07:13
Doanh nghiệp nhỏ chết theo “ông lớn”
TP - Kết quả khảo sát mới đây Phòng
Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho thấy, nhiều doanh nghiệp (DN)
nhỏ và vừa Việt Nam chết theo DN lớn, vì bị DN lớn nợ nần dây dưa. “Nếu khó
khăn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới, không biết còn bao nhiêu DN rời khỏi
thị trường”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI than với Tiền Phong.
DN nhỏ chết
theo DN lớn
VCCI vừa có khảo sát
về tình hình của DN vừa và nhỏ ở một số địa phương và TPHCM, kết quả ra sao,
thưa ông?
Kết quả khảo sát cho thấy hầu hết các
DN vừa và nhỏ gặp rất nhiều khó khăn. Có 30% DN vừa và nhỏ đã phải giải thể,
rời khỏi thị trường, 70% DN còn lại đang hết sức khó khăn.
Số DN thua lỗ rất lớn, trong khi số DN
báo lãi trong những tháng qua không nhiều. Những DN trụ được đến nay, là nhờ
vẫn còn “lương khô” tích lũy từ những năm trước để duy trì hoạt động.
Nhưng nếu tình hình khó khăn tiếp tục
kéo dài, các khoản tích lũy này sẽ không còn nữa. Khi đó không biết tình hình
DN giải thể, đóng cửa sẽ thế nào nữa.
Kết quả thăm dò của
VCCI cho thấy, thời gian vừa rồi có rất nhiều DN vừa và nhỏ làm thầu phụ cho
các DN lớn làm các công trình lớn của nhà nước gặp khó khăn, do bản thân các
DN lớn không minh bạch về thông tin tài chính. Vì thế, khi DN nhỏ đã bỏ tiền
ra làm phần việc hoặc cung cấp vật tư cho DN lớn thì bị nợ nần, không đòi
được nợ và chết theo các DN lớn nợ nần nhiều hơn.
Cuộc khảo sát cho thấy, một bộ phận DN
nhỏ và vừa có quản trị doanh nghiệp tốt về tài chính và có biện pháp ngăn
ngừa rủi ro tốt, và không bị ảnh hưởng gì do chỉ đầu tư vào lĩnh vực cốt lõi.
Còn điểm yếu dễ nhận thấy của các DN
Việt Nam là chưa có yếu tố nền tảng trong quản trị, hiện nhiều DN vẫn quản
trị kiểu gia đình, thiếu sự quản trị hiện đại nên khi có sự thay đổi về nhân
sự dễ đổ vỡ. Như trường hợp chuyển giao thế hệ không thành công vừa qua ở FPT
là khá điển hình.
Nên giảm thuế
TNDN về 20%
Theo ông, trong bối
cảnh hiện nay VCCI kiến nghị gì với Chính phủ để giúp DN phục hồi và phát
triển?
Điều cần làm hiện nay là việc giảm thuế
thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Thuế TNDN của ta đang cao hơn so với các nước
trong khu vực. Như Thái Lan họ đã giảm thuế từ 30% xuống còn 23%.
Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài
Loan (Trung Quốc) đã giảm thuế TNDN với DN vừa và nhỏ còn 17%, trong khi của
ta hiện ở mức 25%. Theo tôi thuế TNDN của chúng ta nên giảm xuống còn 20% là hợp
lý.
Cũng có ý kiến cho rằng giảm thuế TNDN
vào lúc này không có ý nghĩa do DN không có lãi thì đâu phải nộp thuế TNDN.
Đây là quan điểm không đúng.
Hỗ trợ DN không phải là chỉ hỗ trợ cho
DN gặp khó khăn mà phải hỗ trợ cho cả DN có năng lực cạnh tranh chung của nền
kinh tế đang hoạt động tốt để họ vượt lên, quay lại đóng góp cho nền kinh tế
và bù cho những DN rút khỏi thị trường. Còn nếu hỗ trợ đại trà cho cả DN yếu
thì khi rút hỗ trợ, buông ra là họ chết.
VCCI kiến nghị cần giảm thuế thuê đất,
có lộ trình tăng tiền lương tối thiểu cho người lao động, giúp DN tiếp cận
tín dụng…Với việc tăng tiền lương phải có lộ trình phù hợp với sự vươn lên
cũng như sức chịu đựng và sự chuyển đổi cơ cấu lao động trong DN.
Hiện 5 hiệp hội sử dụng nhiều lao động
nhất, tới 3 triệu lao động, và chiếm tới 35% kim ngạch xuất khẩu, như giày
da, dệt may, đồ gỗ, bông vải sợi và giày dép cũng có kiến nghị lộ trình tăng tiền
lương trong 3 năm, mỗi năm một lần tăng 15% để DN đưa vào lộ trình kinh doanh
chứ không phải thích tăng là tăng vừa qua khiến DN không có nguồn thực hiện.
DN còn khó
khăn 1-2 năm tới
Việc các DN đóng cửa
nhiều như vậy có nguyên nhân nào từ chính sách vĩ mô hay không?
Có chứ. Trong những năm qua thị trường
bất động sản, thị trường tài chính và chứng khoán phát triển bong bóng, trong
khi chúng ta lúng túng trong việc kiểm soát thị trường này.
Chúng ta không hạn chế, dự báo được giá
đất đai bị đẩy lên “trên trời” và không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn,
cảnh báo kịp thời cho DN. Vì vậy, DN lao theo đà đầu cơ đó và bị sa lầy, DN
nọ khó khăn lây truyền sang DN kia.
Ông có dự báo gì về
tình hình của các DN trong các năm tới?
Dự báo trong vòng 1- 2 năm tới DN còn
gặp nhiều khó khăn do chưa có nhân tố đột biến gì do đầu tư công vẫn phải
thực hiện kiểm soát chặt chẽ, việc tiếp cận vốn tín dụng vẫn tiếp tục khó
khăn.
Thị trường chứng khoán thì sẽ tiếp tục
ảm đạm, nên việc huy động vốn từ thị trường này là khó trong khi đầu tư nước
ngoài đang chững lại.
Cảm ơn ông!
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét