Kinh bắc
Đăng ký
Bài đăng
Atom
Bài đăng
Nhận xét
Atom
Nhận xét
Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013
08:32
Ngân hàng Nhà nước sẽ trả nợ niềm tin?
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội.
Đầu tuần này, trò chuyện bên lề hội nghị xúc tiến đầu tư vào đồng bằng sông Cửu Long, tổng giám đốc một ngân hàng nhìn nhận: “Ngân hàng Nhà nước đang có được niềm tin của người dân và thị trường, đang dùng để khỏa lấp những điểm trũng của hệ thống”.
Theo đó, vị tổng giám đốc này hướng về năm 2014: nếu những điểm trũng đó không khỏa lấp thực sự bằng hiệu quả điều hành, niềm tin sẽ phải trả lại cho người dân và thị trường.
“Nếu Ngân hàng Nhà nước khỏa lấp được bằng kết quả điều hành của mình, niềm tin khi trả lại sẽ nhân bội, bằng không sẽ khó mà trả nổi khi nó bị hẫng đi”, ông nói.
Tại hội nghị “Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vòng đồng bằng sông Cửu Long”, một đại diện doanh nghiệp phát biểu, đại ý trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định 780 (cho cơ cấu lại nợ khó trả mà không bị chuyển nhóm) hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp khó khăn có thể tiếp cận vốn ngân hàng, hay ít nhất tránh bị siết nợ. Tuy nhiên, về lâu về dài thì khó tiếp tục cơ chế đó.
Vị tổng giám đốc ngân hàng trên cũng xem Quyết định 780 là một giải pháp tạo niềm tin trong năm 2013. Khi “khoan sức” cho doanh nghiệp, họ bớt khó khăn để có thể tiếp tục hy vọng phục hồi sản xuất kinh doanh; ở tình hình chung, những điểm yếu của họ tạm thời chưa phản ánh ở tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng, hay một điểm trũng đáng kể (300.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ, được cơ cấu lại theo Quyết định 780) thời gian qua vẫn phẳng, cho thấy tình hình chưa thực sự quá xấu.
Giá trị ở đây là niềm tin vào sự chưa thực sự quá xấu đó. Khi có được niềm tin, hay đúng hơn là niềm tin chưa bị giảm đi nếu không có sự khỏa lấp của Quyết định 780, các doanh nghiệp trong diện này cũng như hệ thống ngân hàng có điều kiện để tìm cách sử dụng các giải pháp, các nỗ lực để lấp đầy điểm trũng đó bằng những giá trị kinh tế thực sự.
Vấn đề là bao giờ những giá trị kinh tế thực sự đó là đủ, thực tế thời gian qua có tạo được hay không? Để trả lời, Ngân hàng Nhà nước cần chứng minh, sau khi có Quyết định 780, “vay” được niềm tin của người dân và thị trường như vậy, có bao nhiều doanh nghiệp nhờ đó mà khỏe lên, bao nhiêu nợ xấu thực sự cải thiện. Chứng minh điều này một cách cụ thể sẽ thuyết phục sự đúng đắn của chính sách.
Như nhìn nhận của vị tổng giám đốc ngân hàng trên, nếu chính sách chứng minh được sự đúng đắn, Ngân hàng Nhà nước không những không phải trả lại niềm tin mà nó còn được nhân bội.
Tương tự, Thông tư 02 (quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng) lẽ ra đã được áp dụng từ ngày 1.6.2013. Tuy nhiên, do nếu áp thì càng thu hẹp khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng như chất thêm khó khăn cho hệ thống các tổ chức tín dụng, có thể tạo một điểm trũng khó lấp đầy, nên Ngân hàng Nhà nước giãn thời gian áp dụng thêm 1 năm (đến 1.6.2014).
Ở đây, niềm tin cũng được trao cho chính sách, khi nhìn vào tình hình tài chính của hệ thống các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp liên quan chưa phản ánh tác động của Thông tư 02 - khắt khăn hơn so với các quy định hiện tại.
Và, Ngân hàng Nhà nước có lẽ cũng cần chứng minh những giá trị cụ thể và sự đúng đắn, một cách thuyết phục, mà việc giãn thực hiện Thông tư 02 mang lại. Điều này hoàn toàn có thể định lượng bằng các con số mà Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng hẳn đang có. Chứng minh được, niềm tin về chính sách trên không những không phải trả mà còn nhân bội.
Trở lại với góc nhìn của vị tổng giám đốc ngân hàng trên, ông nói rằng: người dân và thị trường đã trao cho Ngân hàng Nhà nước niềm tin ở những chính sách trên. Chứng minh tính đúng đắn là giá trị đạt được lớn hơn sự đánh đổi, không chừng năm 2014 sẽ có đà để lan tỏa hướng phục hồi nói chung.
“Bởi người dân tin, họ sẽ mở túi, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn hơn trong sản xuất kinh doanh. Còn nếu không tin, họ sẽ phòng thủ. Có thể thấy là cắt giảm chi tiêu, cầu trên thị trường yếu; tệ hơn, họ chuyển vốn vào vàng, “đô” để phòng thân, chính sách tiền tệ càng thêm khó. Nếu không lấp đầy những điểm trũng bằng các giá trị kinh tế đích thực sau khi đã triển khai chính sách, không những phải trả bằng “chi phí lãi” rất đắt, mà sau đó niềm tin sẽ càng trở nên xa xỉ”, ông nói.
Hiện những chính sách cụ thể trên, Quyết định 780 và Thông tư 02, có lẽ cần thêm thời gian và đợi Ngân hàng Nhà nước chứng minh hiệu quả. Trong khi đó, có thể dẫn chứng rằng, khi tạo lập được niềm tin, thị trường sẽ ổn định như ở điển hình cam kết giữ ổn định tỷ giá hai năm qua.
Trong một lần trao đổi với Thống đốc Nguyễn Văn Bình hồi giữa năm nay, người viết hỏi rằng, có nhiều trở ngại khi thực thi một số chính sách lớn, Thống đốc có nao núng hay lo lắng không? Thống đốc Bình trả lời rằng: “Bạn cứ tin tưởng. Khi có chính sách đúng, giữ vững lập trường và ngại khó khăn, thì sẽ chắc chắn thành công”.
Thành công định hình ở một quá trình. Trong khuôn khổ bài viết này, cụ thể là quá trình thực hiện Quyết định 780 và Thông tư 02, sẽ không phải chờ đợi lâu. Ngày 1.6.2014, Thông tư 02 sẽ chính thức áp dụng (khó có sự trì hoãn nối tiếp), và cùng lúc là Quyết định 780 hết vai trò. Nếu không có các chính sách khác can thiệp, tình hình sức khỏe của hệ thống các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp liên quan sẽ được trả lại đúng nguyên trạng. Khi đó hẳn sẽ khác với thời gian qua và hiện nay. Tốt hơn hay xấu đi sẽ rõ trong 6 tháng nữa.
Dù tốt hơn hay xấu đi, dù ảnh hưởng của nó có thể không gói gọn trong hệ thống, nhưng ít nhất người dân và thị trường sẽ được nhìn một bức tranh thực hơn. Như với Thông tư 02, các quy định chặt chẽ hơn và được đánh giá là tiếp cận gần hơn các chuẩn mực quốc tế, như đánh giá của một số chuyên gia thời gian qua, là cũng có những giá trị cần thiết.
Chưa hết, một khả năng về niềm tin sẽ được “trả nợ” hoặc không những không phải trả mà được nhân lên trong năm 2014 là một chính sách quan trọng khác: sau khoảng hai năm trù tính, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ chính thức ban hành thông tư thay thế, hoặc sửa đổi và bổ sung Thông tư 13 quy định về các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Với những gợi mở thời gian qua, thông tư mới dự kiến sẽ sát thực hơn ở các quy định đo lường mức độ rủi ro gắn với những thay đổi sau vài năm qua về giá trị tài sản trên các thị trường như chứng khoán, bất động sản… Và đáng kỳ vọng, thông tư này cũng sẽ kín kẽ và có khả năng hạn chế tốt hơn những bất cập trong sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng.
Có lẽ, chỉ riêng những nội dung trên, chưa kể đến triển vọng kiềm chế (mà gần đây một số cơ quan chức năng tự tin hơn gọi là “kiểm soát”) lạm phát, bình ổn lãi suất và tỷ giá, xử lý nợ xấu…, thì năm 2014 cũng là đáng để chờ đợi với việc điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Theo VnEconomy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bài đăng Mới hơn
Bài đăng Cũ hơn
Trang chủ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét