13:03
Thịt hư rửa SO2: độc
gấp đôi
SGTT.VN
- Truyền thông trong nước từng nhiều lần phản ánh tình trạng phù phép thịt,
nội tạng động vật ôi, thối thành thịt tươi. Gần đây, chất dùng xử lý bề mặt
rau củ quả, đặc biệt là thịt nhằm chống vi khuẩn xâm nhập, tẩy trắng, kéo dài
thời gian bảo quản đã được vạch trần: SO2 (sunfur dioxide). Các chuyên gia
công nghệ thực phẩm khẳng định khi thịt đã ôi, thiu, nếu “làm mới” bằng SO2
thì độ nguy hiểm tăng lên gấp nhiều lần!
Dùng chất sát khuẩn
“rửa” thịt hư
Tình
trạng mua nhầm, ăn nhầm thịt, lòng động vật không đảm bảo chất lượng đã được
các thành viên cộng đồng mạng chia sẻ trên nhiều diễn đàn. Đặc biệt, khi
những thông tin như biến thịt thối thành thịt tươi, thịt bẩn ùn ùn vào
TP.HCM… được cơ quan chức năng cung cấp cho báo chí, đã được các diễn đàn này
đăng tải lại tạo ra không khí xôn xao, lo lắng của những người làm nội trợ.
Đơn cử như sự việc mới đây cơ quan chức năng phát hiện 500kg thịt heo xuất
huyết, biến chất và hôi thối được chế biến tại một cơ sở ở Bình Chánh. Để
“làm mới” thịt thối, cơ sở này dùng SO2 pha với nước rồi ngâm thịt, mười
phút sau, số thịt tái xanh, bốc mùi đã chuyển sang màu đỏ tươi trông như thịt
heo vừa mổ! Số thịt này sẽ được chế biến hoặc cung cấp cho các quán cơm, cơ
sở chế biến suất ăn công nghiệp với giá chỉ bằng một nửa giá thị trường. Trước
đó không lâu, một cơ sở ở phường An Lạc, quận Bình Tân cũng bị phát hiện một
số lượng lớn nội tạng heo đã bốc mùi, đang chuẩn bị được tẩy thối bằng hoá
chất… Ngoài ra, còn rất nhiều vụ việc tương tự được phát hiện, thậm chí thịt
hư sau khi tẩm ướp hoá chất còn được rao là... thịt rừng hay thịt đà điểu mà
chất dùng để tẩm, rửa cũng chính là SO2.
GS.TSKH
Nguyễn Trọng Cẩn, khoa công nghệ thực phẩm, đại học Kỹ thuật công nghệ TP.HCM
cho biết: SO2 được dùng làm chất sát khuẩn chống men, mốc và vi khuẩn trong
môi trường hay tẩy mẫu trong công nghiệp sản xuất đường, giấy và bột giấy. Là
chất khử mạnh nên SO2 hạn chế các quá trình oxy hoá trong hoa quả. Trong công
nghiệp thực phẩm, SO2 được dùng để bảo quản các loại mứt quả, tương cà
chua, hoa quả sấy khô, ức chế sự biến nâu đen của hoa quả. Nó còn được sử
dụng để điều chỉnh quá trình lên men trong sản xuất rượu vang... Chia sẻ thêm
về chất hoá học này, TS Lê Quang Trí, trưởng phòng thí nghiệm công nghệ sinh học,
khoa công nghệ thực phẩm, đại học Công nghệ Sài Gòn, cho biết SO2 có một số
đặc tính có ích nhưng hàm lượng sử dụng phải tuân theo quy định, đảm bảo dư
lượng trong phạm vi cho phép, nhằm không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người sử
dụng. Tuỳ loại thực phẩm và tuỳ vào quy định của mỗi quốc gia mà hàm lượng
này sẽ khác nhau.
Nguy hại khó lường
Theo
các chuyên gia công nghệ thực phẩm, việc che mùi hôi thối, biến thịt ôi,
thiu, thành thịt tươi bằng các loại hoá chất không rõ nguồn gốc, không đúng
với chức năng và liều lượng, sẽ tăng độ độc hại lên nhiều lần. GS Cẩn cho
biết: “Liều lượng sử dụng với người ở điều kiện không hạn chế là 0,1 –
0,35mg/kg thể trọng, có điều kiện là 0,36 – 1,50 mg/kg thể trọng. SO2 không
được sử dụng trong bảo quản các loại thịt. Nếu nhúng thịt thiu, thối vào
dung dịch này một thời gian ngắn lấy ra để ráo nước, lúc đó thịt sẽ mất mùi
hôi thối và có màu hồng đẹp như thịt tươi, đây là thủ thuật đánh lừa thị giác
khách hàng chứ thịt đã thối, hư hỏng thì không thể khôi phục tươi lại được.
Và như vậy SO2 sẽ đọng lại trên thịt, nếu người ăn phải thì rất nguy hiểm”.
Còn
theo TS Trí, sử dụng SO2 xử lý thịt ôi, thiu để tái sử dụng thịt hoặc ngâm
rau củ quả là một việc rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng
vì ba lý do: thịt, nội tạng đã bị giảm chất lượng do vi sinh vật phân huỷ
protein, có thể tạo một số độc chất; hàm lượng SO2 hoặc các muối phải được sử
dụng rất lớn để khử mùi, do đó dư lượng này rất cao; nguồn hoá chất không rõ
ràng, không đảm bảo độ tinh khiết, có thể là hoá chất công nghiệp nhiễm các
thành phần độc hại khác.
Nhận
biết hay phát hiện hoá chất này còn rất khó khăn, chỉ ở trong phòng thí
nghiệm mới phân tích được. Thực tế về cảm quan không thể phát hiện được trừ
khi nồng độ của SO2 hơn 10mg/m3 thì ngửi thấy mùi. “Người tiêu dùng nên thận
trọng trong việc chọn mua các sản phẩm thực phẩm có dấu hiệu bất thường (cấu
trúc, màu sắc, mùi). Nếu nghi ngờ, nên ngâm rửa bằng nước nhiều lần, khi chế
biến nên nấu kỹ để hạn chế ngộ độc thực phẩm và phòng bệnh”, TS Trí khuyên.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét