Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

08:11

Đằng sau thương vụ mua đi bán lại bệnh viện Hoàn Mỹ
SGTT.VN - Ngày 12.6, tập đoàn Fortis Heathcare (Ấn Độ), đã ra thông cáo báo chí chính thức nhượng lại 65% cổ phần của công ty cổ phần y khoa Fortis Hoàn Mỹ cho Richard Chandler, tập đoàn đầu tư New Zealand có trụ sở tại Singapore.

 
Richard Chandler đã trở thành nhà đầu tư chiến lược của tập đoàn Hoàn Mỹ, liệu họ có đầu tư thật sự vào y tế Việt Nam hay chỉ là tiếp nối câu chuyện mua đi bán lại kiếm lợi. Câu trả lời còn ở phía trước. Ảnh: Thanh Hảo

Sáp nhập hay mua đi bán lại là chuyện bình thường trong lĩnh vực đầu tư. Thế nhưng câu chuyện của Fortis Healthcare lại gây ồn ào vì sự ra đi quá chóng vánh của tập đoàn nước ngoài này.
Không hấp dẫn!
Thật vậy, cuối năm 2011 sự kiện Fortis Healthcare mua lại 65% cổ phần của Hoàn Mỹ với giá 64 triệu USD đã gây ít nhiều chú ý, vì Hoàn Mỹ là một tập đoàn y tế tư nhân lớn nhất Việt Nam. Càng chú ý hơn nữa khi nhiều người kỳ vọng với tiềm lực kinh tế mạnh và kinh nghiệm đầu tư của một tập đoàn y tế lớn nhất Ấn Độ, Fortis sẽ thổi luồng sinh khí mới cho thị trường chăm sóc sức khoẻ Việt Nam, mang lại ít nhiều cơ hội phát triển cho nền y tế nước nhà. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Fortis phải chia tay dù thương vụ đầu tư này giúp họ lãi 16 triệu USD (Richard Chandler mua lại 80 triệu USD).
Hai năm lãi 16 triệu USD, số tiền lãi có thể lớn với nhiều nhà đầu tư, nhưng đối với tầm cỡ của Fortis Healthcare, dường như nó chẳng là gì, đặc biệt trong bối cảnh tập đoàn này đối mặt với một số vấn đề tài chính. Thật vậy, cùng với việc rút khỏi Việt Nam, vừa qua Fortis Healthcare cũng đang thoái vốn ở nhiều thị trường khác để thu về 400 triệu USD nhằm tập trung vào bốn thị trường chính: Singapore, Mauritius, Sri Lanka và Dubai. Câu hỏi đặt ra ở đây: Phải chăng so với những quốc gia khác, thị trường chăm sóc sức khoẻ Việt Nam không hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài? Trả lời một tờ báo trong nước, một chuyên gia tài chính giấu tên cho biết, thật ra khi vào Việt Nam Fortis cũng muốn trở thành nhà đầu tư lâu dài, thế nhưng với thời gian tập đoàn này nhận ra mọi chuyện không diễn ra như họ mong đợi, vì thế họ quyết định ngưng lại.
Trở ngại
Tuy nhiên, nhìn sự kiện Fortis rút khỏi Việt Nam, một chuyên gia hiểu biết về thị trường sức khoẻ Việt Nam (giấu tên) chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị: “Câu chuyện ở đây là nhà đầu tư nước ngoài có thực lòng muốn làm ăn lâu dài ở Việt Nam hay không, hay họ chỉ diễn vở kịch tạo ra những giá trị ảo để mua đi bán lại kiếm lợi”. BS Phan Thanh Hải, chủ tịch hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM, băn khoăn: “Trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay, đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ rất khó khăn. Làm phòng khám quy mô nhỏ may ra còn có lợi, chứ làm bệnh viện thì nguy cơ thua lỗ rất lớn”.
Theo BS Hải, khó khăn lớn nhất với nhà đầu tư nước ngoài hay tư nhân vào thị trường chăm sóc sức khoẻ là không tìm ra được nguồn nhân lực chất lượng cao. Thật vậy, báo cáo tổng quan chung ngành y tế do bộ Y tế và các đối tác phát triển y tế thực hiện vào năm 2011, cho thấy chất lượng đào tạo nhân lực ngành y nước ta còn nhiều hạn chế do các trường đào tạo chưa đi theo những xu hướng mới về giáo dục y khoa; thiếu tài liệu, vật liệu giảng dạy; giảng viên thiếu và không được đào tạo thường xuyên. Do thực trạng trên, nên bác sĩ ra trường hàng năm tuy nhiều, nhưng số bác sĩ giỏi lại rất ít, khó được các bệnh viện tư nhân tuyển dụng. Không tìm được nhân lực giỏi, phần lớn bệnh viện tư nhân phải “chèo kéo” bác sĩ giỏi từ khu vực công lập, tạo ra những quan hệ khó kiểm soát và có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.
ThS. BS Trương Vĩnh Long, giám đốc bệnh viện đa khoa Fortis Hoàn Mỹ Sài Gòn, nói: “Bác sĩ giỏi Việt Nam đếm trên đầu ngón tay, nếu không tìm được nhân lực giỏi, bệnh viện tư nhân ở Việt Nam khó thu hút được bệnh nhân”. “Vậy giải pháp đưa bác sĩ giỏi nước ngoài vào Việt Nam thì sao?”, chúng tôi đặt câu hỏi. Theo BS Long, điều này rất tốn kém và còn bị ràng buộc bởi quy định của luật Khám chữa bệnh. Theo đó bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam thì phải biết tiếng Việt thành thạo; trường hợp không biết tiếng Việt thành thạo thì phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch. BS Long nói: “Ai xác nhận người nước ngoài nói được tiếng Việt thành thạo? Trường hợp không nói được tiếng Việt dĩ nhiên phải có phiên dịch, nhưng tìm người phiên dịch y khoa thời nay đâu dễ. Nếu có khả năng này, người ta làm chuyện khác thu nhập cao hơn”.
Cần thông thoáng
Tiếp xúc với người viết, gần như tất cả những người quản lý các bệnh viện tư nhân hiện nay đều băn khoăn chuyện nhân sự chất lượng cao. BS Nguyễn Hữu Tùng, người sáng lập tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ, cho biết dù có chính sách, quy định nhưng việc hợp tác y tế công tư hiện nay khó xảy ra. Ông nói: “Nhiều bác sĩ giỏi làm việc ở bệnh viện công chưa hết công suất, nhưng khi đặt vấn đề hợp tác và tận dụng đội ngũ này, lãnh đạo của họ thường từ chối chúng tôi”.
BS Trương Vĩnh Long chia sẻ, cách đây 30 năm Malaysia cũng trải qua giai đoạn như y tế Việt Nam hiện nay. Nhưng từ khi chính phủ tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài vào, giờ đây nền y tế nước này đã cất cánh, qua mặt cả Thái Lan, thu hút lượng ngoại tệ rất lớn từ dịch vụ y tế du lịch. Ông Long nhìn từ một góc cạnh khác, nếu có đầu tư mạnh mẽ từ nước ngoài, bệnh viện mới xây dựng được những chuẩn quốc tế về chất lượng bệnh viện như JCI (Joint Commission International), từ đó mới liên kết đưa bệnh nhân từ nước ngoài sang điều trị. Nếu y tế tư nhân phát triển, y tế công lập sẽ bị cạnh tranh, từ đó nền y tế mới phát triển và mang lại lợi ích cho bệnh nhân.
Thế nhưng, điều đó chỉ xảy ra khi những nhà quản lý y tế tạo điều kiện cho cạnh tranh công bằng giữa y tế công lập và y tế tư nhân, đặc biệt là có chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao. Chứ như trong hoàn cảnh hiện nay, theo BS Phan Thanh Hải thì “vô vọng”!
Đúng là vô vọng vì trung tâm y khoa Medic không ít lần muốn hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao với nước ngoài, thế nhưng những ước muốn này lần lượt không thành vì những rào cản của quy định, chính sách. Tương tự, dự án xây dựng trường y khoa tư nhân mà BS Nguyễn Hữu Tùng ấp ủ nhiều năm nay, với mục đích đào tạo nguồn bác sĩ chất lượng cao, cũng khó thành vì thiếu sự tiếp sức từ những nhà quản lý.
(Theo SGTT) Phan Sơn
Miếng ngon chưa đến phần Việt Nam
Trong khi các nước chung quanh như Singapore, Malaysia, Thái Lan đang phát triển du lịch y tế tạo nên nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước, thì nước ta vẫn chưa có chiến lược nào để tham gia thị trường này dù những nhà quản lý luôn tự hào “bác sĩ Việt Nam không thua gì bác sĩ nước ngoài”. Tại TP.HCM, trung tâm y tế mạnh nhất nước, nhiều năm trước sở Y tế thành phố cũng đặt vấn đề du lịch y tế, theo đó biến bệnh viện đa khoa Sài Gòn thành cơ sở y tế tầm cỡ để thu hút khách du lịch nước ngoài sang chữa bệnh. Thế nhưng ý tưởng này là mơ mộng vì hiện nay bệnh viện đa khoa Sài Gòn vẫn là một cơ sở y tế nhếch nhác, xấu xí giữa lòng trung tâm thành phố. Tuần qua, thêm một thành phố Hàn Quốc đã có mặt tại TP.HCM đặt vấn đề liên kết đưa bệnh nhân Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh. Nước nghèo, nhưng ngoại tệ cứ chảy ra bên ngoài.
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét