18:15
Bom đạn thời bình
Trở lại A Lưới
7 năm trước, A Lưới là điểm nóng về bom mìn của tỉnh
Thừa Thiên – Huế, hình ảnh ấn tượng mỗi chiều trên cung đường Trường Sơn
là người người cầm chiếc máy rà phế liệu lững thững từ rừng trở về, vai
vác, tay bị đựng phế liệu từ bom đạn mới đào được. A Lưới hôm nay đã
khác, không còn cảnh người đi rà phá bom mìn lấy phế liệu, cuộc sống
bình yên và sung túc hơn. Nhưng hiểm hoạ bom mìn vẫn chưa kết thúc.
Xã Hồng Vân trên A Lưới từng có lượng bom mìn dày đặc
so với các xã Hồng Bắc, Hồng Kim, Bắc Sơn… Ngoài những vật liệu nổ nhỏ
nằm rải rác, còn khá nhiều bom tấn chưa nổ, ở xứ này nhà nào có bom
trong vườn, nhà ấy nghiễm nhiên đã có của để dành, bởi lẽ, một trái bom
khi tháo lượng thuốc nổ đem bán, là một số tiền không hề nhỏ với đồng
bào dân tộc thiểu số ở vùng cao này. Ngay cả với thời điểm hiện tại, giá
trị mỗi trái bom ấy tính cả thuốc nổ và sắt phế liệu có giá không dưới
25 triệu đồng. Ở thôn Ka Cú ngày trước, có ba trái bom tấn nằm kề nhau,
chỉ cần một trong ba trái bom phát nổ, cả thôn nghèo này sẽ biến mất.
Trở lại A Lưới lần này, khi tìm đến vị trí các trái bom, thật may khi
hay tin chúng mới được di dời khỏi Ka Cú và cho huỷ nổ. Những mối nguy
lớn về bom mìn đã mất, nhưng những nạn nhân may mắn sống sót sau các vụ
nổ bom mìn vẫn đang từng ngày chống chọi với nỗi đau không nguôi về thể
xác.
Mìn kêu… không dạ!
Từ một lao động phụ, nay trở thành lao động chính trong
gia đình tám miệng ăn, chị Căn Chỉ, vợ của anh Lê Văn Nga ở Ka Cú 2,
Hồng Vân vẫn chưa hết bàng hoàng sau hai lần tai nạn bom mìn của chồng,
chị kể lại: “Hai vợ chồng lấy nhau, có sáu đứa con thì ba đứa bị tật bẩm
sinh, anh ấy đi làm thuê cuốc mướn, tôi ở nhà lo chăm con. Lần đầu anh
ấy bị tai nạn do cuốc trúng phải bom bi, người đầy thương tích nhưng may
không chết, chỉ mù một mắt trái nhưng vẫn còn sức lao động. Đến khi bị
nạn lần hai thì kinh khủng hơn vì cuốc phải bom phốtpho, anh ấy bị cháy
sém cùng mình, giờ chẳng làm được gì nữa, hàng ngày chỉ đủ sức nấu được
nồi cơm…”
Nếu kể về nạn nhân bom mìn, hầu như thôn nào trên A
Lưới cũng có những trường hợp thương tâm, nhưng bị bom mìn nổ đến hai
lần mà vẫn qua khỏi như anh Nga là hy hữu nhất ở A Lưới. Giờ đây, trong
ngôi nhà nhỏ được xây trong dự án hỗ trợ người nghèo của huyện, anh Nga
thui thủi ở nhà lo cho những người con tàn tật, với công việc đơn giản
là lấy nước, nấu cơm, còn vợ thay anh xách cuốc đi làm thuê từ sớm đến
tối mịt mới về. Gặp lại anh sau bảy năm, sức khoẻ xuống thấy rõ, những
di chứng từ sau hai vụ nổ khiến anh không còn minh mẫn như lần gặp ngày
trước, mỗi ngày đều đặn phải uống thuốc an thần nhận từ trạm y tế xã để
xoa dịu những cơn đau thể xác.
Trở về nhà sau một ngày đi cuốc bờ cho người trong
thôn, chị Căn Chỉ tâm sự thêm: “Mình tôi làm lo cho cả nhà, cơm còn
không đủ ăn, ngày nào cả nhà khoẻ mạnh thì chỉ dám ăn một bữa, có người
đau yếu mới được hai bữa cơm trưa và chiều”. Nhìn bữa cơm tối của gia
đình do anh Nga nấu hôm ấy, món ăn duy nhất là tô canh cà chua, một vốc
ớt rừng và muối hột, tất cả giã nát, nấu đặc để ăn kèm với cơm. Có lẽ
với người dưới xuôi, đó là một bữa cơm khó nuốt, nhưng với cuộc sống của
một người may mắn sống sót qua hai lần chạm mặt tử thần như anh Nga,
bữa cơm gia đình ấy là bữa ngon nhất của cả ngày dài.
Đất lành chưa yên
Đi một vòng quanh các thôn ở Hồng Vân lúc chiều về,
không còn hình ảnh những người lớn nhỏ cầm dụng cụ rà phế liệu, hỏi anh
công an xã Hoàng Minh Sơn, anh cho biết: “Nghề này người dân bỏ làm rồi,
vì mấy năm qua có nhiều chương trình tuyên truyền cho người dân biết sự
nguy hiểm của vật liệu nổ, nên người dân bắt đầu có ý thức, bỏ nghề đi
rà phá bom mìn lấy phế liệu. Các tổ chức nước ngoài cũng lên vùng này để
giúp dân dọn bom mìn, trả lại đất canh tác, cuộc sống đã khá nhiều hơn
trước”.
Tuy nhiên thực trạng bom mìn trên A Lưới vẫn là một
hiểm hoạ rình rập, hồi đầu năm 2013, Hồ Văn Mạo, 13 tuổi, ở thôn A5, xã
Hồng Vân, trên đường đi học về tình cờ nhặt một vật nhỏ chẳng biết là
gì, khi đem về nhà chơi thì phát nổ, cả bàn tay giờ chỉ còn sót lại ngón
út. Ba của Mạo đã mất sáu năm trước cũng do đi rà phá bom mìn, kiếm
tiền về nuôi em Mạo lúc ấy sắp ra đời, đã cuốc phải bom bi và không may
mắn qua được tử thần. Bàn tay cầm bút chỉ còn lại ngón út để… ngoáy tai
nên Mạo đã nghỉ học từ năm lớp 3, giờ theo mẹ ngày ngày ra đồng, trông
bò thuê cho người trong thôn.
Nạn nhân mới nhất do bom mìn trên A Lưới cách đây chưa
đầy ba tháng là Hồ Văn Pét, 33 tuổi với vết thương chưa lành hẳn. Dù đã
nghe và biết nhiều về hiểm hoạ bom mìn, bạn của Pét ở xã Hồng Kim, con
nguyên chủ tịch xã bị nổ mìn cụt mất hai tay và một chân. Nhưng đang lúc
nông nhàn, Pét liều mình xách cái máy rà kim loại bỏ xó từ lâu đi vào
rừng để kiếm thêm thu nhập dành dụm cho vợ chuẩn bị sanh đứa thứ hai.
Pét kể lại: “Tín hiệu máy rà báo hiệu gặp vật cản kim loại lớn, tôi mừng
vì hy vọng sẽ vớ được một quả đạn hoặc mảnh bom to, vừa cuốc được hai
nhát thì nó phát nổ”. May gần đấy có người làng đi lấy củi, nghe tiếng
nổ nên kịp thời cõng Pét đưa về cấp cứu, tai nạn lấy đi của Pét bốn ngón
tay và vô số sẹo nhỏ khắp người.
Nhìn cảnh chiều buông yên ả với những chiếc xe công
nông trở về sau ngày cày cấy, nhưng ẩn sau vẻ đẹp ấy, A Lưới vẫn còn là
vùng đất chưa yên với hiểm hoạ bom mìn.
Nơi tình yêu bắt đầu
Giữa trưa hè ở thôn Tân Lịch, Gio Bình, Gio
Linh, trời nắng như đổ lửa, hình ảnh người nông dân cụt tay đang cuốc
đất đào mương thoát nước, bảo vệ nương khoai mì khi mùa mưa cận kề,
khiến chúng tôi dừng bước. Đấy là Hồ Minh Tiến, 34 tuổi. Bị khiếm khuyết
cơ thể, nhưng Tiến lao động không khác gì một người thường: sáng đưa
con đi học, giặt phơi quần áo, nấu cơm, đi làm đồng, chăn bò, chăn trâu,
trưa về gánh nước, chăm sóc đứa con thứ hai mới chào đời...
Vượt lên định mệnh
Tai nạn bom mìn đến với Hồ Minh Tiến cứ như từ trên
trời rơi xuống. Trong lúc sang nhà hàng xóm chơi, người bán phế liệu
soạn ra mấy thứ sắt vụn đã gỉ sét, thấy Tiến đứng gần đó nên gọi đến nhờ
gõ ra các lớp gỉ để cân ký bán. Tiến nghe theo, vừa cặm cụi gõ được vài
cái thì vật liệu ấy phát nổ. Vụ nổ làm bị thương tất cả chín người,
trong đó Tiến bị nặng nhất, mù một mắt trái, cụt tay phải, miểng đạn găm
đầy người. Đấy là năm Tiến 13 tuổi.
Cuộc đời từ sau tai nạn của Tiến là cả chuỗi ngày dài
chọn bệnh viện là nhà, bữa ăn là thuốc kháng sinh. Suốt 11 năm ròng rã
như thế, Tiến sống thoi thóp qua bốn lần phẫu thuật thập tử nhất sinh,
lần nặng nhất bị xuất huyết bao tử, nguyên do là các mảnh đạn vẫn ghim
trong đó chưa gắp ra hết, và cuộc đại phẫu được tiến hành tại bệnh viện
Trung ương Huế. Để cứu được mạng sống của Tiến, cả thôn Tân Lịch phải
huy động 40 người thân và thanh niên trai tráng tình nguyện vào tận Huế
để tiếp máu. May mắn sống sót, nhưng khi trở về làng, Tiến trở thành một
người tàn phế.
Với cuộc sống sức khoẻ yếu kém, nhưng Tiến chẳng hề bi
quan, anh sống cuộc sống cam chịu với số phận, cho đến khi Tiến quyết
định lập gia đình với cô thôn nữ cùng làng. Tiến chia sẻ: “Cuộc đời tôi
từ lúc lấy vợ đã thay đổi hoàn toàn, tôi phải khắc phục những khiếm
khuyết cơ thể, tự rèn luyện để lấy lại sức khoẻ, phải vượt khó để xây
dựng một gia đình đầm ấm, không để vợ và các con tôi sau này bị thiệt
thòi”.
Với quyết tâm và ý chí tự thắng bản thân, Tiến trở
thành con người khác hẳn. Các cơn đau bệnh của anh dần lùi xa, anh tham
gia lao động, làm đủ mọi việc từ nhà cửa, bếp núc, đồng áng, không khác
gì một người lao động bình thường. Và niềm vui được nhân thêm khi cô con
gái đầu lòng ra đời, và đến nay, Tiến đã có thêm đứa con trai mới tròn
ba tháng tuổi. Có được nghị lực và cuộc sống hạnh phúc như hôm nay, Tiến
nói ngắn gọn: “Nhờ tình yêu”.
Chuyện tình của Tiến
Việc Tiến lập gia đình với Trần Thị Phượng gây nhiều
ngạc nhiên, bất ngờ, cả những điều tiếng không tốt ở trong làng, bị ví
như đôi đũa lệch vì Tiến vừa nghèo, sức lao động kém, không nghề nghiệp,
tương lai mịt mờ vì chẳng biết bệnh tình sẽ ập đến thân thể yếu đuối
của Tiến lúc nào.
Ôm đứa con trai thứ nhì mới ba tháng tuổi trước hiên
nhà, Phượng – vợ Tiến kể lại: “Tôi biết ông xã từ nhỏ vì là người cùng
làng, anh em cũng hay đi chơi với nhau, rồi khi anh ấy bị tai nạn, hai
đứa vẫn qua lại, tình cảm nảy sinh lúc nào không biết. Người khác nhìn
vào thấy anh khiếm khuyết, nhưng tôi chẳng màng chuyện ấy. Quen nhau một
thời gian, khi anh ấy ngỏ lời thì tôi đồng ý, nhưng bạn bè, người trong
làng ai cũng nói lý do này nọ để ngăn cách vì sợ tôi chịu thiệt. Gia
đình tôi cũng can ngăn, vì ba tôi mất sớm chỉ có chị gái và mẹ, cũng
khuyên tôi suy nghĩ lại về tình cảm, muốn tôi tìm một người đàn ông
khác”. Nói về mái ấm và người vợ hiền của mình, Tiến chia sẻ: “Vợ tôi đã
vượt qua mọi dư luận xã hội để đến với tôi, gia đình tôi vẫn còn cực
khổ lắm, nhưng tôi rất hạnh phúc”.
Thuận vợ thuận chồng
Thường ngày, Tiến thức dậy từ 4 giờ rưỡi, nấu nước, nấu
cơm, đưa bò trâu ra đồng ăn cỏ, rồi về cho con ăn cơm, đưa con đi học,
rồi lại ra đồng đi cuốc cỏ, cuốc đất, lo việc nông nghiệp. Trưa về anh
gánh nước vì nhà không có giếng, sau đó giặt áo quần, nấu và ăn bữa trưa
cùng vợ, nghỉ ngơi đến chiều lại ra đồng. Đến tầm 4 giờ chiều lại về
đạp xe đi đón con, nấu cơm tối, mãi đến 10 giờ đêm mới kết thúc một ngày
làm việc.
Giữ được hạnh phúc nơi mái ấm gia đình, Phượng chia sẻ
thêm: “Chính vì những lời lẽ gièm pha của người đời, có người nói thẳng
đừng yêu hắn, vì việc không có, nghề không có, kiếm đầy người khác có bề
ngoài hoàn hảo hơn, có công ăn việc làm ổn định, có mức lương hàng
tháng. Còn chồng tôi, từng ngày anh đi làm vất vả ngoài đồng, cuộc sống
gia đình chúng tôi cực khổ, nhưng hài lòng với những gì chúng tôi đang
có”. Nhìn đứa con trai kháu khỉnh, Tiến nói: “Qua lao động mới hiểu cái
khiếm khuyết cơ thể nó khiến tôi càng vất vả, đau đớn bao nhiêu thì khi
nhìn hai con sinh ra lành lặn, lớn nhanh, tôi càng có thêm động lực bấy
nhiêu”.
Hơn ai hết, vợ Tiến là người biết rõ những đau bệnh của
chồng, chị bảo: “Nhiều lúc thấy anh ấy đau, tôi không thể lao động và
chịu đau thay cho anh được nên chỉ biết động viên. Thường ngày tôi ở nhà
làm việc nhà, làm thuê mướn kiếm thêm thu nhập và lo cho gia đình, anh
ấy đi làm sắn khoai, ruộng vườn đến mùa mới có ăn, vất vả dồn lên vai
anh khi tôi sinh cháu thứ hai. Nếu không có anh, tôi cũng không biết
phải xoay trở thế nào. Chỉ mong trời thương để gia đình chúng tôi đầm ấm
qua ngày, sống nghèo nhưng chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.
(Theo SGTT) Nguyễn Đình
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét