09:53
“Bóc trần” đường dây chăn
dắt người già, trẻ tàn tật ăn xin
Dù nắng hay
mưa, Trường cũng phải đi ăn xin.
Kiếm tiền từ
việc chăn dắt người già, trẻ em thậm chí cả người tàn tật là một thực trạng
đau xót đã diễn ra nhiều năm nay ở nước ta. Sau nhiều ngày theo dõi, phóng
viên Lao Động & Đời sống đã “lột trần” một số đường dây “chăn dắt” ngay
giữa Thủ đô.
22h
tối 14.12, Hà Nội mưa phùn, nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, những chiếc xe máy
thưa thớt qua lại trên phố. Trường – một cậu bé bại liệt vẫn ngồi co ro bên
lề đường. Đang gật gà ngủ bỗng một cánh tay lực lưỡng tát lia lịa vào mặt:
“Đ.M. Dậy đi mày, hôm nay không kiếm đủ tiền thì đừng có về” – H, người đẩy
xe đưa Trường đi ăn xin gằn giọng nói.
Chăn dắt suốt
ngày đêm
Tại ngã ba
đường Trương Định, Giải Phóng (quận Hoàng Mai), thời gian qua xuất hiện một
cậu bé ngồi trên xe lăn xin tiền. Nhiều người dừng xe bỏ tiền vào giỏ cho
cậu, thế nhưng, ít ai biết rằng đằng sau cậu bé tội nghiệp ấy là một đường
dây đang ngày đêm sống ký sinh trên những đồng tiền cậu bé kiếm được từ tình
thương của người đi đường.
Theo điều tra
của chúng tôi, cậu bé ấy tên là Trường, quê ở Thanh Hóa bị bại liệt từ nhỏ.
Trường đang sống cùng Kiểm (34 tuổi, quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa) trong một
phòng trọ nhỏ nằm sát nghĩa trang, cuối ngõ 512 phố Trương Định, Q.Hoàng Mai.
Hàng ngày, Trường được H - một người cùng quê với Kiểm, do Kiểm thuê - đẩy xe
đưa đi ăn xin.
“Muốn xin được
nhiều thì phải làm cho người ta thương, muốn người ta thương thì phải mếu
máu, khóc lóc, kể lể mà xin, người ta không cho thì cứ nằm ra đường mà lăn,
xin được càng nhiều càng tốt” - 6h sáng Kiểm gọi “lính” dậy ăn uống rồi “ôn
bài”.
Ngày nào cũng
vậy bất kể nắng hay mưa, cứ 7h sáng H đẩy xe lăn đưa Trường ra ngã ba đường
Trương Định, Giải Phóng hành nghề. Sáng 14.12, khi Trường đã yên vị trên vỉa
hè, H thong dong đi vào một quán trà đá cách đó chừng 30m ngồi uống trà đá,
đôi mắt H dán chằm chằm vào chiếc giỏ nhựa gắn bên xe lăn.
Ngắm thấy
khoảng chục người bỏ tiền vào giỏ, H liền ra lấy hết tiền bỏ vào túi của
mình. Theo lời H, do ở quê không có công ăn việc làm nên được Kiểm thuê ra Hà
Nội đẩy xe cho Trường, ngoài nuôi ăn ở, H còn được Kiểm trả lương từ 1,5 - 2
triệu đồng, tùy theo số tiền Trường xin được mỗi tháng.
Để tiện quan
sát, có lúc H ngồi ngay trên vỉa hè cách chỗ Trường ngồi khoảng 10m, trời
lạnh H chui vào một hàng ống bi gần đó ngồi rồi nhìn qua khe hở để theo dõi.
Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi ngày có hàng chục người dừng xe lại để cho
tiền, có người cho 2, 5 nghìn, nhưng thường thì 10 nghìn, 20 nghìn, thậm chí
50, 100 nghìn đồng. Tính ra mỗi ngày số tiền thu được lên đến cả triệu đồng.
Khoảng 10h trưa
14.12, Trường ngồi trên xe lăn mắt đờ đẫn, ngoảnh cổ ngóng theo người đi
đường, gió mạnh nên tiền từ trong chiếc giỏ bay hết xuống đường. Đang ngồi
uống trà đá, H đứng phắt dậy chạy ra nhặt tiền, rồi chửi liến thoắng và không
quên dang tay tát hai phát vào mặt Trường:
“Ngủ hả mày,
tay để đâu mà không giữ đi, muốn nhịn đói luôn à?”. Thấy nhiều người đi đường
dừng xe lại nhìn, H liền nhét hết tiền vào túi quần rồi lẳng lặng đi vào quán
trà đá ngồi đợi. Đến khoảng 13h chiều, điện thoại reo, H móc ra ấn nút nghe:
“Được 4 trăm”. Nói xong H ra lấy hết tiền nhét vào túi rồi đi bộ về phòng trọ
ăn cơm. Còn Trường vẫn ngồi nhịn đói.
20h tối, người
đi lại trên đường Giải Phóng thưa dần, H liền đẩy xe đưa Trường xuống ngã tư
nối giữa đường Giải Phóng – Lê Duẩn và Đại Cồ Việt – Xã Đàn để “hành nghề”.
Trời mưa tầm tã, chiếc áo mưa rách rưới làm quần áo ướt hết, Trường ngồi co
ro, run cầm cập trên xe lăn.
Nhịn đói cả
ngày cộng mưa rét khiến Trường kiệt sức, mặt mũi thâm tím. Thấy “lính” của
mình ngồi gật gà ngủ, H lao tới tiếp tục tát mạnh vào mặt Trường: “Dậy đi
mày, thích xuống đường ngồi lăn không, mày muốn chết đói luôn à?”.
Trời mưa đường
ít người, ngồi mãi mà không thu được bao nhiêu, H liền đẩy Trường len lỏi vào
các ngõ ngách để xin, mặc cho Trường đang đói khát và lạnh lẽo, lâu lâu lại
ngủ gật trên xe lăn. Đến khoảng 23h đêm, H mới đẩy xe đưa Trường về “ổ” ăn
uống, nghỉ ngơi.
Vào “ổ” kẻ chăn
dắt
Sau nhiều ngày
bám theo hành trình của H và Trường, chúng tôi đã thâm nhập được vào “ổ” của
kẻ cầm đầu. Trong đường dây ăn xin do Kiểm thâu tóm, ngoài Trường và H còn có
L, Tr, bà Hồng, cụ Hiền… - toàn bộ những người này đều do Kiểm tuyển chọn ở
quê.
Theo Kiểm, chăn
dắt cụ già và trẻ khuyết tật dễ kiếm được nhiều tiền vì được nhiều người
thương. Riêng bà Hồng (57 tuổi) là mẹ vợ của Kiểm cũng bị Kiểm chăn dắt,
không chỉ nộp hết số tiền kiếm được hàng ngày, bà Hồng còn kiêm luôn việc nấu
ăn, quét dọn và giặt quần áo cho vợ chồng Kiểm và những người Kiểm chăn dắt.
Trong số những
người này, Trường bị bại liệt phải ngồi xe lăn, còn L và Tr bị khuyết tật nhẹ
vẫn đi lại được. Do đó, từ sáng sớm, Kiểm chở “lính” ra các điểm trung tâm ở
Ngã Tư Sở, hồ Trúc Bạch… hành nghề, tối đánh xe máy đón về. Để tiện quản lý,
Kiểm sắm cho mỗi người một chiếc điện thoại di động.
Riêng bà Hồng
và cụ Hiền, Kiểm sắm cho vài gói bông tai, kẹo caosu và ít đồ lặt vặt rồi
mang đi bán. Toàn bộ số tiền kiếm được trong ngày đều phải nộp lại cho Kiểm.
Căn phòng trọ
của Kiểm rộng chừng 20m2 có một gác xép, được Kiểm thuê của bà chủ trọ tên
Minh gần 9 tháng nay. Căn gác xép là nơi ở của vợ chồng Kiểm và hai đứa con,
đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi. Phía dưới là chỗ ngủ của những người bị chăn
dắt và mẹ vợ Kiểm.
Ngoài hai chiếc
xe máy đắt tiền, Kiểm còn sắm thêm một chiếc tivi màn hình phẳng 21 inch.
Công việc hàng ngày của vợ chồng Kiểm là xem tivi, đến giờ thì đi gom “lính”
về rồi đếm tiền.
Theo tìm hiểu,
mỗi ngày Kiểm thu được từ những người mình chăn dắt ít nhất 2 triệu đồng.
Trường cho biết, ngoài nuôi ăn ở, mỗi tháng Kiểm phải trả cho những người như
Trường 1 - 1,5 triệu đồng, tuy nhiên gần một năm nay Trường chưa hề nhận được
đồng nào. “Mỗi ngày, chú ấy cho ăn hai bữa lúc 6h sáng và 24h đêm, hơn một tháng
nay cháu chưa được tắm, quần áo cũng không có để thay”, Trường thì thào nói.
Theo tiết lộ
của Trường, ngoài những người ở tại phòng trọ của mình, Kiểm còn liên kết với
một số kẻ cầm đầu khác để đổi “nhân viên” và thay đổi chỗ ở của những người
bị chăn dắt liên tục để tránh bị phát hiện.
Nhiều người
sống cùng dãy trọ với Kiểm cho biết, vợ chồng Kiểm sống rất khép kín, họ rất
ít khi nói chuyện với người xung quanh, tối đến cứ về đến nhà họ lại đóng cửa
kín mít. “Có hôm tôi thấy đến gần chục người già và người khuyết tật về nhà
Kiểm, có hôm có chỉ có 4 - 5 người. Ngoài cậu bé khuyết tật hay ngồi trên xe
lăn, thời gian gần đây xuất hiện thêm một số người lạ. Anh ấy có nói là họ
hàng ở quê, nhưng thấy anh ấy quát mắng chửi bới đến thậm tệ”, một người cùng
dãy trọ Kiểm cho biết.
24h
đêm cả dãy trọ đã tắt điện đi ngủ, nhưng tại phòng trọ của Kiểm tiếng người
khóc lóc, kẻ quát mắng vẫn inh ỏi: “Cả ngày mày ngủ ở đâu mà xin được chừng
này, muốn tao tống cổ ra đường à? Cởi hết đồ ra, giấu đồng nào trong người
tao chém luôn”.
Chăn dắt cả người thân, cụ già và trẻ em
Sau nhiều ngày
điều tra, chúng tôi nhận thấy không chỉ Kiểm mà trên địa bàn Hà Nội còn có
rất nhiều “chủ chăn” khác. Không chỉ lợi dụng người tàn tật để lấy lòng
thương của nhiều người, những kẻ chăn dắt còn lợi dụng nước mắt trẻ em và người
già để kiếm sống. Theo chân bé Lan chuyên bán kẹo caosu tại công viên Thống
Nhất, chúng tôi đã tiếp cận được đường dây do Dũng “ròm” và người phụ nữ tên
Hạnh cầm đầu. Hang ổ của Dũng đóng tại một dãy trọ nằm bên kênh nước đen ở
gần đường Tam Trinh (Hoàng Mai).
Theo điều tra,
trong nhóm của Dũng “ròm” có 4 bé gái, 2 đứa trẻ bị bại liệt và 3 cụ già,
cùng 2 người phụ nữ khác. Trong đó, hai đứa trẻ khuyết tật chính là cháu họ
của Hạnh. Hàng ngày cứ khoảng 19h tối, Hạnh và Dũng dùng xe máy chở những đứa
trẻ và cụ già đến các công viên, hồ nước quán nhậu trên địa bàn quận Hai Bà
Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai để hàng nghề bán kẹo caosu, đến khoảng 24h đêm Dũng
và Hạnh đến đón về.
Riêng hai đứa
cháu khuyết tật, Hạnh thuê 2 người phụ nữ đẩy đi ăn xin suốt ngày đêm. “Người
ta không mua cũng phải mời mua cho bằng được. Phải khóc lóc, rên rỉ trình bày
đủ mọi hoàn cảnh cho người ta thương”, Hạnh dạy “lính” của mình.
Dũng tiết lộ,
hầu hết những đứa trẻ này đều được thuê ở quê. “Cụ Bản là mẹ vợ thằng cháu
ruột của tôi. Con Lan bố mẹ nó ly dị rồi nên mẹ nó gửi ra nhờ tôi kiếm việc
làm ăn. Mỗi tháng, tôi trả cho mỗi người tầm 1 - 1,5 triệu đồng”, Dũng cho
biết.
Theo tìm hiểu,
mỗi đêm một đứa trẻ đi bán kẹo caosu đưa về cho Dũng và Hạnh được khoảng hơn
200 nghìn đồng. “Bác ấy vào bảo mẹ cháu ra Hà Nội cho đi học nhưng đợi mãi
vẫn chưa được đi, cháu đòi về quê bác ấy không cho và còn dọa nếu bỏ đi sẽ bị
đánh, mấy tháng nay bác ấy không cho cháu gọi điện về cho mẹ”, bé Lan (8
tuổi) mếu máu khóc.
Cơ quan chức năng sẽ sớm giải cứu các đối tượng bị chăn dắt
Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Văn Quang Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Liệt thừa nhận, thời gian qua trên địa bàn phường có xuất hiện một số người khuyết tật đi ăn xin nhưng chưa nắm bắt được họ trú ngụ ở đâu. Tuy nhiên, theo thông tin từ phóng viên, ông Quang xác nhận khu trọ nơi Kiểm và các đối tượng chăn dắt đang ở thuộc địa bàn của phường Thịnh Liệt. “Khu nhà trọ ở cuối ngõ 521 phố Trương Định là khu vực rất ẩm thấp chủ yếu lao động nghèo ngoại tỉnh thuê ở. Chúng tôi sẽ báo cáo lên cấp trên và sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng sớm có biện pháp kiểm tra xử lý”, ông Quang cho hay. Nhận thông tin từ Lao Động & Đời sống, đại diện công an quận Hoàng Mai cho biết, việc nhiều đối tượng ăn xin hành nghề tại một số nơi trên địa bàn quận là có thật, công an quận sẽ sớm kiểm tra để có biện pháp xử lý, đồng thời giải cứu các đối tượng bị chăn dắt trong thời gian sớm nhất.
(Theo Lao động) Nguyễn Vũ
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét