Việt Nam
có trở thành bản sao của Zimbabwe?
Đến hẹn lại lên, thời gian này, vấn đề xăng dầu, điện, nước… lại
trở thành chủ đề được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm. Một cụ già trời
nóng chẳng dám bật điều hòa vì sợ tốn điện, một em bé thường ngày được bố mẹ
đưa đón bằng xe máy, nay phải tự đi bộ đến trường. Và còn rất rất nhiều những
vấn nạn khác nữa được đưa ra bàn tán từ công sở cho đến quán cóc ven đường…
I. Phí chồng phí
Vâng, vấn đề tôi muốn đề cập ở đây là tình trạng lạm phát.
Chính phủ có vẻ như năm nào cũng đưa ra những quyết sách để kìm hãm lạm phát
tăng với tốc độ phi mã. Không phải là chuyên gia kinh tế, cũng chẳng cần phải
là những nhà xã hội học, người dân lao động phổ thông cũng cảm nhận được cuộc
sống của mình như thế nào, khi miếng cơm manh áo kiếm được dựa trên những
đồng tiền mồ hôi nước mắt, mà giá cả thì cứ liên tục nhảy múa một cách bất
thường, mất kiểm soát.
Ngày nay, đứa trẻ từ khi mới còn ở trong bụng mẹ hay khi
được sinh ra đã phải dùng đến nguồn sữa bổ trợ từ bên ngoài, tức là không
phải sữa mẹ, sữa sản suất trên dây chuyền công nghiệp. Nhưng, giá sữa theo
từng năm cứ tăng vù vù, nhiều năm liền, trong khi các cơ quan hữu quan liên
ngành vẫn còn đang bận “họp” để tìm ra giải pháp, thì những người có thu nhập
thấp vẫn phải bớt ăn, bớt mặc, bấm bụng mua sữa cho con.
Lớn lên, khi trẻ bắt đầu đi học, đến khi học đại học,
ngoài việc tăng học phí theo từng năm, gia đình các em còn phải đóng cả những
loại phí giời ơi đất hỡi không có trong quy định của Bộ.
Ốm đau bệnh tật, người dân lại phải đối mặt với nỗi lo
tăng viện phí, thuốc men, nhiều người bệnh vẫn còn cơ hội tồn tại trên thế
gian, nhưng do nghèo quá mà đành gạt nước mắt ra viện sớm, chấm dứt nợ đời…
Rồi phí cầu đường, phí lưu hành khi tham gia giao thông,
lệ phí thi, lệ phí xét tuyển… vô vàn các loại phí đè đầu cưỡi cổ người dân,
với lời giải thích “hợp lý”: Nộp phí là yêu nước!
II. Nguy cơ tiềm ẩn
Xăng dầu, điện, khí đốt là những đối tượng trực tiếp ảnh
hưởng đến lạm phát, bởi nó sản xuất ra những mặt hàng thiết yếu trong cuộc
sống, từ hàng gia dụng cho đến đồ dùng cao cấp. Điện tăng 2 lần trong tháng
6, xăng dầu cũng lặp lại 2 lần trong tháng 6, gas cũng đã “nhảy xổ” lên tăng giá
cho “bằng anh, bằng em”. Bộ Công Thương nói trên Vietnamnet: “tăng giá xăng 2
lần trong tháng 6 là phù hợp với nhịp độ của thế giới!”
Không tăng trưởng dần đều như người anh em xăng, điện, khí
đốt, “chị” vàng thì lại tỏ ra quá ư đỏng đảnh, tăng giảm theo đồ thị hình
sin. Trong vòng 1 tháng, từ ngưỡng trên 40 triệu đồng/lượng đã tụt dốc không phanh
xuống còn 34 triệu đồng/lượng, báo chí giật tít “vàng rơi tự do”, “vào viện
tâm thần vì cơn điên của vàng”, “công chức bỏ việc đi mua vàng”… tiền vàng
đang gây náo loạn thị trường, từ đó ảnh hưởng lớn đến tiền đồng và tình trạng
lạm phát lại có thời cơ bùng nổ.
Người thu nhập cao có thể rủng rỉnh với túi tiền mình kiếm
và chi tiêu hàng tháng, nhưng tầng lớp thu nhập thấp là cảm nhận được rõ
nhất, họ bắt buộc phải cân đong đo đếm, phải làm động tác “đo lọ nước mắm,
đếm củ dưa hành”, không thể ăn ngon mặc đẹp, mà chỉ có thể cố gắng làm cho
cuộc sống gia đình mình ăn no, mặc ấm.
Thời buổi này, đừng tỏ vẻ khinh thường người đàn ông nào
mua bán thứ gì mà cò kè bớt một thêm hai, bởi tính cách chỉ là một phần, cuộc
sống tạo ra tính cách con người, điều ấy có lợi nhiều cho cuộc sống chứ không
phải là hình ảnh bên ngoài.
Có khi nào bạn đặt câu hỏi: Những đồng tiền Việt Nam sau
thời kỳ đổi mới như 100 đồng, 200 đồng, sắp tới là 500 đồng vì sao biến mất?
Vì cuộc sống đã không “chấp nhận” sự có mặt của chúng. Còn những đồng tiền
USD trị giá thấp như 1 – 2 USD vẫn còn nguyên giá trị, dưới chúng là những đồng
cent từ 1cent – 100 cent (giá trị thấp hơn đồng 1USD) vẫn được đông đảo người
dân Mỹ và các quốc gia khác tiêu dùng. Chính sách tiền tệ và sự điều chỉnh
giá cả thị trường, sự điều chỉnh xuất – nhập khẩu, cung – cầu, cơ cấu ngành
nghề, bất hợp lý sẽ dẫn đến lạm phát tăng nhanh. Không có sự can thiệp kịp
thời sẽ dẫn đến tình trạng buông xuôi lạm phát như Zimbabwe. Đã có thời điểm, người
dân Zimbabwe dù có mang số tiền của mình lên đến 14 tỷ đô la Zimbabwe cũng
không thể mua được một món hàng, bởi đô la Zimbabwe đã bị người tiêu dùng bài
trừ, và chỉ có thể mua bán bằng ngoại tệ. Cứ cho là một sự tưởng tượng viển
vông, nhưng đến khi lạm phát ở Việt Nam
chạm ngưỡng như Zimbabwe,
tôi sẽ không còn sốc.
Theo
FB Đoàn Minh Sơn
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét