09:50
Vụ điện kế điện tử chạy nhanh:
“Ông” điện giải thích chưa thuyết phục
TT - Trong khi
các công ty điện lực khẳng định điện kế điện tử (ĐKĐT) luôn đảm bảo tiêu
chuẩn kỹ thuật thì người dân lại rất nghi ngờ về chất lượng của loại điện kế
này.
Ngành điện TP.HCM từng lắp đặt điện kế cơ để đối
chứng với ĐKĐT tại hộ dân ở Q.3, TP.HCM (ảnh chụp ngày 19-12-2005) - Ảnh:
Nguyễn Công Thành
Người dân còn nói việc giải quyết các khiếu nại về ĐKĐT chỉ là
hình thức, không đáng tin cậy.
Không tin vào ĐKĐT, nhiều ý kiến đề nghị ngành điện cần gắn điện
kế cơ song song với ĐKĐT trong một thời gian để làm đối chứng. Luật sư cũng
cho rằng đề nghị này hợp lý, thậm chí người dân có thể từ chối gắn ĐKĐT.
Rất không bình
thường
Ngày 11-7, chúng tôi trở lại khu Minh Châu TP Sóc Trăng - nơi có
nhiều người dân kêu ca về ĐKĐT. Thấy chúng tôi, bà Trần Thị Ên (nhà số 34,
đường E6, khu dân cư Minh Châu, K4, P.4, TP Sóc Trăng) liền nói: “Mời mấy chú
vào nhà xem đồng hồ điện, nếu còn chạy nhanh kiểu này mỗi tháng chúng tôi
kiếm tiền đóng cho nhà đèn vã mồ hôi, còn tiền đâu lo cơm canh hằng ngày”.
Bà Ên cho hay tháng 2-2013, nhân viên Điện lực Sóc Trăng đến nhà
bà Ên đề nghị thay đồng hồ cơ sang ĐKĐT. Tháng 3, khi cầm hóa đơn tiền điện
trên tay, bà Ên tá hỏa bởi hóa đơn ghi số tiền lên tới 325.000 đồng, trong
khi bình thường nhà chỉ phải trả 100.000 đồng. Rất ấm ức nhưng bà Ên vẫn trả
tiền. Bà còn dặn con cháu phải hết sức tiết kiệm điện và theo dõi đồng hồ
điện xem có gì bất thường. Thế nhưng sang tháng 4, bà Ên tiếp tục nhận được
hóa đơn tiền điện trên 310.000 đồng. Lần này, bà Ên đòi khiếu nại rồi mới
tính đến chuyện đóng tiền. Nhưng nhân viên thu tiền dọa nếu bà không đóng sẽ
bị cắt điện. Bà Ên đành chịu thua.
Hàng xóm với bà Ên là bà Nguyễn Thị Mông. Bà Mông cho biết tiền
điện phải nộp từ tháng 3 đến nay, bình quân trên 400.000 đồng, tăng hơn gấp
đôi so với lúc còn sử dụng đồng hồ cơ. Nhiều lần bà Mông muốn làm đơn khiếu
nại nhưng không rành viết đơn nên chẳng biết kêu ai. Theo bà Mông, ngành cấp
nước cũng thay đồng hồ nhưng không hề có biến động.
Theo ông Lê Thanh Tuấn (trưởng ban nhân dân K.1, P.3, TP Sóc
Trăng), từ đầu năm 2013 đến nay, Điện lực Sóc Trăng thay ĐKĐT trên địa bàn
được khoảng 200 hộ. Tuy nhiên mới qua vài tháng gắn ĐKĐT, người dân đã kêu
trời. Tại các kỳ họp HĐND phường và TP, nhiều cử tri tỏ ra gay gắt, kiến nghị
phải kiểm tra lại ĐKĐT. Điện lực Sóc Trăng giải thích nguyên nhân, nhưng
người dân cho rằng như vậy là chưa thuyết phục. Theo phản ảnh của người dân,
tiền điện tăng rất bất thường, lượt người phản ứng cũng không ít.
Tại Cà Mau, ông Nguyễn Văn Truynh (27B Phan Ngọc Hiển, P.5, TP Cà
Mau, tỉnh Cà Mau) nói: “Tôi có theo dõi trả lời chất vấn của ngành điện về vụ
ĐKĐT tại kỳ họp HĐND tỉnh Cà Mau. Tôi thấy cách giải thích của ngành điện về
ĐKĐT không ổn. Ngành điện nói điện tăng do nắng nóng. Chuyện nắng nóng cũng
xảy ra hàng chục năm nay chứ đâu phải riêng năm nay mới có. Trời nóng thì sử
dụng điện tăng là đương nhiên nhưng tăng đến trên 100% tôi thấy không hợp lý
chút nào. Gia đình tôi tháng 3-2013 (sử dụng điện kế cơ) chỉ sử dụng 215kWh,
tháng 4-2013 (sử dụng ĐKĐT) tăng vọt lên 446kWh, tháng 5-2013 sử dụng 387kWh,
tháng 6 còn lại 213kWh. Tôi sống một mình nên sử dụng điện như thế nào thì
tôi biết. Nhưng chỉ số điện “nhảy múa” như vậy thì ĐKĐT rất không bình
thường”. Theo ông Truynh, khi ông khiếu nại tiền điện tăng bất thường Công ty
Điện lực Cà Mau cử người đến kiểm tra côngtơ điện và khẳng định chạy chính
xác. “Nói thật tình tôi chưa tin kết quả vì anh vừa bán điện, vừa gắn côngtơ
điện, vừa kiểm tra... thì không khách quan” - ông Truynh bày tỏ.
Giải quyết
khiếu nại kiểu hình thức
Tại An Giang ngành điện thay hơn 8.400 ĐKĐT tại TP Long Xuyên
nhưng nhiều hộ dân đã kêu trời. Ông Vương Khả Thoại (nhà số 347, hẻm 9, đường
Trần Hưng Đạo, P.Mỹ Xuyên) cho biết suốt năm 2012, mỗi tháng gia đình ông chỉ
đóng 400.000-500.000 đồng tiền điện. Từ ngày 14-12-2012 ngành điện đến nhà
ông thay ĐKĐT thì tiền điện hằng tháng tăng lên gấp đôi. Cụ thể, hóa đơn tiền
điện tháng 1-2013 là 861.000 đồng, tháng 3 là 829.000 đồng, tháng 4 thấy tiền
điện lên đến hơn 1 triệu đồng, trong khi các thiết bị điện trong nhà sử dụng
như trước. “Càng lâu ngày ĐKĐT chạy càng nhanh, chỉ số điện càng tăng cao” -
ông Thoại nhận xét.
Ông Nguyễn Văn Phúc, phòng nha khoa Việt Mỹ trên đường Trần Hưng
Đạo (khóm Đông An, P.Mỹ Xuyên) cho hay lâu nay lượng điện của cơ sở luôn ổn
định, mỗi tháng chỉ phải trả 3,2-3,3 triệu đồng. Sau khi thay ĐKĐT từ tháng
4, tiền điện vọt trên 5 triệu đồng, có tháng 5,3 triệu đồng. Ông gửi đơn
khiếu nại từ hai tháng nay nhưng Điện lực An Giang vẫn chưa cử người đến xem
xét. Hộ dân bán quán cóc ở kế bên phòng khám nha khoa Việt Mỹ cũng nói suốt
mấy năm qua mỗi tháng chỉ tốn 300.000-400.000 đồng tiền điện, nay mỗi tháng
đều trên 700.000 đồng.
Ở TP Long Xuyên, không ít người dân cho rằng ngành điện tự tiện
đến thay ĐKĐT đồng loạt mà không hề thông báo hay hỏi ý kiến chủ hộ, khi thắc
mắc cũng chẳng được giải thích. Thấy chỉ số điện tăng bất thường, họ gửi đơn
khiếu nại, ngành điện có cho người đến một số hộ kiểm tra lại điện kế nhưng
việc kiểm tra này chỉ mang tính hình thức.
Ông Vương Khả Thoại - P.Mỹ Xuyên, TP Long Xuyên - cho biết
ông gửi đơn khiếu nại ngày 18-4, sau đó có hai nhân viên điện lực đến nhà cầm
một đồng hồ điện khác... đo chỉ vài phút rồi bảo “đồng hồ mới thay chạy đúng”!
Nên lắp điện kế
đối chứng
“Khách hàng xài ĐKĐT kêu tiền điện tăng nhưng ngành điện trả lời
vòng vo, có khiếu nại đưa ĐKĐT kiểm định chẳng giải quyết được gì” - anh Hồ
Văn Hiếu (95/1 đường 30 Tháng 4, P.3, TP Bến Tre) bức xúc nói. Theo anh Hiếu,
anh cùng nhiều hộ dân được Công ty Điện lực Bến Tre thay điện kế cơ bằng ĐKĐT
từ hơn một năm qua. “Ai cũng phàn nàn khi chuyển sang xài ĐKĐT do tiền điện
hằng tháng tăng bất thường. Chúng tôi muốn khiếu nại nhưng thấy những người
từng đi khiếu nại đều không đem lại kết quả, họ đưa điện kế đi kiểm định rồi
nói không có gì sai sót, vậy thì khiếu nại chỉ tổ mất công” - anh Hiếu bức
xúc.
Theo anh Hồ Văn Hiếu, nếu ngành điện và nhà sản xuất cho rằng
ĐKĐT đo đếm chính xác thì cần phải chứng minh điều này một cách công khai,
minh bạch. Để giải quyết “bài toán này”, anh Hiếu đề xuất: “Tốt nhất là ngành
điện cho lắp ĐKĐT và điện kế cơ đối chứng là biết được sự chêch lệnh giữa
điện kế cơ và ĐKĐT như thế nào”.
Theo một cán bộ Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, về
nguyên tắc, điện kế cơ và ĐKĐT có cấp chính xác (sai số) khác nhau, nên khi
chuyển từ điện kế cơ sang ĐKĐT tất nhiên sản lượng điện trong tháng sẽ khác
nhau. Tuy nhiên căn cứ vào thông số mà các nhà sản xuất điện kế công bố thì
sự chênh lệch giữa điện kế cơ và ĐKĐT không nhiều. Cụ thể như điện kế cơ có
cấp chính xác ±2, còn ĐKĐT có cấp chính xác ±1. Tức là trên lý thuyết sự
chênh lệch giữa hai điện kế này tối đa chỉ ở mức +3% hoặc -3%. “Ví dụ trong
tháng điện kế cơ đo được 100kWh thì ĐKĐT chỉ có thể là 103kWh hoặc ngược lại
chứ không thể tăng 60-70% như nhiều trường hợp người dân phản ảnh” - cán bộ
này phân tích.
Một chuyên gia khác về ngành điện cũng đồng tình như vậy, đồng
thời cho rằng: “Chỉ cần lắp điện kế đối chứng như đề xuất của khách hàng
trong vòng một tháng. Nếu kết quả đối chứng cho thấy sự chênh lệch chưa quá
3% thì sẽ minh oan cho ĐKĐT, nhưng nếu sự chênh lệch vượt quá 3% thì ngành
điện xem xét bồi thường cho khách hàng cũng như thay điện kế mới chất lượng
hơn”.
(Theo Tuổi trẻ)
Q.KHẢI - K.TÂM - T.THÁI - Đ.VỊNH
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét