10:41
Đừng nói không có
cơ chế, hãy nói làm hay không
Phát biểu tại hội trường sáng 31/10,
bên cạnh những ý kiến phân tích câu chuyện nợ xấu, tình hình khó khăn ở địa
phương, nhiều ĐBQH đã mổ xẻ bất cập trong điều hành, quản lý của Chính phủ.
Yếu ở đâu, kém chỗ nào?
Theo ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), việc Thủ tướng nhận lỗi trước Quốc hội về những thiếu sót, khuyết điểm đã nói lên sự yếu kém của quản lý nhà nước. Nhưng trong báo cáo của Chính phủ không có phần nào phân tích sâu sự yếu kém trong quản lý nhà nước, không chỉ ra được yếu ở đâu, kém ở chỗ nào, lĩnh vực nào. Mục tiêu giải pháp cũng chỉ nêu là tăng cường quản lý nhà nước. Ông Cương khẳng định, quản lý nhà nước còn yếu và bộ máy nhà nước có vấn đề.
“Cơ quan nào cũng có chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định rất đầy đủ, nhưng sai phạm, tổn thất thì cứ xảy ra và hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn mà không một bộ nào chịu trách nhiệm. Liệu có nên gọi đó là sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước?”, ông Cương nêu câu hỏi.
Nguyên Chánh thanh tra Bộ Nội vụ nêu dẫn chứng về sự buông
lỏng trong quản lý thị trường. Tình trạng buôn lậu, hàng giả đang hủy hoại
nền kinh tế. Hệ thống thanh tra chuyên ngành, quản lý thị trường rất hùng hậu
nhưng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tràn lan. Mũ bảo hiểm dởm vẫn được
bán đầy đường.
“Đừng nói là không có quy định hay không có cơ chế xử phạt mà hãy nói là có làm hay không làm mà thôi”, ông Cương thẳng thắn. Ông Cương nêu ví dụ, ngay trong những ngày Quốc hội đang họp, trên đầy các mặt báo nạn "gà đầu trọc" nhập lậu từ Trung Quốc đang tràn lan trên thị trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo và chỉ trích một số cán bộ thú y tiếp tay cho buôn hàng lậu nhưng “lực lượng thanh tra chuyên ngành, quản lý thị trường và chính quyền các cấp ở đâu, trách nhiệm như thế nào”. Ông lấy làm tiếc vì sự yếu kém trong quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành đã không được nhìn nhận và đánh giá đúng mức trong báo cáo của Chính phủ. “Nếu tình trạng yếu kém trong quản lý nhà nước vẫn như hiện nay, bộ máy không có gì thay đổi, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ công chức không được tăng cường thì tổn thất vẫn xảy ra và có thể nghiêm trọng hơn, tình hình kinh tế - xã hội khó có thể được cải thiện”, ông Cương nói. Chống được lãng phí thì Chính phủ không phải lao tâm khổ tứ Lĩnh vực bất cập trong quản lý điều hành được ông Cương mổ xẻ sâu là chuyện lãng phí. Chia sẻ với ĐB Lê Như Tiến trong phát biểu hôm trước gọi lãng phí là “quốc nạn”, ông Cương cho rằng nếu chống được lãng phí thì Chính phủ không đến nỗi phải lao tâm khổ tứ để tìm thêm nguồn tăng lương và cuộc sống của người hưởng lương cũng đỡ khổ. Trước mắt, nên giảm bớt các cuộc hội họp. “Hội nghị ngành với hàng trăm người dự, chi phí cho mỗi người lên đến cả chục triệu, chủ yếu là đến nghe báo cáo, nghe vài tham luận, vài ý kiến là xong mà hiệu quả không đáng kể, hàng trăm triệu, đến cả tỷ đồng đã ra đi”, ông Cương cho hay. Ngân sách nhà nước còn tiêu xài lãng phí ngay cả trong các chương trình gửi cán bộ đi học nước ngoài. Ông Cương phân tích, có những chương trình dự án đào tạo sử dụng cả vốn vay của nước ngoài nhưng chỉ tổ chức đi tham quan vì thực chất chương trình học tập không có gì gọi là học cả. Thậm chí, có không ít người được cử đi nhưng học xong về nước thì đến tuổi nghỉ hưu, “thực chất là việc đi học ở nước ngoài đang bị lợi dụng và đã được đưa ra để làm chính sách". QH cũng nên xem lại Một số ĐBQH cũng đặt vấn đề trách nhiệm của QH khi để những yếu kém trên tồn tại kéo dài. Có ĐB cho rằng, nhiều yếu kém của nền kinh tế hiện nay đã từng được cảnh báo nhiều lần trên các diễn đàn QH nhưng rồi đâu vẫn vào đấy. Bài học này cả Chính phủ và QH đều phải rút kinh nghiệm.
Chẳng hạn, theo ĐB Nguyễn Thành Tâm
(Tây Ninh), nên xem lại cách thức QH xem xét, quyết định các mục tiêu, nhiệm
vụ hàng năm và các chỉ tiêu kinh tế cơ bản.
Thực tế, hàng năm Chính phủ trình mục tiêu tổng quát trên cơ sở đánh giá thực hiện kế hoạch của năm trước. Những năm gần đây, nhiều chỉ tiêu liên tục không đạt song không ai làm rõ trách nhiệm. “Có phải do các chỉ tiêu đưa ra thiếu căn cứ, không được phân tích thấu đáo, mang tính chủ quan, hay là không được dự báo, nắm bắt, đánh giá các nhân tố đóng góp vào trong mức tăng trưởng thiếu chính xác. Nên các chính sách, các giải pháp đưa ra không đúng hoặc chính sách chung thì đúng nhưng quá trình áp dụng không phù hợp”, ông Tâm nói. Là ĐBQH từ khóa 12, ông Tâm phản ánh, trong quá trình thảo luận, các ĐBQH đưa ra các ý kiến khác nhau song việc tiếp thu chưa thấu đáo. Từ thực tế trên, các ĐBQH cho rằng, một mặt Chính phủ phải chấn chỉnh kỷ cương, cung cách điều hành. Nhưng mặt khác QH cũng phải thể hiện rõ hơn vai trò của mình. (Theo VietNamnet) Lê Nhung |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét