Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

08:04

Chiến sỹ thi đua quá ít, quan thi đua quá nhiều


Đó là cảm giác khi nhìn vào danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc đợt 3 năm 2013 đang được Ban Thi đua - Khen thưởng trung ương thuộc Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến nhân dân.

 Trong danh sách 83 người được đề nghị, gồm 55 người thuộc khối bộ, ngành và 28 người khối địa phương, có nhiều các chức sắc, phần lớn “cỡ” chánh, phó giám đốc sở; tổng, phó tổng giám đốc… Tìm mỏi mắt mới thấy 2 vị không chức sắc song cũng là nghiên cứu viên chính và chuyên viên chính. Duy nhất, có người lao động là ông Chu Văn Giỏi, công nhân sửa chữa xưởng cơ khí Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch của Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam.
Dù là danh sách đưa ra lấy ý kiến người dân song việc người trực tiếp sản xuất chỉ có 1 công nhân so với 82 người có chức sắc là quá ít ỏi. Tỉ lệ này trái ngược với số người trực tiếp lao động so với số cán bộ, công chức trên cả nước.
Đây không phải lần đầu tiên những người trực tiếp lao động sản xuất như công nhân, nông dân vắng bóng trong danh sách Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Tình trạng này đã từng xảy ra trong những năm trước đó. Vậy, phải chăng những người trực tiếp lao động sản xuất không có thành tích xuất sắc bằng các vị chức sắc?
Sở dĩ có nghịch lý về tỉ lệ chức sắc trong danh sách Chiến sĩ thi đua toàn quốc là do quy định thực thi từ nhiều năm qua. Theo đó, người được đề nghị là Chiến sĩ thi đua toàn quốc phải có 2 lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể hoặc có thành tích đột xuất được tặng bằng khen của Thủ tướng; có sáng kiến, giải pháp kỹ thuật trong công tác, lao động sản xuất được ghi nhận… Chính những quy định này đã “vô tình” gạt bỏ từ vòng đề cử những người trực tiếp lao động có thành tích xuất sắc. Bất hợp lý này đã được phát hiện từ vài năm nay song không hiểu vì sao lại chậm được thay đổi.
Thi đua chỉ là một danh hiệu, có tác dụng về mặt động viên, khích lệ tinh thần là chính. Song sự động viên, khích lệ về tinh thần nếu kịp thời, chuẩn xác sẽ không chỉ có ý nghĩa với cá nhân được khen thưởng mà có thể tạo ra một tấm gương, thậm chí một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Đến tận hôm nay, người anh hùng - người nuôi bò Hồ Giáo vẫn là một tấm gương thi đua lao động sản xuất sáng ngời, có sức lay động mạnh mẽ khi nhắc tới. Nhắc tới anh hùng Hồ Giáo lại nghĩ có ai nhớ nổi một chức sắc từng là Chiến sĩ thi đua toàn quốc những năm qua?
Danh hiệu Chiến sĩ thi đua thì hãy để phần lớn những người được tặng danh hiệu này là “chiến sĩ”, những người trực tiếp lao động sản xuất, chứ đừng để biến thành “cán bộ” thi đua.
(Theo Người Lao động) PHẠM DƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét