Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

EVN:

 09:00

 "Trước sau gì giá điện cũng phải tăng"

Trước sau gì giá điện cũng phải tăng để đảm bảo chi phí sản xuất điện cho EVN, nhưng nếu có thì vẫn chưa áp dụng biểu tính giá bán điện mới do quyết định này vẫn đang trong quá trình dự thảo lấy ý kiến trình Chính phủ.
Thông tin này được ông Đinh Thế Phúc – Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực khẳng định tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công thương tháng 7/2013.
Chưa áp biểu giá bán lẻ điện mới
Theo ông Phúc, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện vẫn tuân thủ theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, khi các thông số đầu vào cơ bản như giá nhiên liệu, tỷ giá … biến động tăng 2-5% thì khi được sự chấp thuận của Bộ Công thương Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ được phép điều chỉnh tăng tương ứng. Nếu biến động các thông số đầu vào vượt mức 5% hoặc mức giá bán lẻ điện bình quân tính toán sau điều chỉnh ngoài phạm vi khung giá quy định thì EVN báo cáo Bộ Công thương và gửi Bộ Tài chính thẩm định, sau đó trình Thủ tướng quyết định. Điều này yêu cầu EVN phải có báo cáo tài chính qua kiểm toán.
Hiện tại EVN đã hoàn thành báo cáo kiểm toán năm 2012, tuy nhiên đang trong quá trình xét duyệt nên Bộ Công thương vẫn chưa quyết định có tăng giá bán điện hay không. Song, trước sau gì thì giá bán lẻ điện cũng phải tăng để đảm bảo vận hành theo cơ chế thị trường và chi phí sản xuất điện của EVN. “Thời điểm tăng cụ thể, mức tăng ra sao sẽ được tính toán cụ thể đảm bảo hài hòa lợi ích, mục tiêu kiềm chế lạm phát”- ông Phúc nói.
Một điều người tiêu dùng quan tâm là vừa qua Bộ Công thương đã công bố Dự thảo lần 3 về cơ cấu Biểu giá điện bán lẻ mới, dự kiến có hiệu lực từ 1/7. Theo đó, giá điện sinh hoạt từ 0 - 100 kWh vẫn giữ nguyên; từ kWh thứ 101-200 chỉ bằng 108% giá điện bình quân (thay vì 106% cho kWh 101-150 và 134% cho kWh 151-200 như hiện nay); từ kWh 201-300 chỉ bằng 138% giá điện bình quân (thay vì 145%); giá điện cho phần kWh từ 301-400 là 154% (thay vì 155%).
Từ 401 kWh trở lên, giá điện sinh hoạt tăng đến 6% (từ 159% lên 165% giá điện bình quân). Còn giá bán lẻ điện cho kinh doanh giảm 5% (giờ bình thường), 3% (giờ thấp điểm) và 8% (giờ cao điểm) cho các cấp điện áp.
Như vậy, cơ cấu tính biểu giá bán lẻ điện mới sẽ gộp bậc thang thứ 3 (101 - 150 kWh) và bậc 4 (151 - 200 kWh) thành một bậc duy nhất, khiến biểu giá điện sinh hoạt chỉ còn 6 bậc, thay cho 7 bậc như hiện nay. Với cách tính này, hóa đơn tiền điện của mỗi gia đình sử dụng điện sinh hoạt dưới 150 kWh (chiếm đa số hộ sử dụng điện) sẽ phát sinh thêm 7 - 157 đồng/kWh.
Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực trấn an, hiện đây mới là bản dự thảo lấy ý kiến đóng góp để trình Chính phủ, nên vẫn chưa được áp dụng trong đợt tăng giá bán lẻ điện tới đây.
Riêng đối với biểu giá bán điện riêng cho ngành thép, xi măng, bản dự thảo biểu giá bán lẻ điện mới cũng nâng mức giá bán ngành này cao hơn các ngành sản xuất khác từ 6-10%. Điều này được ông Phúc giải thích, là do đây là 2 ngành đang chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu thụ điện. Ngoài ra, các nhà máy sản xuất thuộc 2 ngành trên chủ yếu sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu tiêu tốn nhiều điện năng. “Đánh” vào túi tiền, sẽ thúc đẩy các ông chủ nhà máy sản xuất thép, xi măng phải đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng.
Xăng dầu: Không có chuyện DN thích làm gì thì làm
Cũng tại buổi họp báo, lý giải chuyện giá xăng tăng 2 lần liên tiếp trong vòng 1 tháng, ông Nguyễn Xuân Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho hay, quyết định tăng giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu ngày 13/6 và 28/6 đều do giá xăng dầu thế giới tăng, sau khi đã sử dụng công cụ trích quỹ bình ổn giá.
Cụ thể, giá thế giới bình quân 30 ngày tính đến 31/5/2013 của xăng Ron 92 là 111,08 USD/thùng, đến ngày 13/6 tăng lên 112,9 USD/thùng, tiếp đó ngày 27/6 tăng 114,442 USD/thùng. Sau khi sử dụng các biện pháp bình ổn, giá bán lẻ cũng được điều chỉnh với biên độ hẹp, lần lượt là 426 đồng và 370 đồng một lít đối với xăng RON 92. 
Trước lo ngại của dư luận về việc các DN được chủ động tăng giá xăng, ông Chiến khẳng định theo luật, DN chỉ được tăng giá tối đa trong phạm vi chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành.
“DN đầu mối không phải muốn làm gì thì làm, phải tuân theo quy định. Tất nhiên khi cơ chế điều hành giá xăng đang tiến tới cơ chế thị trường cũng phải dần cho DN được chủ động, nhưng vẫn phải có sự quản lý, kiểm soát của nhà nước”, ông Chiến nói.
Nói thêm về tác động của các đợt tăng giá bán lẻ xăng dầu, gas liên tiếp trong 1 tháng qua tới chỉ số giá tiêu dùng, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định, các đợt tăng giá này sẽ ít ảnh hưởng tới CPI do các yếu tố tác động cộng hưởng không nhiều.  
(Theo Infonet.vn) Nguyễn Hoài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét