Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

 09:35

 TẤT TOÁN TRẠNG THÁI VÀNG

Bán 43 tấn vàng vẫn chưa ổn

Qua 41 phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra gần 43 tấn vàng nhưng đến thời điểm này việc tất toán trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại vẫn chưa thật sự hoàn tất

Theo số liệu Ngân hàng (NH) Nhà nước công bố, để tất toán trạng thái vàng, năm 2012 các NH thương mại đã phải mua 100 tấn vàng và trong năm 2013 phải mua thêm khoảng 20 tấn nữa. Tuy vậy, chỉ tính từ cuối tháng 3-2013 (thời điểm NH Nhà nước bắt đầu bán vàng ra qua các phiên đấu thầu) đến nay, NH Nhà nước đã bán ra 43 tấn, trong đó các NH mua trên 50% .
 
Mặc dù sức mua yếu nhưng ngày 10-7, giá vàng trong nước vẫn còn cao hơn thế giới 5,45 triệu đồng/lượng. Ảnh: HỒNG THÚY
Trả giá quá đắt
Câu chuyện phải tất toán vàng là hậu quả từ việc thiếu kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng của các NH thương mại từ nhiều năm trước. Thời điểm đó, NH Nhà nước cho phép các NH thương mại huy động vàng và được bán ra thị trường 30%-40% số vàng huy động, đồng thời được phép nhập khẩu vàng và giao dịch vàng qua tài khoản nước ngoài. Điều đáng nói là do cơ quan quản lý có phần lơi lỏng trong việc kiểm soát động thái bán vàng rồi mua lại của các NH thương mại nên nhiều NH đã “tranh thủ” thời cơ ồ ạt bán vàng ra lấy VNĐ để cho vay với lãi suất cao. Sau đó, các NH chờ giá vàng giảm để mua lại hoặc nhập khẩu vàng chi trả cho người gửi tiết kiệm bằng vàng. Mục đích của các NH là hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất (do huy động vàng lãi suất rất thấp (chỉ 2%-3%/năm) nhưng cho vay VNĐ lãi suất rất cao (phổ biến khoảng 18%/năm), hưởng lợi từ chênh lệch giá vàng theo kiểu “đầu cơ giá xuống” vì nhiều NH lúc đó dự báo giá vàng đã vào chu kỳ giảm...
Cũng chính vì nhiều NH ồ ạt bán vàng huy động nên có thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn thế giới hàng trăm ngàn đồng/lượng. Lúc đó vàng trong nước lại xuất ngược ra thị trường thế giới (đây là nghịch lý vì Việt Nam là nước tiêu thụ vàng chứ không phải sản xuất vàng). Số liệu thống kê cho thấy năm 2010, các NH và doanh nghiệp đã xuất khẩu 61 tấn vàng; năm 2011 tiếp tục xuất khẩu thêm khoảng 35 tấn, thậm chí có tuần xuất khẩu đến 5 tấn vàng... Khi nhà nước hạn chế xuất khẩu vàng miếng, các doanh nghiệp và NH biến tướng vàng miếng thành vàng nữ trang dạng thô nặng cả ký để xuất khẩu...
Thế nhưng, điều bất ngờ đã xảy ra. Giá vàng thế giới không những không giảm như các NH trong nước dự báo mà ngược lại còn tăng mạnh. Nếu cuối năm 2010, giá vàng trong nước chỉ 36 triệu đồng/lượng thì đến tháng 8-2011 đã lập kỷ lục 49 triệu đồng/lượng. Đầu năm 2012, tuy giá vàng xuống còn 42 triệu đồng/lượng nhưng đến đầu năm 2013 lại vọt lên 46 triệu đồng/lượng. Như vậy, nếu tính từ cuối năm 2010 đến đầu năm 2013, giá vàng đã tăng 10 triệu đồng/lượng.
Do giá vàng thế giới và trong nước tăng mạnh nên bài toán kinh doanh bán vàng rồi  mua lại của các NH đổ vỡ. Hàng loạt NH thua lỗ nặng trong kinh doanh vàng, thậm chí có NH lỗ hơn 1.800 tỉ đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế.
Đấu thầu miệt mài
Trước thực trạng trên, NH Nhà nước đã siết lại hoạt động kinh doanh vàng. Ở nhiều thời điểm, NH Nhà nước hạn chế nhập khẩu vàng, thu hồi quota (hạn ngạch) nhập khẩu đã cấp cho các NH, “giấy phép” giao dịch vàng tài khoản nước ngoài... khiến các NH không còn cửa để mua lại số vàng đã bán, đối mặt với nguy cơ mất cân đối nguồn vốn về vàng. Lúc này, các NH buộc phải huy động của người gửi sau để trả cho người rút vàng hoặc mua vàng trong nước bằng mọi giá để chi trả cho người gửi, đẩy giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới từ 1- 6 triệu đồng/lượng.
Trước tình hình đó, ngày 28-3-2013, NH Nhà nước quyết định bán vàng dự trữ để các NH thương mại có thể tất toán trạng thái vàng vào ngày 30-6 như kế hoạch. Sau đó, NH Nhà nước nhập khẩu vàng bù lại số vàng đã bán. May mắn là từ khi bán vàng, do giá vàng thế giới liên tục giảm nên NH Nhà nước đã “né” được thiệt hại và chỉ tiêu tốn hơn 2 tỉ USD để mua lại 43 tấn vàng đã bán thông qua đấu thầu.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, các NH vẫn chưa tất toán xong trạng thái vàng. Lãnh đạo một số NH cho biết hiện không ít NH chưa thu hồi được số vàng đã cho vay. Nguyên nhân chính là khách hàng mất khả năng trả nợ hoặc khoản vay chưa đến thời hạn. Vì thế, các NH còn cần mua thêm khoảng 9 tấn vàng, đồng nghĩa NH Nhà nước phải tiếp tục bán ra và chi thêm khoảng 450 triệu USD để nhập khẩu số vàng tương ứng.
Lãnh đạo NH Nhà nước cho biết sẽ đấu thầu cho đến khi các NH thương mại không còn nhu cầu mua vàng. Theo ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn Hội đồng Vàng Thế giới tại Việt Nam, ngoài khối NH, thị trường vẫn còn sức mua từ các đối tượng khác. Do đó, NH Nhà nước nên tiếp tục đấu thầu vàng và chỉ tạm ngưng khi cung cầu  trên thị trường bão hòa, giá vàng trong và ngoài nước chênh nhau không đáng kể.
Giảm khối lượng vàng đấu thầu
Sáng nay (11-7), NH Nhà nước tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu vàng thứ 42. Phiên này, khối lượng gọi thầu giảm xuống còn 26.000 lượng (1 tấn) thay vì 40.000 lượng vàng như các phiên gần đây. Mức giá để các đơn vị đặt cọc là 37,25 triệu đồng/lượng.
Thông tin này khiến giá vàng trong ngày 10-7 tiếp tục ổn định. Theo đó, giá vàng SJC mua vào ở mức 37,3 triệu đồng/lượng và bán ra 37,6 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với hôm qua. Chênh lệch giá trong nước và thế giới còn 5,45 triệu đồng/lượng.
V.Vinh
(Theo Người Lao động) THY THƠ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét