Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

 10:14

 Vụ “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình: “Nhóm lợi ích” đang hoành hành, cố thủ

(Dân trí) - Sau khi Dân trí có loạt bài phản ánh vụ “vỡ trận” tại bến xe Mỹ Đình đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đích thân Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu TP. Hà Nội làm rõ tình trạng “xe dù, bến cóc” tràn lan, có dấu hiệu tham nhũng...

Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ngày 4/6/2013, ông Nguyễn Hoàng Linh- Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội - khẳng định: “Nếu ai có chứng cứ tiêu cực, xin đưa ra, tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm”. Và một thực tế đáng buồn đang tồn tại đó là chủ trương di chuyển 525 lượt xe của Sở GTVT Hà Nội ra khỏi bến xe Mỹ Đình đang có nguy cơ đổ bể, các cá nhân để xảy ra vụ "vỡ trận" trên vẫn chưa được làm rõ...
 
Vụ “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình: “Nhóm lợi ích” đang hoàng hành, cố thủ
Hà Nội cần dũng cảm chặt đứt “nhóm lợi ích” để lập lại trật tự vận tải, sắp xếp theo đúng quy hoạch.
Chối bỏ trách nhiệm bằng việc “đánh bùn sang ao”
Mặc dù liên quan trực tiếp ký các văn bản trong việc “thả cửa” cho xe vào bến Mỹ Đình, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội vẫn là người ký văn bản số 560/BC-SGTVT (ngày 10/5/2013) báo cáo UBND TP. Hà Nội và Ban Tuyên giáo Thành ủy với những nội dung thiếu trung thực.
Vụ “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình: “Nhóm lợi ích” đang hoàng hành, cố thủ
Báo cáo của Sở GTVT Hà Nội có nhiều nội dung thiếu khách quan
Ông Linh đã viện dẫn những “lý do” nhằm biện minh cho việc “vỡ” bến Mỹ Đình: “Từ năm 2010, Sở GTVT Hà Nội mới được chấp thuận cho xe vào bến còn trước đó do Sở bạn và Tổng Cục đường bộ”. Đây thực sự là cách báo cáo lập lờ nhằm “đánh lừa” cấp trên và dư luận. Ngay lập tức, ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phản bác lại. Ông Quyền khẳng định: Từ năm 2007 đến nay, Cục Đường bộ Việt Nam chỉ chấp thuận vẻn vẹn 4 lượt xe/ngày tại bến Mỹ Đình cho tuyến có chiều dài trên 1000 km; tất cả các xe muốn vào bến Mỹ Đình đều phải có sự chấp thuận của Sở GTVT Hà Nội, nếu không chẳng có cách nào lọt được vào bến Mỹ Đình! Như vậy là ông Linh đã “giấu đầu hở đuôi”, đổ lỗi cho người khác nhưng lại bị vạch trần sự thật!
Theo tài liệu PV Dân trí thu thập được cho thấy, ngày 14/10/2009, ông Nguyễn Hoàng Linh ký Thông báo 1382/TB -GTVT về việc “Tạm dừng đăng ký mới, bổ sung phương tiện từ các tỉnh phía Đông, Đông Nam, Nam thành phố Hà Nội đến bến xe Mỹ Đình và ngược lại”. Nhưng sau hơn 3 năm kể từ ngày có Thông báo 1382, bến Mỹ Đình chẳng những không giữ được số lượng xe mà còn vọt từ 1.100 lượt xe/ngày đến gần 1.500 lượt xe/ngày.
Việc ra Thông báo 1382 rồi cố tình làm ngược lại đã đặt ra nghi vấn tiêu cực, tham nhũng với số tiền nhiều tỷ đồng liên quan chặt chẽ đến hoạt động cấp phép tuyến, “lốt” vận tải và các “nhóm lợi ích” đang hoàng hành, cố thủ.
Theo luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) nhận định: Đây là vấn đề lớn cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Nhằm đảm bảo khách quan, chính xác, thì UBND TP. Hà Nội rất cần thiết phải lập Đoàn Thanh tra để kiểm tra tất cả các vấn đề nêu trên. Sau đó, cần trả lời công khai kết quả trước dư luận cũng như cán bộ, đảng viên trong nội bộ ngành GTVT Hà Nội và Báo Dân trí.
Thực tế, sau khi ký Thông báo 1382, bằng các “phép thuật” như “xe thay thế”, “xe bổ sung”, “xe khôi phục” … ông Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh đã quyết định cho hàng loạt xe tiếp tục vào bến Mỹ Đình, điển hình cụ thể như sau:
Ngày 15/11/2010, ông Linh ký công văn số 2866/GTVT-QLVT đồng ý cho Công ty TNHH Văn Minh vào khai thác trên tuyến Nghệ An đi Hà Nội và ngược lại. Theo tài liệu mà PV Dân trí có được, trong năm 2010 và 2011, ông Nguyễn Hoàng Linh cũng đã chấp thuận cho Công ty Văn Minh bổ sung 3 xe giường nằm vào bến Mỹ Đình hoạt động.
Ngày 24/1/2011, ông Linh ký Công văn số 262/GTVT-QLVT chấp thuận cho Cty CPTM&DL Hạ Vinh bổ sung 2 xe giường nằm vào khai thác tuyến Vinh – Mỹ Đình và ngược lại.
Ngày 26/9/2011, ông Linh lại tiếp tục ký Công văn số 3738/GTVT-QLVT chấp thuận cho HTX vận tải Huy Hải (Nghệ An) bổ sung 2 xe khai thác tuyến vận tải từ Đô Lương đi Mỹ Đình và ngược lại.
Ngày 1/6/2012, ông Linh ký văn bản số 1282/SGTVT-QLVT đồng ý cho HTX CP dịch vụ kinh doanh vận tải hành khách Nghệ An được chuyển bến hoạt động với xe 37B-004.42.
 
Vụ “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình: “Nhóm lợi ích” đang hoàng hành, cố thủ
Văn bản "vô tư" chấp thuận bổ sung xe vào bến Mỹ Đình, khi bến xe này đã "bội thực" và "vỡ trận"
“Đến đây, một câu hỏi lớn được đặt ra là tại sao bến Mỹ Đình đang trong tình trạng quá tải, doanh nghiệp không khai thác tuyến vẫn được quyền “đổi” tuyến mới và phải chăng tuyến cũ đó lại được tiếp tục “đem bán” theo như tiết lộ của giới vận tải?”- Luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh.
Hơn thế nữa, ngày 5/3/2013, ông Linh tiếp tục ký công văn số 607/SGTVT-QLVT cho phép Cty cổ phần vận tải Thanh Xuân đưa 6 xe vào hoạt động tại bến Mỹ Đình…
Qua các dẫn chứng trên có thể thấy cách làm việc “ngẫu hứng”, thiếu trách nhiệm khi Sở GTVT Hà Nội “thả cửa” cho bổ sung xe vào bến Mỹ Đình để rồi “sống chết mặc bay...”.
Và mới đây nhất, vào ngày 10/5/2013, ông Nguyễn Hoàng Linh đã ký văn bản cho phép 15 “lốt xe” vốn đã bị cắt được phép quay lại bến Mỹ Đình hoạt động, trong đó phần lớn là phương tiện mới. Cách đây hơn hai tháng, ông Linh cũng cho phép 1 “lốt” xe của một doanh nghiệp ở Thái Bình được hoạt động trở lại dù đã dừng hơn 1 năm và đương nhiên, xe vào bến là xe mới 100%...
Theo nhiều doanh nghiệp, với những chiêu thức như trên, bến Mỹ Đình không “vỡ” mới là chuyện lạ!
“Nhóm lợi ích” đang hoành hành, cố thủ
Theo Kế hoạch số 735/KH-SGTVT ban hành ngày 3/6/2013, Sở GTVT Hà Nội sẽ điều chuyển 313 lượt xe/ngày thuộc các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hòa Bình ra khỏi bến Mỹ Đình. Ngay lập tức, các doanh nghiệp vận tải Thái Bình, Hiệp hội Vận tải ô-tô Thái Bình có đơn đề nghị, công văn gửi Chính phủ, Bộ GTVT, Ủy ban ATGT quốc gia, UBND TP. Hà Nội, Thành ủy Hà Nội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình…
 
Vụ “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình: “Nhóm lợi ích” đang hoàng hành, cố thủ
Các doanh nghiệp cho rằng: Kế hoạch điều chuyển là thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp, gây bức xúc nghi ngờ và có biểu hiện tiêu cực ngay từ trong xây dựng kế hoạch, ảnh hưởng tới ổn định trật tự vận tải. Việc điều chuyển các tuyến phải đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp, nhân dân các tỉnh nhưng đã gây ra bất công bằng cho doanh nghiệp, người dân Thái Bình. Các tuyến khác đến bến xe Mỹ Đình như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… dư luận hiện nay đang thắc mắc, đặt câu hỏi tại sao không bị điều chuyển? Tuyến Hải Phòng vào bến xe Yên Nghĩa đi xuyên tâm sao vẫn được chấp thuận? Nhiều doanh nghiệp đề nghị phải tổ chức đối thoại vì tại cuộc họp ngày 4/6/2013, Sở GTVT Hà Nội đã áp đặt, không cho các doanh nghiệp nằm trong kế hoạch điều chuyển được phát biểu ý kiến và họ khẳng định nếu bị điều chuyển, các doanh nghiệp sẽ khởi kiện Sở GTVT Hà Nội và Công ty Quản lý bến xe vì đã vi phạm nghiêm trọng Luật Doanh nghiệp…
Trước đó, trong nhiều văn bản chấp thuận cho xe vào bến Mỹ Đình hoạt động (sau khi có Thông báo 1382) ông Linh đã yêu cầu: “Để phục vụ công tác giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội dự kiến sẽ tiếp tục quy hoạch, điều tiết một số luồng tuyến khai thác tại các bến xe trên địa bàn thành phố. Khi có sự điều tiết từ bến xe này sang bến xe khác khai thác, yêu cầu doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện”. Vậy tại sao đến thời điểm giảm tải bến Mỹ Đình, không thấy ông Linh yêu cầu các doanh nghiệp trên “nghiêm túc thực hiện”?
Theo thiết kế, bến xe Mỹ Đình chỉ có thể tiếp nhận 800 lượt xe/ngày trong khi hiện nay đã lên đến gần 1.600 lượt xe/ngày. Vì vậy, nếu điều chuyển 313 lượt xe/ngày khỏi bến Mỹ Đình, tại đây vẫn quá tải.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội từng tuyên bố: Việc điều chuyển phương tiện khỏi bến Mỹ Đình đảm bảo quyền lợi và công bằng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, cách thức điều chuyển xe ra khỏi bến Mỹ Đình của Sở khiến họ hết sức bức xúc, không chấp nhận phương án của Sở đưa ra. Đại diện cho các doanh nghiệp vận tải Thái Bình đang hoạt động tại bến Mỹ Đình đặt câu hỏi: Chúng tôi sẽ có văn bản và tìm đến sở, thành phố để yêu cầu trả lời câu hỏi: Tại sao chúng tôi vào bến từ năm 2004 - thời điểm bến Mỹ Đình mới thành lập còn thưa thớt, vắng vẻ, các doanh nghiệp phải bù lỗ để duy trì hoạt động đến nay khi bắt đầu có khách, Sở lại “đuổi” chúng tôi đi bến khác? Sở đâu biết để có phương tiện chúng tôi phải vay ngân hàng tới hàng trăm tỷ đồng, bây giờ chuyển đi bến khác không có khách, chúng tôi lấy gì trả nợ, Sở có trả thay cho chúng tôi không?
Chúng tôi biết rằng sau năm 2009 (thời điểm Sở có văn bản dừng không cho xe vào bến Mỹ Đình), thậm chí cuối năm 2012 và đầu năm 2013, Sở GTVT Hà Nội vẫn chấp thuận hàng loạt xe Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vào bến Mỹ Đình hoạt động. Trong văn bản chấp thuận cho các xe trên vào bến Mỹ Đình, Sở có ghi rõ “khi nào có sự điều chuyển từ bến xe này sang bến xe khác yêu cầu doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện”. Bây giờ, Sở thực hiện việc điều chuyển, tại sao các xe này được ở lại còn chúng tôi vào bến từ năm 2004 bị “đuổi đi”? Phải chăng vì lý do tiêu cực, những người cấp phép, chấp thuận cho các xe này vào bến đã nhận quá nhiều tiền của chủ xe (như báo chí phản ánh) nên giờ “há miệng mắc quai” không dám động đến họ?
Như vậy, có thể thấy những bất bình của các doanh nghiệp vận tải Thái Bình, Nam Định là hoàn toàn có cơ sở. Để đảm bảo sự công bằng giữa các doanh nghiệp như Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Quốc Hùng phát biểu, trước hết cần chuyển những tuyến mà Sở đã có văn bản cảnh báo phải chuyển khỏi bến Mỹ Đình khi có sự điều tiết lại luồng tuyến giữa các bến xe, sau đó chuyển một phần các phương tiện nằm trong kế hoạch điều chuyển đợt này; một thời gian sau sẽ điều chuyển những phương tiện còn lại. Được như vậy sẽ giúp các doanh nghiệp phải điều chuyển đỡ “sốc”, có thời gian để hành khách thích nghi dần với bến mới, đỡ thiệt thòi cho doanh nghiệp.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nghi ngờ có bảo kê của ngành giao thông Hà Nội
 
Sáng ngày 29/5, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia bức xúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về ATGT quý II/2013.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tôi sẽ kết luận Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội, Công an Hà Nội “bảo kê” cho các doanh nghiệp vận tải nếu Hà Nội không chấm dứt tình trạng bến xe lộn xộn, taxi gian dối tranh giành, lừa khách du lịch làm xấu hình ảnh thủ đô".
 
Cũng liên quan đến vụ việc trên, ngày 28/5, Văn phòng Chính phủ đã có công văn hỏa tốc số 4293/VPCP-TTĐT gửi UBND TP. Hà Nội, Bộ GTVT, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nêu rõ:
 
Trong thời gian qua, một số báo (Báo Dân trí đăng 10 bài liên tiếp – PV) đăng loạt bài viết phản ánh tình trạng quá tải trầm trọng, hiện tượng “xe dù”, “bến cóc” gia tăng và những bất cập trong việc cấp phép các tuyến xe tại bến xe khách Mỹ Đình (Hà Nội), gây ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông khu vực, có biểu hiện tiêu cực tham nhũng...
 
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia giao UBND TP. Hà Nội kiểm tra, làm rõ sự việc báo nêu; Chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có biện pháp xử lý triệt để những bất cập trong tổ chức hoạt động của các bến xe khách trên địa bàn TP. Hà Nội, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
 
Như vậy, sau loạt bài điều tra công phu, bền bỉ của PV Dân trí, đến nay vụ "vỡ trận" tại bến xe Mỹ Đình bước đầu đã được khắc phục. Tuy nhiên, xung quanh vụ "vỡ trận" này vẫn còn nhiều "uẩn khúc", bất cập mà Bộ GTVT, Ủy Ban ANGT quốc gia, UBND TP. Hà Nội cần khẩn trương vào cuộc giải quyết dứt điểm để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp và hàng triệu hành khách sử dụng dịch vụ tại bến xe Mỹ Đình.
 
(Theo Dân trí) Vũ Văn Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét