Quảng Nam:
Dân vây đòi nợ Nhà máy vàng Phước Sơn
TT - Chị Hoàng Phùng Thùy Anh, chủ tiệm bánh mì Gia Huy
(thị trấn Khâm Đức, Quảng Nam):
“Tôi bán bánh mì 2.000 đồng/ổ mà họ nợ đến 40 triệu đồng chưa chịu thanh
toán”. Đó là tình cảnh bi thảm của Nhà máy vàng Phước Sơn.
Người dân
dùng rìu phá khóa cổng Nhà máy vàng Phước Sơn để vào trong đòi nợ - Ảnh:
Trọng Ý
Chiều 26-12, ông Phạm Thế Quyền - chủ tịch UBND huyện Phước Sơn
(Quảng Nam) - cho biết Nhà máy vàng Phước Sơn (thuộc Tập đoàn Besra, liên
doanh Canada - Úc) tại xã Phước Đức chính thức thông báo với huyện việc đóng
cửa nhà máy.
Chính quyền huyện và hàng trăm người dân địa phương đang rất lao
đao vì số nợ nần hàng trăm tỉ đồng mà công ty này để lại....
Nợ cả tiền mua rau
Đến 19g ngày 26-12, nhiều người dân gồm tiểu thương, công nhân và
chủ doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn huyện Phước Sơn vẫn chen chúc nhau vây kín
cổng nhà máy của Công ty vàng Phước Sơn. Tại hiện trường, nhiều xe tải, xe
xúc, ôtô con và xe máy của người dân dựng thành hàng rào chặn đường các
phương tiện ra vào nhà máy của công ty. Người dân còn giăng cả biểu ngữ yêu
cầu Công ty vàng Phước Sơn trả nợ cho họ. Nhiều người la ó, gào thét, thậm
chí có người dùng rìu phá ổ khóa của cánh cổng nhà máy đang khóa chặt.
Bà Bùi Thị Liễu, người bán rau ở chợ Khâm Đức (huyện Phước Sơn),
quằn quại khóc trước cổng nhà máy xin được thanh toán khoản nợ rau mà công ty
này mua thiếu của bà đến 25 triệu đồng. Chị Hoàng Phùng Thùy Anh, chủ tiệm
bánh mì Gia Huy (thị trấn Khâm Đức), cho biết: “Tôi bán bánh mì 2.000 đồng
một ổ mà họ nợ đến 40 triệu đồng chưa chịu thanh toán”. Còn ông Phạm Ngọc
Tiến - người chuyên cung cấp mì sợi, bún - cũng bị thiếu nợ đến 60 triệu
đồng. Ông dẫn theo con nhỏ đến cổng nhà máy chờ lấy tiền.
Ngoài chủ nợ là những người bán rau, bán bánh mì, những ông chủ
khách sạn, các công ty cũng cử đại diện đến để đòi nợ. Bà Lê Thị Đô, chủ
khách sạn Trung Đô, cho biết tổng số nợ các kỹ sư, chuyên gia ở khách sạn của
bà chưa thanh toán lên đến 420 triệu đồng. “Bây giờ họ đi mất rồi, biết đòi
ai đây. Tôi còn góp phần với Công ty Quảng An làm đường cho nhà máy vàng này
hơn 4 tỉ đồng bây giờ vẫn chưa đòi được nợ” - bà Đô nói. Tương tự bà Đô, bà
Nguyễn Thị Thu Sương cũng góp vốn vào Công ty Quảng An hơn 3 tỉ đồng để cung
cấp nhiên liệu, máy móc, xây dựng công trình, xe vận chuyển quặng cho nhà máy
vàng nhưng đến nay nhà máy vàng vẫn im hơi lặng tiếng.
Địa phương âu lo
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, ông Phạm Thế Quyền đã trực
tiếp đến hiện trường nắm tình hình. Ông Quyền cho biết tình hình nợ nần của
công ty được người dân nhiều lần phản ảnh, chính quyền huyện đã mời giám đốc
nhà máy lên để gặp và làm việc cụ thể nhưng mười ngày qua chưa có phản hồi.
“Nghe nói ông chủ của công ty này đang đi nghỉ Noel ở nước ngoài nhưng chẳng
thấy ai nói gì. Chiều nay ông Ngũ - phó giám đốc - chỉ điện thông báo cho tôi
là nhà máy đóng cửa” - ông Quyền bức xúc cho biết.
Việc nợ của công ty vàng không những khiến người dân điêu đứng mà
chính quyền huyện cũng vạ lây. Ông Quyền cho hay ngân sách huyện năm nay chỉ
đạt 56% cũng vì Công ty vàng Phước Sơn chưa chuyển trả thuế tài nguyên 190 tỉ
đồng. “Theo nguyên tắc, huyện được hưởng toàn bộ tiền thuế của công ty, do đó
mình được quyền ứng chi trước, nhưng đến nay thuế công ty vẫn chưa nộp đủ nên
tình hình rất khó khăn” - ông Quyền nói.
Cũng theo ông Quyền, số nợ trong dân, doanh nghiệp không dưới 30
tỉ đồng. Ông Quyền cho biết: “Chúng tôi rất lo lắng việc vỡ nợ dây chuyền ảnh
hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh của địa phương, đặc biệt là giáp
tết. Tài sản cố định của công ty vàng ở đây rất ít, mọi thứ họ đều thuê, nên
nhỡ có việc gì thì rất khó...”. Hiện Công an huyện Phước Sơn đã cử cán bộ,
chiến sĩ túc trực tại hiện trường để ổn định tình hình, tránh việc người dân
quá bức xúc dẫn đến xô xát.
Ngay trong chiều 26-12, ông Phạm Quang Ngũ - phó tổng giám đốc
Công ty TNHH vàng Phước Sơn - có công văn gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và các cơ
quan liên quan báo cáo sự việc ngừng hoạt động của nhà máy. Công văn ghi rõ
trước đó công ty nhiều lần làm việc với đối tác là Công ty Quảng An, hai bên
đảm bảo cùng hợp tác và thống nhất kế hoạch trả nợ. Tuy nhiên sự cố chặn
đường vào nhà máy làm công ty tê liệt sản xuất, công ty sẽ không có doanh thu
để trả nợ. Văn bản cũng cho rằng việc chặn đường là “bất hợp pháp”, gây rối
trật tự an ninh, kích động cộng đồng dân cư địa phương, nên công ty ngưng mọi
hoạt động sản suất lúc 15g30 ngày 26-12.
(Theo Tuổi
trẻ) TẤN VŨ
Tập đoàn Besra trước đây
còn có tên Olympus Pacific Minerals. Besra đã đầu tư vào VN từ năm 1993 qua
hai công ty liên doanh là Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu (đóng ở xã
Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) và Công ty TNHH vàng Phước Sơn (đóng ở xã Phước
Đức, huyện Phước Sơn). Trước đó, nhà máy ở Tam Lãnh đã dừng hoạt động vì
sạt lở do mưa bão.
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét