06:56
Những “con ma” lãng phí khổng
lồ
Hàng loạt con tàu trọng tải lớn, trị giá từ vài
trăm tỉ đến cả nghìn tỉ bị chủ tàu bỏ rơi, trở thành những con tàu “ma” khổng
lồ dập dềnh trên các vùng biển từ bắc vào nam. Thậm chí, một số tàu còn bị
chủ hàng siết nợ, giữ làm tin tại các vùng biển nước ngoài.
Vung tiền mua tàu quá đát
Trong cơn say mua sắm tàu những năm vận tải biển còn cực thịnh
2006, 2007, nhiều chủ đầu tư “nhắm mắt” mua những con tàu tiếng là siêu
trường, siêu trọng, nhưng đều đã có tuổi đời xấp xỉ 30, công nghệ cũ, lạc
hậu, thậm chí không đủ điều kiện đăng ký tại VN.
Điển hình như tàu Green Sea, đang neo tại vùng Hòn Nét 21, Cẩm
Phả (Quảng Ninh), trọng tải 76.000 tấn thuộc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy
Vinashin. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tàu
Cùng cảnh ngộ với tàu Green Sea, tàu Speedy Falcon, thuộc Công ty
CP vận tải dầu khí VN, hiện cũng đang trong tình trạng “chết lâm sàng” trên
vùng biển Hòn Miều, Hạ Long. Speedy Falcon trọng tải hơn 64.000 tấn, tuổi đời
trên 32 năm nên cũng không thể đăng kiểm tại VN.
Ông Hoàng Song Tùng, Trưởng phòng Pháp chế Cảng vụ hàng hải Quảng
Ninh, cho biết hai con tàu trên đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng
và không đảm bảo các quy định về an toàn hàng hải do neo đậu lâu ngày không
hoạt động.
Tại Hải Phòng, tàu New Sun (thuộc Công ty TNHH một thành viên vận
tải viễn dương Vinashin - Vinashinlines) trọng tải 12.600 tấn, dài 136 m cũng
đang nằm ở khu vực Bến Gót, huyện đảo Cát Hải hơn 6 tháng nay. Sau bão số 8,
tàu bị trôi dạt cách đèn biển Ba Lăng nửa hải lý. Theo một lãnh đạo Cảng vụ
Hải Phòng, cảng vụ đã có công văn gửi chủ tàu yêu cầu đưa tàu vào khu vực neo
an toàn và nhận được văn bản hứa đang có phương án đưa tàu vào sửa chữa.
Tàu “hiện đại nhất” thành kho chứa dầu
Không chỉ những tàu cũ, số phận con tàu hiện đại trọng tải
104.000 tấn từng được xưng tụng là lớn nhất, hiện đại nhất, lần đầu tiên được
chế tạo đóng mới tại VN cũng bi đát không kém. Năm 2006, Tổng công ty công
nghiệp tàu thủy Dung Quất - DQS (Vinashin) đóng mới tàu PVT
MERCURY dựa trên thiết kế của Ba Lan, trọng tải 105.000 tấn, tổng
vốn đầu tư khoảng 1.200 tỉ đồng, dự kiến hạ thủy giữa năm 2009. Nhưng tới
tháng 8.2010 khi DQS được chuyển giao về cho Tập đoàn dầu khí VN (PVN), tàu
vẫn chưa đóng xong. Tới tháng 6.2012, tàu được bàn giao cho Tổng công ty CP
vận tải dầu khí (PV Trans), nhưng do thiết kế cũ, chưa đảm bảo an toàn vận
hành, không đạt chuẩn quốc tế nên sau khi bàn giao, chạy thử, PV Trans đã trả
lại, yêu cầu điều chỉnh, bổ sung với kinh phí dự toán khoảng 4 triệu USD.
Một con tàu chở dầu khác trọng tải 105.000 tấn đang thi công dở
dang tại DQS (vốn đầu tư ban đầu khoảng 63 triệu USD) do Công ty tư vấn hàng
hải Hàn Quốc (KOMAC) thiết kế cũng hẩm hiu không kém. Được Vinashin bàn giao
lại, PVN đã quyết định biến con tàu này thành kho chứa dầu nổi cho việc trữ
dầu tại mỏ Đại Hùng, với kinh phí chi thêm để điều chỉnh 20 hạng mục khoảng
20 triệu USD.
Bó tay nhìn tàu nằm chết
Thống kê của Cục Hàng hải VN cho thấy, cả nước hiện có 43 phương
tiện neo đậu lâu ngày tại nhiều cảng biển. Trong đó, Công ty Vinashinlines
(đã chuyển giao từ Tập đoàn Vinashin sang Tổng công ty hàng hải VN -
Vinalines quản lý theo chủ trương tái cơ cấu) có tới 5 tàu là Green Sea, Sông
Gianh HB 18 (neo từ tháng 4.2011 tại Đà Nẵng), New Sun, Lash Sông Gianh (neo
từ 13.12.2008 tại TP.HCM), New Energy. Hầu hết các cảng biển lớn đều có “tàu
ma”, như TP.HCM có 14 tàu neo đậu lâu ngày; Nha Trang có 11 tàu - ụ nổi, cá
biệt như ụ nổi Venture dock 2 neo từ 9.8.2008; Quảng Ninh, Hải Phòng, Vũng Tàu
mỗi nơi có vài chiếc.
Theo lãnh đạo Cục Hàng hải VN, nguyên nhân dẫn đến tình trạng
trên do những năm trước ngành đóng tàu phát triển quá nóng, cung vượt cầu
nhưng gặp suy thoái kinh tế, không có hàng để chở, lãi suất ngân hàng cao,
nhiều chủ tàu rơi vào cảnh chết lâm
sàng.
Ông Tạ Quang Việt, Phó giám đốc Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, cho
biết dù nằm trong bến neo nhưng do trọng tải lớn nên các tàu này chiếm rất
nhiều diện tích. Chưa kể, máy móc của tàu không vận hành được nên trong mùa giông
bão, các “tảng sắt nổi” khổng lồ này sẽ là mối nguy đối với an toàn hàng hải,
nhất là khi chúng bị đứt neo. Tuy nhiên, cảng vụ vẫn bế tắc, không có giải
pháp nào hữu hiệu để xử lý.
Ông Việt cho biết, mới đây nhất vào tháng 10 đã có một cuộc họp
do Cục Hàng hải chủ trì với đại diện chủ tàu, tính đến phương án xử lý bằng
cách phát mãi tàu, nhưng do vướng nhiều quy định, ràng buộc, chưa kể chủ tàu
đã đem tàu làm tài sản thế chấp ngân hàng nên việc phát mãi gặp rất nhiều khó
khăn. “Hiện giờ, chúng tôi đành bó tay nhìn tàu nằm chết gí trong vùng quản
lý của cảng vụ mà không có cách nào xử lý”, ông Việt cho hay.
Theo Thanh Niên (Tựa đề do Thương Giang đặt)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét