Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

 10:26

 Tăng phí đường bộ gấp 3 lần:

Chuyên gia "mổ xẻ"

Tăng phí sẽ tác động đến vấn đề giá cả, chi phí khác sẽ tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Bên cạnh đó số lượng xe tải trọng vượt quá quy định sẽ tăng lên, gây hư hỏng đường…
Theo dự thảo thông tư đang được Bộ Tài chính xin ý kiến trước khi trình Chính phủ, dự kiến mức phí đường bộ giai đoạn từ nay đến năm 2016 có thể tăng 3,5 lần hiện nay. Điều kiện đi kèm là các tuyến đường phải được sửa chữa, nâng cấp, phục vụ giao thông tốt hơn trươcs khi tăng mức thu phí. Mức tăng này đang nhận được khá nhiều ý kiến khác nhau từ dư luận.
Theo cách hiểu của Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội Bùi Danh Liên thì mức “thuế đường” trên là mức phí tại tác trạm thu phí xã hội hóa (Trạm thu phí BOT) chứ không phải mức phí bảo trì đường bộ hiện nay.
Cũng giống như việc mở một cửa hàng, khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực giao thông, đương nhiên chủ đầu tư sẽ phải tính toán lộ trình thu hồi vốn. Cụ thể đối với việc đầu tư nâng cấp quốc lộ 1A, thời gian hoàn vốn sẽ khoảng 20 năm.
 
Còn nhiều ý kiến khác nhau quanh việc tăng mức phí lên 3 lần vào năm 2016
Không đề cập quá sâu vào vấn đề tài chính, tuy nhiên trao đổi với phóng viên báo điện tử Infonet, ông Liên đề nghị cơ quan soạn thảo “ấn định mức phí minh bạch”. Mức phí này “phải phù hợp với khả năng tài chính của dân”.
Bình luận về mức phí tăng hơn 3 lần vào năm 2016, Chủ tịch Hiệp hội đưa ra nhận định mức phí như vậy "không ảnh hưởng đến phương tiện vận tải".
Ông lý giải, việc tăng mức phí được áp dụng theo lộ trình, trong khi đồng tiền bị trượt giá, thu nhập của người dân ngày một tăng lên. Ngoài ra khi tăng phí, đổi lại hạ tầng giao thông sẽ tốt hơn. Khi nâng cấp quốc lộ 1A sẽ có 4 làn ô tô, giữa có giải phân cách cứng sẽ khiến phương tiện lưu thông nhanh hơn, tránh tình trạng xe đối đầu, góp phần giảm tai nạn giao thông.
“Mới đây tôi đi vào một đoạn đường nhiều ổ gà, có đoạn đường đi mà nước ngập tới nửa bánh xe. Ngồi trên ô tô mà về nhà đau cả một tuần, ốm liên miên” – ông Liên tỏ ra ngao ngán về thực trạng đường sá xuống cấp hiện nay.
Trái ngược hoàn toàn với nhận định trên, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng việc xã hội hóa giao thông, đặc biệt với con đường huyết mạch là quốc lộ 1A sẽ để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Nhắc lại lời nói của ĐBQH “lãng phí lớn hơn nhiều tham nhũng”, ông Thủy nói Bộ GTVT và Bộ Tài chính cần giải thích về mức tăng phí này, bởi theo ông nếu dùng tốt ngân sách thì mức phí "không những không tăng mà còn giảm". Ngoài ra tính nhân văn trong việc tăng phí cũng cần phải tính đến.
Theo TS Thủy – Quốc lộ 1, tuyến đường huyết mạch quan trọng bậc nhất không thể giao cho tư nhân làm. Bởi lẽ khi đã “gọi” tư nhân vào thì người dân sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào họ, dẫn đến “hành” dân.  
Cho rằng việc đầu tư nâng cấp cho đường bộ là một hướng đi đúng, có thể giảm đáng kể số vụ tai nạn cũng như số người chết. Việc này lẽ ra phải được làm từ hàng chục năm trước. Tuy nhiên điều quan trọng nhất mà theo vị chuyên gia này là việc tăng phí sẽ “đánh” trực tiếp vào cước vận tải.
Việc nâng cấp quốc lộ 1 với chiều dài 1.700 km, với 1000 km sẽ huy động nguồn vốn xã hội hóa, 700 km còn lại dùng nguồn vốn ngân sách. Dự kiến trên toàn tuyến sẽ có khoảng 21 trạm thu phí BOT, việc thu phí kéo dài không quá 25 năm.
Theo lộ trình tăng phí, năm 2014 mức thu sẽ tăng lên 2,5 lần mức khung. Năm 2015 sẽ tăng lên 3 lần, riêng nhóm container không quá 180.000 đồng/vé lượt. Từ năm 2016 trở đi áp dụng mức thu kịch trần.
TS Thủy cho rằng việc tăng phí sẽ dẫn đến 3 hậu quả: Tác động đến vấn đề giá cả, chi phí khác sẽ tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Bên cạnh đó số lượng xe tải trọng vượt quá quy định sẽ tăng lên, gây hư hỏng đường như trường hợp cao tốc TPHCM – Trung Lương; Cũng chưa chắc đường sẽ đảm bảo chất lượng, vì chắc gì chủ đầu tư đã lấy tiền thu được để duy tu bảo dưỡng; Mặt khác với mật độ 21 trạm thu phí BOT tại quốc lộ 1A khiến số lượng xe bị dồn rất lớn, khả năng ùn tắc sẽ xảy ra.   
Trước đó trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, việc đầu tư nâng cấp quốc lộ 1 sẽ cần nguồn kinh phí 120 nghìn tỷ đồng. Đây là một nguồn vốn không hề nhỏ nên buộc lòng phải áp dụng hình thức “nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Với khoảng cách đảm bảo 70 km có một trạm, tổng cộng trên cả tuyến quốc lộ 1A sẽ có tất cả 21 trạm thu phí theo hình thức BOT, với mức giá trung bình với xe con 20 nghìn đồng/ lượt, ông Trường cho mức giá này là hợp lý.  
Sau khi nâng cấp và áp dụng mức thu mới, Thứ trưởng Trường cho biết sẽ không “làm khó” cho doanh nghiệp vận tải mà ngược lại còn thuận lợi hơn, tai nạn giao thông cũng giảm đi đáng kể. 
(Theo Infonet.vn) Nguyễn Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét