Ảnh: Minh
Hạnh
Trễ hẹn có chủ ý?
Theo chỉ đạo, trước ngày 30-6, Bộ
Công thương phải trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh
xăng dầu. Tuy nhiên, đến nay Bộ Công thương chỉ mới công bố dự thảo sửa đổi
lần 4. Theo đó, dự thảo chốt phương án thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá
liên tiếp tối thiểu là 10 ngày với trường hợp tăng giá. Các phương án điều
chỉnh giá bán lẻ, khi yếu tố cấu thành giá cơ sở tăng hay giảm đều thiên về
doanh nghiệp, do doanh nghiệp "tự quyết”.
Câu hỏi đặt ra: Nghị định 84
chậm sửa đổi, việc đó ai được lợi và ai bị thiệt, Nhà nước, doanh nghiệp
hay người dân?.
Thực tế, quản lý giá xăng dầu đang là
bài toán khó giải của ngành chức năng. Triền miên từ năm này qua năm khác,
người tiêu dùng luôn nhận thấy giá xăng tăng nhanh giảm chậm, không ăn khớp
với giá thế giới. Dù có đến 17 DN kinh doanh đầu mối xăng dầu với quy mô
vốn, thị phần khác nhau nhưng giá xăng luôn đồng nhịp "cùng tăng một
mức, cùng giảm một mức”. Giá xăng mập mờ, vì thế chất lượng cũng mập mờ….
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, Viện trưởng
Viện Nghiên cứu chính sách Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, chỉ nhìn vào
dự thảo, phương án chỉnh sửa giá đang chứng minh một điều, cơ quan quản lý
bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp. Theo ông Hồ, có sửa đổi hay không sửa
đổi thì doanh nghiệp vẫn được lợi. "Nhưng chậm sửa đổi Nghị định 84
ngày nào thì doanh nghiệp càng được bảo vệ ngày đó. Thậm chí những bất cập
về chi phí hoa hồng, định mức kinh doanh, quỹ bình ổn cũng đề cập không
nhiều trong bản dự thảo”- ông Lưu Bích Hồ nói.
Một số chuyên gia kinh tế khi nhìn nhận
vấn đề này cũng thống nhất: cách điều hành khiến cho không ai không có suy
nghĩ liên Bộ Tài chính- Công thương tạo điều kiện để các DN hành xử theo
cách "coi trọng lợi ích doanh nghiệp hơn lợi ích của nền kinh tế”.
Trì hoãn
Nghị định 84 kinh doanh xăng dầu
chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2009, và sau 4 năm thực thi cả cơ quan lãnh
đạo quản lý, lẫn chủ các doanh nghiệp đầu mối đều thừa nhận thừa nhận sự
lạc hậu, bất cập. Yêu cầu sửa đổi, nhưng nghị định mới vẫn chỉ là một bản
dự thảo mà chưa rõ, dự thảo này có còn thay đổi nữa hay không.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết chiều ngày
8-7, một thành viên Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương cho biết: vấn
đề xăng dầu rất nhạy cảm. Mỗi lần công bố dự thảo, đều nhận được nhiều ý
kiến phản biện từ chuyên gia, lẫn cơ quan báo chí. Do vậy, cần phải cẩn
trọng trước khi chốt phương án.
|
Tại cuộc họp sửa đổi về nghị định
kinh doanh xăng dầu do Hiệp hội Kinh doanh xăng dầu tổ chức đầu tháng 5,
Hiệp hội này cũng thừa nhận, một số nội dung của Nghị định 84 quá lỗi thời,
rất khó thực hiện. Nếu không nói là không thể thực hiện được, chẳng
hạn như quy định tổng đại lý phải sở hữu hoặc đồng sở hữu hay thuê sử dụng
từ 5 năm trở lên kho chứa 5.000m3 chưa sát với tình hình thực tế. Nghị định
84 chưa làm rõ trách nhiệm của thương nhân đầu mối, tổng đại lý và đại lý
và cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra và xử phạt hệ thống kinh
doanh xăng dầu. Đặc biệt, việc quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá còn nhiều
bất cập, gây bức xúc trong xã hội.
Chủ tịch hội đồng quản trị Petrolimex,
ông Bùi Ngọc Bảo cũng nói, giá xăng dầu trong nước khó bám sát giá thị trường
vì cơ chế thuế không linh hoạt. Còn TS Nguyễn Minh Phong khẳng định với Đại
Đoàn Kết, việc chậm sửa đổi Nghị định 84 sẽ khiến giá xăng không minh bạch,
từ đó chỉ mang lại lợi ích cho một bộ phận nhỏ những người trong ngành xăng
dầu, trong khi người tiêu dùng và ngay cả các đại lý bán lẻ xăng dầu cũng
phải chịu thiệt.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng, cần phải đốc
thúc thì mới mong nhanh có "nghị định mới”. Nếu cứ chờ cơ quan quản lý,
họp bàn, tìm phương án, chốt phương án, trình Chính phủ… thì còn lâu nữa
mới giải được bài toán minh bạch giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường.
Có nghĩa là, quyền lợi của người tiêu dùng vẫn ở cuối cùng trong mỗi lần
giá xăng thế giới biến động.
(Theo Đại đoàn kết) Hồ
Hương
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét