Đến giữa tháng 12/2013 thu ngân sách Nhà nước (NSNN) kể cả
ghi thu – ghi chi ngoài dự toán đạt 99% dự toán. Như vậy, thu ngân sách 2013 sẽ
“về đích” an toàn.
“Mặc dù sản xuất kinh doanh còn nhiều khó
khăn, số DN phải tạm ngưng hoạt động, giải thể, phá sản vẫn tăng... nhưng tính
đến 29.12, ngành tài chính đã hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2013 như dự toán
Quốc hội giao”- Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá lại tình hình
hoạt động, thu chi ngân sách của ngành tài chính tại hội nghị trực tuyến diễn
ra sáng 30/12.
Thực tế, sau 9 tháng thực hiện nhiệm vụ
thu, Bộ Tài chính đánh giá năm 2013 có thể hụt thu 25.200 tỷ đồng, không kể các
khoản xử lý ghi thu-chi chi ngoài dự toán 38.430 tỷ đổng thì hụt thu lên tới
63.630 tỷ đồng.
Khó khăn, thu ngân sách 2013 về đạt mục tiêu
Trước những thách thức của thu NSNN, Bộ
Tài chính đã quyết liệt chỉ đạo tăng cường xử lý nợ đọng thuế, tăng cường kiểm
tra chi hoàn thuế GTGT,... kết quả đến giữa tháng 12 thu NSNN (kể cả ghi
thu-ghi chi ngoài dự toán) đạt 99% dự toán. Nếu loại trừ số ghi thu – ghi chi,
thì thu cân đối đạt ước trên 97% dự toán, tăng thêm 16.000 tỷ đồng so với con
số đã báo cáo Quốc hội. Và đến cuối tháng 12, ngành tài chính đã hoàn thành
nhiệm vụ. Số tăng cân đối thu thêm chủ yếu là ngân sách trung ương nên sẽ đảm
bảo thanh toán hết số nợ hoàn thuế GTGT phát sinh năm 2013 theo yêu cầu của
Quốc hội (14.800 tỷ đồng).
Trong đó, thu vào NSNN trên 20.000 tỷ
đồng cổ tức DNNN của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước nắm giữ 100% vốn, thu
tiền sử dụng đất 42.500 tỷ đồng... Nhiều địa phương trước báo cáo hụt thu lớn
đã cố gắng giảm hụt thu, các địa phương trọng điểm thu thì đều đạt và vượt dự
toán như TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Phúc...
Về vấn đề bội chi năm 2013, Bộ trưởng Tài
chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, bội chi 2013 thấp hơn mục tiêu của Quốc hội
cho phép là 5,3%. Ngoài ra Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết việc hoàn
thành dự toán thu NSNN năm 2013 đã đảm bảo cân đối đủ nguồn chi hoàn thuế GTGT
hơn 91.500 tỷ đồng (dự toán Quốc hội cho phép là 71.000 tỷ đồng).
Năm 2014, với mục tiêu cân đối thu chi
NSNN đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi tăng trưởng,
dự toán thu là 782.700 tỉ đồng trong đó dự toán thu nội địa 539.000 tỷ đồng và
thu từ XNK là 154.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công
Nghiệp cho biết, Bộ đã làm việc với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan đề nghị
các Tổng cục tăng chỉ tiêu thu.
Cụ thể, Tổng cục Thuế cố gắng tăng thu
nội địa 5% và Tổng cục Hải quan phấn đấu tăng 3% so với dự toán. Dự toán chi
NSNN là 1.006.700 tỷ đồng tăng 28.700 tỷ đồng so với dự toán 2013. Tuy nhiên,
phải chi 54.000 tỷ đồng cho các nhiệm vụ tăng chi gồm 15.000 tỷ đồng chi trả
nợ, 20.000 tỷ đồng để tăng lương, chi quốc phòng an ninh... Như vậy, thực chất
chi NSNN 2014 giảm 25.300 tỷ đồng so với dự toán 2013, rất thấp so với nhu cầu
2014.
Để thực hiện được dự toán thu chi ngân
sách 2014, Bộ Tài chính đưa ra 7 nhóm giải pháp với 17 giải pháp cụ thể theo
hướng ưu tiên tập trung cho các chương trình an sinh xã hội, triệt để tiết
kiệm. Yêu cầu các cơ quan không tăng biên chế, chỉ bố trí tối đa 70% so với số
chi 2013 đối với các khoản chi hội nghị, hội thảo... Mức phát hành trái phiếu
Chính phủ năm 2014 dự kiến 100.000 tỷ đồng với 60.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch
giai đoạn 2011-2015 và thêm 40.000 tỷ đồng thuộc giai đoạn 2014-2016.
(Theo Infonet) Nguyễn Hoài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét