09:14
Phun thuốc trừ sâu, kích thích rau ngót:
Người trồng rau đang
tự hắt đi bát cơm của mình*
Bình thường hơn 20 ngày mới cắt một đợt
rau ngót, nhưng phụn thuốc kích thích thì có thể rút xuống 15 ngày.
Thông tin có 7/25 mẫu rau ngót có dư lượng thuốc bảo vệ
thực vật vượt mức giới hạn cho phép khiến không ít người dân hoang mang, lo
lắng về độ an toàn của chúng bởi đa phần cho rằng đây là loại rau lành, nhiều
người còn cho phụ nữ sau sinh ăn sống…
Trong khi đó, tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, rau ngót
đang được bán tràn lan ngoài chợ với giá rẻ như bèo. Song, để trấn an người
mua về các loại rau không rõ nguồn gốc, mập mờ chất lượng, tiểu thương tại
chợ đều khẳng định rau ngót là của nhà tự trồng đem bán, tuyệt đối an toàn.
Phun thuốc mới có rau đẹp
Tại xã Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội), một trong những vựa rau
lớn của Hà Nội, khi hỏi thăm về cánh đồng trồng rau ngót, bất ngờ nhận được
câu trả lời của một người dân ở xã Vân Nội: “Cần mua rau sạch hay rau trồng
ngoài ruộng, rau trồng ngoài ruộng thì nhiều, phải đi lên mạn trên. Còn rau sạch
thì ở xóm chỉ còn nhà cô Tâm là có ba luống nhỏ rau ngót nữa thôi”.
Thắc mắc hỏi rau ngoài đồng có khác gì thì được giải
thích, rau ngoài đồng phun thuốc nhiều nên nhiều khi không an toàn, dân khó
phân biệt cũng ngại mua hơn.
Tìm đến cánh đồng trồng rau ngót thấy những ruộng rau ngót
mỡ màng, hỏi về cách chăm sóc rau, cô Lan (Vân Trì, Vân Nội) đang làm cỏ ở
ruộng rau cải ngọt bên cạnh cho biết, rau ngót hầu như được thu hoạch quanh
năm nhưng tiêu thụ mành vào mùa hè. Ở đây người trồng rau này chỉ khoảng 10 –
13 ngày được cắt một lứa đem bán. Khi cắt bán xong đợi rau nảy mầm mới dài từ
5-10 phân thì phun các loại thuốc kích thích, trừ sâu vào.
Cô Lan khẳng định: “Không chỉ riêng gì rau ngót mà rau nào
cũng vậy, muốn rau đẹp, nhanh được cắt bán thì phải phun thuốc. Không phun
thuốc thì sâu ăn hết lá, ra chợ rau xấu rất khó bán”.
Trong khi đó, tại vùng rau an toàn ở thôn Tiền Lệ (xã Tiền
Yên, Văn Đức, Hà Nội) cũng trồng rau ngót, hỏi về khoảng cách thời gian bao
nhiêu lâu sẽ được cắt bán một lần, cô Hương chuyên trồng rau ở đây cho biết,
ở đây là vùng rau an toàn, rau ngót thường 25 ngày mới được cho cắt bán một
lần, nếu trời nắng nóng thời gian được cắt bán còn lâu hơn, lá rau sẽ bị cong
lại nhìn rất xấu bởi rau ngót ưa thời tiết ẩm ướt.
Khi đưa ra dẫn chứng tại các vùng trồng rau khác, rau ngót
chỉ có hơn chục ngày được cắt bán một lần, cô Hương cho hay: Có thể họ sử
dụng thuốc kích thích sinh trưởng, làm rau sinh trưởng nhanh, thời gian để
được cắt bán sẽ rút ngắn đi còn không thì không thể cắt bán sớm hơn 20 ngày.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ nhiệm hợp tác xã rau Văn Đức
(Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, ở điều kiện thuận lợi, rau ngót phải trên 20 ngày
mới được cắt bán một lần, còn nếu thời tiết nóng quá thì thời gian được cắt
bán sẽ lâu hơn.
Gắn mác rau nhà lừa người tiêu dùng
Tại chợ đầu mối rau ở xã Vân Nội, không chỉ có rau ngót
trồng trên địa bàn xã Vân Nội mà từ khắp các vùng lân cận đổ về, kể cả ở vùng
Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội). Rau từ đây sẽ đổ về các chợ bán buôn nội thành.
Tuy nhiên, tại chợ đầu mối nội thành như Dịch Vọng, Phùng
Khoang, hỏi mua rau ngót, tiểu thương nào cũng giới thiệu rau nhà tự trồng,
không phải rau lấy buôn từ các vùng trồng rau nên đảm bảo rau an toàn. Tuyệt
nhiên, không một tiểu thương nào tự nhận với người mua rằng rau được lấy từ các
ruông ngoại thành Hà Nội.
Tại chợ Dịch Vọng, một tiểu thương luôn chào bán: “Mua rau
ngót đi, giá có 1.500 đồng một mớ. Rau nhà chị tự trồng đem đi bán nên ăn yên
tâm nhé”. Nhưng đến khi hỏi rau ngót ở chợ này thường được lấy ở vùng nào, vị
tiểu thương này lại nói “trừ nhà chị ra còn lại rau ngót ở chợ mọi người lấy
nhiều ở vùng Đông Anh, ở đó là vùng rau, nguồn cung lúc nào cũng dồi dào”.
Hiện, tại các chợ đầu mối, rau ngót được bán với giá 1.500
đồng/mớ to và 1.000 đồng/mớ nhỏ. Còn tại các chợ lẻ, chợ cóc, giá thường ở
mức 3.000 đồng/mớ.
Trước tình trạng tiểu thương tại các chợ luôn cố dấu nguồn
gốc các loại rau, mà ở đây cụ thể là rau ngót. Người bán luôn tự nhận, rau
ngót bán ở chợ là rau nhà tự trồng chứ không phải rau đi lấy buôn của người
khác khiến người tiêu không thể phân biệt được rau nào là rau an toàn, và rau
nào là rau không an toàn.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền ở ngõ 123 Xuân Thủy (Cầu Giấy, HN)
lo lắng: “đi chợ tôi cũng chỉ phân biệt được rau xấu với rau đẹp còn rau an
toàn và không an toàn thì chịu. Còn nếu hỏi thì tiểu thương chẳng ai trả lời
thật. Giờ họ toàn nói là của nhà trồng được đem đi bán. Thế nên người mua
chẳng biết đằng nào mà lần”, chị Hiền nói.
Trong khi đó, bác Nguyễn Cẩm Quyên ở ngõ 20 Hồ Tùng Mậu
còn lo lắng hơn: “Thấy người ta nói rau ngót là loại rau lành chứ đâu thể
biết được người ta phùn nhiều thuốc lên rau thế. Mà ra chợ, ai bán cũng nói
rau của nhà trồng, ăn yên tâm. Giờ thì dừng hẳn không dám mua về ăn, uống
nữa”.
Cô Hương có kinh nghiệm trồng rau nhiều năm ở xã Tiền Yên
cũng phải thừa nhận rằng chỉ phân biệt được rau ngót ta và rau ngót lai bởi
rau ngót ta lá dày, ngót lai lá mỏng chứ rau nào phun thuốc và rau nào không
phun thì ngay người trồng rau nhiều năm như cô cũng rất khó phân biệt chứ đừng
nói tới người đi mua.
(Theo
Vef.vn) Bảo Hân
* Tham cái lợi trước mắt, người trồng rau đang tự hắt đi “bát
cơm” của chính mình. Một khi người tiêu dùng biết được sự thật, đến bao giờ
mới kéo họ lại để sử dụng sản phẩm đã có tiếng độc hại? Không chỉ rau ngót,
còn nhiều loại rau khác cũng trong tình cảnh tương tự. Chính quyền các địa phương
nơi trồng rau đang ở đâu trong sự việc này? Nếu người dân được tuyên truyền
hiểu rõ tác hại sâu xa của việc làm trên thì chắc tình hình sẽ khác.
Thương
Giang
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét