Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012


20:11
Các “con cưng” của Nhà nước:
Lỗ, nhưng lương vẫn “khủng”

Câu chuyện Petrolimex kinh doanh thua lỗ nhưng lại trả lương cho đội ngũ cán bộ quản lý cao ngất ngưởng đã gây bức xúc trong dư luận. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, không có cơ chế công bằng khi trả lương ở đây.

 Lỗ nhưng vẫn nhận lương 58 triệu/tháng

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng, việc kiểm toán Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam năm 2011 đã hoàn tất, kết quả kinh doanh xăng dầu của Petrolimex năm 2011 lỗ 1.423 tỷ đồng. Riêng kinh doanh xăng lỗ 1.814 tỷ đồng, dầu lỗ 789 tỷ. Tính lãi các công ty cổ phần bù trừ 935 tỷ đồng, hợp nhất lại lỗ 1.423 tỷ đồng. Dù lỗ như vậy nhưng lương của cán bộ Tập đoàn này rất cao. Lương bình quân cán bộ nhân viên Petrolimex năm 2011 bình quân trên 6 triệu đồng/tháng, lương Chủ tịch Tập đoàn là 58 triệu đồng/tháng, ủy viên hội đồng quản trị từ 40-42 triệu. 

Viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn Đặng Quang Điều cho biết, ông là người đã từng có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề tiền lương của khu vực doanh nghiệp (DN), nhưng ông thực sự bất ngờ khi nghe thông tin phản ánh mức cao ngất ngưởng của Petrolimex. Theo ông Điều, việc trả lương cho các tập đoàn, TCT Nhà nước... hoặc các đơn vị thuộc sự quản lý của Nhà nước thì phải thực hiện cơ chế tiền lương do Nhà nước quy định. Cụ thể, phải thực hiện thang bảng lương của Nghị định 205 về thang bảng lương của DNNN chứ không thể trả lương một cách tùy tiện.

Vẫn theo ông Điều, nếu chiểu theo các quy định này thì các thành viên HĐQT, TGĐ sẽ hưởng lương theo quy định và mức cao nhất cho Chủ tịch hội đồng thành viên với hệ số lương cao nhất là 8,5, còn mức lương thấp nhất đối với giám đốc các DNNN loại 3 là 4,99. Theo đó, nếu các đơn vị này nộp ngân sách Nhà nước đúng theo quy định (hoàn thành nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước) và hoàn thành nhiệm vụ năm kế hoạch so với các năm trước thì DN được áp dụng mức lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động cũng như người quản lý. Nếu tính toán như vậy, mức lương cao nhất được nhân với 2 triệu tức là 8,5x2.000.000 = 17.000.000đồng là mức cao nhất. Còn đối với giám đốc DNNN loại 3 thì chỉ được nhận khoảng 10 triệu đồng/tháng. Còn trong trường hợp DNNN làm ăn thua lỗ, hoặc lợi nhuận năm nay thấp hơn năm trước, mà không làm đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước thì chỉ được áp dụng mức lương tối thiểu chung (1.050.000đ) để tính toán tiền lương và trả lương cho lãnh đạo quản lý trong DN và trong trường hợp này mức lương cao nhất của Chủ tịch HĐQT chỉ là 9 triệu đồng.

Lỗ đã có Nhà nước chịu

Bình luận về câu chuyện trả lương của Petrolimex, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, không có sự công bằng trong cơ chế trả lương ở đây. Vấn đề lương của tất cả các DN kể cả DNNN phải được vận hành theo cơ chế thị trường phải gắn với kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Khi DN thua lỗ không thể nhận một mức lương quá khủng như vậy mà phải được tính toán lại một cách hợp lý, hài hòa. Không thể có chuyện lãnh đạo Tập đoàn nhận lương cao ngất ngưởng để rồi lỗ Nhà nước chịu. Theo ông Thang Văn Phúc rõ ràng chính sách lương của chúng ta vẫn còn nhiều kẽ hở, tạo ra sự mất công bằng. Ông Phúc đề nghị chính sách trả lương tại các Tập đoàn, TCT nhà nước cần phải được điều chỉnh ngay lập tức, tránh những bất cập phát sinh.

Về vấn đề này. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng cho rằng: Trong điều kiện nền kinh tế hiện nay, sản xuất kinh doanh (SXKD) đang gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp. Nhưng vẫn tồn tại một thực tế đó là, tiền lương của khối DN SXKD tăng cao hơn so với khối hành chính sự nghiệp và trong DN thì lương của khối quản lý cao hơn nhiều so với khối lao động trực tiếp. Theo ông Tuấn, tiền lương và thu nhập của người quản lý DN nên gắn với hiệu quả SXKD. Trường hợp DN làm ăn không có hiệu quả thì chỉ được hưởng mức lương đúng theo quy định hiện hành. Nếu tình hình SXKD quá  khó khăn, hiệu quả thấp, các nhà lãnh đạo DN một mặt cần suy xét, tính toán để giảm chi phí, tổ chức lại SX. Mặt khác cần tự ý thức để điều chỉnh tiền lương và thu nhập của khối quản lý. Đồng thời, các DN cần có điều chỉnh lại việc phân phối tiền lương và thu nhập giữa khối quản lý gián tiếp với khối lao động trực tiếp để không có chênh lệch quá lớn. 

Về giải pháp tạo ra cơ chế trả lương công bằng, hợp lý, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng, cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý tiền lương đối với DNNN theo hướng tiếp tục thực hiện tiền lương theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước, gắn tiền lương với năng xuất lao động và hiệu quả SXKD. Đặc biệt cần tăng cường vai trò của chủ sở hữu và các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện giám sát, kiểm tra chi trả lương của DN.
Nguyên Khánh
(Theo Đại đoàn kết, tựa của Thương Giang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét