyện học sinh chán học môn Văn, tôi bèn mua một số cuốn sách Ngữ văn từ lớp 1 đến lớp 12 và lẩn mẩn đọc. Đọc xong thì tôi dựng hết tóc gáy và không hiểu nổi các nhà biên soạn sách giáo khoa nghĩ gì khi nhồi nhét vào đầu con trẻ chẳng có thứ gì là văn chương, chữ nghĩa nữa. Họ bắt con trẻ học văn theo kiểu như làm toán: mọi thứ đều rạch ròi và máy móc đến kỳ lạ. Tất cả những cái hay, cái đẹp trong văn chương đều bị xóa sạch, thay vào đó là cách dạy và cách học theo kiểu học “kế toán”. Đọc xong một số cuốn sách giáo khoa ngữ văn, tôi thầm nghĩ, nếu như tôi mà đi học văn theo sách giáo khoa như thế này thì thầy cô cũng sẽ nói: “Cậu ngu lắm. Loại người như cậu chỉ nên đi làm con buôn, đừng dính vào chữ nghĩa”. Về cách dạy văn cho học sinh, tôi sẽ có những bài viết khác nói về việc này. Nhưng quả thật nói con trẻ bây giờ không thích học văn thì tội đồ đầu tiên chính là những người biên soạn sách giáo khoa ngữ văn. Chính cách biên soạn sách giáo khoa và bắt con trẻ học như vậy đã phá hết tâm hồn con trẻ. Làm gì còn có lãng mạn trong văn chương, làm gì còn có lời hay, ý đẹp, làm gì còn có chất chân, thiện, mỹ trong sách giáo khoa ngữ văn, tất cả chỉ là những bài toán cho con chữ.
Ở Việt Nam còn có kiểu không quản được thì cấm, mặc dù biết lệnh cấm đó chẳng có ý nghĩa gì và cũng chẳng thể nào thực hiện được.
Ví dụ như chuyện cấm không cho mở casino. Người ta coi cờ bạc là xấu, là tệ nạn xã hội thì cũng có phần đúng. Nhưng họ lại thoát ly một thực tế rằng, người Việt Nam rất “máu” đỏ đen. Cấm không cho mở trong nước thì họ sang Campuchia, sang Trung Quốc, đi Hongkong, Macao đánh bạc. Không hiểu những người phản đối không cho mở casino ở việt Nam đã tính ra được mỗi năm đã có bao nhiêu nghìn tỉ tiền Việt Nam chảy vào túi các chủ sòng bạc, trùm cá độ bóng đá ở nước ngoài hay chưa?
Gần đây, họ lại đưa ra dự thảo quy định về cá độ bóng đá, trong đó có quy định không được chơi quá mấy chục ngàn. Thật đúng là những người chẳng biết gì!
Rồi việc không cho mở “phố đèn đỏ” cũng vậy. Quy định không cho mở công khai thì người ta mở lén lút ở khắp nơi, khắp chốn. Và cuối cùng thì không những không thu được tiền, không thể quản lý, mà còn tạo ra sự bất ổn về trật tự, an toàn xã hội.
Lẽ ra những nhà hoạch định chính sách phải thấy rằng, tại sao ngành nghề đó tồn tại? Rõ ràng là những gì đã tồn tại được thì phải có một lý do gì đấy. Giống như đối với một dòng sông đang chảy, phải be bờ, đắp đập, uốn con sông chảy theo hướng có lợi nhất, chứ đâu phải đắp đập, ngăn sông. Dù có đắp đập cao đến thế nào, nước lũ vẫn tràn qua.
Lại còn có một chủ trương “trên trời” nữa là bắt cán bộ kê khai tài sản. Bao nhiêu năm nay, việc kê khai này đều là hình thức và hoàn toàn không có chút mảy may tác dụng gì đến việc phòng, chống tham nhũng ở nước ta. Nếu có kê khai thì cũng chỉ kê ra để có mà thôi. Bởi lẽ người kê khai không phải trình bày một cách tường tận và chứng minh nguồn gốc tài sản. Nếu không phải chứng minh nguồn gốc thì kê khai phỏng có tích sự gì? Chỉ khi nào người đó vi phạm pháp luật, bị xử lý thì các cơ quan tố tụng mới có quyền điều tra về nguồn gốc tài sản. Như vậy là một chủ trương chính sách đề ra đã trở thành trò cười.
Có một thực tế mà ai cũng biết là hiện nay các cán bộ của chúng ta rất có tài “ngụy trang”. Không ít cán bộ khi đang đương chức, đương quyền, tài sản không có gì đáng kể. Nhưng khi về hưu thì trời ạ, sao mà họ giàu thế! Họ có biệt thự, ở nơi này, nơi khác, có trang trại trồng đủ thứ kỳ hoa dị thảo, rồi có con đi học ở Mỹ, ở Thụy Sỹ, ở Anh mà hầu hết là phải đóng tiền chứ chẳng phải giỏi giang gì để có học bổng.
Từ xưa, cha ông ta đã có cụm từ “lương bổng”. Rõ ràng là lương thấp, chứ bổng thì cao hơn nhiều đấy.
Nếu như cứ “chính sách trên trời” và không nhìn thấy “cuộc đời ở dưới đất” thì chắc chắn những chính sách đó chẳng thể nào đi vào được cuộc sống và cũng lại trở thành chuyện nói cho vui mà thôi.
(Theo Petrotimes) Nguyễn Như Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét