Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

15:00

 Vụ án Huyền Như:
Có một 'đại án' tham nhũng khác bị bỏ qua?
Nhiều câu hỏi vẫn đang được dư luận và giới chuyên gia đặt ra trước ngày xử "Đại án Huỳnh Thị Huyền Như" vào tháng tới.
 Liệu một mình Huỳnh Thị Huyền Như có thể chiếm đoạt được gần 5.000 tỷ đồng? .
Liệu một mình Huỳnh Thị Huyền Như có thể chiếm đoạt được gần 5.000 tỷ đồng? 
Phiên tòa xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, ngụ Q.Bình Thạnh, nguyên Phó Phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Vietinbank) cùng đồng phạm lừa đảo 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân chiếm đoạt hơn 4.911 tỷ đồng dự kiến diễn ra từ ngày 6 - 25/1/2014 tại trụ sở TAND TP.HCM (131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TP.HCM).
VTC News trích đăng toàn bộ ý kiến của Luật sư Hoàng Đôn Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM nhìn lại 'đại án' chấn động ngành ngân hàng của siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như.
"Về vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, công luận đưa nhiều tin, bài về thủ đoạn của “nữ quái” này gắn liền với các sai phạm của các cá nhân và tổ chức khác gửi tiền tại Ngân hàng Công Thương dẫn đến bị chiếm đoạt.
Vụ án này được coi là một trong những vụ án tham nhũng trọng điểm, được Ban chống tham nhũng trung ương, Ban Nội chính giám sát và chỉ đạo chặt chẽ. Mục tiêu của chống tham nhũng nhằm xử lý những người có chức vụ quyền hạn, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi; đồng thời chấn chỉnh, hoàn thiện hệ thống quản lý, xử lý nghiêm các hành vi tạo điều kiện cho tham những phát triển, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu.
Các câu hỏi phải trả lời trong quá trình chống tham nhũng là: Ai tham nhũng, tham nhũng ở đâu, ai giúp sức cho tham nhũng, cơ chế quản lý để phát sinh tham nhũng là gì, người đứng đầu chịu trách nhiệm là ai, tiền tham nhũng đi đâu, dùng vào việc gì, chia cho ai, làm thế nào để thu hồi tối đa.
Kết quả xử lý vụ án Huyền Như cho đến nay liệu đã thỏa đáng, đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, của công luận?
Thủ phạm chính không bị truy tố tội tham nhũng
Hầu hết trong số tiền gần 5.000 tỷ đồng chiếm đoạt là tiền gửi của khách hàng tại Ngân hàng Công Thương, bị Huyền Như dùng chứng từ giả để rút tiền, chuyển tiền hoặc cầm cố tại chính Ngân hàng Công Thương để vay tiền (sau đó, dù hợp đồng cầm cố là giả, Ngân hàng Công Thương vẫn thu nợ trái phép từ tiền gửi của khách).
Huyền Như bị truy tố ra trước tòa về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Đây không phải là hành vi tham nhũng.
Với hành vi này, nguyên nhân để Huyền Như dùng chứng từ giả chiếm đoạt tiền gửi tại Ngân hàng Công Thương là do các tổ chức, cá nhân gửi tiền vào Ngân hàng Công thương (?).
Huyền Như thoát tội tham nhũng, Ngân hàng Công Thương không bị thiệt hại, không chịu trách nhiệm với người gửi tiền, người đứng đầu Ngân hàng Công Thương, cấp ủy Đảng tại Ngân hàng Công Thương không phải chịu trách nhiệm về hành vi tham nhũng xảy ra tại đơn vị mình. Hệ thống quản lý tại Ngân hàng Công Thương không cần thiết phải chấn chỉnh.
Là Giám đốc phòng giao dịch, Huyền Như lợi dụng chính chức vụ quyền hạn của mình trong việc kiểm soát, xét duyệt các lệnh chi của khách hàng để lập chứng từ giả, chiếm đoạt tiền gửi tại Ngân hàng Công Thương.
Đây là hành vi lợi dụng chính chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi, có dấu hiệu của tội tham ô tài sản, thuộc nhóm tội tham nhũng.
Công luận vừa qua cũng phản ánh ý kiến của các luật sư, chuyên gia, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã 2 lần yêu cầu Cơ quan Điều tra xem xét về vấn đề này.
Thiệt hại của vụ án
Với số tiền chiếm đoạt gần 5.000 tỷ, số chưa thu được gần 4.000 tỷ, nếu Huyền Như bị truy tố về tội tham nhũng, đây là vụ án tham nhũng kỷ lục, lớn nhất trong lịch sử, nếu so với vụ án Vinalines có số tiền tham nhũng là 28 tỷ, vụ Công ty tài chính 2 Ngân hàng Nông nghiệp có số tiền tham nhũng là 80 tỷ đồng, vụ Công ty Vifon số tiền tham nhũng hơn 10 tỷ đồng…
Chúng ta hy vọng kỷ lục này không bị phá vỡ trong tương lai.
Đổ hậu quả cho khách hàng gửi tiền
Trong suốt thời gian từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Huyền Như đã liên tục dùng chứng từ giả, tự ý chuyển tiền, rút tiền trên tài khoản tiền gửi của khách hàng tại Ngân hàng Công Thương để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng.
Là Giám đốc Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Huyền Như vẫn dùng chứng từ giả rút tiền, chuyển tiền trót lọt trên tài khoản tiền gửi của khách hàng mở tại đơn vị khác là Chi nhánh TP.HCM, Chi nhánh Nhà Bè thuộc Ngân hàng Công Thương.
Hành vi tham nhũng, chiếm đoạt diễn ra ngay trong Ngân hàng Công Thương, “sau lưng” khách hàng, sau khi khách hàng đã chuyền tiền vào tài khoản của mình tại đây.
Thậm chí, chính Ngân hàng Công Thương, sau khi cho Huyền Như vay trái pháp luật, đã dùng trái phép tiền gửi của khách hàng để thu nợ, dù khách hàng không hề ký hợp đồng cầm cố, nhằm che đậy việc cho vay trái pháp luật, đổ hậu quả cho khách hàng gửi tiền.
Vì sao thực hiện được hành vi tham nhũng?
Qua nội dung Kết luận điều tra, Cáo trạng, với thời gian 18 tháng liên tục, với các thủ đoạn không hề mới là giả chứng từ, với số lượng đến hơn 300 lần, với số tiền bị chiếm đến gần 5.000 tỷ đồng, có thể thấy hệ thống hạch toán, kế toán, kiểm tra, kiểm soát, quản trị rủi ro của Ngân hàng Công Thương lỏng lẻo đến mức bất thường, hầu như không có tác dụng nếu có bất cứ một cán bộ nào đó như Huyền Như tại Ngân hàng Công thương có ý định thực hiện việc chiếm đoạt tiền gửi tại đây.
Thêm vào đó, nhiều cán bộ, ở nhiều đơn vị, nhiều khâu khác nhau của Ngân hàng Công thương bất chấp pháp luật, không làm đúng chức trách của mình, đã đồng phạm hoặc tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt tiền.
Với những điều kiện này, theo lựa chọn của mình, Huyền Như có thể dùng chứng từ giả rút tiền từ bất cứ tài khoản nào. Việc gửi tiền của khách hàng không thể nào là nguyên nhân của hành vi chiếm doạt tiền của Huyền Như.
Dấu hiệu oan sai và bỏ lọt tội phạm
Nguy cơ oan sai lớn nhất là những tổ chức, cá nhân gửi tiền vào Ngân hàng Công Thương, bị Huyền Như chiếm đoạt tiền không thể buộc Ngân hàng Công Thương chịu trách nhiệm hoàn trả.
Phủ nhận trách nhiệm của Ngân hàng Công Thương có thể sẽ gây mất lòng tin của xã hội vào hệ thống ngân hàng và hệ thống pháp luật, môi trường kinh doanh, gây hoang mang cho khách hàng gửi tiền.
Những khách hàng gửi tiền khác có thể có nhiều lý do để lo ngại về tiền gửi của mình tại Ngân hàng Công Thương nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung.
Với Kết luận điều tra và Cáo trạng hiện tại, bên cạnh dấu hiệu bỏ lọt tội tham nhũng của Huyền Như, bỏ lọt trách nhiệm của Ngân hàng Công Thương, nhiều hành vi của nhiều cá nhân tại chính Ngân hàng Công Thương đã không được làm rõ để xử lý hoặc đã rõ nhưng không xử lý.
Các hành vi chưa được làm rõ
Quá trình điều tra chưa làm rõ: sai phạm của những cá nhân có trách nhiệm thực hiện công tác hạch toán, kế toán, kiểm tra, kiểm soát đã để xảy ra sai phạm, không phát hiện ra sai phạm; các cá nhân liên quan đến việc thực hiện, kiểm soát, hạch toán các giao dịch bằng chứng từ giả do Huyền Như lập đã không được xác định đầy đủ, có bao nhiêu chứng từ giả, ai là người có sai phạm liên quan đến từng giao dịch; Huyền Như cùng lãnh đạo Ngân hàng Công Thương huy động vốn cho Ngân hàng Công Thương, có trả lãi vượt trần theo quy định, nhưng chưa làm rõ được Ngân hàng Công Thương có chủ trương chi lãi suất huy động vượt trần hay không, ai chịu trách nhiệm, nguồn chi ở đâu …; Các cá nhân đã quyết định, thực hiện việc thu nợ trái phép trên tài khoản của khách hàng để khắc phục việc cho vay trái pháp luật là ai…
Các hành vi đã rõ cũng chưa xử lý
Trương Minh Hoàng, Nguyễn Thị Minh Hương (đều là Phó Giám đốc Ngân hàng Công thương TP.HCM) đã thiếu trách nhiệm để tội phạm xảy ra theo Kết luận điều tra; Các cá nhân làm hồ sơ giả, đứng tên vay vốn giả, giúp Huyền Như chiếm đoạt tiền tại Ngân hàng Công Thương. Các trường hợp này đến nay không bị xử lý hình sự.
Tương tự, cho đến nay không có bất cứ thông tin nào về việc xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, cấp ủy Đảng tại Ngân hàng Công Thương về vụ án này.
Không làm rõ và thu hồi triệt để số tiền bị chiếm đoạt
Ngoài các phụ lục nêu danh sách đơn vị, cá nhân nhận tiền có nguồn gốc từ tiền Huyền Như chiếm đoạt, Kết luận điều tra, Cáo trạng chưa làm rõ được thực chất số tiền chiếm đoạt được Huyền Như đã sử dụng chi tiết như thế nào, hiện đang ở đâu và tại sao không áp dụng các biện pháp thu hồi tiền, tài sản do phạm tội mà có để khắc phục, giảm bớt thiệt hại.
Phát biểu tại Hội nghị công an toàn quốc ngày 18/12/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo “Kiên quyết không bỏ lọt tội phạm, không để oan sai”.
Ngày 2/12/2013, tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát biểu: Công luận mới chỉ nói nhiều đến oan sai, tại sao chưa đề cập đến chuyện sót tội? Cần phải nhìn nhận cả hai mặt của vấn đề này. Sót tội cũng chính là một vấn đề cần quan tâm trong chống tham nhũng.
Tuy nhiên, với vụ án trọng điểm được dư luận quan tâm này, dường như cả dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và oan sai đang cùng xuất hiện. Nhân dân, công luận có quyền đặt câu hỏi, việc xử lý chưa triệt để vụ án Huyền Như có làm lọt một vụ ‘đại án” tham nhũng lớn nhất trong lịch sử từ trước đến nay.
Với tinh thần đó, thiết nghĩ Ban chống tham nhũng trung ương, Ban Nội chính, các cơ quan tư pháp cần xem xét lại vụ án Huỳnh Thị Huyền Như để đảm bảo sự khách quan, nghiêm minh, công bằng, đồng thời làm rõ “đại án” tham nhũng thực chất đằng sau vụ án này.
Luật sư Hoàng Đôn Hùng
Đoàn Luật sư TP.HCM"
Theo VTC News
Liệu Huyền Như có phải là “con Tốt” trên bàn cờ và được hứa bảo đảm: Hãy yên tâm nhận tội làm giả… và không khai ra ai nữa sẽ thoát tội tham nhũng!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét