Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Snowden ở rể:

14:09

Cuộc hôn nhân vì lợi?
Edward Snowden không chỉ dựa vào người đẹp xứ bạch dương, anh xin tị nạn tại 27 quốc gia cả thảy, tuy nhiên, danh sách này đang thu hẹp dần.
 
Cựu điệp viên Nga, cô gái tóc đỏ Anna Chapman. Ảnh: mstarz.com

Khi “người thổi còi” đồng ý cưới cựu điệp viên Nga, cô gái tóc đỏ Anna Chapman làm vợ, có thể từ nay anh sẽ được người Nga gọi bằng cái tên Edward hay Andrây rất đỗi đời thường. Cuối tuần qua, sau khi thông điệp “theo nàng ở lại dinh” được phát tán, ngay lập tức, một nick Twitter có tên KeXXit đã đùa: “Cô ấy làm theo lệnh của Putin, anh có biết không, Edward? Đây là giải pháp cho vấn đề của anh”. Nếu trong mọi câu chuyện đùa chỉ một nửa là đùa, thì quả thật Edward phải suy nghĩ hai lần trước khi lấy quyết định cuối cùng.
Tất cả như “cá tháng 4”
Nếu cuộc hôn nhân này thực sự xảy ra thì Snowden đã tìm được giải pháp cho vấn đề tị nạn của mình. Một nguồn tin thân cận của InterFax cho biết: “Trong trường hợp này, Snowden sẽ trở thành công dân Nga và nhận được sự bảo hộ từ đất nước mới mà anh cư trú”. Vài giờ sau, vị hôn thê Chapman đã viết thêm: “NSA (cơ quan An ninh quốc gia Mỹ), các ngài có chăm sóc cho con cái của chúng tôi không?” Tuy nhiên, theo một nhà báo của Guardian, Snowden không có tài khoản Twitter hay Facebook, vì vậy tài khoản phát đi thông điệp ấy có thể là một kẻ giả mạo.
Anna Chapman là con gái một cựu điệp viên KGB của Nga. Cô trở nên nổi tiếng khắp thế giới kể từ khi về nước mùa hè năm 2010. Cô từng thừa nhận là một điệp viên nước ngoài và bị trục xuất về Nga cùng chín người khác trong cuộc trao đổi điệp viên giữa Nga và Mỹ. Trước đây, người đẹp tóc đỏ này là gương mặt đắt giá trên sàn catwalk và làm biên tập viên tạp chí, gương mặt quảng cáo cho ngân hàng ở Moscow, đồng thời điều hành một quỹ từ thiện. Các nhà báo còn đăng hình của diễn viên múa ballet Lindsay Mills, bạn gái Snowden trước đây và khẳng định giữa Mills với Chapman có một số nét giống nhau.
Đã vậy, họ còn “tán” điều này sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa cô gái Nga và chàng trai Mỹ.
Edward Snowden còn nhiều tia sáng cuối đường hầm khác khi anh nhận được lời chấp thuận “tị nạn nhân đạo” từ hai vị tổng thống cánh tả NicaraguaVenezuela. Hiện chưa có dấu hiệu nào về nỗ lực đang được xúc tiến để đưa Snowden đến một trong hai nước, sau khi ông Nicolas Maduro của Venezuela và Daniel Ortega của Nicaragua lên tiếng đồng ý cho “kẻ rò rỉ tin” được tị nạn. Những lời đồng ý được đưa ra hôm 5.7, một ngày sau khi các nhà lãnh đạo cánh tả ở Nam Mỹ nhóm họp để tố cáo việc chuyển đường bay của phi cơ chở Tổng thống Bolivia trên bầu trời châu Âu, với lý do mà Tây Ban Nha đưa ra là có thể “có Snowden trên chiếc máy bay đó”.
Những vết dầu loang
Edward đâu chỉ bấu víu vào cái “phao mềm” duy nhất từ người đẹp xứ bạch dương. Ngày 6.7, TTXVN đưa lại tin của WikiLeaks, tiết lộ cựu nhân viên kỹ thuật tình báo Mỹ này đã xin tị nạn thêm tại sáu quốc gia khác. WikiLeaks cho biết sẽ không nêu tên cụ thể các quốc gia mới mà Snowden đề nghị nhằm tránh “sự can thiệp của Mỹ”. Trước đó, Snowden đã gửi đơn tới 21 quốc gia, nhưng danh sách này nhanh chóng thu hẹp dần khi hầu hết các nước được đề nghị đã bác bỏ yêu cầu tị nạn, hoặc yêu cầu anh này phải có mặt trên lãnh thổ của họ để thực hiện yêu cầu xin tị nạn.
Việc tiết lộ Mỹ theo dõi cả châu Âu đã khiến Nghị viện châu Âu cuối tuần qua kêu gọi huỷ bỏ các thoả thuận cho phép Mỹ tiếp cận dữ liệu về tài chính và danh sách đi lại của người dân châu lục này cho đến khi Washington giải đáp thoả đáng toàn bộ cáo buộc nói trên. Các thành viên Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua nghị quyết kêu gọi bãi bỏ thoả thuận chia sẻ dữ liệu với Mỹ. Nghị quyết được thông qua với tỷ lệ 483 phiếu thuận/98 phiếu chống, nhưng không mang tính ràng buộc.
Tuy nhiên, muốn bãi bỏ hai thoả thuận này, gồm Chương trình theo dõi tài chính khủng bố (TFTP) và Hồ sơ danh tính hành khách (PNR), phải có sự thông qua của chính phủ các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) cũng như Uỷ ban châu Âu (EC). Hai thoả thuận đã được thông qua không lâu sau vụ khủng bố 11.9.2001, bất chấp các quan ngại lúc bấy giờ là các thoả thuận ấy quá ưu ái đối với Mỹ. Là một trong những nước chỉ trích mạnh mẽ nhất các chương trình do thám của Mỹ, nhưng chính Pháp cũng bối rối sau khi nhật báo Le Monde đưa tin tình báo nước này đang vận hành một mạng lưới giám sát điện tử với “quy mô khổng lồ”.
Theo Le Monde, cơ quan Tình báo đối ngoại Pháp (DGSE) đã thu thập một cách có hệ thống tất cả dữ liệu điện tử của máy tính và điện thoại được gửi đi bên trong Pháp, lẫn giữa Pháp với nước ngoài. Hàng chục triệu gigabyte dữ liệu được lưu trữ trong một siêu máy tính đặt tại boong-ke ngầm sâu ba tầng ở tổng hành dinh của DGSE ở Paris. Quyền tiếp cận thuộc về DGSE và sáu cơ quan tình báo khác trong nước Pháp. “Chương trình này nằm ngoài pháp luật và vượt khỏi bất kỳ sự giám sát nào”, báo Le Monde viết.
Tuy nhiên, chưa rõ chương trình này có đạt tầm cỡ như PRISM của NSA hay không.
(Theo SGTT) Hoàng Dũng Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét