Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

17:07

Truyền nhân danh y và nỗi oan xuyên thế kỷ

(Kienthuc.net.vn) - Ở độ tuổi ông, nhiều người được sống quây quần bên con cháu. Nhưng cuộc đời ông gặp nhiều cảnh tai ương, để rồi cuối đời ông phải sống lang thang không nhà cửa, vợ con...

Ông là Tạ Tường (76 tuổi, nguyên là nhạc sĩ làm việc tại Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin).

Đi công tác mất việc, mất vợ
Tình cờ tôi gặp ông Tạ Tường trong căn phòng của ông Đặng Văn Việt (khu tập thể Bộ Xây dựng). ông Tường sinh ra trong một gia đình dòng dõi cách mạng, bố ông, ông nội ông từng có nhiều công lao trong việc xây dựng các cơ sở hạ tầng của Hà Nội thời Pháp thuộc. Ông nội ông Tường từng được Bác Hồ đến nhà riêng bắt tay cảm ơn vì đã có nhiều công lao, đóng góp cho cách mạng. Ông Tường bảo: "Cuộc đời tôi toàn gặp chuyện tai ương, hơn nửa cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, giờ đây tôi trắng tay không nhà cửa, không... vợ con".
Ông Tường cho biết, năm 1959 ông là một trong 15 cán bộ đầu tiên thành lập Nhà Xuất bản Mỹ thuật - Âm nhạc, tiền thân của Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin (nay trực thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch). Lúc đầu ông Tường làm biên tập viên phụ trách thu thanh đĩa nhạc, sau này trở thành nhạc sĩ sáng tác âm nhạc, chịu trách nhiệm tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật.
 
Giấy ủy nhiệm Hội Nhạc sĩ Việt Nam giao cho ông Tường ra Hà Nội. 

Năm 1970, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (Bộ trưởng Bộ Văn hóa Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) gửi giấy mời ra Hà Nội, mời ông Tường vào Sài Gòn tham gia sáng tác âm nhạc với chủ đề: "Bác Hồ với thành phố Hồ Chí Minh". Trước khi ông đi công tác, ông đến trình giấy tờ, xin lãnh đạo Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin. Nhưng thật trớ trêu thay, khi ông vừa rời khỏi Hà Nội vào Nam một thời gian ngắn thì lãnh đạo cơ quan ông làm đã cắt lương và tự ý đưa ra hình thức kỷ luật mà không có văn bản, không họp hội đồng kỷ luật. Kể đến đây, nước mắt của người đàn ông đã bước qua tuổi "xưa nay hiếm" bỗng lăn dài trên gò má nhăn nheo, cổ họng ông nghẹn lại khó nói thành lời: "Những kẻ ghen ghét đố kỵ tôi, đã nói với vợ tôi rằng tôi tự ý bỏ cơ quan vượt biên sang nước ngoài. Trước thông tin đó, vợ tôi đã làm đơn ra tòa đơn phương ly dị".
Khi đó tài sản lớn nhất mà ông có là chiếc xe máy đời cũ, ông bán được gần 100 đồng lấy tiền mua vé tàu ra Bắc để giải quyết những hiểu nhầm tai hại đó. Vừa nhận tiền bán xe, ông bị kẻ xấu lấy hết đồ đạc. Toàn bộ số tiền bán xe, giấy tờ tùy thân của ông đều bị mất hết. "Tôi đến Văn phòng thường trú Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin tại Sài Gòn, nhờ cấp giấy đi đường và vay tiền để ra Bắc. Nhưng họ ngoảnh mặt làm ngơ. Không trực tiếp ra Bắc để giải quyết công việc, tôi đã viết 5 lá thư gửi tới lãnh đạo cơ quan. Song, họ đều im lặng, không thèm đoái hoài đến ý kiến của tôi", ông Tường buồn bã kể.
Không còn tiền ăn cơm, hằng tháng trời ông Tường chỉ ăn hủ tiếu, ăn lặt vặt để sống qua ngày. Tuy nhiên, sức sáng tác âm nhạc của ông thì không bao giờ vơi. Hằng ngày, ông vẫn miệt mài sáng tác nghệ thuật.
 
Hằng ngày ông Tạ Tường vẫn bốc thuốc cứu chữa người nghèo. 

Ngày trở về chỉ còn con số không 
Đầu năm 1983 sau những tháng ngày ăn uống tiết kiệm, ông mới có tiền mua vé tàu ra Bắc. Nhưng ngày trở về Hà Nội ông chỉ còn con số không. "Đúng như lời những người bạn thông tin trước đó, khi tôi vào Nam công tác được một thời gian,  người ta tung tin tôi tự ý bỏ cơ quan vì thế, họ đã cắt các quyền lợi, xóa tên tôi ở cơ quan. Tôi không tin đó là sự thật, không tin lòng dạ con người có thể đổi trắng thay đen như vậy. Không tin những người đã cử tôi đi công tác, giờ họ lại nói như vậy. Nhưng tôi biết lấy gì để phản bác lời họ nói, bởi toàn bộ giấy tờ của tôi bị kẻ cắp cuỗm hết", ông Tường cho hay.
Ông Tường trở về căn nhà số 4 đường Hồ Xuân Hương (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) nơi gia đình ông sinh sống trước đó, nhưng không còn nữa. Những năm ông đi công tác, Nhà nước lấy căn nhà đó cho cơ quan ngoại giao làm việc. Nhà nước đền bù cho gia đình ông một mảnh đất khác. Nhưng rồi đất để đó lâu ngày không sử dụng, giờ cũng bị người ta chiếm đoạt.
Hơn 30 năm qua, ông Tường sống trong tình cảnh không nhà cửa, không nơi nương tựa. Nhiều lần ông đã làm đơn kiến nghị gửi đến Bộ Văn hóa Thông tin để đòi quyền lợi chính đáng của mình, nhưng đều không thành. Ông Tường cho biết: "Tôi đã gửi đơn kêu cứu tới 3 đời Bộ trưởng Văn hóa Thông tin trước đây là ông Nguyễn Văn Hiếu, Trần Văn Phác và Trần Hoàn. Họ đều muốn giúp đỡ, đòi sự công bằng cho tôi. Nhưng cuối cùng đều không được. Bởi phòng Tổ chức cán bộ Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin, Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Văn hóa Thông tin thống nhất với nhau rằng, việc tôi đi công tác trong miền Nam là do tự ý. Vì thế tôi bị kỷ luật. Trong khi đó tôi mất hết giấy tờ, lấy gì để đối chứng".
 
Chiếc xe máy là tài sản duy nhất của ông. 

Sống lang thang, chữa bệnh hiểm nghèo
Từ ngày ông Tường không còn nơi nương tựa, ông phải đi ở nhờ nhà anh em bạn bè. Tài sản duy nhất cuối đời của ông giờ còn lại chiếc xe Honda cup 70 do người bạn tặng. Ông Tường bảo, ông đã trải qua quá nhiều nỗi oan khuất, bất hạnh của cuộc đời. Đi kiện cáo nhiều cũng không được, nên giờ ông đành phó mặc cho số phận.
Ông Tường cho biết, ông là đệ tử chân truyền của danh y Nguyễn Thị Quy (bà ngoại của ông Tường) nổi tiếng có bài thuốc chữa bệnh hiểm nghèo từ thời Pháp thuộc. Năm 1890, thực dân Pháp đã cử bà sang Tòa công sứ Pháp tại Thượng Hải (Trung Quốc) để chữa bệnh và truyền đạt những kiến thức về y học cho người Tàu. Từ nhỏ, ông Tường đã được bà dạy các bài thuốc gia truyền, mỗi khi đi lên rừng hái thuốc bà lại cho ông Tường đi theo, hướng dẫn cách tìm các cây thuốc. Giờ đây ông Tường hành nghề chữa bệnh cho mọi người.
Hiếm có một thầy thuốc nào chữa bệnh như ông, không nhà ở, không nơi sinh sống cố định. Ai biết đến, thực lòng muốn nhờ thì ông chữa, ông chưa bao giờ đòi hỏi tiền thù lao. Thế nhưng, nhiều bệnh nhân từng bị nan y, đã được ông chữa khỏi.
Ông Tường kể, trong số những bệnh nhân đến nhờ ông chữa bệnh, ông nhớ nhất là ông Trần Nguyên Hùng (phố chợ Gạo, TP Hà Nội). Khi đó ông Hùng đi bệnh viện khám, các bác sĩ chẩn đoán bị ung thư phổi giai đoạn cuối, họ nói nếu phẫu thuật cơ hội còn sống sót cũng rất nhỏ. Vì thế, người nhà đã đưa ông Hùng về nhà, tìm nhờ ông Tường chữa. Biết đó là bệnh nan y, ông Tường cũng chỉ hứa với gia đình ông Hùng sẽ cố gắng hết sức chữa. 
"Tôi vận dụng những bài thuốc Đông y gia truyền của gia đình để chữa. Hằng tháng trời tôi lang thang trên núi, đi tìm các vị thuốc, kết hợp với nhau lại về cho ông Hùng uống. Tôi cho ông Hùng uống thuốc hết tháng thứ 3, đi siêu âm lại, khối u trong phổi của ông Hùng thu nhỏ và teo dần. Giờ ông Hùng đã khỏi bệnh và khoẻ mạnh bình thường", ông Tường kể.

Ông Tường mong ước sẽ quy hoạch được một nơi trồng cây thuốc Nam để chữa bệnh cho người nghèo. Mấy năm trước ông đi các tỉnh miền núi phía Bắc để tìm nơi trồng thuốc. Ông đã tìm được một khu đất trên tỉnh Hà Giang, vay mượn tiền của bạn bè để đầu tư trồng thuốc. Nhưng cuối cùng dự án phá sản vì quá nhiều "yêu sách" về mặt hành chính. Hiện ông Tường vẫn sống lang thang, hai người con của ông đã trưởng thành, gia đình ổn định. Nhưng ông không muốn nhờ vả các con.
(Theo Kienthuc.net.vn) Đức Lợi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét