Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

 20:01

Đời kỹ nữ

Bên trời lận đận

Những cô gái “lưu lạc chốn phong trần”, xuất hiện cùng lời ca tiếng hát bên những buổi tiệc vui buồn bất tận.

Vì sao em đến nơi này ?
Điệu Nam ai man mác cất lên bởi giọng mộc tròn, sâu lắng của cô gái có tên Thiên Nga làm nhạt dần những câu chuyện của nhóm khách ngà say. Người ta nói ở nơi “xô bồ” cho mấy thì khi nghe điệu Nam ai, người vô tâm lắm cũng phải lắng lòng. Sau bài hát đầy tâm sự, cô kỹ nữ tuổi 30 lại được mời uống, mời hát... Buổi tiệc kết thúc khi tiếng đờn, tiếng hát lạt dần theo đêm thâu... là lúc người và khách chếnh choáng hơi men.
Ở cuối con hẻm chằng chịt nhà trọ trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP.Cần Thơ), tiếp khách không đờn, không phấn, Thiên Nga chẳng giấu rằng mình từng là “dân nòi”. Theo cha ca hát, tham gia vào ban đờn ca tài tử ở địa phương bên kia sông Hậu. Ngoài những buổi sinh hoạt, thi thố, cô cũng đi hát phục vụ tiệc. Đến khi yêu rồi tan vỡ gia đình, Nga trở lại đời ca kỹ như một lựa chọn duy nhất để kiếm sống. Dù rằng so với xưa, nghiệp hát của cô đã khác đi nhiều. Không có ban, có hội, không có sân khấu với sự kèm cặp của người cha. Cô theo chị em bạn tài tử kiếm tiền từ lời gọi của chủ các quán nhậu, những khách gần xa. Cuộc đời kỹ nữ của Nga bắt đầu từ đó.

Không phải cô gái nào bước vào đời kỹ nữ cũng qua quãng đời lận đận - Ảnh: T.T
Nga kể, dù đã từng có thời gian ca hát phục vụ đám tiệc, lễ hội, nhưng cô không khỏi bỡ ngỡ khi bước vào đời kỹ nữ. Ngày trước hát xong thì nhận cát sê ra về. Bây giờ vừa hát, vừa hầu chuyện, tiếp rượu nhiều khi đến mỏi mòn. Biết rằng làm kỹ nữ cũng là bán lời ca tiếng hát, nhưng khi lần đầu mở cánh cửa bước vào tiệc rượu, cô đã bị một khách say vồ thẳng vào... ngực. Theo phản xạ tự nhiên, cô đáp lại ông khách bằng một bạt tai trời giáng. Lần đó, Nga bị chủ quán đuổi thẳng và “cấm bén mảng tới quán”. Trở về phòng trọ, cô khóc vật vã, trách phận đời, nhưng rồi hôm sau lại tìm đến các quán xin đi hát để kiếm tiền boa. “Phải chấp nhận thôi, được bán nghề là tốt. Nhiều người còn bán thân nữa kìa...”. “Dù mình có mặc áo dài kín đáo, son phấn cũng giản dị, nhưng vẫn không sao tránh khỏi tai nạn khi bị ngộ nhận với... gái bia ôm”, Nga thở dài. “Nhiều khách hiểu nghề của tụi em là phục vụ ca hát, chuyện trò đối ẩm mua vui thì cư xử đúng mực. Nhưng cũng có khách coi tụi em như gái bia ôm, dân nhậu mướn, thậm chí là cave... khiến em rất buồn. Đến giờ thì nước mắt không còn để khóc nữa”, Nga tâm sự.
Nga kể, ban đầu cứ tưởng chỉ có mình là số phận hẩm hiu. Nhưng bước vào nghề kỹ nữ, Nga thấy nhiều chị em cũng lận đận gấp nhiều lần mình. Trừ những cô gái mới lớn, tập tành ca hát, phấn son, nhiều chị em khác đều từng gãy gánh gia đình, nhiều chị em có chồng nhưng cũng bỏ đi làm kỹ nữ. Họ sống cuộc đời dằn vặt giữa hát ca, tiền bạc, tri âm và ghen tuông của chồng... Nga nói, thỉnh thoảng lại nghe một vài bạn bị chồng hay người yêu đánh đập. Như cô, thôi chồng thì đôi khi về tủi thân gối chiếc, nhưng lại ngán ngại phải bước tới với một người nào nữa. Dù trên tiệc rượu, Nga đã quá quen rồi lời hứa hẹn trăm năm.
Lưu lạc phong trần
“Em vốn con nhà danh gia đài các, mỏi bước chân mới lưu lạc chốn phong trần, xin tao ngộ một lần, rồi lưu luyến muôn phần...”, lời ca của cô gái dạn dày, trong quán lá cũ kỹ bên QL1A (H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) làm khách phương xa không muốn lên đường. Hoa, theo chủ quán giới thiệu, mới trở về từ Campuchia đã nhanh chóng kéo khách tìm đến quán. Ngoài hai mươi tuổi, Hoa có nét đẹp quyến rũ, cứng cỏi. Chút dạ, chút vâng, mỹ miều cùng giọng hát rất “tươi” đưa cô nhanh chóng trở thành “hót gơ” quán lá.
Hoa ít ngồi bàn cố định mà chỉ phục vụ một, hai bài rồi đi bàn khác. Hôm vắng khách thì cô ngồi lại hàn huyên với khách. Lần đó, Hoa nói cô gãy gánh gia đình cũng vì “mê trai đẹp”. Sang Campuchia làm ăn rồi có chồng ở tận biên giới Campuchia - Thái Lan. Hoa và “chồng đẹp” tạo dựng được một gia đình khá giả với hai mặt con. Thế nhưng, trong một lần phát hiện chồng có tình ái bên ngoài, Hoa lập tức ẵm con về lại nhà ba mẹ ruột là giáo viên ở Sóc Trăng. “Nói đi rồi là không trở lại, chồng em có qua kiếm em cũng không đi nữa”. Trước, buồn tình Hoa thỉnh thoảng hay lui tới một quán nhậu quen. Nếu có khách ngồi bàn thì phục vụ hát hò. Không thì một mình cô cũng... nhậu. Ban đầu lân la cốt để có người bầu bạn. Riết rồi cô trở thành kỹ nữ chuyên nghiệp lúc nào không hay. 
Trong số những kỹ nữ khắp nơi ở miền Tây, không chỉ có những cô gái có thân phận éo le, hay rơi vào nghịch cảnh phải “lưu lạc chốn phong trần”. Nhiều cô từng là nghệ sĩ nổi tiếng, là diễn viên triển vọng, hay xuất thân từ những gia đình khá giả cũng bôn ba vào nghề. Ngọc Thu, một chủ quán ca cổ nhạc trên QL1A (H.Giá Rai, Bạc Liêu) nói chỉ cần cô gọi, từ các cô gái tài tử, thôn nữ bỏ chồng cho đến những cô gái trẻ, gia đình có trại tôm giống cũng sẽ có mặt. “Chủ yếu là họ mê văn nghệ. Nếu không có dịp đám tiệc, bình thường họ cũng mở tiệc nhậu nhẹt, hát hò. Còn tri kỷ tri âm thì có mấy khi...”.
“Chồng viên chức, vợ thợ may, gia đình có một con nhỏ... mình nhìn cặp đôi đẹp vậy mà ai ngờ lại đổ vỡ”, một đồng nghiệp ở Bạc Liêu tiếc nuối khi nhắc đến gia đình của Cẩm Thúy, một kỹ nữ đắt show ở Bạc Liêu. Vẻ đẹp yêu kiều, Thúy hay kết thúc câu chuyện với những điều không rõ ràng. Như chuyện “mê ca hát mà bỏ chồng”, hay “chồng ghen quá không sống được”... Từ quê nhà Vĩnh Hưng (H.Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), Thúy bỏ luôn dàn máy may, dọn ra hẳn ở TP.Bạc Liêu để sống bằng nghề ca hát. Thúy, cũng như nhiều cô gái khác, đến với nghề kỹ nữ không phải vì hoàn cảnh đẩy đưa mà do một lựa chọn của mình.

Bán nghệ, bán thân

Nhiều kỹ nữ đã phải dùng chiêu trò để giữ mình trong cái nghề luôn ở giữa lằn ranh văn nghệ và thể xác.

Xảy bước phong trần
Khó tin sẽ gặp lại gặp T., một kỹ nữ. Gần mười năm trước, lúc mười tám, đôi mươi, cô đã đoạt giải cao trong các cuộc thi tiếng hát phát thanh truyền hình ở một tỉnh miền Tây. Lúc ấy, giới quan sát đánh giá rằng, cô sẽ còn tiến xa hơn nữa trên con đường nghệ thuật. Lần này, gặp T. trong lúc cô đang lẩn trốn khách say kèo nài “đi tăng cuối”. T. cười ngượng: “Cũng tại em hết, hay hứa với khách qua loa cho khách vui, ngồi hết bữa tiệc. Nhưng tàn tiệc, nhận tiền boa rồi là em trốn... Người ta gọi điện thoại thì em tắt máy, vờ hết pin. Có người theo tới tận nhà, em phải sang nhà bạn ngủ...", T. chia sẻ những cảnh mà cô thường xuyên gặp phải.
Sau khi đoạt nhiều giải ca hát, T. quyết định rời quê nhà lên Sài Gòn tìm cơ hội. Thiếu người đỡ đầu, cô chỉ có được những buổi hát lót trên sân khấu nhỏ với tiền cát sê còm cõi. Không trụ được ở Sài thành, T. quay qua đầu quân cho các đoàn tạp kỹ, rong ruổi ở các tỉnh lẻ. Lúc “đói” cũng hát cho các đám hội chợ, lô tô. Chẳng khá hơn, cô lại đến Cần Thơ “lập nghiệp” với nghề hát phục vụ tiệc tùng, cưới hỏi, đêm đêm theo chị em ca kỹ kiếm sống. T. là kỹ nữ đắt show, từ đó mộng sân khấu của cô cũng dần xếp lại.
B.V có gương mặt bầu bĩnh, khả ái. Là con nhà nòi trong gia đình nhiều thế hệ nổi tiếng trong phong trào đờn ca tài tử ở địa phương. Cô vừa học giỏi, lại hát hay nên rất được gia đình thương yêu, chăm chút. Bốn năm trước, xa nhà lên Cần Thơ trọ học đại học. Nhiều người biết đến cô đã liên tục rủ đi đờn hát tài tử giao lưu. Vì con nhà nòi, tỏ ra hơn hẳn những tài tử đi trước cả về chất giọng lẫn bài bản, lớp lang, V. nhanh chóng nổi tiếng trong giới đờn ca tài tử ở Cần Thơ. Từ những buổi hát giao lưu, cô được rủ rê ca hát kiếm tiền. Trẻ đẹp, lại hát có nghề, V. được nhiều người yêu thích đờn ca vọng cổ mến mộ, kể cả những khách khó tính nhất. Số điện thoại của cô trở nên ưa thích của các chủ quán hạng sang. Mê hát ca, cô dần xa chuyện học. B.V non nớt thay đổi nhanh chóng bằng những đêm “đối phó” mà bản năng của cô gái trẻ mới xa gia đình đã không cho cô nhiều “chiêu trò” của một kỹ nữ cần có. “Tri kỷ tri âm” và những mối tình ướt át đã cho cô nhiều nếm trải mà những người biết cô trước đó đã không khỏi lắc đầu tiếc nuối.
“Ca kỹ như tụi em là đi giữa văn nghệ và thân xác”, kỹ nữ tên K. (quê H.Tiểu Cần, Trà Vinh), đầu quân cho quán rượu của đôi vợ chồng nghệ sĩ ở TP.Sóc Trăng nói. Cô được yêu cầu nhiều vì hát nghe cũng được và biết nhiều chiêu trò tung hứng với khách. Tại quán nghệ sĩ này, ngoài K. còn có các cô gái quê ở Nha Mân (Đồng Tháp) cũng đều được nữ nghệ sĩ chủ quán luyện cho cả nghệ thuật hát và “diễn” với khách. Những kỹ nữ “lành nghề” gồm hát và “diễn” luôn làm khách hài lòng trên bàn rượu, cảm thấy thất vọng khi đòi “diễn bên ngoài”. Các em thường viện lý do là có khách yêu cầu hát, hoặc có chuyện đột xuất, họa lắm thì cứ bảo là uống say rồi..., hẹn hôm khác “văn nghệ tới bến”.
Giữa làn ranh
Kỹ nữ H.T được giới phong lưu biết đến với nét đẹp kiêu sa, mời gọi. Ngón guitar tuy không phài là điêu luyện, nhưng kết hợp giọng khàn, u uất với dòng “nhạc sang” đã làm nhiều người thổn thức. Lắm người xem H.T là tri kỷ, tri âm với những “đêm thâu bia bọt với sự đời”. Đó là khoảng thời gian cô có một quán nhỏ nằm trong con hẻm sâu ở Cần Thơ, nơi khách tri âm sớm khuya lui tới, được H.T đón tiếp ân cần. Với cây đàn guitar và những bản nhạc buồn, H.T từng làm đắm lòng bao khách đa tình.
Nhưng rồi, có giai đoạn H.T dẹp quán để lấy chồng, sinh con. Nhiều người biết chuyện cũng mừng cho cô, vì đời kỹ nữ xuân sắc cho bấy lâu. Bẵng đi một thời gian, người ta lại thấy H.T ôm đàn guitar xuất hiện ở các quán nhậu. Đôi môi cong thường trực điếu thuốc lá trong dáng vẻ bất cần đời đã làm hình tượng một kỹ nữ sang trọng và khép kín ngày nào có phần thay đổi. Thay vào đó là một người xô bồ, “tới bến”. Hình ảnh mới đã làm H.T mất dần “bạn tri âm”, những người vốn tới với H.T đơn thuần qua ngón đàn, lời ca. Thay vào đó là những khách phong lưu, vốn được cô “chiều tới bến”. Một lần, H.T tâm sự rằng gia đình tan vỡ, cô phải một mình nuôi con. Biết đời xuân không còn bao lâu nữa, nên cô phải nhanh chóng tích cóp để mở lại cái quán nhỏ như ngày nào. Có điều, bạn bè cô cảm thấy “tiếc” vì H.T không còn chỉ bán lời ca tiếng nhạc, buôn chuyện canh thâu nữa.
“Trước đây em không hề đi khách, nhưng bị dụ một lần nên đành cho số phận”, K.N, một kỹ nữ lưu lạc từ Thái Nguyên vào Cần Thơ kể rằng khi ngồi với khách, cô cứ dặn lòng là “cố gắng giữ mình”. Xinh đẹp và hát hay, K.N nhận được nhiều lời khen tặng. Vẻ lịch thiệp của K.N khiến nhiều khách quý mến. Trong số đó, có một khách trẻ lịch thiệp, hát hay và bồi dưỡng hậu cho cô sau mỗi tiệc. Tiệc tùng ở quán nào, vị khách này cũng gọi K.N tới giới thiệu là “bạn gái”. Lâu ngày, K.N cũng nghĩ mình là “bạn gái” của vị khách lịch thiệp nọ cho đến khi cô chấp nhận theo khách về khách sạn. Sáng lại, thất vọng với số tiền lạnh tanh mà “bạn trai” khéo đút vào túi áo. Tối sau, K.N lại nhận cuộc gọi từ số điện thoại của một vị khách thường ngồi chung với “bạn trai” đề nghị đi “tới bến”. Kỹ nữ bật khóc. Tối đó, trong cơn say, cô lại gật đầu đi với khách... cho đến tận bây giờ.
Một kỹ nữ nhiều năm trong nghề buồn bã: “Nghề kỹ nữ đi giữa làn ranh văn nghệ và thân xác. Nhiều cô gái chỉ bán nghề ca hát để kiếm sống, để thỏa đam mê. Nhưng cũng không ít người bán luôn... cả hai thứ. Đời kỹ nữ xưa nay là thế”.

“Bến” đại gia

 “Tao nhân mặc khách chẳng bằng cập bến… đại gia”, nhiều kỹ nữ bảo như thế trong những ngày ở “chốn phong trần”. 

Tranh giành… đại gia
Các kỹ nữ thường nói về việc dấn thân vào nghề của Thu L. là “sự bất công”. Nét đẹp tinh khiết và vẻ hiền ngoan của cô khiến nhiều kỹ nữ, vốn hay “nhìn liếc” nhau cũng phải tấm tắc rằng cô không phải là “người của chốn phong trần”. Thậm chí, trên bàn tiệc, L. thường được các chị em để ý bênh vực mỗi khi khách quá đà hay ép uống. L. ít nói, rượu bia không nhiều và hát cũng chẳng mấy hay, nhưng nét đẹp thu hút đã làm cô nhanh chóng được khách hạng sang tìm đến nhà hàng tương đối khép kín ở Cần Thơ, cốt để yêu cầu gặp mặt.
 Đời kỹ nữ - Kỳ 3: “Bến” đại gia
Nhiều kỹ nữ mong có ngày cập được “bến đại gia” qua những cuộc vui - Ảnh: T.T
Khác với nhiều kỹ nữ cứ vồn vã mỗi khi được bồi dưỡng cao sau mỗi bữa tiệc, L. vẫn giữ gương mặt lạnh tanh với… tiền, dù cô được boa 1.000 USD hay 100.000 đồng. Sự khinh khỉnh ấy khiến nhiều người lắm tiền cũng muốn “đối xử đặc biệt” với cô kỹ nữ này, ngoài khoản tiền boa hậu hĩnh, họ hứa mua nhà, cho xe, lo lắng cho gia đình dòng họ mấy đời dưới quê… Những lúc đó, L. cũng cười nhạt như chẳng quan tâm. Cho đến một ngày, người ta thấy L. một bước theo người tình lớn tuổi về sống ở đất Sài Gòn. L. giải thích với chị em thân thiết lý do mình bỏ theo người này, không phải vì ông ấy giàu nhất trong đám đàn ông theo đuổi cô, mà vì ông ta “làm một việc tất cả còn lại không làm được”, là… “dám” ly dị vợ.
Ở Cần Thơ, các kỹ nữ có tiếng phần lớn đều biết đến một đại gia có biệt danh là “cậu C.”. Ngoài vẻ lịch lãm, người giàu “có thế” này lại rất quan tâm đến đời sống “em út”, từ kỹ nữ, phục vụ cho đến… anh giữ xe. Người ta nói, với cái nết xài tiền “ngắt khúc” của “cậu C.”, đến anh giữ xe còn được boa vài triệu mỗi lần thì kỹ nữ được “cậu” ưa thích chắc chắn sẽ sống khỏe. Mê ca hát, không hiếm khi người ta thấy vị đại gia này “xách” cả ban nhạc đi nhậu. Và sự ganh tị giữa các kỹ nữ để được vị đại gia này ưa thích là điều không tránh khỏi. “Em chỉ thích ngồi với khách lịch sự, biết hát và vui vẻ, chứ họ nhiều tiền để rồi thảy vô mặt mình thì cũng chẳng ham”, kỹ nữ T.L. nói như tự an ủi.
Chuyện “Kiều” và “Hoạn Thư” ngày trước bây giờ cũng chẳng hiếm. Chuyện bị đánh ghen, bị mạt sát dường như ít kỹ nữ nào tránh khỏi. Thậm chí, các kỹ nữ còn… ghen với nhau để tranh người tình giàu có. Trong một lần tranh giành sự ưu ái của một đại gia xứ Cà Mau, hai nhóm “kỹ nữ xăm mình” chuyên phục vụ tại một nhà hàng trên đường Nguyễn Trãi (Cần Thơ) còn hẹn nhau… tỷ thí. Sự vụ chỉ chấm dứt khi vị đại gia này ngán ngẩm đi tìm… nơi chốn khác. 
Chuyện tình kỹ nữ
Đành rằng, những mối tình giữa đại gia và kỹ nữ xưa nay là “tình văn nghệ”, “có gì ân ái giữ mình với ta”. Nhưng mối quan hệ ấy cũng không ít những câu chuyện khiến người ta cảm động, và cũng lắm khi xót cho thói đời. Một người kinh doanh nhà đất tên H. chua chát rằng những khi rủng rỉnh tiền, anh thường không tiếc chi với “em út”. H. tánh tình vui vẻ, lại hát hay nên một thời cũng là đối tượng đeo bám của các kỹ nữ, thậm chí các nghệ sĩ nổi tiếng cũng tìm đến anh như mối quan hệ thâm tình. Những cuộc “tao ngộ” dần thưa khi làm ăn thất bại, H. nói thậm chí anh cũng không còn tiền để bước vào quán nhậu. Nhiều mối quan hệ “tình thương mến thương” ngày trước, giờ nhìn mặt chẳng chào, các “em út” thì dần xa lạ. Có lần đi tìm kiếm cơ hội làm ăn ở Kiên Giang, tình cờ anh gặp một kỹ nữ quen. Tay bắt mặt mừng mấy câu, người kỹ nữ này buột miệng đòi… tiền boa cho buổi tiệc từ lúc nào mà anh chẳng nhớ. Cứng người, anh ngoắc người phụ nữ từng là “tri âm” ra ngoài và móc ít tiền dúi vào tay để được nhận nụ cười trở lại.
Những người có mặt tại phiên tòa xét xử các sai phạm trong ngành viễn thông ở Bạc Liêu cách nay mấy năm, có lẽ chẳng quên hình ảnh cô gái trẻ nép phía sau bị cáo đứng tuổi. Nhớ vì cô gái là người đẹp và nổi tiếng trong giới ca hát. Và cũng vì trong số những người chứng kiến, không ít người nghĩ thầm rằng cô gái trẻ này trước sau gì cũng “quay lưng” với người chồng vừa lớn tuổi, trắng tay, tù tội. Mãi thời gian sau, người thân cô gái cho biết khi chồng vướng vào lao lý, cô gái nổi tiếng này vẫn một mình nuôi con. Để tránh thị phi, cô bỏ luôn nghề ca hát, xin đi thông dịch và dạy tiếng Nhật để kiếm sống, nuôi con nhỏ, thăm nuôi chồng. Đến khi ông chồng mãn hạn, thất chí ở nhà, cô gái cũng là mối liên hệ duy nhất của chồng với bên ngoài. Nhắc đến chuyện này, cô ca kỹ nói mình không muốn chứng tỏ điều gì sau biến cố, ngoài tình yêu với chồng, một người vốn đam mê ca hát và họ gặp nhau cũng từ lời ca tiếng hát đưa đường.
(Theo Thanh niên) Tiến Trình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét