Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

16:04

Chỉ vài năm, giá điện xăng tăng gần chục lượt

 Các thống kê cho thấy, trong 3 năm 20011-2013, giá điện đã được tăng tới 6 lượt, giá xăng dầu cũng tăng 6-7 lượt... khiến doanh nghiệp càng khó khăn, sức mua giảm trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt.
Năm 2013 sắp qua đi. Mặc dù đây là năm rất khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, có thể coi là một năm bất ổn của kinh tế vi mô, nhưng cũng phải ghi nhận cũng là một năm, kinh tế vĩ mô khá ổn định.
Nhưng nhìn lại 3 năm 2011-2013, việc triển khai các chính sách kinh tế, chủ yếu là các chính sách tài khóa (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT) tuy có một số hoạt động phối hợp bước đầu nhịp nhàng nhưng cơ bản, vẫn có những sự lạc điệu. Điều này cũng đã được nhiều chuyên gia kinh tế mổ xẻ, phân tích trông cuộc hội thảo "phối hợp CSTK và CSTT trong điều hành kinh tế vĩ mô 2014-2015" do Học viện Chính sách phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức sáng 19/12.
Nếu nhìn qua về chủ trương, định hướng của chính sách, về công cụ thực hiện, cũng có thể coi CSTK và CSTT đã có một số bước "đồng nhịp".
Trong 3 năm qua, cùng với việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện CSTT chặt chẽ thì Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đồng thời thắt chặt CSTK, cắt giảm mạnh đầu tư công. Nếu Ngân hàng Nhà nước bước đầu kiểm soát tăng trưởng cung tiền, tín dụng, điều hành lãi suất theo lạm phát, thị trường thì Bộ Tài chính cũng đã đề xuất và thực thi các chính sách giảm, giãn, miễn thuế... cho các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Nhưng cụ thể hơn vào việc thực thi chính sách thì vẫn còn nhiều sự lạc điệu trong phối hợp, điều hành CSTK và CSTT trong những năm qua.
Theo chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Cấn Văn Lực thì đã có sự lạc điệu về cách thắt chặt, nới lỏng, giảm, liều lượng thực thi các chính sách đó. Có năm, CSTT nới lỏng nhưng CSTK lại vẫn tiếp tục như đầu tư công. Trong khi CSTT (tín dụng) thận trọng hơn thì CSTK vẫn cho phép nới lỏng khiến thâm hụt ngân sách, nợ công tăng mạnh trở lại.
 điện, xăng, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, điều hành vĩ mô
Trong 3 năm 20011-2013, giá điện đã được tăng tới 6 lượt, giá xăng dầu cũng tăng 6-7 lượt...Ảnh minh họa
"Hay việc tài trợ thâm hụt ngân sách bằng cách phát hành trái phiếu Chính phủ đã làm tăng áp lực lạm phát và tăng lãi suất (trong khi CSTT giảm lãi suất), và có thể chèn lấn tín dụng tư nhân", chuyên gia Cấn Văn Lực nói.
Hay ở trong việc điều hành giá cả, trong khi CSTT (tín dụng) được điều hành theo hướng thận trọng thì lộ trình thay đổi giá hàng hóa thiết yếu (điện, xăng dầu, than, lương tối thiểu...) lại được thực hiện khá độc lập với diễn biến CSTT. Các thống kê cho thấy, trong 3 năm 20011-2013, giá điện đã được tăng tới 6 lượt, giá xăng dầu cũng tăng 6-7 lượt... khiến doanh nghiệp càng khó khăn, sức mua giảm trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt.
Nhiều chuyên gia khác cũng nêu lên những sự "lạc điệu" khác trong các chính sách. Ví dụ, trong giám sát, ổn định chính sách tài chính, tiền tệ thì chưa có đầu mối nào giám sát các tập đoàn tài chính- ngân hàng và các nghiệp vụ phi ngân hàng như cho vay chứng khoán, ủy thác đầu tư...
Còn có sự "lạc điệu" trong phân vai: có nhiều việc CSTT lại gánh thay cho CSTK như việc cho vay tạm ứng ngân sách để giải phóng mặt bằng, tạm ứng ngân sách giải ngân vốn đối ứng ODA, thực hiện gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng, xử lý nợ cấu... Cũng có một số ý kiến cho rằng, sự phối hợp CSTT và CSTK cần phối hợp với các chính sách khác, đặc biệt là các biện pháp giám sát vĩ mô thận trọng nhằm quản lý dòng vốn, tỷ giá, chính sách ngoại thương...
Tiến sĩ Lưu Đức Hải, Viện Chiến lược phát triển cũng cho rằng, hiện nay mới chỉ phổ biến nhận thức phối hợp 2 chính sách tài khóa và tiền tệ mà chưa thấy được phải phối hợp cả với các chính sách khách như: chính sách thương mại, chính sách công nghiệp, chính sách việc làm... "Việc chia nhỏ các chính sách: kiểm soát lạm phát, thuế, chi tiêu ngân sách, đầu tư... nhưng chưa quy định rõ về nội dung, phương thức phối hợp giữa các cơ quan thực hiện chính sách khiến tính pháp lý của việc phối hợp kém và việc phối hợp thực tế là khó khăn", ông nói.
Theo tiến sĩ Trịnh Quang Anh, chuyên gia nghiên cứu của Học viện Chính sách và phát triển, để giảm bớt những sự lạc điệu, không đồng nhịp của CSTT và CSTK, trong các năm 2014-2015 tới, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa CSTL và CSTT càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi ngân sách nhà nước đã gia tăng mức bội chi và Bộ Tài chính đang đẩy mạnh phát hành trái phiếu Chính phủ.
Theo ông, NHNN trong khi vẫn cần đảm bảo cung ứng đủ cho thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng nhưng không được làm gia tăng áp lực lạm phát tiền tệ và cần tạo điều kiện để Bộ Tài chính phát hành thành công tín phiếu và trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch 2 năm tới theo dự kiến.
Ngược lại, tiến sĩ Trịnh Quang Anh cũng cho rằng, Bộ Tài chính cũng cần tính toán kỹ và thống nhất với Ngân hàng Nhà nước về lượng, cơ cấu kỳ hạn, thời điểm cũng như mức lãi suất trái phiếu dự kiến phát hành. "Hệ thống tài chính tín dụng hiện đang nắm giữ gần 450 ngàn tỉ đồng tín phiếu và trái phiếu Chính phủ, chiếm khoảng 90% tổng lượng trái phiếu Chính phủ đang lưu hành là một điều rất đáng quan ngại", ông cảnh báo.
Với áp lực phát hành trái phiếu Chính phủ gộp, cả đề đảo nợ đến hạn (tổng lượng phát hành 2 năm 2014-2015 là khoảng 320 ngàn tỉ đồng, dự đoán sẽ phát hành tập trung trong năm 2014) thì nguy cơ nợ công sẽ chuyển sang trạng thái mất an toàn là có khả năng và kéo theo nguy cơ bất ổn của hệ thống ngân hàng. Đứng trước nguy cơ này, sự nhịp nhàng trong điều hành CSTT và CSTK càng được yêu cầu gay gắt.
Để CSTK và CSTT đồng điệu hơn trong 2 năm tới, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đề xuất thành lập một Ủy ban hoặc một Hội đồng tài chính tiền tệ quốc gia để chịu trách nhiệm điều phối mảng quản lý nợ công; xây dựng cơ chế phối hợp chính thức với hiệu lực thi hành cao; hướng hoạt động của Ngân hàng nhà nước vào kiểm soát lạm phát mục tiêu để tăng tính độc lập thực sự của Ngân hàng Nhà nước đồng thời thiết lập, nâng cao hiệu lực kỷ luật tài khóa (hạn mức thâm hụt ngân sách, hạn mức lỗ của Ngân hàng Nhà nước). Ông cũng đề nghị thiết lập đầu mối, trao đổi, tham vấn thông tin nhất là phục vụ tài tợ ngân sách, hoạch định chính sách...
(Theo TuanVietNamnet) Mạnh Quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét