Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

20:08

 Hé lộ thông tin mới về tàu đắm chở cổ vật ở Quảng Ngãi
Những hiện vật đầu tiên được tìm thấy. Ảnh: Phạm Khang

Hé lộ thông tin mới về tàu đắm chở cổ vật ở Quảng Ngãi

Sau khi hút nước, thổi cát làm lộ con tàu cổ bị đắm tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) và thu giữ một số hiện vật ban đầu, các nhà khảo cổ đã phát hiện một số nét mới so với trước khi con tàu được khai quật.
Nhiều đồ gốm “lạ”

Đến thời điểm này, các chuyên gia khảo cổ và lực lượng trục vớt đã đưa lên bờ hơn 10 thùng chứa cổ vật. Tuy mới chỉ là giai đoạn đầu của quá trình trục vớt, nghiên cứu, đánh giá chất lượng, giá trị lịch sử của các cổ vật, nhưng theo PGS-TS Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia - từ nhiều hiện vật thu lượm được trên bề mặt con tàu đã xuất hiện thêm nhiều chi tiết mới.

“Những hiện vật này khác hơn so với những hiện vật tìm được cách đây mấy tháng. Đó là có cả đồ gốm men ngọc, gốm hoa lam, gốm men nâu. Theo đánh giá ban đầu thì đây là đồ gốm dân gian thời Nguyên ở thế kỷ 14, bởi vì chúng tôi căn cứ vào những đồng tiền khai quật được. Trước đây, với con tàu ở Hòn Cau, phải sau 3 năm khai quật, giám định thì chúng tôi mới xác định được niên đại của các đồ gốm dựa vào thoi mực cháy dở tìm thấy trên tàu” - PGS-TS Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia - nói.

Cổ vật từ con tàu đắm. Ảnh: Phạm Khang

Từ những hiện vật được thu lượm có dấu hiệu chồng dính lên nhau do bị cháy, các nhà khảo cổ nhận định con tàu này bị đắm có thể là do hỏa hoạn. Tuy nhiên, lý do cháy thì cần phải có thời gian để nghiên cứu, xác minh “Các con tàu buồm như thế này chạy theo hướng gió mùa và phải đi theo ven biển nên thường đi thành từng đoàn, nên nguyên cớ bị chạy có thể  ngẫu nhiên hoặc do cướp biển”- PGS-TS Nguyễn Đình Chiến nhận định.

Trong ngày hôm nay (5.6), cán bộ, kỹ sư, công nhân của Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương – đơn vị đảm nhận việc trục vớt - vẫn đang tiếp tục hút nước và thổi cát để lộ toàn bộ con tàu và cổ vật. Dự kiến, ngày 7.6 tới, các chuyên gia khảo cổ sẽ khai quật theo hình thức phân lô để bảo tính hoàn nguyên của cổ vật. Các cổ vật sau khi được trục vớt sẽ được bảo quản đặc biệt để giám định chất lượng, niên đại. “Các hiện vật sau khi đưa lên bờ sẽ được rửa mặn bằng phương pháp khảo cổ học, phân chia các loại hiện vật khác nhau, lập phiếu cho từng hiện vật để tiến hành lập hồ sơ cho từng loại hiện vật”- tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh- nói.

Rút ngắn thời gian khai quật

Nếu như trước đây, Cty TNHH Đoàn Ánh Dương - đơn vị đảm nhận việc khai quật, trục vớt - dự định làm một bờ kè chắn sóng xung quanh khu vực tàu đắm và thuê thợ lặn trục vớt các hiện vật, thì giờ đây họ đã chuyển sang một phương án ưu việt hơn, đó là xây đê quây kín con tàu cổ và dùng máy hút toàn bộ nước, cát để làm lộ con tàu. Do vậy, việc khai quật hiện vật  giống như làm trên cạn nên rất thuận lợi. Theo PGS-TS Nguyễn Đình Chiến, đối với 5 con tàu đắm được tìm thấy trước đây, phải dùng phương pháp khai quật dưới nước nên kéo dài khoảng từ một năm rưỡi đến hai năm. Tuy nhiên, với phương pháp mới này thì thời gian khai quật sẽ rút ngắn lại.

Theo khảo sát ban đầu, tàu cổ bị đắm tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) có chiều dài 22m, chiều ngang 4,8m. Dự kiến, công tác khai quật, trục vớt sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6.2013. Theo tính toán của các cơ quan chức năng, con tàu đắm ở vùng biển thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn chứa khoảng số 40.000 cổ vật, trị giá hàng chục tỉ đồng.
Phạm Khang (Báo Lao Động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét