Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012


19:37

Nợ của Việt Nam hiện như thế nào?


Hoàn thành ngày 30/10, báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội...


Theo định hướng của Chính phủ, nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đến năm 2015 không quá 65% GDP.

Nhu cầu đầu tư tăng, GDP không đạt kế hoạch, xu hướng gia tăng về nợ công, nợ Chính phủ trong năm 2012 và các năm tiếp theo vẫn tiếp tục.

Hoàn thành ngày 30/10, báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Năm nào Chính phủ cũng báo cáo Quốc hội, song báo cáo năm nay chi tiết hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận xét.

55 dự án có nợ quá hạn

Về kết quả huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ của Chính phủ, báo cáo cho biết, tổng số vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài tính đến cuối năm 2011 đạt 71,7 tỷ USD, trong đó số vốn đã được ký kết (thông qua các hiệp định vay/thoả thuận viện trợ không hoàn lại) là 54,1 tỷ USD. Vốn ODA đã được giải ngân cho các chương trình, dự án là 33,41 tỷ USD.

Phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước năm 2010 được 68.292 tỷ đồng, năm 2011 đạt 80.447 tỷ đồng và và dự kiến năm 2012 là 120.000 tỷ đồng.

Vẫn tính đến thời điểm 31/12/2011, tổng số vốn cam kết vay thương mại nước ngoài là 4,08 tỷ USD, tổng số vốn đã rút là 3,06 tỷ USD, dư nợ là 2,9 tỷ USD.

68% dư nợ vốn vay nước ngoài của Chính phủ được đưa vào cân đối ngân sách, 32% cho vay lại các dự án đầu tư có khả năng thu hồi vốn, báo cáo phân tích.
Theo định hướng của Chính phủ, nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đến năm 2015 không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Cũng tính đến ngày cuối cùng của năm trước, tổng trị giá vay nước ngoài của Chính phủ đã giải ngân để cho vay lại tương đương 12,6 tỉ USD. Dư nợ các dự án cho vay lại của Chính phủ tương đương 10,3 tỉ USD, bằng 8,5% GDP, tập trung vào điện, dầu khí, công nghiệp tàu thủy, cấp nước, nông nghiệp, đường cao tốc, hàng không, cảng biển, công nghiệp, xi măng, phát triển hạ tầng đô thị…

Theo đánh giá của Chính phủ, các dự án này hoạt động có hiệu quả, việc trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Tuy nhiên, trong số 580 dự án cho vay lại, số dự án có nợ quá hạn đến 31/12/2011 là 55 dự án, với số dư nợ gốc quá hạn chiếm 0,7% tổng dư nợ cho vay lại.

Không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, chỉ tiêu về trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước trong 10 năm qua luôn nằm trong giới hạn an toàn (dưới 20% tổng thu ngân sách nhà nước), báo cáo nêu rõ.

Chính phủ cũng cho biết, đến 31/12/2011, có 91 dự án đã được cấp bảo lãnh vay nước ngoài với tổng trị giá vốn cam kết là 10,468 tỷ USD, trong đó có 20 dự án đã hoàn trả hết nợ.

Còn số dự án vay trong nước của các doanh nghiệp được cấp bảo lãnh đến 31/12/2011 là 16, với tổng số vốn cam kết là tương đương 3,21 tỷ USD (có 8 dự án đã trả hết nợ). Tổng số đã giải ngân đến hết năm trước là 2,24 tỷ USD và dư nợ gốc là 1,45 tỷ USD.

Đáng quan ngại ở lĩnh vực này là có 5/16 dự án xi măng và 2/4 dự án ngành giấy... gặp khó khăn trong việc trả nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, bộ, ngành chủ quản để thực hiện tái cơ cấu tài chính các dự án này.

Nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP

Vẫn lấy thời điểm đến ngày 31/12/2011, Chính phủ cho biết tổng số dư nợ công bằng 55,4% GDP, giảm 1,9% so với năm 2010. Trong đó, các khoản nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm 78% và bằng 43,1% GDP. Nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm khoảng 21% và bằng 11,7% GDP. Nợ chính quyền địa phương chiếm khoảng 1,0% và bằng 0,5% GDP.

Về cơ cấu các chủ nợ, các nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ trong nước chiếm 28%. Còn trong số các chủ nợ nước ngoài thì Nhật Bản vẫn là chủ nợ lớn nhất, chiếm 17%, Ngân hàng Thế giới chiếm 13%, Ngân hàng Phát triển Châu Á chiếm 8% và còn lại từ các chủ nợ khác.

Cùng với xu hướng gia tăng về nợ công, nợ Chính phủ trong năm 2012 và các năm tiếp theo vẫn tiếp tục thì chi phí vay nợ cũng có xu hướng gia tăng, theo phân tích tại báo cáo.
Tình hình vay nợ, tính đến 31/12/2011:
Tổng số vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài là 71,7 tỷ USD
Tổng số vốn cam kết vay thương mại nước ngoài là 4,08 tỷ USD
Dư nợ các dự án cho vay lại của Chính phủ tương đương 10,3 tỉ USD, bằng 8,5% GDP
Trong số 580 dự án cho vay lại, số dự án có nợ quá hạn là 55 dự án
Tổng số dư nợ công bằng 55,4% GDP, giảm 1,9% so với năm 2010
Nguồn: Báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công

Theo định hướng của Chính phủ, nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đến năm 2015 không quá 65% GDP, trong đó dư nợ chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ.

Bên cạnh đó, đảm bảo chỉ tiêu tỷ lệ dự trữ ngoại hối nhà nước so với tổng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hàng năm trên 200%.

Chính phủ cũng cho biết sẽ chỉ xem xét cấp bảo lãnh vay trong nước đối với các dự án cấp bách, công trình trọng điểm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh vay trong nước.

Trước mắt chưa xem xét bảo lãnh phát hành trái phiếu quốc tế. Các doanh nghiệp hoặc ngân hàng thương mại nếu có nhu cầu thì chủ động phát hành trái phiếu quốc tế không có bảo lãnh chính phủ.

Sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế, Chính phủ khẳng định.
(Theo VnEconomy) NGUYÊN HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét