Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012


20:17
Khống chế lãi của EVN qua giá điện


TP - Với lợi nhuận thu được nhờ mua được nguồn điện giá rẻ, EVN cũng phải tính dần tới việc giảm giá điện, và mức lãi của EVN cần được khống chế thông qua áp đặt giá sàn, giá trần, không để ngành điện thu lợi quá lớn. Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia khi trao đổi với PV Tiền Phong.

Trong hơn một tháng kể từ khi thị trường điện cạnh tranh vận hành, EVN thu lợi khá nhiều nhờ mua được nguồn điện giá rẻ hơn.
EVN cần minh bạch lộ trình xóa lỗ
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, dư luận phần nào chia sẻ với ngành điện do phải gánh số tiền lỗ khá lớn bị treo lại từ các năm trước chưa được tính vào giá điện khiến hoạt động của ngành gặp khó khăn.
Nhưng ở góc độ thị trường, khi hoạt động trong bối cảnh có lợi nhuận cao thì EVN cũng phải tính tới việc giảm giá điện nếu các yếu tố đầu vào giảm.
Theo ông Phong, để hoạt động được minh bạch và được sự ủng hộ cao của dư luận, khi có lãi EVN cần đưa ra lộ trình về thời hạn với những con số tính toán lộ trình lãi như thế thì bao giờ đủ bù lỗ số tiền còn treo của các năm trước.
Còn với mức lãi như hiện nay, chắc chắn EVN sẽ sớm xóa được các khoản lỗ treo đó.
“Khi EVN xóa được các khoản lỗ treo thì Nhà nước phải định giá tối thiểu và tối đa cho EVN. Việc định giá sàn nhằm EVN buộc phải bán ở mức đó để không bị lỗ. Từ mức giá sàn này, EVN được tính lãi theo chi phí định mức và Nhà nước sẽ đề ra mức giá trần không để EVN thu lợi quá lớn từ việc giá điện liên tục tăng. Những khoản thu vượt trội phải được đưa vào ngân sách. Còn nếu Nhà nước muốn thu ngân sách thì sẽ phải cộng vào chi phí giá điện và phải công bố công khai”- Ông Phong kiến nghị, và cho biết thêm:
Nếu EVN tổ chức tốt thì sẽ có những mức giá chào bán điện khác nhau giúp doanh nghiệp tăng được sản lượng và tiết kiệm tăng, còn Nhà nước và doanh nghiệp không được lợi.
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, trong tình hình cuộc sống của người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn, thu nhập thực tế giảm sút, việc tăng giá các hàng hóa, dịch vụ cần hết sức thận trọng.
Điện là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, dù giá có tăng bao nhiêu thì người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận do không có mặt hàng thay thế. Nhưng người tiêu dùng không thể chấp nhận những áp đặt thiếu minh bạch, không hợp lý.
“Giá điện chỉ có thể tăng khi vật tư đầu vào tăng nhưng cũng không được tăng để lấy tiền bù lỗ cho các hoạt động quản lý yếu kém và để trả lương không hợp lý của ngành điện. Muốn người tiêu dùng thông cảm, ngành điện cần công khai minh bạch hoạt động của mình. Khi có điều kiện thì phải hạ giá”- ông nói.
Xem xét phân bổ lỗ treo của EVN vào giá điện
TS Phạm Minh Thụy, Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng cần cải tổ cơ cấu thị trường để thị trường hoạt động hiệu quả hơn nữa.
Theo đó, trên cơ sở nhận diện rõ thị trường sản phẩm điện, không nên coi điện là sản phẩm quan trọng mà có những biện pháp can thiệp bằng mệnh lệnh.
Cần hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, giảm tỷ trọng của EVN trong khâu phát điện để tránh vị trí chi phối thông qua cổ phần hóa các nhà máy phát điện.
“Về mặt tổ chức, cần cơ cấu lại ngành điện, trước mắt tách Cục Điều tiết Điện thành một cơ quan độc lập, không nằm trong Bộ Công Thương. Có như vậy mới đảm bảo công bằng trong cạnh tranh giữa các nhà máy phát điện độc lập nằm ngoài EVN và bản thân EVN" - ông Thụy nói.
Trong văn bản gửi báo Tiền Phong trả lời về những vấn đề của thị trường điện cạnh tranh, Bộ Công Thương cho rằng, cơ chế huy động các nhà máy hoàn toàn dựa trên giá chào bán của các nhà máy trên thị trường, việc so sánh tăng giảm công suất phát giữa các nhà máy điện không có ý nghĩa do hai cơ chế huy động trước và sau khi có thị trường điện là khác nhau.
“Tương tự, việc đánh giá chi phí và lợi nhuận của EVN cũng như các đơn vị tham gia thị trường điện không thể xác định ngay sau một tháng vận hành thị trường điện mà phải dựa trên kết quả vận hành trong thời gian cả một năm”- Bộ Công Thương cho biết.
Bộ Công Thương đang cùng Bộ Tài chính xem xét, cân nhắc mức độ và thời điểm phân bổ các khoản lỗ còn treo của EVN các năm trước vào giá điện.
Việc phân bổ các khoản lỗ treo này sẽ được tính toán kỹ lưỡng để ảnh hưởng ít nhất tới các mục tiêu về kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, đồng thời sẽ trình và xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.
(TPO) Phạm Tuyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét