Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

14:45

Khám phá thú vị về “ông già ozon” với những phát ngôn gây sốc

Khám phá thú vị về “ông già ozon” với những phát ngôn gây sốc 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải trao đổi, giới thiệu về công dụng của dung dịch anolyt với hoa quả và thực phẩm.

Hơn 1 năm, kể từ sau những cuộc vật lộn với bệnh dịch tay-chân-miệng (TCM), “ông già ozon” - TS vật lý Nguyễn Văn Khải (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tiết kiệm điện và dung dịch hoạt hoá điện hoá) vẫn bận rộn với cái nghề “vác tù và hàng tổng”.
 Nhớ đến ông, người ta không chỉ nhớ đến quãng thời gian như con thoi, khi thì ở vùng ngược, lúc đã về miền xuôi, thoắt cái đã ra vùng biển của ông, mà đặc biệt hơn, ông TS tuổi gần thất thập còn gây ấn tượng bởi những phát ngôn từng gây chấn động. Nhưng trên hết, sự gần gũi của ông với người nông dân và sự lãng mạn của một vị TS vật lý vẫn luôn là điểm hấp dẫn hiếm có, khi người ta nhắc đến ông...

Những phát ngôn gây sốc

Nhớ lại dịch TCM cuối năm 2011 với “rốn” dịch là tỉnh Ninh Thuận, trong nỗi hoang mang cùng cực của gần 600 gia đình có trẻ mắc bệnh, sự xuất hiện TS Nguyễn Văn Khải - biệt danh “ông già ozon” đã phần nào trấn an người dân, khi ông lăn lộn vào các điểm “nóng” và chế ngự đại dịch. “Ông già ozon” kể cho chúng tôi nghe về hành trình Nam tiến và quyết tâm dập dịch TCM (ông gọi là bệnh lở loét do bội nhiễm) bằng phương pháp dùng dung dịch anolyt (vẫn gọi là nước ozon).

Sau khi áp dụng phương pháp trị liệu này, nhiều trẻ bị nhiễm dịch đã có dấu hiệu thuyên giảm. Việc một tiến sĩ vật lý “lấn sân” sang y tế và tuyên bố hùng hồn là có thể chữa khỏi dịch TCM, trong khi chính ngành y tế đang phải “vắt óc” về diễn biến phức tạp của bệnh, đã khiến cái tên “TS Nguyễn Văn Khải” nổi như cồn. Những phát ngôn của ông khi đó, đại loại như: Sẵn sàng đi tù nếu không chữa khỏi bệnh, Bộ Y tế nên cho nhân viên học lại lớp 7… từng khiến vị TS phải nhiều phen sóng gió.

Tuy nhiên, như chính ông thừa nhận: “Tôi đã từng nói rằng tôi sẵn sàng đi tù nếu cái nước anolyt không chữa được bệnh TCM. Cái đó tôi vẫn bảo lưu đến giờ. Còn hiệu quả chữa bệnh thì đã được kiểm chứng từ thực tế, đó là số trẻ nhiễm bệnh giờ đã lành cả”.

Theo ông Khải, sau khi phương pháp trị liệu trên được phổ biến, nhiều người dân đã dừng mua vắcxin từ các trung tâm y tế mà chuyển sang sử dụng dung dịch anolyt với giá thành rẻ hơn nhiều lần.

Khi được hỏi về nguyện vọng “xin ở tù” liệu có phải là bột phát, “ông già ozon” chỉ cười rồi buông câu: “Tôi cũng sợ đi tù lắm chứ, nhưng tôi biết việc mình làm và vì sức khỏe của hàng vạn cháu nhỏ nên tôi quyết tâm làm mà không sợ”.

Điều khá bất ngờ là trong cuộc chuyện, “ông già ozon” lại luôn miệng... chửi. Nhưng rất ít khi đối tượng bị chửi là người, mà đơn giản, đó thường là những giống dịch bệnh, như ông nói: “Cái thằng TCM khốn nạn lắm, nó cứ đeo bám và hành trẻ em mình” hay “mấy thứ khuẩn tạp chủng, nó định ăn hết hoa màu của bà con chắc”…

Và chính ông cũng không ít lần bị… chửi. “Thì rõ, nếu mình làm sai, có bị mắng, bị chửi thì mới sửa sai mà tiến bộ chứ. Nhưng họ chửi sai thì mình cũng nên mừng, vì đó là lời của những kẻ chẳng ra gì đâu” – TS Khải phân trần. Nói rồi, ông mở cho chúng tôi xem những dòng tin nhắn trong điện thoại. Có kẻ chửi ông già mà vẫn còn ham hố kiếm tiền, hay có kẻ chế nhạo ông làm mọi thứ cốt để thể hiện, sau là kiếm chác...

Nhưng thay vì tự bào chữa cho mình, hoặc gắt gỏng với những dòng tin nhắn sai sự thật, ông lại điềm đạm, cười nói như thể bản thân không quá bận tâm. “Những người này chỉ nói sau lưng và xoay quanh mấy chuyện tiền bạc, đời tư, chứ không bao giờ họ mắng tôi về khoa học nên tôi không bận tâm nhiều” -  vị TS bộc bạch.

Vị tiến sĩ đồng hành cùng nông dân

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, lại là TS vật lý, song thời gian ông gắn bó với người nông dân nhiều hơn cả thời gian ông làm khoa học. “Từ bé cho đến khi ra trận chiến đấu, đi học... tôi  luôn gắn với nông dân. Cho tới giờ, tôi vẫn coi họ là những người bạn tốt cần giúp đỡ” – TS Khải chia sẻ. Ông vẫn nhớ như in những kỉ niệm đầu năm 2003, khi ông nhận lời mời của lãnh đạo huyện Đồng Văn (Hà Giang) lên giúp người dân đuổi mọt ngô, hay tháng 4 năm ấy, ông lên huyện Bắc Hà (Lào Cai) giúp dân bảo quản mận, chè...

Rồi, cũng chính ông từng tuyên bố: “Bất cứ ở ở đâu có bệnh, chỉ sau 2 ngày, tôi sẽ có mặt để chữa miễn phí”. Và không phải chuyện đùa, hay một cách đánh bóng tên tuổi, khi có người liên hệ, đúng lịch hẹn là ông có mặt, dù là miền Nam hay vùng ngược Tây Bắc.

Những đóng góp của TS Khải cho người nông dân, đặc biệt là trong việc phòng, chống dịch như TCM hay các bệnh dịch trên hoa quả đã được nhiều người ghi nhận, dù rằng đâu đó, một số lãnh đạo chính quyền còn không đồng thuận, song nói như Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: “Chỉ cần nhìn việc ông ấy tự nguyện xuống chữa trị ở những nơi có dịch bệnh là có thể biết đây là con người lăn xả với thực tế và có cái tâm lớn với sinh mệnh của nhân dân”. Vị TS ngoại lục tuần ấy xứng đáng là tấm gương khoa học vị dân sinh.

Phía sau khoa học là gia đình

Tò mò hỏi ông về thí nghiệm cho ra đời dung dịch anolyt, ông không ngần ngại chia sẻ cho chúng tôi nghe hàng loạt công trình khoa học để đời, làm tên tuổi ông được giới khoa học quốc tế biết đến. Sau thời gian ngắn bước vào nghiệp khoa học, ông đã sớm ẵm hai bằng sáng chế là “Đầu thu laser CO2” năm 1982 và “Vật liệu quang dẫn sử dụng năng lượng mặt trời” năm 1991.

Các đề tài của ông luôn có tính ứng dụng cao và được sử dụng đại trà, như bảng không loá màu xanh lá cây, đèn học đường... Trong số đó, thành quả hợp tác với một số nhà khoa học Trung Quốc đã cho ra đời bóng đèn compact huỳnh quang làm sạch không khí (công suất tiêu thụ điện năng 0,01W) đã đăng ký thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2006. Tiếp đó, việc sáng chế ra máy sản xuất nước ozon (có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, vi trùng, siêu vi trùng, nấm và bào tử nhưng không gây tác hại cho người và động thực vật) để giúp nông dân bảo quản hoa quả tươi lâu, mang lại lợi ích kinh tế khá lớn được ông coi là sản phẩm tâm đắc nhất trong sự nghiệp nghiên cứu.

Trong câu chuyện, vị TS nhắc nhiều đến gia đình, đặc biệt là người vợ kém ông hàng chục tuổi. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cầu Đơ (Hà Cầu) thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông, Hà Nội), ông Nguyễn Văn Khải vẫn tự hào về một nền tảng gia đình có truyền thống khoa bảng. Dù nghèo, nhưng ngay từ nhỏ, 11 anh em trong gia đình ông luôn ý thức được việc học, bởi vậy, trừ 1 người đã qua đời, còn lại 10 anh em sau này đều thành đạt và tiếp tục nghiệp nghiên cứu. Cũng ngay trên mảnh đất quê hương, mấy mươi năm về trước, ông đã tình cờ gặp và nên duyên với người vợ thủy chung, tận tụy hết lòng vì gia đình, chồng con, luôn thấu hiểu ông nhất và sẵn sàng chia sẻ, động viên ông trong mọi công việc. “Bà ấy chính là nguồn cảm hứng giúp tôi hoàn thành những ước mơ mà tôi tin hiếm người phụ nữ nào làm được” - ông thổ lộ.
Có 3 tình cảm mà ông TS tuổi ngoại lục tuần đã đúc kết và nâng tầm thành tình yêu, đứng đầu là tình yêu gia đình, thứ hai là yêu khoa học và tiếp đó là yêu thơ. Thật bất ngờ, sau những tháng ngày lăn lộn khắp nơi phục vụ bà con nông dân, sau những sóng gió và các phát ngôn gây sốc, “ông già ozon” lại tìm đến khoảng lặng bình yên của cuộc đời.
(Theo Lao Động) Vũ Loan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét