Dân
cần, công bộc ở đâu?
NLĐ- Khi người dân
gặp khó khăn, nguy hiểm và có những việc bức xúc, nếu cơ quan chức năng tận
tình giúp đỡ, giải quyết thì đã không có những vụ việc đáng tiếc xảy ra như
thời gian qua
Đã 5 ngày trôi qua, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ
đánh nhau vì tranh giành bãi nuôi ngao của người dân 2 huyện Quảng Xương và
Tĩnh Gia (Thanh Hóa) khiến 3 người chết, 9 người bị thương nặng.
Hoàn toàn bất ngờ
Ngày 9-7, Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Công văn
1215-CV/VPTU gửi giám đốc Công an tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Xương và
Tĩnh Gia yêu cầu nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ án để xử lý nghiêm theo quy
định của pháp luật.
Công văn nêu rõ vụ việc tranh chấp giữa các hộ nuôi ngao
trên sông Yên có mầm mống từ lâu nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương không
có biện pháp ngăn chặn, để xảy ra vụ án nghiêm trọng, ảnh hưởng tới an ninh trật
tự địa phương và tình hình chung của tỉnh. Yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy
Tĩnh Gia và Huyện ủy Quảng Xương kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá
nhân có liên quan, báo cáo về Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 15-7.
Trong khi
người thân khóc ngất trước cái chết đột ngột của cụ Bương thì ông Chi cục
trưởng THADS huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên lại bình thản chơi game trong giờ
làm việc. Ảnh: HỒNG ÁNH
Tuy nhiên, chiều 10-7, làm việc với báo chí, ông Nguyễn
Đức Xuân, Bí thư Huyện ủy Quảng Xương, cho biết chưa nhận được công văn hay
thông báo của Tỉnh ủy Thanh Hóa. “Đây là vụ xung đột có số người tham gia
đông, sử dụng vũ khí nguy hiểm nên phải chờ cơ quan công an điều tra làm rõ nguyên
nhân. Hiện tại, chúng tôi chưa biết được nguyên nhân nên không thể quy trách
nhiệm cho ai” - ông Xuân nói. Cũng trong buổi làm việc này, mặc dù ông Xuân
“khoe” xã Quảng Nham là điểm sáng về an ninh trật tự nhưng khi người dân lao
vào đánh nhau đẫm máu, chính quyền địa phương hoàn toàn… bất ngờ.
Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia,
cũng thừa nhận chính quyền xã, huyện đều rất bất ngờ. “Xã Hải Châu chưa có
báo cáo về tình hình bất ổn của địa phương. Chúng tôi đang chờ kết quả điều
tra từ phía công an” - ông Dương nói.
Ngồi chờ... báo cáo
Trong khi thực hiện chuyên đề này, chúng tôi đã đến Công
an xã Bình Hòa, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định hỏi về việc ông Phạm Bá Hanh
(ngụ xóm 3, xã Bình Hòa) năm nay đã 90 tuổi nhưng thường bị con trai út nát rượu
tên Phạm Văn Đồng đánh đập, hành hạ. Ông Hanh đã nhiều lần nhờ chính quyền xã
can thiệp nhưng không ai giải quyết. Ông Trần Quang Hóa, Trưởng Công an xã
Bình Hòa, khẳng định: “Trước đây, cụ Hanh và ông Đồng cũng có va chạm, còn
thông tin ông Đồng đánh đập cha mình thì chúng tôi chưa thấy ai trình
báo".
Ba người đã
thiệt mạng trong buổi đánh nhau giữa người dân 2 huyện Quảng Xương
và Tĩnh Gia
(Thanh Hóa) để tranh giành bãi nuôi ngao Ảnh: TUẤN MINH
Theo ông Hóa, chỉ có vụ việc xảy ra ngày 12-6, ông Đồng
đánh nhau với bà Trần Thị Vui (vợ sau của cụ Hanh). Sau khi tiếp nhận thông
tin, công an xã đã yêu cầu ông Đồng đến làm việc nhiều lần nhưng lại phải
đuổi về vì ông ta say rượu. “Đến nay, vụ việc vẫn chưa giải quyết được vì bà Vui
đã bỏ địa phương lên Hà Nội làm việc" - ông Hóa nói.
Còn ông Phạm Quang Tuyến, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa, khẳng
định: “Ông Đồng như Chí Phèo vì hay quậy phá, còn chuyện đánh đập cụ Hanh thì
cũng chưa thấy báo lên xã”. Tuy nhiên, ông Trần Thế Toa, xóm trưởng xóm 3, xã
Bình Hòa, cho biết ông Đồng hay đánh, chửi cha, thậm chí có lần còn lấy dao
chém. Theo ông Toa, nếu chính quyền vào cuộc quyết liệt, ngăn chặn ngay từ
đầu thì chắc chắn ông Đồng sẽ không dám làm vậy.
Vô cảm!
Sau khi vụ việc cụ bà Nguyễn Thị Bương (ngụ thôn Phước Lương, xã
Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) tự thiêu trước TAND huyện Đông
Hòa vào ngày 5-7, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Phú Yên đã kiểm tra
thủ tục thi hành án ở Chi cục THADS huyện Đông Hòa đối với cụ Bương nhưng
kết quả cho thấy “không có gì sai sót về thủ tục”. Trong khi đó, theo ông
Đoàn Dũng, Chánh án TAND huyện Đông Hòa, có thể cụ Bương bức xúc về việc
thi hành án nên đã mang xăng nhầm qua TAND huyện (2 cơ quan kề nhau - PV)
để tự thiêu.
Đáng nói, ngay trong chiều cụ Bương tự thiêu, khi phóng viên Báo
Người Lao Động đăng ký làm việc với lãnh đạo Chi cục THADS huyện Đông Hòa,
ông Nguyễn Kim Đồng, Chi cục trưởng, báo mệt, không tiếp. Nhưng khi chúng
tôi vào phòng làm việc thì thấy ông này đang ngồi trên ghế chơi game. Ông
Trần Quang Nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết đã chỉ đạo Cục THADS
xem xét và xử lý vụ việc. Theo ông Hà Công Khánh, Cục trưởng Cục THADS tỉnh
Phú Yên, trong ngày 11-7, cơ quan này đã có văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Phú
Yên và Tổng cục THADS cho biết đang kiểm tra và sẽ xử lý theo quy định của
pháp luật về trường hợp ông Đồng chơi game trong giờ làm việc.
|
Đừng đổ thừa, đùn đẩy trách nhiệm
Trước những vụ việc trên, bà Nguyễn Thị Hoài
Thu, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã bày tỏ quan
điểm với Báo Người Lao Động
Chính quyền địa phương một mặt thay mặt nhà nước tổ chức quyền lực,
thực thi nhiệm vụ quản lý trên lãnh thổ địa phương trong cơ cấu quyền lực
nhà nước thống nhất trên lãnh thổ Việt Nam. Mặt khác, chính quyền địa
phương lại là cơ quan do nhân dân địa phương lập ra để thực hiện các nhiệm
vụ ở địa phương nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân địa phương trên cơ sở các
quy định của Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên.
Tuy nhiên, thời gian qua, ở nhiều địa phương đã xảy ra nhiều vụ
việc gây hậu quả đau lòng và nghiêm trọng. Tôi cho rằng đó là tiếng chuông
cảnh tỉnh các cơ quan có liên quan đã quá vô cảm, thờ ơ trước bức xúc, khó
khăn của người dân, không làm đầy đủ trách nhiệm đối với dân. Có cảm nhận
như những người cán bộ ở những địa phương ấy xem chuyện của dân là “vác tù
và hàng tổng”, “ôm rơm nặng bụng” để rồi tránh càng xa càng tốt.
Tất nhiên, không thể mọi chuyện đều “trăm dâu đổ đầu tằm”, có những
việc trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý trực tiếp cụ thể. Nhưng luật quy
định UBND các cấp trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình phải quản
lý các sự việc trên địa bàn, bởi chuyện gì cũng xảy ra trên một địa bàn của
phường (xã), huyện hoặc tỉnh cụ thể. Do đó, chính quyền địa phương phải có
trách nhiệm liên đới.
Việc 100 người dân ở hai huyện Quảng Xương và Tĩnh Gia, tỉnh Thanh
Hóa đánh nhau vì tranh giành đất nuôi ngao không phải đến nay mới xảy ra,
nó đã có mầm mống từ nhiều năm qua, người dân cũng từng làm đơn phản ánh
nhưng chính quyền địa phương đã không tìm hiểu sự việc và giải quyết thỏa
đáng hoặc có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa. Vì sao ngay từ đầu, chính
quyền địa phương không xem đó là “điểm nóng” trên địa bàn quản lý, giao cho
các lực lượng chức năng để ý, quan tâm?
Hay như việc người cha ở Nam Định bị con đánh nhiều năm
nhưng khi được hỏi, chính quyền địa phương điềm nhiên trả lời: “Chưa nghe
trình báo”. Nói như vậy là chống chế, thiếu tâm và vô cảm. Nếu làm quyết
liệt, chính quyền hoặc lực lượng công an xã có thể mời người con lên trạm y
tế để cắt cơn, cai rượu hoặc đưa người cha về trung tâm nuôi dưỡng người
già… Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có hướng dẫn đầy đủ, nếu chính
quyền địa phương không thực hiện là đã vi phạm pháp luật.
Bác Hồ nói: “Cán bộ là công bộc của dân, đầy tớ
của dân”. Suy ngẫm kỹ lời dạy ấy của Người, qua bao năm làm công bộc của dân,
tôi càng thấm thía rằng để làm công bộc đáng tin cậy của dân thật không dễ!
Trước hết, người cán bộ phải luôn có ý thức rõ ràng là mình đang nhận lương
từ tiền thuế của dân, có trách nhiệm phải phục vụ nhân dân, trung thành và
hết lòng vì công việc.
Phải có ích thực sự để nhân dân tin cậy, yêu
mến. Muốn vậy, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho
dân phải hết sức tránh”. Hiểu một cách nôm na, bất cứ việc gì liên quan đến
dân, những công bộc của dân đều phải có trách nhiệm. Không đợi ai báo cáo,
hễ biết có sự việc xảy ra trên địa bàn mình quản lý thì phải tự đi tìm
hiểu. Một khi tự nhận trách nhiệm về mình thì việc khó mấy cũng có thể hoàn
thành. Đổ thừa, biện minh hay đùn đẩy trách nhiệm đều không xứng đáng với
sự tin cậy của nhân dân.
|
NHÓM PHÓNG VIÊN
NLĐ
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét